Thứ Bảy, 22 tháng 5, 2021

'Sạch, Xanh, Xinh': ở VN nhan sắc đáng giá bao nhiêu ?

Nhân vụ 'Sạch, Xanh, Xinh' ở VN thử xem nhan sắc đáng giá bao nhiêu
PGS.TS Nguyễn Phương Mai - 
Trong một chương trình Shark Tank phiên bản Việt gần đây, dư luận bàn tán xôn xao về việc shark Hưng, một doanh nhân, đưa ra công thức gọi vốn thành công: "Cứ Sạch - Xanh - Xinh, là Xong". Câu nói này sau đó đã bị cắt trong clip lưu giữ lại trên trang của VTV nhưng còn trên mạng xã hội.

Thu Hằng, đồng sáng lập và điều hành Wiibike và shark Phú
Trong khi hai tiêu chí đầu chỉ chất lượng sản phẩm, tiêu chí thứ ba nhằm vào ngoại hình của thí sinh gọi vốn, gây phản đối vì "ngoại hình" không nên liên quan đến chuyên môn và nội dung của chương trình TV về kinh doanh. Nhưng có ý kiến cho rằng sắc đẹp, dù không nên là một tiêu chí tuyển người, rõ ràng đem lại ưu thế trong cuộc sống. Chúng ta hãy tìm hiểu xem có đúng là như vậy không.

Sắc đẹp là công cụ của chọn lọc tự nhiên



Trong thế giới động vật, sự hấp dẫn bạn tình luôn được đánh giá bằng tín hiệu hình thể, tỉ dụ như một bộ lông rực rỡ. Những tín hiệu đó cho biết tình trạng sức khoẻ của đối tượng mà loài vật sẽ kết hợp nguồn gien để duy trì nòi giống.

Con người cũng vậy. Nếu những em bé mới sinh nhìn bạn lâu hơn và thường xuyên hơn những người khác, tức là bạn rất xinh đẹp đấy.

Theo một nghiên cứu của Anh, sắc đẹp bao gồm thứ nhất là "sự cân đối" (symmetry), như mũi không bị lệch sang một bên chẳng hạn.

Thứ hai, đó là "sự trung bình" (averageness), ví dụ như cái mũi to đừng to quá khổ hoặc bé tý xíu.

Thứ ba, đó là những đặc trưng về "giới tính". Ví dụ, vì đàn ông thời xa xưa phải đi săn bắn, nên hàm rộng và cơ bắp được coi là đẹp.

Thứ tư, đó là "làn da và sắc tố da". Một làn da sáng màu ở châu Phi sẽ không được tạo hoá coi là đẹp do thiếu sắc tố melanin để đối chọi với ánh mặt trời gây ung thư da.

Cuối cùng, sắc đẹp còn phụ thuộc vào "quan điểm và tính cách cá nhân".

Một phụ nữ độc lập tài chính có thể không coi một người đàn ông hàm rộng, lực lưỡng là một chàng trai đẹp, vì định kiến cho rằng anh ta dễ ham "săn mồi" mà coi nhẹ chăm sóc gia đình.

Từ góc nhìn tiến hoá, khi phụ nữ nói họ không quan tâm lắm đến ngoại hình đàn ông, rất có thể, họ chỉ vô thức nói theo thói quen hoặc xu thế xã hội. Kỳ thực, khi được lựa chọn, đàn ông dù có phẩm chất tốt đến đâu mà không có ngoại hình ít nhất là trung bình trở lên thì cũng bị loại khỏi cuộc đua.

Phần thưởng của nhan sắc

Vì sắc đẹp là công cụ để chọn lọc tự nhiên, thật dễ hiểu khi chúng ta thiên vị những người xinh đẹp. Ta dùng các thước đo giá trị của tổ tiên khi xưa để đánh giá, mặc định "xinh đẹp" đồng nghĩa với "chất lượng bạn tình". Nước sơn đẹp thì chắc là gỗ cũng tốt. Người đẹp thì chắc là có sức khoẻ, khả năng săn mồi và nuôi con tốt hơn, như câu thơ từ ngày xưa: "Những người thắt đáy lưng ong. Vừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con".



Ta có thể công khia thiên vị, hoặc vô thức làm mà không hề biết. Với cùng một đơn xin việc như nhau, thí sinh có ảnh đẹp sẽ lọt vào vòng phỏng vấn nhanh gấp 5-8 lần người khác.

Khoa học gọi hiện tượng này là "beauty premium" (phần thưởng của nhan sắc) hoặc "halo effect" - với nghĩa vầng hào quang trên đầu.

Người xinh đẹp dễ gây ảnh hưởng, được coi là thông minh, khoẻ mạnh hơn. Họ cũng dễ dàng được người khác yêu quý, tin tưởng gửi gắm các bí mật. Các chính khách mà lại đẹp nữa thì có khả năng tăng tới 20% phiếu bầu.

Thậm chí, người xinh đẹp còn được coi là có đạo đức hơn. Trong chuyện cổ tích, "xinh đẹp" đồng nghĩa với "tốt đẹp".

Thật khó tưởng tượng một kẻ có nhan sắc mà lại xấu xa. Chính vì vậy, trước toà, các bị cáo có nhan sắc luôn có lợi thế. Thậm chí khi ra tù, họ cũng hoà nhập dễ dàng hơn.

Đây là trường hợp của Jeremy Meeks - một tội phạm đẹp trai vô đối, nhờ sắc đẹp của mình mà có án tù nhẹ hơn, bước ra khỏi song sắt là lập tức trở thành người mẫu nổi tiếng.

Sự trừng phạt của nhan sắc

Tuy nhiên, mặt sau của tấm huy chương không hề dễ chịu. Khoa học gọi đây là "beauty penalty" (sự trừng phạt của nhan sắc).

Thứ nhất, người xinh đẹp phải đối mặt với sự thất vọng khi ngoại hình không đồng nghĩa với chất lượng nội tại mà người khác mong mỏi. Ấy là khi ta thở dài: "trông cũng không đến nỗi nào mà sao ác/ ngu/ dở hơi....thế". Sự kỳ vọng càng cao, sự thất vọng càng lớn, và sự trừng phạt càng nghiêm khắc.



Thứ hai, người xinh đẹp dễ bị chính ngoại hình của mình phản đòn, khi sắc đẹp trở thành một yếu tố đánh giá thay vì năng lực bản thân. Họ phải cố gắng gấp nhiều lần để khẳng định vai trò chuyên môn của mình.

Một ví dụ là luật sư nổi tiếng Amal Clooney- vợ của diễn viên George Clooney. Báo chí chỉ chú trọng đến việc bà xinh đẹp ra sao mà rất ít đề cập đến tài năng của bà trong các vụ kiện nhân quyền. Trong một cuộc phỏng vấn, khi phóng viên hỏi về thời trang, bà đã trả lời: Tôi mặc áo luật sư.

Khi bị xã hội tập trung chú ý vào ngoại hình, người có nhan sắc nếu thiếu ý chí sẽ lơi là việc tu dưỡng năng lực, dần dần bị phụ thuộc vào chính sắc đẹp của mình hơn là sức mạnh nội hàm. Thế nên thiên hạ mới có câu "khen cho chết" để đối thủ trở nên tự cao tự đại mà buông lỏng việc nâng cấp bản thân. Trẻ em không có ngoại hình xuất sắc có xu hướng tập trung vào việc học hành và sự nghiệp tốt hơn, trong khi những bạn học xinh đẹp dù có lợi thế, nhưng tốn nhiều thời gian để chơi bời và yêu đương.

Thứ ba, nếu người xinh đẹp là nữ giới, họ thường bị hạ thấp trong vai trò quản lý. Trong một nghiên cứu, 43% người được hỏi chọn đàn ông đẹp trai làm sếp, nhưng có tới 30% chọn phụ nữ không xinh làm sếp. Phụ nữ xinh đẹp chỉ được chọn làm sếp với 13%, nhưng lại được chọn làm cấp dưới với 47%.

Điều này có nghĩa là phụ nữ đẹp chỉ có lợi khi họ làm nhân viên, và đàn ông đẹp có lợi khi họ làm sếp. Lý do cho hiện tượng này cũng lại do định kiến phụ nữ không phù hợp với vai trò lãnh đạo, nên nếu ngoại hình của họ trông nam tính thì họ sẽ dễ được chọn hơn.

Thứ tư, trong môi trường kinh doanh, phụ nữ xinh đẹp cũng ít được tin tưởng hơn (female fetal effect) do hậu quả của sự ghen tị từ đồng nghiệp. Họ bị nghi ngờ không tiến thân bằng thực lực mà bằng sắc đẹp.

Kể cả khi rời công sở, sự tị hiềm cũng khiến phụ nữ có nhan sắc bị cố tình gắn cho những điểm xấu xí như lạnh lùng, tham lam, cướp chồng thiên hạ. Hạ thấp kẻ khác là một phương pháp để số đông kém may mắn hơn giữ được thăng bằng trong cuộc sống. Người xưa có câu "hồng nhan bạc mệnh" có lẽ cũng một phần vì lý do này.

Cuối cùng, sắc đẹp, tiếc thay, lại không sóng đôi cùng hạnh phúc. Khoa học gọi đây là hedonic adaption. Chúng ta càng giàu có, xinh đẹp, thì lại càng đòi hỏi bản thân cao hơn. Tiền mấy cũng không đủ, đẹp mấy cùng không vừa lòng. Người có nhan sắc khó tìm bạn và giữ bạn. Hôn nhân của họ cũng gặp nhiều sóng gió hơn.

Tôn giáo của nhan sắc

Toàn cầu hoá và sự bùng nổ của mạng xã hội khiến thế giới chứng kiến "tôn giáo của sắc đẹp" ra đời. Rất nhanh chóng, quanh ta chỉ còn toàn nam vương và hoa hậu.

Nạn nhân của "tôn giáo" này chủ yếu là giới trẻ, bởi họ so sánh bản thân với một tiêu chuẩn sắc đẹp không với tới được (unattainable beauty). Những siêu mẫu xinh đẹp trên mạng có chỉ số định dạng cơ thể thuộc loại hiếm, như chân siêu dài và người siêu mỏng. Đứng từ khía cạnh tiến hoá sinh học, định dạng này có thể là không đẹp, thậm chí dị dạng.

Những bức ảnh trên mạng cũng được chỉnh sửa, phản ánh một thế giới phù hoa trong tưởng tượng. Cố gắng có cuộc sống giống vậy không khác gì bắt sao trên trời.

Dễ hiểu tại sao nền công nghiệp làm đẹp tìm mọi cách để phát triển "tôn giáo" này vì nguồn lợi nhuận khủng khiếp. Nghệ thuật marketing khiến ta ảo tưởng rằng đẹp như mơ là điều chắc chắn có thể trở thành hiện thực. Nếu chưa đẹp, đó là do ta chưa đủ cố gắng, chưa đủ tiền, chưa đủ may mắn để gặp đúng sản phẩm hay bác sĩ thẩm mỹ. Nếu chưa đẹp, lỗi là ở chính bản thân chúng ta.


ảnh PGS.TS Nguyễn Phương Mai làm việc tại ĐH Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan và là tác giả cuốn sách 'Con đường Hồi giáo'

Hệ luỵ sức khoẻ nguy hiểm hơn cả là chứng biếng ăn (anorexia). Nạn nhân gầy và yếu như que tăm nhưng vẫn nhịn. Số lượng người bị trầm cảm, lo lắng, thiếu tự tin, tự căm ghét cơ thể... tăng đột biến từ khi có mạng xã hội. Càng sử dụng mạng xã hội, bệnh càng nặng.

Trong một nghiên cứu, các bạn trẻ cảm thấy mình xấu xí hơn ngay sau khi đăng selfie, bất kể có chỉnh sửa hay không. Có bạn đánh mất khả năng định vị giá trị ngoại hình của mình đến mức đòi chờ xem có bao nhiêu like rồi mới có thể tự đánh giá bản thân.

Tiếp nữa, nhan sắc chịu ảnh hưởng của văn hoá. Những nền văn hoá giàu quyền lực có thể áp đặt tiêu chuẩn của cái đẹp lên nhận thức xã hội. Họ có quyền năng định nghĩa (lại) nhan sắc, đẩy sắc đẹp của các cộng đồng nhỏ như người da màu hay nhập cư xuống hàng thứ yếu.

Vẻ đẹp chân thật

Như vậy, trong thời hiện đại, "ngoại hình" có thể biến đổi, chỉnh sửa, và không nhất thiết là tín hiệu của "chất lượng con người". Sắc đẹp trờ thành con dao hai lưỡi.



Tuy nhiên, thiên vị sắc đẹp là một định kiến khó tẩy sạch vì có gốc tiến hoá. Đó là sự rơi rớt sau nhiều ngàn năm sắc đẹp ngoại hình đóng vai trò là tín hiệu của sự tốt đẹp nội hàm.

Thế thời thay đổi và chúng ta đang trong kỳ chuyển tiếp. Sự thiên vị vẫn có nhưng ta có thể cố gắng coi đó là một suy nghĩ riêng tư, định kiến vô thức. Ta có thể dùng khả năng nhận thức của loài người có thể hạn chế mặt tiêu cực, ngăn cản định kiến biến thành hành động.

Ví dụ, luật chống phân biệt trong tuyển dụng không yêu cầu ứng viên kèm ảnh, tên, tuổi, tôn giáo, quốc tịch để đảm bảo sự công bằng cho đến vòng phỏng vấn. Tại vòng phỏng vấn, nhiều người cùng hỏi để kiểm tra chéo lẫn nhau với một hệ thống các câu hỏi viết sẵn giúp người phỏng vấn tập trung vào chuyên môn.

Tại nhiều công ty, việc nhận xét về ngoại hình bị coi như cấm kị và là biểu hiện của sự thiếu chuyên nghiệp. Nếu buộc phải nhận xét về ngoại hình như cách ăn mặc lôi thôi, phòng nhân sự thường có một loạt mẫu câu để tránh làm tổn thương hoặc thiên vị.

Những phong trào gần đây như body positive (yêu thương cơ thể chính mình) cũng được hưởng ứng mạnh mẽ vì thông điệp sức khoẻ và văn minh. Năm 2004, Dove tạo ra một cuộc cách mạng với quảng cáo những phụ nữ có cơ thể rất bình thường, hơi béo, hơi gầy, đủ màu da và sắc tộc. Từ đó đến nay, ngày càng nhiều hãng sản phẩm đi theo hướng tôn vinh vẻ đẹp tự tin chân thật của con người.


Một số người cho rằng đàn ông thành công quyền lực giàu có thì trêu hoa ghẹo nguyệt là lẽ tự nhiên

Trở lại với Shark Tank Việt Nam và câu chuyện "xinh đẹp" của thí sinh gọi vốn. Vì nhan sắc là con dao hai lưỡi, nên câu nói của shark Hưng rất khó có một hệ quả trung tính. Chính vì thế, giái pháp an toàn và chuyên nghiệp nhất là tập trung vào chuyên môn.

Hơn ai hết, những nhân vật có ảnh hưởng xã hội cần có trách nhiệm để định kiến về nhan sắc không tạo ra hệ luỵ cho chính người có nhan sắc, hay tạo ra bất công cho số đông không được trời phú cho sắc đẹp.

Trách nhiệm đó cũng thuộc về mỗi cá nhân chúng ta, vì dù đẹp hay xấu, một lúc nào đó, chính ta cũng có thể là nạn nhân.

PGS.TS Nguyễn Phương Mai làm việc tại ĐH Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan, với chuyên môn quản trị đa văn hoá kết hợp với kiến thức thần kinh não bộ (neuroscience). Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-57166933

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét