Học phí đại học tăng vọt: Cần 'liệu cơm gắp mắm'
HƯƠNG THU 10/05/2022 - Theo lộ trình đang thực hiện, nhiều trường đại học (ĐH) công lập tự chủ sẽ tăng mạnh học phí từ năm học 2022 - 2023. Người học cần cân nhắc trước khi chọn trường để theo học trong thời gian tới.Mức trần học phí tăng vọt
Mùa tuyển sinh 2022, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến học phí theo các mức: Chương trình Đào tạo chuẩn, dao động từ 22 - 28 triệu đồng/năm; Chương trình ELiTECH dao động từ 40 - 45 triệu đồng/năm. Các chương trình, học phí dao động từ 50 - 60 triệu đồng/năm như: Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (IT-E10, IT-E10x); Công nghệ thông tin Việt - Pháp (IT-EP, IT-EPx); Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (EM-E14, EM-E14x).
Chương trình Tiếng Anh chuyên nghiệp quốc tế dao động từ 45 - 50 triệu đồng/năm; Chương trình Đào tạo quốc tế dao động từ 55 - 65 triệu đồng/năm, Chương trình TROY (học 3 kỳ/năm) dao động từ 80 triệu đồng/năm.
Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP HCM (ĐH Quốc gia TP HCM) công bố mức học phí mới sẽ áp dụng từ năm học 2022-2023. Theo đó, chương trình chuẩn bậc ĐH học phí sẽ có 2 mức thu theo nhóm ngành: khoa học xã hội từ 16 - 20 triệu đồng/năm, nhóm ngành ngôn ngữ và du lịch 21 - 24 triệu đồng/năm.
So với mức học phí năm học 2021 - 2022, HP mới gấp khoảng 1,6 - 2 lần tùy ngành. Tuy nhiên, với chương trình chất lượng cao, học phí cao gấp 3 lần chương trình chuẩn, là 60 triệu đồng/năm học gồm các ngành: quan hệ quốc tế, báo chí, ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Trung Quốc, Nhật Bản học, ngôn ngữ Đức, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành.
Với chương trình liên kết quốc tế 2+2 sẽ có mức học phí 2 năm đầu ở Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM như sau: Ngành truyền thông và ngành quan hệ quốc tế liên kết với Trường ĐH Deakin có mức học phí 60 triệu đồng/năm học. Ngành ngôn ngữ Anh liên kết với Trường ĐH Minnesota Crookston có mức học phí là 82 triệu đồng/năm học; Ngành ngôn ngữ Trung Quốc liên kết với Trường ĐH Sư phạm Quảng Tây có mức học phí là 45 triệu đồng/năm học.
Trường ĐH Bách khoa TP HCM, với chương trình chất lượng cao, tiên tiến giảng dạy bằng tiếng Anh, sẽ được thu theo Đề án định mức Kinh tế-Kỹ thuật của nhà trường.
Dự kiến, học phí chương trình chất lượng cao năm 2022-2023 là 72 triệu đồng/năm và năm 2023-2024 là 80 triệu đồng/năm. Đối với chương trình chất lượng cao tăng cường tiếng Nhật, học phí dự kiến năm 2022-2023 là 55 triệu đồng/năm và 2023-2024 là 60 triệu đồng/năm.
Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch dự kiến áp dụng mức thu học phí năm học 2022 - 2023 từ 41 triệu đồng đến gần 44,5 triệu đồng. Với mức thu này trường tăng khoảng 12 triệu so với năm trước.
Trên thực tế, việc tăng học phí của các trường đang áp dụng theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ ban hành năm 2021. Theo đó, từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025 - 2026, mức trần học phí ĐH sẽ tăng đều mỗi năm.
Cụ thể, năm học 2022 - 2023, học phí chương trình đại trà trường chưa tự chủ khối ngành y dược có mức tăng cao nhất so với năm trước đó (tới trên 71%); sẽ từ 14,3 triệu đồng/năm nay lên 24,5 triệu đồng/năm. Các khối ngành còn lại hầu hết tăng từ 20 - 30% so với năm học trước đó (trừ khối ngành khoa học sự sống, khoa học tự nhiên mức tăng trên 15%). Đặc biệt, các trường ĐH tự chủ được xác định học phí tối đa bằng 2 - 2,5 lần so với mức trần các trường chưa tự chủ.
Như vậy, năm học 2022 - 2023 các trường tự chủ khối ngành y dược sẽ có mức học phí từ 49 đến hơn 60 triệu đồng/năm. Khối ngành thấp nhất như nghệ thuật cũng từ 24 - 30 triệu đồng/năm.
Trong khi đó, từ 23 trường ĐH được thí điểm đề án tự chủ giai đoạn 2014 - 2017, đến nay hàng loạt trường ĐH công lập khác cũng chuyển sang tự chủ theo tinh thần luật Giáo dục sửa đổi năm 2018.
Thí sinh cân nhắc
Đại diện trường ĐH Khoa học tự nhiên TP HCM cho biết trong một trường, việc tăng học phí giữa các ngành trong cùng trường có thể không giống nhau. Đơn cử như tại trường ĐH Khoa học tự nhiên, sẽ có ngành học phí theo mức trần áp dụng khối ngành khoa học sự sống và khoa học tự nhiên là 27 triệu đồng/năm nhưng sẽ có những ngành học phí thấp hơn khoảng 5 - 6 triệu đồng so với mức trần trên.
Đây cũng là một căn cứ để thí sinh cân nhắc trước khi lựa chọn ngành học phù hợp với năng lực của bản thân, điều kiện tài chính của gia đình.
Đây cũng là lời khuyên của các chuyên gia tuyển sinh đối với thí sinh bởi trong rất nhiều tiêu chí khác nhau để lựa chọn trường ĐH theo học, chi phí học tập cũng là một yếu tố quan trọng. Mặc dù có thể đi làm thêm, nhưng nếu quá đam mê sẽ ảnh hưởng tới thành tích học tập.
ThS Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (TP HCM) cũng lưu ý với các học sinh đang đứng trước ngưỡng cửa vào ĐH đó là hãy tìm hiểu về cơ hội học bổng và việc hỗ trợ chi phí học tập của các trường bên cạnh mức học phí đã công bố.
Các em có thể đặt mục tiêu giành các học bổng hỗ trợ cho sinh viên có thành tích tốt, thuộc nhóm đối tượng ưu tiên nhưng không phải mọi sinh viên đều có thể giành học bổng nên vẫn nên cân nhắc tới khả năng kinh tế của gia đình khi chọn trường. Hiện một ngành có rất nhiều trường đào tạo, thí sinh có thể cân nhắc.
Thầy Nguyễn Thành Long, Phó hiệu trưởng trường THPT Dân tộc Nội trú (Ba Trại, Ba Vì, Hà Nội) cho biết nhà trường năm nay có 141 học sinh lớp 12. Theo khảo sát, có 33 học sinh chọn bài thi tổ hơp khoa học tự nhiên, 108 học sinh chọn bài thi tổ hợp. Đến thời điểm này, đã có hơn 90 học sinh đăng ký thành công trên hệ thống đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến, một số em đang chờ để hoàn thiện việc đăng ký sim điện thoại chính chủ, từ đó nhập dữ liệu lên hệ thống.
“Dự kiến 21/5 nhà trường sẽ tổ chức bế giảng năm học 2021-2022 và đã có kế hoạch ôn tập cho HS lớp 12 theo bài thi tố hợp các em lựa chọn. Mặc dù chưa thống kê có bao nhiêu học sinh sẽ đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ nhưng trong công tác tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp hàng năm, nhà trường đều cố gắng hướng nghiệp cho các em thực chất nhất, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh gia đình. Bởi học sinh trường chúng tôi 100% là người dân tộc, điều kiện gia đình khó khăn nên dù vào ĐH là việc tốt, là niềm vui nhưng cũng cần tính đến chi phí học tập để không đứt gánh giữa đường” - thầy Long
Nhà báo Hoàng Anh Tú nêu lên một thực tế nhiều suy ngẫm: ĐH không phải là con đường duy nhất để thoát nghèo. Nếu như cha mẹ bán hết cả trâu bò lợn gà ở nhà chỉ để gom tiền cho con học ĐH trên thành phố thì thoát nghèo chưa thấy đâu, gia đình lại càng thêm nghèo túng.
http://daidoanket.vn/hoc-phi-dai-hoc-tang-vot-can-lieu-com-gap-mam-5686008.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét