Cấm vận dầu, Nga thiệt đơn, EU thiệt kép
Một số nhà phân tích cho rằng, lệnh cấm mới của EU sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu dầu thô của Nga nhưng có thể không gây nhiều thiệt hại cho nền kinh tế nước này. Trái lại, một số nước châu Âu sẽ rất dễ bị tổn thương khi mất khả năng tiếp cận nguồn cung dầu của Nga. Các nước EU khác ít phụ thuộc hơn vào dầu của Nga, nhưng giá dầu tăng cao là một trong những nguyên nhân chính gây ra lạm phát ở châu Âu.
Lệnh cấm vận sẽ bao gồm cấm dầu vận chuyển bằng đường biển nhưng miễn trừ một phần vận chuyển dầu bằng đường ống, một động thái quan trọng để có được sự chấp thuận của Hungary - quốc gia không giáp biển. Theo đó, Hungary vẫn tiếp tục được nhập dầu từ Nga qua đường ống Druzhba nhánh phía nam.
Chủ tịch Hội đồng EU Charles Michel cho biết, thỏa thuận sẽ ngay lập tức ảnh hưởng đến hơn 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga. Còn theo Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, biện pháp trừng phạt này sẽ cắt giảm hiệu quả khoảng 90% tổng sản lượng dầu mà EU nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay.
Trước đó, EU đã áp đặt 5 vòng trừng phạt đối với Nga kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine. Khối này đã nhắm vào hơn 1.000 cá nhân, trong đó có Tổng thống Putin và các quan chức hàng đầu của chính phủ Nga, cùng các nhà tài phiệt ủng hộ Điện Kremlin và áp đặt trừng phạt với các ngân hàng, lĩnh vực xuất khẩu than đá của Nga. Gói trừng phạt thứ 6 này nhiều lần bị trì hoãn do lo ngại thiếu hụt nguồn cung dầu mỏ.
Gói trừng phạt mới cũng bao gồm việc đóng băng tài sản và cấm đi lại với nhiều cá nhân, loại ngân hàng lớn nhất của Nga - Sberbank khỏi Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT). 3 đài truyền hình nhà nước lớn của Nga cũng sẽ bị cấm hoạt động tại EU.
Ông Charles Michel cho biết thêm, các biện pháp trừng phạt mới, cần sự ủng hộ của tất cả 27 quốc gia thành viên, sẽ được thông qua về mặt pháp lý vào ngày 1/6.
1) Lệnh cấm tác động ra sao đến kinh tế Nga?
Một số nhà phân tích cho rằng, lệnh cấm mới của EU sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu dầu thô của Nga nhưng có thể không gây nhiều thiệt hại cho nền kinh tế nước này.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Nga là nhà xuất khẩu dầu và các sản phẩm dầu lớn nhất của EU, cung cấp 2,2 triệu thùng dầu/ngày (bpd) và các sản phẩm từ dầu là 1,2 triệu thùng/ngày. Xuất khẩu dầu mang lại cho Moscow doanh thu 1 tỷ USD mỗi ngày. Ước tính, sản lượng của Nga sẽ giảm thêm một triệu thùng mỗi ngày, tương đương khoảng 10%, khi các hạn chế có hiệu lực.
Tuy nhiên, lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ của Nga vẫn có khả năng trụ vững trước các lệnh trừng phạt khi những quốc gia khác chớp lấy cơ hội mua dầu thô với mức giá chiết khấu khoảng 30 USD/thùng dầu thô Brent. Ấn Độ là một trong những khách hàng tiềm năng nhất của Nga khi đặt mua hơn 700.000 thùng mỗi ngày vào tháng 5. Công ty phân tích dữ liệu hàng hóa Kpler cho biết, Châu Á lần đầu vượt châu Âu và trở thành khách hàng lớn nhất của dầu Nga trong tháng 4.
Theo đánh giá của chuyên gia Alexandra Prokopenko thuộc Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, có một nghịch lý là, các biện pháp trừng phạt mở rộng của phương Tây nhằm tước đi nguồn kinh phí tài trợ cho chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, lại đang giúp lấp đầy kho bạc của Nga. Trừng phạt đã làm tăng khả năng của Nga trong việc chống lại sự sụt giảm về nguồn thu ngoại tệ, do hiện tại nước này có rất ít cơ hội để chi tiêu bằng ngoại tệ. Dữ liệu của Bộ Tài chính Nga cho biết, giá năng lượng tăng cao đã giúp bổ sung thêm 800 tỷ rúp cho ngân sách nhà nước trong 2 tháng đầu tiên của chiến dịch quân sự. Nhìn chung, doanh thu từ dầu khí đã tăng gấp đôi trong quãng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4, lên đến 4,77 nghìn tỷ rúp, cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. Phần lớn doanh thu đến từ thuế khai thác khoáng sản và thuế xuất khẩu dầu khí.
Chính phủ Nga đã hoãn một số quy định về ngân sách cho năm 2022, yêu cầu chi tiêu thay vì dự trữ tất cả các nguồn thu từ dầu khí. Điều này có thể giúp bù đắp cho những khoản thu bị sụt giảm trong các lĩnh vực khác. Sự kết hợp giữ dự trữ đồng rúp và giá năng lượng cao sẽ cho phép Nga duy trì chi tiêu xã hội ở mức hiện tại trong ít nhất 1 hoặc 2 năm tới. Bên cạnh đó, Nga vẫn có thể bán dầu mỏ lấy ngoại tệ từ những người mua bên ngoài châu Âu.
2) Hiệu ứng ngược đối với châu Âu
Trái lại, một số nước châu Âu sẽ rất dễ bị tổn thương khi mất khả năng tiếp cận nguồn cung dầu của Nga. Slovakia nhập khẩu 105.000 thùng/ngày từ Nga, Hungary nhập khẩu 70.000 thùng/ngày và Cộng hòa Séc nhập khẩu 68.000 thùng/ngày. Các nước EU khác ít phụ thuộc hơn vào dầu của Nga, nhưng giá dầu tăng cao là một trong những nguyên nhân chính gây ra lạm phát ở châu Âu.
Nếu Nga ngừng cung cấp dầu mỏ cho châu Âu trong tương lai gần, về lý thuyết khu vực này có thể tìm được nguồn cung thay thế. Nhưng điều đó vẫn phụ thuộc nhiều vào quyết định của OPEC có sẵn sàng gia tăng sản lượng khai thác hay không, cũng như chi phí vận chuyển và tải trọng của các tàu chở dầu sẵn có. Quá trình tìm kiếm sản phẩm thay thế có thể mất từ vài tháng đến vài năm.
Tất nhiên, Nga không nắm giữ tất cả các thẻ bài. Hồi tháng 4 vừa qua, do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt, sản lượng dầu mỏ của Nga đã giảm gần 1 triệu thùng mỗi ngày. Việc ngừng xuất khẩu dầu mỏ sang châu Âu sẽ khiến nước này phải giảm sản lượng khai thác, đóng cửa các giếng dầu và tăng chi phí vận tải khi phải chuyển hướng xuất khẩu sang các khu vực khác.
Các nhà phân tích cho rằng, khi lệnh cấm vận dầu mỏ Nga được đưa ra, thiệt hại kinh tế đối với Nga và châu Âu sẽ phụ thuộc vào việc lệnh cấm này được thực hiện sớm hay muộn, trong thời gian bao lâu và phản ứng của các nước OPEC như thế nào.
Các chính trị gia châu Âu cùng lúc sẽ phải đối mặt với nhiều nhiệm vụ cấp bách: tìm kiếm nhà cung cấp thay thế, giải thích cho các cử tri về sự tăng giá đột biến và giảm thiểu tác động đối với những nước EU phụ thuộc nhiều nhất vào nguồn dầu mỏ Nga.
Bên cạnh đó, một cuộc chiến năng lượng giữa Nga và châu Âu sẽ đẩy nhanh tốc độ lạm phát trên toàn cầu, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực và khiến giá cả các mặt hàng sử dụng năng lượng tăng cao./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét