Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2022

Thổ không ủng hộ Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO

Hehe, không biết ông Thổ tính gì khi phản đối Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO. Trong bài này, tác giả viết Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đang có quan hệ tốt với cả Nga và Ukraine, và Thổ muốn đóng vai trò chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, không có bạn bè vĩnh viễn, chỉ có quyền lợi quốc gia vĩnh viễn. Do đó, nếu Thụy Điển và Phần Lan thò ra cái bánh và Mỹ bố thí thêm củ cà rốt, thì chắc Thổ sẽ trở mặt với Nga, không phản đối Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO nữa. Tôi không tin vào người Thổ.
Thổ Nhĩ Kỳ không ủng hộ Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO
13/5/2022 - Tổng thống Erdogan tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ “không có quan điểm tích cực” về việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO. Trong cuộc họp báo sau buổi cầu nguyện tại Istanbul ngày 13/5, khi được hỏi về khả năng Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn gia nhập NATO vào cuối tuần, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nói "chúng tôi không có quan tiểm tích cực" về điều này, đồng thời cáo buộc hai quốc gia Bắc Âu chứa chấp các tổ chức bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong cuộc họp báo tại Istanbul ngày 13/5. Ảnh: Reuters.

Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde nói sẽ thảo luận về khả năng quốc gia này nộp đơn gia nhập NATO với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tại cuộc họp của NATO dự kiến diễn ra ngày 14/5 tại Berlin, Đức. Trong khi đó, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavistosaid bày tỏ hy vọng tiếp tục cuộc thảo luận với Ngoại trưởng Cavusoglu.

Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần chỉ trích các quốc gia Bắc Âu, đặc biệt là Thụy Điển, vì tiếp nhận các nhóm người Kurd bị Ankara coi là tổ chức cực đoan và những người ủng hộ giáo sĩ Fethullah Gulen. Thổ Nhĩ Kỳ đang truy nã ông Gulen, người đang sống tại Mỹ, với cáo buộc chủ mưu vụ đảo chính bất thành năm 2016.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhiều lần khẳng định liên minh sẽ "dang rộng tay chào đón" Thụy Điển và Phần Lan. Tuy nhiên, tuyên bố của Tổng thống Erdogan là phản ứng bất đồng đầu tiên trong NATO trước triển vọng Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh quân sự.

Khi một quốc gia nộp đơn xin gia nhập NATO, họ cần được 30 thành viên hiện tại chấp thuận gia hạn lời mời, sau đó tổ chức các cuộc đàm phán thành viên. Quyết định kết nạp thành viên mới cần được toàn bộ thành viên phê chuẩn.

Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đang có quan hệ tốt với cả Nga và Ukraine, muốn đóng vai trò chấm dứt xung đột và đã đề nghị tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Vladimir Putin và Volodymyr Zelensky.


7 thập kỷ NATO đông tiến ở châu Âu. Bấm để xem chi tiết.

Phần Lan có đường biên giới dài hơn 1.300 km với Nga. Họ trở thành nước trung lập thông qua hiệp ước hữu nghị với Liên Xô năm 1948, với kỳ vọng ngăn tái diễn cuộc chiến Phần Lan - Liên Xô năm 1939 từng khiến hơn 80.000 binh sĩ nước này thiệt mạng.

Xuyên suốt thời Chiến tranh Lạnh, quốc gia Bắc Âu duy trì tôn chỉ không liên kết, bất chấp sức ảnh hưởng từ cả hai khối do Liên Xô và Mỹ dẫn đầu. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Phần Lan dần chuyển trọng tâm đối ngoại sang phương Tây, đánh dấu với quyết định gia nhập EU năm 1995.

Thụy Điển cũng chọn hướng đi tương tự sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, gia nhập EU vào năm 1995 và tăng cường hợp tác với NATO. Thụy Điển đã tránh tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào trong hơn 200 năm qua.

Nguyễn Tiến (Theo AFP)

https://vnexpress.net/tho-nhi-ky-khong-ung-ho-phan-lan-thuy-dien-gia-nhap-nato-4463240.html

Thổ Nhĩ Kỳ dọa phủ quyết việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO

RFI 14/05/2022 - Mặc dù được Mỹ cũng như nhiều thành viên khác và cả tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg hoan nghênh và tuyên bố ủng hộ, ý định của Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập NATO lại bị Thổ Nhĩ Kỳ thẳng thừng phản đối. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 13/05/2022 nhận định để hai nước Bắc Âu gia nhập NATO là « một sai lầm ».

Do Thổ Nhĩ Kỳ có quyền phủ quyết tại NATO nên Thụy Điển và Phần Lan dự kiến thảo luận với Thổ Nhĩ Kỳ về hồ sơ này vào hôm nay 14/05 tại Berlin, bên lề một cuộc họp không chính thức của ngoại trưởng các nước thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương mà Phần Lan và Thụy Điển cũng được mời dự.

Vì sao tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lại phản đối việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO ? Từ Istanbul, thông tín viên Anne Andlauer giải thích :

« "Chúng tôi không ủng hộ điều đó", "Thổ Nhĩ Kỳ không muốn phạm hai lần cùng một sai lầm" : Recep Tayyip Erdogan đã có những phát biểu không mang tính ngoại giao chút nào để phản đối việc Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập khối NATO.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc những nước này là "nơi trú ngụ của các tổ chức khủng bố", nêu tên Đảng Những người lao động Kurdistan (PKK) và đảng cực tả DHKP-C. Tayyip Erdogan đã so sánh với sự gia nhập của Hy Lạp, quốc gia bị ông cáo buộc là đã lôi kéo NATO chống Thổ Nhĩ Kỳ.

Giữa Ankara và một số nước châu Âu, đặc biệt là Thụy Điển, vẫn luôn có căng thẳng vấn đề đảng PKK và YPG, chi nhánh của đảng PKK ở Syria. Nhưng tuyên bố dứt khoát của Tayyip Erdogan có thể gây bất ngờ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, người tự coi mình có thế mạnh trong NATO những tháng gần đây nhờ vai trò trung gian giữa Ukraina và Nga, và cũng là người tìm cách cư xử khéo léo với Nga, dường như đang nắm bắt cơ hội để gây sức ép với các đồng minh phương Tây về vấn đề các chiến binh người Kurdistan.

Năm 2019, ông Erdogan đã từ chối ủng hộ một kế hoạch phòng thủ của NATO cho các nước vùng Baltic và Ba Lan chừng nào các nước thành viên NATO chưa công nhận YPG là một nhóm khủng bố. Ankara cuối cùng đã phải thay đổi quan điểm mà không giành được nhân nhượng nào ».

Ngày 13/05/2022, tổng thống Mỹ Biden đã điện đàm với thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson và tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö trong hơn nửa giờ đồng hồ về việc hai nước xin gia nhập NATO. Trên Twitter, tổng thống Sauli Niinistö bày tỏ « lòng biết ơn sâu sắc » của đất nước Phần Lan về « sự ủng hộ cần thiết của Mỹ ».

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220514-th%E1%BB%95-nh%C4%A9-k%E1%BB%B3-d%E1%BB%8Da-ph%E1%BB%A7-quy%E1%BA%BFt-vi%E1%BB%87c-ph%E1%BA%A7n-lan-v%C3%A0-th%E1%BB%A5y-%C4%91i%E1%BB%83n-gia-nh%E1%BA%ADp-nato.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét