Thứ Hai, 3 tháng 5, 2021

Xếp lại quá khứ, kiến tạo tương lai

Mình nghĩ lý do thứ 2, tức là muốn độc quyền lãnh đạo mới khiến những người cộng sản không muốn hòa hợp hòa giải dân tộc. Chế độ cộng sản đã và đang thả cửa cho quan chức tham nhũng thoải mái, quyền lực ít (hoặc không) bị kiểm soát, qua mỗi nhiệm kỳ quan chức lãnh đạo thu về số tiền khổng lồ dễ dàng, lại được cấp dưới hầu hạ nịnh hót..., thì bảo sao họ không tìm mọi cách giữ vững sự độc quyền lãnh đạo. Do vậy, khi nào còn chế độ cộng sản độc tài cai trị, chuyện hoà hợp hoà giải không bao giờ xảy ra. Còn chuyện thù hận cá nhân tuy có nhưng không đủ sức mạnh ngăn chuyện hoà hợp hoà giải dân tộc. Chiến tranh đã lùi xa 45 năm rồi, họ và cả con họ cũng đã già nên cũng không còn nuôi mối thù hận như trước. Nếu chính quyền cộng sản thay đổi, dám chuyển từ độc đảng sang đa nguyên đa Đảng và mở rộng tự do trên mọi mặt kể cả chính trị, sửa đổi Hiến pháp để bỏ điều 4 và mở rộng của cho phép mọi thành phần người Việt dù quốc nội hay hải ngoại cùng tham gia chính quyền... như Liên Xô và Đông Âu đầu thập niên 1990, thì chắc chắn hoà hợp hoà giải dân tộc tự nhiên được hình thành.
Xếp lại quá khứ, kiến tạo tương lai
Trần Nam Chí 2-5-2021 - Góp ý với ông Dương Quốc Chính, bài viết “Hòa hợp Dân tộc“ (*). Trong bài viết ngày 1/5/2021 của ông Dương Quốc Chính với chủ đề Hòa hợp Dân tộc, ông Chính cho rằng, bàn chuyện Hòa giải, Hòa hợp Dân tộc (HGHHDT) trong bao năm qua là quá sớm, chưa thích hợp, vì kẻ thù hai bên vẫn còn sống nhăn và chế độ CS vẫn còn đó, mà đây là mối “thù riêng”, không phải “thù chung”, nên rất khó có thể thực hiện. Ðể bác lại, người ta có thễ dẫn chứng sự hòa giải giữa hai dân tộc Pháp và Ðức, giữa Ba Lan và Ðức trong lịch sử cận đại!
“Hai người lính” – chiến sĩ quân giải phóng Nguyễn Huy Tạo (trái) và người lính VNCH Bùi Trọng Nghĩa tại tuyến giáp ranh thôn Long Quang, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị tháng 4/1973 và họ gặp lại nhau đầu năm 2018 ở địa điểm xưa. Ảnh: Chu Chí Thành/ Báo PNVN

Thật ra, HGHHDT là đề tài lớn về một mô thức nhằm xây dựng lại tiền đồ Việt Nam, một nước Việt Nam mới trong thế giới ngày nay. Khi nghĩ về xây dựng và cạnh tranh, người ta không thể bỏ qua yếu tố cộng hưởng, an dân trong một quốc gia, nhất là một quốc gia như Việt Nam, có dân số đông, có vị trí địa chính trị quan trọng, người dân muốn làm chủ đất nước mình, các nước luôn dòm ngó và lôi kéo vào vòng ảnh hưởng của họ, như nước láng giềng Trung Quốc.

Theo ông Chính, tâm lý thù dai và chế độ CS là hai yếu tố bất di bất dịch, loại trừ khả năng của con người có ý chí vượt qua trở ngại, vượt qua quá khứ của một giai đoạn lịch sử nghiệt ngã. Và rằng, chế độ CS cần có kẻ thù là VNCH là “thế lực thù địch”, làm ngáo ộp để định hướng nhân tâm, để người dân không muốn có một chế độ khác, để so sánh, để tưởng nhớ.

Thiết nghĩ, nếu “yêu là chết trong lòng một ít” thì những ai mãi mang nặng mối thù cũng “chết trong lòng rất nhiều”. Vì ai cũng biết, thù ghét là một tâm lý phá hoại tai hại, không cho những tình cảm yêu thương nảy nở, không để yếu tố “con người” được trỗi dậy.

Trong hoàn cảnh này là với đồng bào của mình mà miền Bắc nhận diện là đồng bào ruột thịt. Chiến tranh Việt Nam tạo ra một hoàn cảnh áp đặt cho người dân miền Bắc, miền Nam, phần lớn không có sự chọn lựa, khi họ sống trong hai hệ thống xã hội khác nhau. Và sự thật lịch sử không hẳn thuộc về một bên, thắng cuộc hay thua cuộc.

Một đất nước mà lòng dân chia đôi, “bên bạn, bên thù”. Một dân tộc mang nặng niềm thù hận thì liệu đất nước đó có còn năng lực để phát triển tốt đẹp hay không? Chắc chắn là không, vì người dân hai phía quá bận rộn chống “kẻ thù”, tức là chống nhau, thay vì bắt tay nhau, dùng hết sức lực cho phát triển đất nước.

Thế hệ lãnh đạo Việt Nam ngày nay là con cháu của những “lão thành cách mạng“ đã và đang nắm trong tay số phận đất nước Việt Nam. Nếu họ vẫn mang nặng tâm lý mà ông Dương Quốc Chính nói, thì vô cùng bất hạnh cho đất nước Việt Nam. Thù dai và quản lý một đất nước thụt lùi, chờ đợi suy sụp mới chịu nhảy, liệu họ có phải là những “cán bộ chiến lược, ưu tú” của đất nước như ông Nguyễn Phú Trọng mong đợi hay không?

Vì vậy, muốn đất nước Việt Nam phát triển thật sự, nhất định phải suy nghĩ về cách thức “an dân”. Muốn có HGHHDT thì chúng ta nên suy nghĩ nhiều và nói về vấn đề này. Không có tiến trình này thì khi cơ hội tới, chúng ta sẽ không bắt kịp.

Theo ông Chính, người ta sẽ vượt qua được hận thù nếu thấy việc đó có lợi trước tiên là cho chính bản thân mình. Vậy thì hai bên nên bỏ qua hận thù để cho tâm lý của mình được lành mạnh khai thông, mở cửa cho những tình cảm chân thật và những hành động xây dựng thiết thực để tiến gần lại nhau.

Theo William James, triết gia và là nhà tâm lý học người Mỹ, khám phá lớn nhất trong thế hệ của ông là con người có thể thay đổi hẳn cuộc sống của mình bằng cách thay đổi nếp nghĩ và cách nhận thức sự việc.

Đúng vậy, bằng cách thay đổi cách nhìn, chúng ta có thể thay đổi “thua thành thắng”, “mặc cảm nô lệ, thành người có nhân cách”, “buồn thảm, than thân trách phận, thành tư thế lạc quan”. Chẳng khác nào người đó đang lặn hụp trong vũng bùn lầy và có sức tự trồi dậy, ló đầu ra khỏi bùn lầy, thật sự “đổi đời”, “vượt qua được cái bóng của mình”.

Không ít người sẽ cho rằng tôi hão huyền, nhưng tôi tin rằng, nếu lãnh đạo Cộng sản Việt Nam có thể thực hiện sự thay đổi này, không còn định nghĩa nhà nước theo “bạn và thù” thì họ cũng sẽ xoay chuyển được tình thế. Và điều này sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho cả dân tộc.
____

(*) Bài viết của ông Dương Quốc Chính: Hòa hợp Dân tộc

Mấy chục năm nay người ta hay nói đến chuyện hòa giải, Nam Bắc 1 nhà, cùng bắt tay nhau để phát triển đất nước. Thực tế không, chính xác là chưa, thể làm được điều đó.

Lòng thù hận vì quá khứ giết nhau là rất khó gột sạch. Gần đây, ông Nguyễn Ngọc Ngạn có nói 1 câu với MC Kỳ Duyên, mà người ta share khắp nơi: “Cái thù chung thì rất nhẹ, thù riêng mới nhớ lâu. Người ta thù giặc không lâu bằng thù cá nhân. Nên người ta hay mượn chuyện chính trị để trả thù cá nhân”. Theo mình, câu này đúng, nhưng vẫn không đủ tầm bao quát để diễn tả lòng thù hận “Mỹ Ngụy”. Mình sẽ lý giải ở dưới.

Hiện tại, thành phần thù hận nhất, ở cả 2 phe, chính là những người có thù riêng. Chẳng hạn như đồng bào Cali (nói chung để chỉ thuyền nhân người Việt hải ngoại), đơn cử là chính ông Ngạn. Ông Ngạn có mối thù riêng với CS, vì vợ con ông ấy chết trên đường vượt biên, có lẽ vì vậy mà ông ấy chưa từng (được) về VN. Trái lại với chị Kỳ Duyên thì về VN kinh doanh như đi chợ. Bởi vì ông Cao Kỳ và chị ấy không có cái thù riêng, gia đình ổng không phải là nạn nhân CS. Nên ông Kỳ dễ dàng “trở cờ” và con ông ấy dễ dàng làm ăn ở VN. Tương tự với nhạc sỹ Phạm Duy, tuy trước 75 ông ấy làm việc ở Bộ Thanh niên và chiêu hồi, mà thành phần dính dáng đến “Tuyên giáo” VNCH như vậy lẽ ra bị chế độ mới xử lý rất nặng, cải tạo mọt gông, không kém gì thành phần “ác ôn, nợ máu với nhân dân”. Chính là vì ông Duy không có thù riêng với CS mà lại là thành phần nổi tiếng, dễ lợi dụng để khuếch trương tinh thần hòa giải.

Hay về phía trong nước, thì thành phần căm thù Mỹ Ngụy sâu sắc nhất lại là các cựu chiến binh, con cháu thương binh liệt sỹ. Cứ thử tìm hiểu nhân thân các AE DLV, 47, 68 hiện nay đa phần là con cháu cựu chiến binh và thương binh liệt sỹ hoặc đang thuộc lực lượng vũ trang. Đấy là họ có mối thù riêng. Người như ông Võ Văn Kiệt, vợ chết vì bom Mỹ, mà nói câu “…triệu người vui, triệu người buồn” là rất rất hiếm có, vì dám gác thù riêng vì tương lai dân tộc.

Gần đây mình để ý là Tuyên giáo bắt đầu thả nổi, bạch hóa thông tin, bớt bôi nhọ chế độ đệ nhất CH. Thời ông Kiệt, ông ấy mời 1 số quan chức chế độ cũ làm cố vấn, thì đều là quan chức chế độ ông Diệm, không phải quan chức của ông Thiệu. Đó chính là chế độ ông Diệm đã cáo chung trước đệ nhị CH hơn 10 năm, lòng thù hận đã nguôi ngoai ít nhiều, mà thực tế là 2 miền cũng ít đối đầu trực tiếp vào thời ông Diệm, tức là chế độ CS ít có tư thù với chế độ ông Diệm và những người bị đàn áp (trong chiến dịch Tố cộng, diệt cộng) cũng chết vãn rồi.

Ông Diệm ngày xưa chống Cộng 1 phần là vì tư thù với CS. Ông Minh lớn hàng CS 1 phần là vì không có tư thù với CS.

Vậy để hòa giải được thì chắc phải chờ những người từng tham chiến chống Mỹ Ngụy chết sạch, bây giờ họ mới có hơn 60, chiến tranh mới chấm dứt được có 43 năm, tức là phải 20 năm nữa mới đỡ thù hận. Hiện tại, mình cho là Triều Tiên lại dễ hòa giải hơn VN, cho dù BTT vẫn là CS 1.0, bởi vì chiến tranh TT đã chấm dứt cơ bản từ năm 1953, đã 65 năm rồi, hầu như những ai tham chiến trực tiếp đều đã chết. Chỉ cần em Ủn thực tâm muốn tiến lên chế độ CS 2.0 (kiểu VN và TQ) là được.

Nếu chỉ vì thù riêng dai dẳng thì tại sao Nam Bắc Mỹ lại có thể dễ dàng hòa giải sau nội chiến, họ cũng có thù riêng mà? Đấy là do nguyên nhân thứ 2, bên dưới.

Lý do thứ 2 ngăn cản sự hòa giải là ở bản chất chế độ CS. CS luôn muốn độc quyền lãnh đạo, đấy là bản chất chế độ, nên họ tìm mọi cách để đập tan các thế lực thù địch, có thể cạnh tranh quyền lãnh đạo của họ. Trong đó, thành phần cạnh tranh nguy hiểm nhất chính là “cái thây ma VNCH”. Vì thế Tuyên giáo của đảng phải ra sức tuyên truyền kích động hận thù, bôi nhọ VNCH (nhất là chế độ đệ nhị), kích động tư thù, để người dân không muốn có 1 chế độ khác, để so sánh, để tưởng nhớ. Chế độ CS luôn cần có kẻ thù (thế lực thù địch) làm ngáo ộp để định hướng nhân tâm.

Đó là lý do tại sao người Việt CS lại thù Ngụy quân, Ngụy quyền đến xương tủy, trong khi lại có thể tha thứ cho người Mỹ, người Hàn, người Nhật. Đó là do Mỹ, Nhật, Hàn không cạnh tranh quyền lực với chế độ CS được, Mỹ lại là siêu cường cần dựa dẫm, làm đối trọng với TQ. Còn Hàn quốc, Nhật thì là nhà đầu tư lớn nhất vào VN, trong khi thực tế là 3 nước này có nợ máu với CS VN, với dân VN, gấp nhiều lần VNCH.

Tóm lại, để hòa giải cần thỏa mãn 2 điều kiện, 1 là chiến tranh đủ xa để những ai tham chiến chết sạch. Nhưng lòng thù hận cá nhân đó lại bị chế độ CS kích động để bảo vệ quyền lực phe nhóm, nên chế độ CS phải suy thoái đủ sâu, tức là đến khi chấp nhận người ngoài đảng tham chính (bản chất không còn là CS nữa), thì mới hòa giải được. Thế nên bây giờ kêu gọi hòa giải làm gì cho mất công, làm sao thực hiện được, nhanh cũng phải 15-20 năm nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét