Thứ Hai, 16 tháng 5, 2022

Người Việt lười đọc sách, vì sao?

Tôi thích nhất 2 việc: Một là đi bộ lang thang khắp những nơi có cảnh đẹp, nhất là leo núi và xuống biển. Hai là đọc sách và truyện. Bây giờ già rồi, không muốn làm việc nên tôi không đọc sách mà đọc truyện. Thông thường mỗi tuần tôi đọc 1 cuốn khoảng 400-500 trang, đi đâu trong túi cũng có 1 quyển truyện để lúc rảnh lấy ra đọc.
Người Việt lười đọc sách, vì sao?
13/05/2022 TTO - Mỗi năm, một người Việt Nam đọc bình quân khoảng 1 cuốn sách. 80% người trong độ tuổi 20-30 không đụng đến sách suốt một năm. Vì sao người Việt ít đọc sách như vậy?

Các đại biểu tham gia buổi tọa đàm - Ảnh: HỮU HẠNH

Rất nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho tình trạng này trong tọa đàm "Xây dựng thói quen đọc sách của người Việt" do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Trường đại học Hoa Sen tổ chức chiều 13-5.

Chưa được nuôi dưỡng thói quen đọc sách

Đọc sách có nhiều lợi ích trong việc phát triển ngôn ngữ, tư duy, đạo đức, kiến thức, vì sao người Việt Nam đọc sách ít, nhất là người trẻ? Nhiều ý kiến chỉ ra rằng có rất nhiều nguyên nhân cho vấn đề này, trong đó có gia đình, trường học, bản thân mỗi người cũng như điều kiện hình thành thói quen đọc sách.

Từ thực tế đọc sách của mình, một sinh viên nêu quan điểm Việt Nam là quốc gia nông nghiệp, trải qua chiến tranh. Người dân phải lao động để sống thì không có nhiều thời gian để quan tâm đến sách. Đây là vấn đề liên thế hệ.

Ông bà, cha mẹ không có thói quen đọc sách thì con cũng không được nuôi dưỡng thói quen đọc sách từ nhỏ. Thường người ta đọc sách cho bé trước khi đi ngủ để vừa truyền kiến thức và nuôi dưỡng thói quen đọc sách từ nhỏ.

Tương tự, ông Lê Hoàng - phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM - cho rằng tình trạng này là hệ quả của việc thiếu quan tâm, nuôi dưỡng thói quen đọc sách từ nhỏ cho trẻ. Trường học không có tiết đọc sách chính thức, gia đình chưa quan tâm xây dựng và phát triển thói quen đọc sách cho con từ sớm.


Ông Lê Hoàng - phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM - nêu thực trạng và lý giải nguyên nhân người Việt ít đọc sách - Ảnh: HỮU HẠNH

Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng chương trình và phương pháp dạy văn trong trường học hiện nay làm thui chột sự yêu thích với sách, tác phẩm văn học. Khi được hỏi nhớ nhất tác phẩm văn học nào trong chương trình phổ thông, một sinh viên trả lời đó là tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa.

Sinh viên này nói nhớ vì không thích tác phẩm này nhất, chứ không phải vì nó hay nhất! Ghét vì không đồng tình với cách giáo viên hướng dẫn đồng cảm với sự cam chịu bạo lực gia đình! Một học sinh giỏi văn quốc gia cho rằng dù có quan điểm trái chiều nhưng cũng không thể đưa vào bài thi học kỳ nhiều được vì như vậy chắc chắn điểm sẽ rất thấp.

"Phương pháp dạy hiện nay bắt buộc học sinh ghi chép những ý tưởng có trước, những điều có sẵn. Tiếng nói thầm kín, trái chiều của học sinh chưa được lắng nghe nên không còn sự sáng tạo về môn văn nữa" - học sinh này nói thêm.

Đồng tình với quan điểm này, bà Hoàng Thị Thu Hiền - nguyên giáo viên văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) - cho rằng người ra xây nhà cần nền móng chắc trong khi dạy văn không có móng, chỉ xây ở trên thôi. Phương pháp như vậy sẽ giết chết niềm đam mê, tâm hồn, ước mơ của học sinh, biến học sinh thành thợ chắp vá lành nghề.

Thích ứng thói quen đọc của giới trẻ


Sinh viên này đề xuất các nhà xuất bản có thể nghiên cứu để có các loại sách trực quan, phù hợp với xu thế giới trẻ hơn - Ảnh: HỮU HẠNH

Trao đổi tại tọa đàm, ông Bùi Xuân Đức - giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM, giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp - kể lại: "Thời đầu những năm 1980, tivi hầu như không có gì coi nên tôi phải đọc sách, chủ yếu là sách lịch sử. Thậm chí không dám đọc hết, phải để dành hôm sau đọc tiếp".

"Ngày nay nhu cầu và cách thức đọc sách của bạn đọc đã khác nên thư viện cũng cố gắng tạo ra không gian đọc phù hợp, đọc sách kết hợp với vẽ tranh, sân khấu hóa để thu hút trẻ em" - ông Đức nói.

Trong khi đó, một sinh viên cho rằng sinh viên ngày nay cũng chịu áp lực học hành, thi cử nhiều nên thích xem mạng xã hội vì các sản phẩm ở đây ngắn và trực quan. Để đọc một cuốn sách dài toàn chữ phải mất nhiều thời gian, suy ngẫm.

"Các nhà xuất bản có thể nghiên cứu để có các loại sách trực quan, phù hợp với xu thế giới trẻ hơn" - sinh viên này đề xuất.


Nhà báo Lê Xuân Trung - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ: "Nếu như có sách hay, được truyền cảm hứng thì không có lý do gì lo ngại tuổi trẻ không đọc sách" - Ảnh: HỮU HẠNH

Nhà báo Lê Xuân Trung - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - kể trong buổi nói chuyện về sách với học sinh lớp 9 một trường tại TP.HCM đã đặt cho học sinh câu hỏi: 3 nỗi sợ lớn nhất của con người hiện nay là gì? Có 2 bạn trả lời chính xác vì vừa đọc xong cuốn sách của nhà sử học Yuval Noah Harari. Có bạn còn đọc, nghiên cứu rất kỹ hết cả ba cuốn sách nổi tiếng của nhà sử học này.

"Nếu như có sách hay, được truyền cảm hứng thì không có lý do gì lo ngại tuổi trẻ không đọc sách. Sách kho tàng tri thức giúp chúng ta giải quyết những vấn đề hiện nay, nhất là khi công nghệ phát triển làm chúng ta bối rối, lo ngại trong hiện tại và tương lai" - ông Trung nêu quan điểm.

Tương tự, PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy - hiệu trưởng Trường đại học Hoa Sen - cho rằng sách không chỉ là người bạn, sách mở ra cả thế giới cho thầy trò và người đọc những kiến thức quý báu trong chặng đường trải nghiệm cuộc sống.

"Xây dựng thói quen đọc sách sau đó hình thành văn hóa đọc sách là điều rất quan trọng. Hằng tháng thư viện trường cập nhật sách mới để sinh viên có thể đọc. Câu lạc bộ đọc sách khai phóng của trường cũng là môi trường để sinh viên sinh hoạt, hình thành và phát triển thói quen đọc cho mình " - bà Thúy nói.


Nhà báo Lê Xuân Trung - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ (bìa trái) và PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy - hiệu trưởng Trường đại học Hoa Sen (bìa phải) tặng hoa cho các khách mời tại chương trình - Ảnh: HỮU HẠNH

Lớp 2 phải xây dựng kế hoạch phát triển văn hóa đọc cho cộng đồng!

Tại buổi tọa đàm, một diễn giả đưa ra đề một cuộc thi về văn hóa đọc dành cho học sinh lớp 2. Đề yêu cầu chia sẻ cảm nhận về một cuốn sách, xây dựng kế hoạch hành động phát triển văn hóa đọc cho cộng đồng, tình yêu dân tộc, đất nước…

Diễn giả này cho rằng sinh viên còn khó hoàn thành, học sinh lớp 2 sao có thể làm được.

Chia sẻ quan điểm về việc này, ông Lê Hoàng cho rằng yêu cầu chia sẻ về một quyển sách yêu thích và đã đọc là điều hợp lý. Học sinh có thể viết lý do vì sao họ thích cuốn sách đó. Cùng một cuốn sách, mỗi học sinh có lý do thích khác nhau và đó là cái riêng của mỗi người.

Tuy nhiên yêu cầu khái quát lên vấn đề yêu Tổ quốc, yêu đồng bào như kiểu văn mẫu như vậy làm cho cuộc thi bị "sượng".

https://tuoitre.vn/nguoi-viet-luoi-doc-sach-vi-sao-20220513182509705.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét