Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2022

Giảng viên đại học: Người 10 triệu, người 200 triệu/tháng

Theo tôi, giáo dục bây giờ cũng hoạt động theo quy luật thị trường rồi, cũng theo quan hệ cung cầu, chứ không còn là giáo dục phi lợi nhuận như ngày xưa. Mỗi giảng viên có giá trị hay không phải do chính các sinh viên đánh giá hay các doanh nghiệp, tổ chức (khách hàng sử dụng sản phẩm đào tạo của họ) đánh giá và từ đó xác định được mức thu nhập tương xứng, chứ không phải cứ dốt nát mà đòi được thu nhập cao. Nếu xác định không giỏi, kiến thức chuyên môn không được xã hội coi trọng thì phải giảng viên cần phải làm thêm công việc khác để tăng thêm thu nhập là bình thường. Sợ nhất là mấy ông thầy không chịu học hỏi, không chịu tìm tòi, bao nhiêu năm vẫn dạy theo lối mòn rồi đòi nhà trường phải trả lương thế này, xã hội phải tôn vinh thế kia thì mãi mãi bản thân họ không khá lên được và ảnh hưởng đến cả nền giáo dục cũng như xã hội. Tôi cho rằng ngày nay các nhà giáo ở cấp đại học cũng đã có thu nhập khá tốt, đảm bảo được cuộc sống bình thường chứ không khó khăn như trước đây.
Giảng viên đại học công lập: Người hơn 10 triệu, người 200 triệu/tháng
Tuỳ trường đại học công tác, bằng cấp, vị trí làm việc mà giảng viên có thu nhập khác nhau. Cùng trình độ có người nhận hơn 10 triệu/tháng, nhưng có người nhận hàng trăm triệu/tháng.

Chia sẻ với VietNamNet, một thạc sĩ công tác ở một trường ĐH thành viên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho hay hiện ở trường ông, mức lương là hệ số nhân với mức lương bản nhà nước quy định. Còn thu nhập thì vô chừng, vì có thu nhập từ nghiên cứu khoa học nhưng năm có, năm không và tiền giảng dạy. Riêng tiền giảng dạy, hiện nhà trường trả 60.000 đồng/tiết.

Có hơn 23 năm công tác, với trình độ thạc sĩ, ông cho biết nếu chỉ tính lương thì hiện nhận được 10,6 triệu/tháng. Khoản 10,6 triệu đồng = Lương + phụ cấp chức vụ + phụ cấp thâm niên + phụ cấp ưu đãi+ phụ cấp vượt khung = [HS lương + HS chức vụ + (HS lương + HS chức vụ ) x % phụ cấp thâm niên + (HS lương + HS chức vụ ) x % Phụ cấp ưu đãi + (HS lương + hệ số chức vụ) x % phụ cấp vượt khung] x lương. Đối với tiền giảng dạy, ông được khoảng 5 triệu đồng (1 tiết được trả 60.000 đồng). Như vậy tổng thu nhập 1 tháng thấp nhất được khoảng 16 triệu đồng.

Còn tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, cách đây 5 năm (2017), theo một điều tra về thu nhập, trong số 984 giảng viên của trường có khoảng 70 người có mức lương dưới 4 triệu đồng/tháng.

Mức dưới 4 triệu đồng/tháng là mức lương theo quy định, còn ngoài ra giảng viên còn có thêm thu nhập khác như dạy thêm ngoài giờ, tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học (trả trực tiếp...).

Giảng viên ở đại học 'tự chủ' lương bao nhiêu?

Thu nhập của giảng viên ở những trường đại học đã tự chủ lại “khấm khá” hơn rất nhiều so với những trường còn dựa vào ngân sách nhà nước. Mức thu nhập đảm bảo cho họ đủ cuộc sống, thậm chí còn cao hơn nhiều cán bộ cao cấp.

Cuối năm 2013, thu nhập bình quân của khối viên chức hành chính trong Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã đạt 10,5 triệu đồng/tháng, thu nhập của khối giảng viên và nghiên cứu viên đạt 14 triệu đồng/tháng. Đến cuối 2014 thu nhập trung bình của nhân viên, viên chức hành chính nhà trường này là 10,892 triệu đồng/ tháng. Thu nhập trung bình của khối nghiên cứu viên và giảng viên là 14,96 triệu đồng/ tháng.

Đến tháng 12/2018, thu nhập của giảng viên, viên chức đã được nâng lên hơn 50% so với con số cuối 2013 với mức trung bình là 17 triệu đồng/ tháng. Đến năm 2020, lương bình quân 1 tháng viên chức giảng dạy 23,7 triệu đồng, viên chức hành chính 22,5 triệu đồng, lao động giản đơn 13,4 triệu đồng. Trong khi đó, lương của các lãnh đạo trường này cao hơn rất nhiều thậm chí đến cả hàng trăm triệu.

Tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, vào năm 2019, tức chỉ sau 3 năm thực hiện thí điểm tự chủ, ngân sách tự có của trường đã tăng 25%, còn thu nhập bình quân của cán bộ giảng viên tăng 150%. Thu nhập bình quân của phó giáo sư là 63 triệu đồng/tháng. Còn tiến sĩ, mức thu nhập bình quân khoảng 40 triệu đồng/tháng. Nhiều tiến sĩ có thu nhập từ 70-80 triệu đồng/tháng, thậm chí tới 200 triệu/tháng. Đặc biệt thu nhập bình quân của cán bộ giảng viên chỉ sau 3 năm tự chủ đã tăng từ 15 triệu/tháng lên 22 triệu/tháng. Nhà trường trả chi phí trả cho người dạy mỗi tiết là 300.000 đồng, như vậy một tiến sĩ nếu dạy một ngày dạy đủ 8 tiết đã có thu nhập hơn 2 triệu đồng/ngày.

Một thạc sĩ công tác ở một trường ĐH đã tự chủ ở TP.HCM, nhìn nhận thu nhập ở trường của ông cũng cao hơn các trường đại học khác đó là điều đương nhiên khi thực hiện tự chủ tài chính.

“Cá nhân tôi làm việc khoảng 20 năm, có bằng thạc sĩ, thu nhập khoảng 30 triệu đồng/tháng”- ông nói. Tổng mức này bao gồm các khoản lương cơ bản theo quy định của nhà nước (khoảng 9,5 triệu/tháng); thu nhập tăng thêm (khoảng 12,5 triệu/tháng) + thu nhập từ trách nhiệm trưởng phòng, các khoản khác (khoảng 8 triệu/tháng).

Theo ông đối với những giảng viên trẻ, khi mới vào trường thì hưởng lương 75% trong những tháng thử việc với mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng, hết giai đoạn tập sự thì lên khoảng 15 triệu/tháng. Còn những giảng viên có trình độ tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư thì khoảng 25 triệu đồng đến 50 triệu đồng/tháng, tuỳ vào thâm niên công tác. Còn mức thu nhập bình quân chung ở trường là khoảng 17 triệu đồng/tháng.

Ngoài thu nhập như trên thì giảng viên còn có thu nhập khác từ nghiên cứu khoa học, các công tác hỗ trợ sinh viên, (theo dõi việc học hành của sinh viên, theo dõi quá trình thực tập,....), tiền vượt giờ…

Nhà trường quy định một giảng viên sẽ phải dạy khoảng 280 tiết - 300 tiết/ năm, còn nếu dạy quá thì được tính là vượt giờ. Đối với tiền dạy vượt giờ, thạc sĩ được trả 90.000 đồng/ tiết, tiến sĩ là 120.000 đồng/tiết, phó giáo sư là 160.000 đồng/tiết. Như vậy nếu làm việc hiệu quả thì thu nhập ở trường hoàn toàn đảm bảo mức sống ở TP.HCM hiện nay.

Lê Huyền
https://vietnamnet.vn/giang-vien-dai-hoc-cong-lap-nguoi-hon-10-trieu-nguoi-200-trieu-thang-2023719.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét