Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2022

'Vàng trộn kim cương': Có trục lợi chênh lệch giá hay không?

'Vàng trộn kim cương': Có trục lợi chênh lệch giá hay không?
FB Thanh Đoàn • Sự im lặng cơ quan quản lý nhà nước về vàng là Ngân hàng Nhà nước với thị trường này đã bị thách thức bởi các đại biểu Quốc hội trước câu hỏi lớn: Có hay không việc trục lợi dựa trên siêu chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế? Vàng Việt Nam vì sao khác biệt với thế giới đến vậy, lẽ nào đã trộn thêm kim cương?

Những ngày qua, thông tin được cử tri quan tâm nhất chính là các câu hỏi của Đại biểu Quốc hội về méo mó giá cả trên thị trường vàng miếng trong nước.

1) Câu hỏi nóng bỏng: Có trục lợi giá vàng hay không?

Đại biểu Quốc hội Đào Hồng Vận (Hưng Yên), Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên, đặc biệt quan tới méo mó giá vàng miếng giữa thị trường trong nước và quốc tế. Có thời điểm, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới tới 20 triệu đồng/lượng; mức chênh lệch giá này lên tới 26 - 30% giá mỗi lượng vàng bán ra trong nước.

Ông Đào Hồng Vận đặt câu hỏi: “Chênh lệch cao như vậy thì ai là người hưởng lợi? Cơ chế quản lý của chúng ta như thế nào? Tôi biết vàng được nhà nước đang độc quyền, cấp phép cho các doanh nghiệp kinh doanh. Tuy nhiên, có hay không việc doanh nghiệp thao túng đẩy giá vàng, trong bối cảnh người dân vì dịch bệnh muốn tích trữ”.

Trang tin Thông tin 24h còn đặt câu hỏi hài hước "vàng Việt Nam khác gì vàng Thụy Sỹ?" và "vàng trong nước đắt vì trộn thêm kim cương?"

Câu hỏi của Đại biểu Quốc hội Hưng Yên không mới mẻ, vốn là câu hỏi đặt ra trên khắp trang truyền thông và người tiêu dùng khắp cả nước.

Trong một bài báo hồi tháng 3/2022, thời điểm giá chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới lên tới 18 triệu đồng mỗi lượng, các chuyên gia cũng có các phân tích chỉ ra rằng khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới quá cao đã ‘khuyến khích’ vàng nhập lậu, chảy máu ngoại tệ trong khi thất thoát thu ngân sách. Một thị trường vàng chưa bao giờ lành mạnh, đáng tiếc, lại có nguyên nhân từ độc quyền nhà nước trong nhiều thập kỷ.

Nhưng khá kỳ lạ là Ngân hàng nhà nước (SBV), đơn vị quản lý nhà nước về thị trường vàng theo Nghị định 24 của Chính phủ (năm 2013), lại hầu như không hề có động thái gì về phát ngôn cũng như chính sách ra truyền thông. Trong Hội nghị Tổng kết 2021, SBV có đề cập đến thành tích ổn định thị trường vàng góp phần ổn định tỷ giá, tiền tệ trong nước. Nhận định này cũng có trong các báo cáo tổng kết thường niên của SBV (xem ảnh).

2) Nguyên nhân

Vàng miếng trong nước được sản xuất độc quyền bởi Công ty TNHH MTV SJC, một công ty thuộc sở hữu 100% vốn nhà nước, quản lý bởi SBV. SBV cũng là cơ quan quản lý nhà nước có quyền quyết định cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng nguyên liệu sản xuất cho các tổ chức.

Theo truyền thông trong nước, việc giá vàng miếng tăng do chủ trương chính sách của SBV không khuyến khích người dân trữ vàng, do vậy SBV đã không đấu thầu sản xuất vàng miếng kể từ năm 2014 đến nay. Tức là nguồn cung vàng miếng bị hạn chế. Điều này có thể giải thích cho chênh lệch giá vàng miếng trong nước và quốc tế tăng vọt, chiếm tới 25 - 30% giá mỗi lượng vàng trong nước.

Trên một thị trường tự do, có một nguyên tắc là, dòng tiền sẽ chảy vào nơi nó tìm thấy lợi nhuận. Bất kỳ nơi nào có thông tin bất minh, có méo mó về giá cả và cung - cầu, nơi đó là thị trường lý tưởng để dòng tiền tìm kiếm lợi nhuận, dù là bằng đầu cơ hay buôn lậu.

3) Buôn lậu vàng vì chênh lệch giá quá hấp dẫn

Tại các thời điểm giá vàng thế giới biến động mạnh, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế tăng cao thì tài khoản Lỗi và Sai sót trong Cán cân thanh toán quốc tế đều có biến động tiêu cực (âm với khối lượng lớn). Theo số liệu công bố trên trang của SBV, số liệu tài khoản Lỗi và Sai sót âm lớn bất thường vào năm 2013, quý 2, 3/2020 và quý 4/2021 khi giá vàng thế giới tăng vọt.

Tài khoản Lỗi và Sai sót trong Cán cân thanh toán Quốc tế là tài khoản ghi nhận số tiền ngoại hối ra khỏi Việt Nam mà không có hóa đơn chính thức, không biết dùng để làm gì hoặc đơn giản là do không thể công bố. Thông thường, khi tài khoản này âm là do buôn lậu hoặc do các hoạt động mua vũ khí, hàng hóa của nhà nước nhưng theo đường tiểu ngạch.

Dù không thể khẳng định tài khoản Lỗi và Sai sót ghi nhận mức âm lớn là hoàn toàn do buôn lậu vàng, nhưng rõ ràng có mối liên hệ mật thiết giữa chênh lệch giá vàng trong nước, thế giới với tài khoản này. Mặt khác, các thông tin trên truyền thông liên tiếp báo cáo về các vụ việc buôn lậu vàng mới quy mô ngày một lớn, tần suất ngày một dày. Các bằng chứng này đủ để nhận định sự méo mó của thị trường vàng là cơ hội trục lợi, ít nhất của những kẻ buôn lậu vàng.

Buôn lậu vàng không chỉ gây tổn thất cho nguồn thu ngân sách mà còn thất thoát ngoại tệ (thường là trên thị trường chợ đen); điều này hiển nhiên cũng tác động tới ổn định tỷ giá khi nền tảng kinh tế vĩ mô bất ổn. Ngoài ra, việc buôn lậu vàng cũng gây tổn thất cho nguồn thu ngân sách (thu thuế xuất khẩu, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp…).

4) Giảm trữ vàng trong dân? Câu trả lời là 'không'

Theo một bài báo của Tuổi Trẻ, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đã trích số liệu báo cáo của Hội đồng vàng thế giới cho thấy cầu về vàng của Việt Nam năm 2021 tăng 8%, trong đó cầu về vàng trang sức tăng 11%. Điều này có nghĩa là giá vàng tăng, lạm phát có nguy cơ tăng, cầu về trữ vàng trong dân không hề giảm.

Chị Phương Nga, ở Đống Đa, Hà Nội, cho biết do giá chênh lệch giá vàng miếng trong nước và thế giới quá cao, gia đình chị đã trữ vàng nhẫn đóng vỉ của Bảo Tín Minh Châu (một hãng uy tín ở Hà Nội) thay vì trữ vàng SJC của SBV. Chị cho biết, thay đổi thói quen về loại vàng dự trữ thay thế cho SJC đã diễn ra trong suốt 2 năm nay vì vàng nhẫn đóng vỉ có giá thành bám sát với giá vàng thế giới, chị không phải trả tiền chênh lệch vô lý không biết sẽ biến động như thế nào (ám chỉ biến động chênh lệch) chỉ vì một động thái chính sách của một cơ quan như SBV.

5) Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới có thể ép lên tỷ giá trong nước không ? Có thể!

Thông thường khi một lượng lớn ngoại tệ chợ đen chảy ra khỏi biên giới quốc gia để buôn lậu, tỷ giá cả chính thức và chợ đen sẽ chịu áp lực lớn. Tuy vậy, tỷ giá trong hai năm qua khá bình ổn. Liệu điều này có nghĩa là chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới không hề dẫn tới buôn lậu vàng hay có tác động tới tỷ giá trong nước hay không?

Một kết luận như vậy là không chắc chắn. SBV có thể đã gặp may bởi các yếu tố vĩ mô và tiền tệ tốt đã tạo cơ hội ổn định tỷ giá trong hai năm qua. Cụ thể: (i) nguồn cung ngoại tệ dồi dào do thặng dư xuất khẩu 5 năm liên tiếp, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng khá, nguồn kiều hối ổn định hàng năm; (ii) sự ổn định giá trị đồng tiền mạnh trước 2022 do cầu thế giới thấp, chính sách tiền tệ mở rộng để khích thích tăng trưởng … đã hỗ trợ tỷ giá ổn định và không chịu tác động đáng kể từ hoạt động thất thoát ngoại tệ do buôn lậu.

Nhưng các điều kiện ổn định vĩ mô như vậy có sẽ không duy trì lâu. Việt Nam đang phái đối mặt với biến động vĩ mô lớn hơn từ thế giới; xung đột địa chính trị gia tăng khốc liệt hơn, Fed và NHTW của các nền kinh tế lớn có động thái thay đổi chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn… Tất cả các yếu tố này sẽ tăng thêm áp lực ổn định tỷ giá trong nước. Nếu giá vàng vẫn tiếp tục méo mó, rất có thể giá vàng sẽ là nguyên nhân tăng sức ép lên tỷ giá trong giai đoạn tới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét