Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2021

VN có nên vận dụng “mục tiêu kép” trong lúc này?

Tôi ủng hộ cách làm hiện nay của chính phủ là chỉ phong tỏa những địa phương có ổ dịch và vận động người dân hạn chế đi lại, sinh hoạt... ở những vùng có dịch, đồng thời vẫn duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh ở những vùng không có dịch trong khả năng có thể. Do đó, đối với những ổ dịch lớn trong các khu công nghiệp ở Bắc Giang và Bắc Ninh, tôi cho rằng tốt nhất nên dừng sản xuất, tạm thời phong tỏa 3-4 tuần, chứ cố duy trì sản xuất thì vừa có nguy cơ lây lan dịch rất mạnh, vừa làm khổ công nhân phải bám trụ sản xuất. Đành rằng có thể một số chuỗi cung ứng bị đứt nếu không tìm được giải pháp sản xuất khác thay thế, nhưng so sánh lợi hại đối với tình hình chung của cả nước, tôi thấy việc đóng cửa tạm thời có lợi hơn.
Việt Nam có nên vận dụng “mục tiêu kép” trong lúc này?
2021-05-27 
Với 444 ca nhiễm mới, ngày 25/5 đã trở thành ngày ảm đạm nhất trong lịch sử gần một năm rưỡi chống dịch vừa qua của Việt Nam. Trong tổng số này, chỉ riêng tỉnh Bắc Giang đã ghi nhận 375 ca, thế nhưng trong chiều cùng ngày, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã công bố kế hoạch tổ chức lại sản xuất ở một số doanh nghiệp trong bốn khu công nghiệp đang bị đóng cửa vì dịch. Động thái này của giới chức Bắc Giang có quá mạo hiểm?
Việc thực hiện giữ khoảng cách 2m trong các nhà máy là khó khả thi. Ảnh: Một nhà máy sản xuất may tại Hưng Yên. Ảnh: Reuters, chụp ngày 30/12/2020

Dư luận bức xúc…

Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tỉnh Bắc Giang đã quyết định tạm thời đóng cửa bốn khu công nghiệp Đình Trám, Quang Châu, Song Khê - Nội Hoàng, Vân Trung từ ngày 18/5. Tuy nhiên, đúng một tuần sau, vào ngày 25/5, khi tình hình bệnh dịch không những chưa lắng lại mà còn lập kỷ lục ghi nhận thêm 375 ca dương tính mới– nhiều hơn tổng số ca nhiễm của toàn Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020 - thì tỉnh này cho biết đang tiến hành sát hạch tám doanh nghiệp trong bốn KCN trên để cho mở cửa hoạt động trở lại. Việc “nóng lòng” cho hoạt động trở lại các DN trong các KCN được lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho biết là nhằm thực hiện “mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đó là vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 vừa khôi phục, phát triển kinh tế.

Hoang mang trước tình hình dịch bệnh bùng phát mạnh, không ít người dân khu vực Bắc Giang đã tỏ ra bức xúc trước tin mở cửa trở lại bốn KCN. Facebooker Đặng Văn Phương phát biểu trên trang Bắc Giang quê hương tôi rằng việc đưa công nhân đi làm trong thời điểm có tới 400 ca nhiễm/ngày thể hiện rằng Nhà nước đã “coi đồng tiền hơn mạng sống con người”. Facebooker Nguyễn Năm thì than thở việc đưa người lao động quay trở lại các KCN trong lúc dịch đang mạnh sẽ đưa Việt Nam vào tình cảnh “giống như Ấn Độ”.

Faccebooker Diêm Công Đức trên trang Bắc Giang News tỏ ra lo lắng khi ông này cho rằng: “Văn bản là một chuyện nhưng các cấp chính quyền đâu được vào tận xưởng để kiểm tra. Thao tác sản xuất hai người chỉ cách nhau chưa đầy một mét thì làm sao bảo đảm được?”


Một số Facebooker khác thì cho rằng cho dẫu việc cho phép quay trở lại làm việc đòi hỏi các công nhân phải trải qua hai lần xét nghiệm nhưng điều đó rõ ràng không khiến họ an tâm vì thực tế cho thấy rất nhiều người sau 3-4 lần xét nghiệm mới phát hiện dương tính. Do đó, Facebooker Vi Trường Giang trải lòng qua status của mình như sau:

“Đọc 100 cái bình luận thì đến 99,99% cái phản đối. Nếu đi làm thì chống dịch làm gì nữa!”

Mở cửa trở lại có hợp lý và khả thi?

Trao đổi với RFA, ông Ngô Quý Nhâm, nghiên cứu sinh thuộc Đại học PSL (Pháp), người đã từng nhiều lần thăm quan làm việc tại các KCN trong những đợt dịch gần đây cho rằng những lo lắng của người dân Bắc Giang là hoàn toàn có thể hiểu được. Ông cho biết một số doanh nghiệp ông đã từng đến làm việc thực hiện các biện pháp phòng dịch rất tốt nhưng cũng còn có những doanh nghiệp khiến người ta “không an tâm lắm đâu”.

“Họ [công nhân] lo là đúng thôi, quan trọng là chính quyền và lãnh đạo quản lý các nhà máy làm sao để đảm bảo sự yên tâm cho họ thông qua cái cách họ làm. Ở nhiều nơi vẫn có căn bệnh nói một đằng làm một nẻo, nên công nhân người ta sợ, dân người ta cũng sợ việc phòng dịch là bằng lời nói nhiều hơn hành động”– ông nói.

Ông Nhâm cũng cho rằng do đặc thù sản xuất, việc đảm bảo thực hiện quy định giãn cách 2 mét tại các nhà máy là khó khả thi. Vì vậy ông cho rằng, các DN và KCN cần kiểm soát tốt mầm bệnh thông qua việc thường xuyên xét nghiệm để tạo sự tin tưởng cho người lao động. Ông phân tích:

“Trong một xưởng sản xuất, tôi nghĩ bảo để giãn cách hai mét là điều khó. Làm tốt được việc kiểm soát nguồn bệnh thông qua việc xét nghiệm định kỳ và xét nghiệm ngẫu nhiên, theo tôi nghĩ vẫn là biện pháp hiệu quả nhất. Khi đứng cách hai mét mà không biết người kia có mang mầm bệnh hay không thì mức độ bất an cao hơn so với việc đứng cách có một mét nhưng biết được người này đã qua xét nghiệm và họ đang tương đối an toàn.”

"Khi tất cả các biện pháp đảm bảo an toàn, kiểm soát tốt nguồn lây được làm đồng bộ cả bên trong và bên ngoài KCN thì tôi nghĩ mỗi nhà máy mỗi xưởng sản xuất đều có thể đi vào hoạt động và người công nhân sẽ cảm thấy yên tâm" - Ông Ngô Quý Nhâm, Nghiên cứu sinh thuộc Đại học PSL (Pháp).



Có nên kiên định “mục tiêu kép”?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo giới ngày 23/5 vừa qua khẳng định Việt Nam vẫn kiên định theo đuổi việc thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa đảm bảo phát triển sản xuất kinh doanh.

Mặc dù ghi nhận những thành tích chống dịch bệnh của Việt Nam trong ba đợt dịch trước đây nhưng một số ý kiến cho rằng trong bối cảnh dịch bùng phát mạnh tại Bắc Giang và có nguy cơ gia tăng lây nhiễm ở nhiều địa phương sau bầu cử, Việt Nam nên dành ưu tiên cho việc chống dịch hơn là thực hiện cả hai mục tiêu.

Trao đổi với RFA, một nhà nghiên cứu tại Hà Nội không muốn tiết lộ danh tính, phát biểu:

“Nếu đợt này chống dịch không thành công như thời kỳ đầu thì có thể làm ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô và làm hỏng hình ảnh về năng lực Chính phủ đối với nhà đầu tư nước ngoài, vốn được tăng lên rất nhiều nhờ chiến lược COVID. Thành quả năm ngoái đối với FDI sẽ bị mất đi. Đây là thiệt hại kinh tế còn lớn hơn rất nhiều so với các thiệt hại ngắn hạn do cách ly xã hội.” – nhà nghiên cứu này nói. Bà cũng cho rằng những thiệt hại của các biện pháp chống dịch mạnh như phong tỏa, cách ly xã như việc người nông dân Hải Dương không bán được rau có thể nhìn thấy, nhưng cần cân nhắc tổng thể những điểm lợi về ổn định kinh tế vĩ mô với những cái được, cái mất ngắn hạn.

"Nếu thực hiện giãn cách xã hội hay khoanh vùng rộng, toàn tỉnh hay cả nước thì người làm công tác chống dịch sẽ nhàn nhưng tổn thất kinh tế và ảnh hưởng của xã hội rất lớn. Đây là câu hỏi có tính cân não rất khó cho Ban chỉ đạo Quốc gia và Thủ tướng Chính phủ. Từ năm ngoái đến giờ câu hỏi đó luôn được đặt ra” – Trích trả lời báo chí của Phó Thủ tướng Võ Đức Đam ngày 23/5/2021

Trong một bài viết đăng trên website của truyền hình CNBC ra ngày 24/5, chuyên gia kinh tế trưởng Zhang Zhiwei của Pinpoint Asset Management cũng đưa ra thông tin rằng do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nhiều tập đoàn kinh tế lớn của thế giới như Samsung, Foxconn, Apple đã quyết định dịch chuyển chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ từ Trung Quốc sang một số nước chấu Á, trong đó có Ấn Độ và Việt Nam. Theo chuyên gia này, tình hình dịch bệnh nếu tiếp tục kéo dài ở Việt Nam sẽ khiến cho việc dịch chuyển này bị ngưng trệ trong một thời gian. Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ việc giảm xuất khẩu của Việt Nam và Ấn Độ do bệnh dịch.

Người dân nghiêm túc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trong đợt dịch COVID lần thứ 1. Ảnh AFP, chụp ngày 17/4/2020

Bình luận về vấn đề này trong một trao đổi với RFA, ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng việc tìm điểm cân bằng giữa công tác chống dịch, đảm bảo an toàn cho người dân và phát triển kinh tế, đảm bảo sinh kế là “vấn đề cân não” đối với không chỉ riêng Việt Nam mà với tất cả các nước trong bối cảnh đại dịch vì một bên là sức khỏe, sinh mạng, một bên là sinh kế. Theo ông, hiện có hai lập luận, một là chấp nhận giãn cách xã hội cả nước, “đau trong khoảng ba tuần để sau đó tình hình ổn định trở lại” và hai là làm theo cách của Việt Nam hiện nay, nghĩa là chỉ phong tỏa, không chế ở vùng có dịch và vẫn duy trì sản xuất kinh doanh ở những vùng khác trong khả năng có thể.

Theo ông Thành, phương án nào cũng có những tổn thất và rủi ro và “khó có thể lượng hóa” phương án nào tốt hơn. Tuy nhiên, đứng ở góc độ cá nhân, ông ủng hộ cách ứng phó “uyển chuyển” của Việt Nam hiện nay vì năng lực xét nghiệm và cách ly của Việt Nam đã tốt hơn cách đây một năm rất nhiều. Ông nói thêm:

“Liệu giãn cách hết thì Việt Nam sẽ thoát hẳn hay khi chúng ta chưa đầy đủ vắc xin dịch bệnh lại bùng phát”- ông Thành nói đồng thời lưu ý rằng có rất nhiều tỉnh thành ở Việt Nam hiện nay đã qua 14 ngày không có ca trong cộng đồng. Bắt những tỉnh này chịu cùng một hình thức giãn cách như Bắc Giang là không hợp lý lắm. Ngược lại, nếu dịch bệnh diễn ra nghiêm trọng, Việt Nam “cũng sẽ phải chấp nhận giãn cách xã hội trên diện rộng” vì bảo đảm an toàn và tính mạng của người dân luôn là quan trọng nhất.

“Lẽ ra chúng ta phải chú trọng tới vắc xin ngay từ đầu. Mặc dù mình có nghiên cứu, cũng đang sản xuất, rồi tìm mua bên ngoài nhưng rõ ràng là chậm. Trong các nước ASEAN, xét theo tỷ lệ giờ mình là chậm nhất. Xét cho cùng vắc xin mới là quan trọng nhất để giải quyết vấn đề dịch bệnh này” - ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung Ương Người dân mong chờ được tiêm vắc-xin để có thể yên tâm trở lại làm việc. Ảnh Reuters chụp một phụ nữ được tiêm vắc-xin chống COVID ngày 8/3/2021.

Về vấn đề chuyển dịch các chuỗi cung ứng mà bài báo nói trên đề cập tới, ông Thành cho rằng:

“Dịch bệnh làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh nếu không khống chế tốt nhưng nó không thay đổi hoàn toàn các yếu tố tạo ra độ hấp dẫn trong việc chuyển đổi chuỗi cung ứng và đầu tư.”

Ông Thành qua đó cũng nhận định, ngoài yếu tố thị trường, khi nhìn vào vấn đề chuỗi cung ứng, người ta phân tích rất nhiều vấn đề như lợi thế so sánh, mức độ tự do hóa, kết nối thế giới, chi phí vận chuyển, đối tác tin cậy, công nghệ lõi…

Ông Nhâm cũng thừa nhận Việt Nam vẫn là một điểm đến đầu tư hấp dẫn và xét trong bình diện khu vực thì Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia chống dịch tốt nhất, chỉ sau Trung Quốc và Đài Loan. Riêng đối với quyết sách mới của lãnh đạo Bắc Giang, ông Nhâm nhận xét nếu những thử nghiệm đưa sản xuất trở lại được thực hiện nghiêm túc và thành công ở Bắc Giang, Việt Nam sẽ tạo được niềm tin lớn đối với nhà đầu tư vì vẫn có thể đảm bảo sản xuất trong điều kiện dịch bệnh. Tuy nhiên, ông cũng góp ý Việt Nam nên có sự điều chỉnh phù hợp để bảo đảm an toàn cho khu vực sản xuất hướng đến thực hiện “mục tiêu kép”. Ông Nhâm nói tiếp:

“Đối với mục tiêu an toàn và tăng trưởng, nghĩa là mục tiêu kép tôi nghĩ vẫn có thể đạt được nhưng mục tiêu tăng trưởng không thể đặt ra quá cao như đầu năm Chính phủ đặt ra. Mục tiêu tăng trưởng khoảng 6% thì khá là khó. Tôi nghĩ Chính phủ có thể lại phải điều tăng trưởng ở mức hợp lý để đảm bảo an toàn cho khu vực sản xuất.”

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/should-vietnam-maintain-dual-goal-now-05272021111728.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét