Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2022

Tài xế công nghệ rơi thảm cảnh, phải bán tháo xe

Đọc đoạn tâm sự này của anh Tuấn thấy thương anh em lái xe quá: "Làm tài xế là nghề mơ ước của tôi nhưng nếu cứ thế này thì gia đình tan nát mất. Mua xe tưởng đổi đời ai ngờ suýt nữa mất vợ". Mà cũng lạ, đọc sách báo tôi thường thấy viết phụ nữ VN thường an phận thủ thường, lấy chồng rồi chỉ muốn ổn định cuộc sống và cố gắng chăm lo cho chồng cho con... Nhưng thực tế hình như khác hẳn. Tôi thấy phụ nữ bây giờ ham hố nhiều thứ lắm, từ tiền bạc, danh vọng, bằng cấp tới cả những chức vụ cao trong cơ quan Đảng và Nhà nước hay doanh nghiệp. Vì tham vọng nhiều, nên họ nhìn ông chồng quanh năm chạy lo kiếm tiền nuôi vợ nuôi con như những kẻ bần tiện, dốt nát và do đó sẵn sàng ly hôn chồng mỗi khi có xung khắc. Tôi cảm tưởng thời nay dường như phụ nữ chủ động ly hôn chứ không phải nam giới. đặc biệt hầu hết các vụ ly hôn của người thân, bạn bè, đồng nghiệp của tôi đều do phụ nữ chủ động. Theo một nghiên cứu của Hiệp hội Xã hội học Mỹ, phụ nữ thường chủ động hơn nam giới để đưa ra quyết định ly hôn; cụ thể phụ nữ là người khơi mào 69% các vụ ly hôn, so với 31% của nam giới. Tỷ lệ này ngang bằng nhau đối với những cặp sống chung nhưng không kết hôn. Thật xấu hổ cho nam giới ngày nay vì không biết cách trở thành cái thang để vợ trèo hái quả ngọt. Nhưng nam giới hãy dũng cảm lên, vợ thích ở với ta thì ở, vợ không thích ở thì cứ cho vợ đi, đừng buồn quá làm gì. Tìm được vợ mới hợp với mình thì tốt, mà không tìm được thì vẫn có nhiều cách để sống vui, sống khỏe; lo buồn quá làm gì cho khổ.
Tài xế công nghệ rơi thảm cảnh, phải bán tháo xe,"chạy làng" thời bão giá
Xuân Hinh 20/05/2022 - (Dân trí) - Sau 8 năm chạy xe công nghệ, anh Tuấn phải bán xe trả nợ và níu kéo cuộc hôn nhân đang đứng trước bờ vực thẳm... Xăng tăng, cước phí tăng, hãng xe thu lợi? Nhiều khu vực trung tâm nhưng rất khó đặt xe công nghệ trong những ngày qua.

Ông T. cho biết, từ khi xăng tăng giá, nhiều
tài xế xe công nghệ đã bỏ việc, bán xe.
Hơn một tuần trở lại đây, việc đặt xe công nghệ tại nhiều khu vực ở TPHCM gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí, có những khu vực thường xuyên có nhiều xe công nghệ đậu sẵn như sân bay Tân Sơn Nhất (Tân Bình), khu Đầm Sen, Khu chung cư cao cấp trên đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp)... mà việc đón xe cũng không dễ dàng. Có hành khách phải đợi từ 30 - 60 phút mới có thể đặt được một chuyến đi chỉ khoảng 10km.

Theo chia sẻ của tài xế N.T.T (chạy xe công nghệ đã 5 năm), hàng loạt tài xế xe công nghệ đã nghỉ khi giá xăng tăng cao nhưng không được các hãng công nghệ hỗ trợ. So với trước đây, thu nhập của tài xế xe công nghệ đã giảm từ 40 - 60% nên nhiều tài xế đành bỏ cuộc.

"80% anh em mua xe trả góp giải tán hết rồi. Không đủ tiền trả ngân hàng và lo chi phí bảo trì xe. Xe 4 chỗ còn đỡ, xe 7 chỗ giờ chạy xe công nghệ thì có khi chỉ đủ ăn 2 bữa, thậm chí lỗ. Có ông bạn tôi đi xe 7 chỗ ngày đổ hết 1,2 triệu tiền xăng nhưng thu nhập chỉ 1,1 triệu đồng/ngày", ông T. tâm sự.

Theo ông T., từ khi xăng tăng giá, hãng xe công nghệ lên truyền thông nói sẽ hỗ trợ cho tài xế nhưng thực tế chưa có hỗ trợ nào. Khi xăng tăng giá, hãng xe có tăng giá cước vận chuyển nhưng phần trăm thu của tài xế vẫn không giảm.

"Giờ thiếu xe nhiều lắm, do hãng thu phí quá cao, tính cả thuế nữa là 37%. Hãng tăng giá cước thì phần trăm của tài xế vẫn không thay đổi, việc tăng giá chỉ tăng thêm lợi nhuận cho hãng mà thôi. Giờ muốn có thu nhập như ngày trước, chúng tôi phải chạy nhiều hơn. Ngày trước thu nhập một triệu đồng/ngày thì giờ chỉ 500.000 đồng, mệt mỏi lắm", ông T. nói thêm.

"Lái xe là nghề mơ ước của nhưng như này gia đình tan nát mất"

Là một người từng chạy xe công nghệ, anh N.H. Tuấn (quê Thái Bình) cho rằng, nhiều tài xế xe công nghệ phải từ bỏ công việc từng "hái ra tiền" vì xăng tăng và chi phí tăng cao. Năm 2019, sau 5 năm chạy xe ôm công nghệ, anh Tuấn dành dụm được gần 200 triệu đồng, anh quyết định mua xe hơi trả góp để kiếm kế mưu sinh.

"Khi ấy, tôi thấy anh em chạy xe hơi làm ăn rất tốt, có người bỏ túi 20 triệu đồng mỗi tháng. Sau vài ngày suy nghĩ, tôi quyết định mua xe hơi hơn 800 triệu đồng, vay ngân hàng 500 triệu đồng, mỗi tháng trả góp khoảng 10 triệu đồng. Chạy được vài tháng thì dịch ập tới, từ đó bi kịch cũng bắt đầu đổ xuống gia đình tôi", anh Tuấn nhớ lại.

Thời điểm dịch phải nghỉ chạy xe, anh Tuấn phải vay mượn khắp nơi để kiếm tiền trả ngân hàng. Việc túng thiếu trong chi tiêu khiến gia đình anh bức bối, phát sinh mâu thuẫn, rạn nứt, vợ anh thường xuyên trách mắng anh vì quyết định "nông nổi" khi mua xe trả góp. Mái ấm gia đình có vợ đợi cơm chồng chạy xe ôm công nghệ về mỗi tối nay thay bằng những trận cãi vã.

"Mình mua xe cũng muốn có công việc tốt hơn để mưu sinh nuôi vợ con nhưng khó khăn khi dịch ập đến ai lường trước được, nhiều người cùng cảnh ngộ chứ đâu riêng mình. Tuy vậy, vợ tôi lại không hiểu, thường xuyên trách móc khiến tôi mất ngủ triền miên. Ai chịu cảnh xa quê, tha phương cầu thực như tôi mới hiểu cảm giác bị vợ ruồng rẫy nặng nề, bức bối đến mức nào", người đàn ông 35 tuổi tâm sự.

Do vợ chồng thường xuyên cãi vã vì nợ nần, sau dịch, anh Tuấn chạy xe từ sáng sớm tới tối mịt mới về phòng trọ. Khi thấy chồng thường xuyên vắng nhà, tiền bạc đưa về ngày một ít khiến gia đình ngày càng khó khăn, vợ anh Tuấn bỏ về quê. Nhiều lần năn nỉ không được, anh đành phải "xuống nước".

"Vợ tôi nghĩ tôi không chăm lo gia đình, bỏ rơi vợ con nhưng kỳ thực tôi làm ngày làm đêm để kiếm tiền trả nợ, khi có tiền thì gia đình sẽ đỡ cãi lộn hơn. Vợ tôi cho rằng tôi ra ngoài bồ bịch, mang tiền đi cho gái. Đầu năm vừa rồi, tôi phải bán xe để về quê ở với vợ một thời gian. Giờ tôi đã bán xe để trả nợ rồi, tôi đang xin đi làm công nhân. Làm tài xế là nghề mơ ước của tôi nhưng nếu cứ thế này thì gia đình tan nát mất. Mua xe tưởng đổi đời ai ngờ suýt nữa mất vợ", anh Tuấn thở dài.

https://dantri.com.vn/an-sinh/tai-xe-cong-nghe-roi-tham-canh-phai-ban-thao-xechay-lang-thoi-bao-gia-20220520095806681.htm

https://doanhnhansaigon.vn/thoi-su-quoc-te/phu-nu-chu-dong-ly-hon-hon-dan-ong-1064738.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét