Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói về nạn ‘đồng lõa, ăn cắp của nhà nước’
12 tháng 5 2022 - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa đưa ra một số thông điệp về cuộc chiến chống tham nhũng tại buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV.Truyền thông Việt Nam đưa tin ông Trọng đã có phần "phát biểu giải đáp, làm rõ hơn một số vấn đề" sau khi nghe các ý kiến của các cử tri vào sáng 12/5.
Ông dẫn chiếu tới việc vừa qua Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật cả tập thể tỉnh, cả nguyên Bí thư, nguyên Phó Bí thư, nguyên Chủ tịch tỉnh và rằng những cán bộ bị xem xét kỷ luật "lúc đầu cũng cãi, cũng bảo vệ ý kiến thế nọ, thế kia, nhưng sau đều tâm phục, khẩu phục".
"Tôi đã nói không thể không làm được. Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã theo dõi và chỉ đạo rất nhiều vụ. Vừa rồi, mấy vụ khi công bố ra nhân dân hoan nghênh," ông Trọng nói khi dẫn chứng các số vụ án bị xử lý trong hơn 4 tháng đầu năm 2022.
Người đứng đầu Trung ương Đảng mô tả chống tham nhũng là "vấn đề rộng nhưng trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống".
"Rất nhiều biểu hiện tiêu cực, lãng phí cũng là tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, tức anh không trung thành với lý tưởng, anh đi con đường khác, điều đó có đáng chống không? Suy thoái về lý tưởng, về đạo đức, làm cái gì là cũng nghĩ ngay đến cá nhân, rồi đồng lõa với nhau, ăn cắp của nhà nước, cái đó là tiêu cực."
Tuy nhiên ông Trọng nói rằng việc xử lý cán bộ, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm được làm "rất nghiêm nhưng cũng rất nhân văn, nhân đạo".
"Xử lý vi phạm của người này để răn đe người khác, giáo dục người khác chứ không phải xử nặng, không có tình, có nghĩa. Tôi đã nói không thích thú gì kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót. Các đồng chí thấy khi nào tôi nói về vấn đề này cũng đều rất xúc động."
Ông Trọng cũng nhắc lại việc Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII mới đây đã "thống nhất rất cao" về việc lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.
Tuy nhiên ông lưu ý về điều ông gọi là "ban hành quy chế làm việc ra sao".
"Điều quan trọng là chọn nhân sự vào Ban Chỉ đạo này thế nào. Người vào Ban Chỉ đạo này là để chống tham nhũng, nhưng lại tư túi, lại vướng vào tham nhũng thì còn chống ai nữa. Ông nào vướng vào đây, tôi xử trước, xin nói thẳng là như thế," Tổng Bí thư Trọng nói thêm.
Chỉ đạo của Đảng
Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành mới đây bình luận về chủ trương thành lập ban phòng chống tham nhũng cấp tỉnh.
Trả lời BBC từ Hội An, ông Thành nói ông muốn làm rõ vai trò của Đảng như thế nào trong các ban này và cơ chế hoạt động ra sao.
"Vấn đề tôi quan tâm là cơ chế hoạt động các "cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực" đó là như thế nào và về pháp lý thì ra sao. Tức là họ sẽ dùng tới nhà nước pháp quyền hay là chỉ đạo của Đảng trong hoạt động đó."
"Tức là cơ sở pháp lý để các ông bí thư tại 63 tỉnh thành đó có những quyền gì, thì nếu có các quyền đó thì cũng phải được qui định rất chi tiết và cụ thể dựa trên pháp luật."
"Nếu không thì không loại trừ sẽ dẫn đến một thực trạng mà nói thì hơi đụng chạm tức là "Đảng trị". Tức là Đảng muốn làm gì thì làm thì cái đó có nên hay không."
"Chúng ta cũng thấy là thời gian qua có những người thuộc lãnh đạo Đảng bộ cấp cơ sở và thậm chí thuộc Trung ương quản lý vi phạm, bị kỷ luật thậm chí bị khởi tố ra tòa và lĩnh án tù. Thế thì nếu những người đó ngồi vào trong các ban bệ phòng chống tham nhũng như vậy thì sẽ ra sao," ông Bùi Kiến Thành nói.
PGS, TS Phạm Quý Thọ từ Hà Nội cũng chia sẻ về quan ngại với quy chế làm việc của các ban này.
"Vấn đề nay là lập thành ban bệ và thêm chức năng thôi nên tôi nghĩ cần phải cân nhắc vì "biên chế sẽ tăng lên rất nhiều. Quy chế làm việc thế nào là quan trọng bởi nếu chúng ta làm không khéo có khi lại làm đóng băng việc điều hành của ủy ban nhân dân nếu chức năng bị chồng chéo nhau."
"Tôi thì quan tâm nhất là tính độc lập của các ban này. Vì nếu nó không độc lập thì nó không những không giải quyết được vấn đề mà thậm chí ngược lại vì chẳng hạn cả một tập thể của tỉnh ủy hay thành ủy đó mà có vấn đề rồi thì tôi nghĩ ban như vậy không làm gì được vì dưới quyền của bí thư hoặc thường vụ," ông Thọ nói thêm.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-61423400
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét