Nữ giới trong quốc hội, số lượng có đi kèm chất lượng?
Bùi Thư 21 tháng 5 2021 - Nhiệm kỳ Quốc hội Việt Nam khóa XV, đặt mục tiêu phải đạt hơn 30% nữ đại biểu Quốc hội trúng cử. Con số này gợi lên nhiều băn khoăn. Hồi năm 2016, trong một nhấn nhá về vai trò lãnh đạo của nữ giới, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: "Tôi đi nước ngoài người ta cứ hỏi tôi về dân chủ, nhân quyền, bình đẳng giới. Hôm trước đi Mỹ tôi đề nghị đồng chí Tòng Thị Phóng đi, nói chuyện với bà con Việt Kiều. Tôi bảo đấy bà con xem có oai vệ không? Đàng hoàng, ngang ngửa ra quốc tế đấy chứ. Vừa nữ, vừa dân tộc."Hình ảnh cổ động bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân khóa 15 trên đường phố Hà Nội
Giờ đây, trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, vấn đề nữ giới tại các cơ quan đại diện nhân dân một lần nữa được nêu lên.
Trả lời BBC News Tiếng Việt ngày 20/5, Ngọc An, một nhà hoạt động xã hội tại Sài Gòn nói vấn đề giới tính của các ứng cử viên ĐBQH là tiêu chí cuối cùng khi cô bình bầu: "Tôi không quan tâm họ là nam hay nữ để bầu, miễn sao họ chứng minh có thể làm việc hiệu quả trong hệ thống, dám nêu chính kiến, chất vấn ở nghị trường."
Sáng 19/5, Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) ra mắt loạt báo cáo về vai trò của nữ đại biểu dân cử Việt Nam giai đoạn 2016-2021 và vấn đề về giới trong các cơ quan quyền lực nhà nước lại được mổ xẻ.
Vì sao tỉ lệ nữ ĐBQH còn thấp?
Nghị quyết Trung ương 7 khóa 12 đã xác định mục tiêu đến năm 2030 với tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội, nữ đại biểu HĐND các cấp phải đạt trên 35%.
Đây là một con số khá cao so với mức 26,72% của Quốc hội khóa 14 hiện nay.
So với các quốc gia trong khu vực, tỉ lệ nữ trong Quốc hội Việt Nam ở mức tương đương, chẳng hạn Trung Quốc hiện có 25% nữ giới trong số 2.953 đại biểu quốc hội; tỉ lệ này ở Philippines là 28% (tính chung cả Hạ viện lẫn Thượng viện), Lào (27,5%), Singapore (29,47%), Thái Lan (15,75%).
Tỉ lệ này ở một số quốc gia dân chủ phương Tây cũng nằm trong khoảng 25-30%, chẳng hạn Đức có 28% nữ trong quốc hội, Mỹ là 27%.
Hiện nữ ứng cử viên Quốc hội khóa 15 trong danh sách chính thức đạt trên 45%, tuy nhiên có thể thấy nhiều ứng viên trong đó chỉ đóng vai trò lót đường.
Chẳng hạn, ở đơn vị bầu cử số 1 gồm các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng (Hà Nội), nữ ứng cử viên Nguyễn Thị Hà Tuyên - phó hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ - được xếp chung với các ứng viên như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng; Nguyễn Trúc Anh - giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội; Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt - tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô.
Khả năng một cô giáo trung học vượt qua "bảng đấu" này nhiều người cho là hầu như không thể. Thế nên, từ tỉ lệ 45% nữ ứng cử viên, con số trúng cử sẽ thấp hơn nhiều.
Cử tri Việt Nam luôn được tuyên truyền rằng bầu cử là nghĩa vụ của công dân
Đặt nhiều kỳ vọng vào việc cải thiện bình đẳng giới trong hệ thống chính trị nhưng 5 nhiệm kỳ gần đây (từ năm 1997 - 2021), tỉ lệ này vẫn dao động ở khoảng 25% dù Việt Nam đã và đang thực hiện các chính sách để cải thiện bình đẳng giới. .
Trong khuôn khổ cuộc tọa đàm do UNDP tổ chức, bà Đặng Thị Anh Đào, đại biểu HĐND 2 nhiệm kỳ với vị trí Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách tại Cần Thơ, nêu ý kiến:
"Tôi không nghĩ vấn đề nằm ở chính sách vì hiện nay có rất nhiều và đủ. Khách quan tôi nhận xét ở thực tiễn tại địa phương thì tôi thấy vị thế chính trị của chị em nữ khi đứng trong các liên danh rất thấp, dù trình độ chuyên môn có. Nếu tôi là cử tri, nhìn vào liên danh đó thì cho dù các chị em nữ này có nghiệp vụ cao nhưng địa vị chính trị thấp thì sẽ đặt câu hỏi, tôi bầu chọn các chị vào thì tiếng nói các chị có trọng lượng để bảo vệ quyền lợi cho tôi không."
"Nói tóm lại, nguồn lực của nữ ứng cử viên mà chúng ta đề xuất để tham gia ứng cử thì vị trí chính trị rất thấp, vì vị trí lãnh đạo của phụ nữ ở các đầu ngành vốn còn rất thấp."
Bà Anh Đào phân tích thêm: "Nếu quán triệt tốt chính sách về giới thì ngay cả đầu vào tuyển dụng sẽ ưu tiên tuyển dụng nữ, trong khi hiện tại hầu hết các cơ quan hạn chế lắm mới nhận nữ. Khi đã vào cơ quan nào đó, việc đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt cho nữ để lên vị trí lãnh đạo vẫn còn khiêm tốn.
"Từ nguồn lực còn khan hiếm như vậy thì lấy đâu ra nguồn lực nữ để cho cử tri bầu chọn. Tôi nghĩ chúng ta làm sao quán triệt thực hiện các chính sách về giới một cách triệt để từ cơ sở đến trung ương, không chỉ mang tính hình thức. Như vậy, lực lượng nữ từ đây đến 2030 có vị trí và lịch sử chính trị ngang tầm với nam giới thì mới được người dân bầu chọn."
Ông Phạm Đình Đoàn, đại biểu HĐND TP Hà Nội, cho rằng vấn đề nằm ở việc nhiều phụ nữ thành công nhưng chưa ý thức được trách nhiệm xã hội, còn ngại đấu tranh, ngại va chạm nên không muốn vào cơ quan dân cử.
"Làm sao có cuộc vận động kêu gọi cả nữ và nam có năng lực, trình độ để đóng góp, xây dựng đất nước và cho người dân có nhiều ứng cử viên tốt để lựa chọn. Như vậy mới có hy vọng tỉ lệ nữ ĐBQH lên đến 30 - 35%".
Nữ ĐBQH có gì nổi bật?
Nghiên cứu của UNDP chỉ ra, các đại biểu Quốc hội cho rằng "lắng nghe" là một trong ba phẩm chất quan trọng nhất đối với một đại biểu dân cử (khoảng 71% nam đại biểu và 69% nữ đại biểu lựa chọn). Tiếp đó là "có chính kiến" (58% nam và 56% nữ đại biểu). Cuối cùng, phẩm chất "có khả năng theo đuổi vấn đề" được gần 37% nam đại biểu Quốc hội và 34% nữ đại biểu Quốc hội lựa chọn.
Tiến sĩ Trần Văn Túy, nguyên Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nói tại cuộc tọa đàm rằng ông đồng ý về việc đánh giá năng lực của cán bộ nữ:
"Một trong những năng lực bộc lộ rất lớn đối với nữ đại biểu là thể hiện chính kiến rất rõ ràng. Thứ hai là năng lực phát hiện vấn đề trong thảo luận, dù chỉ chiếm khoảng 26% nhưng tôi thấy trong các phiên họp, đều chiếm xấp xỉ 50% số lần phát biểu, tranh luận và chất vấn."
Đại biểu Ksor H'Bơ Khăp (Gia Lai) có những phát ngôn làm nóng nghị trường tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 14 về vấn đề pin mặt trời, thủy điện...
Ông Phan Văn Luân, nghiên cứu viên tại CEPEW, thì nêu lên quan sát của mình từ các hoạt động của Quốc hội, cụ thể là phần tranh luận của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) tranh luận với đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) về giờ lao động: "Tôi cho rằng nữ giới cho tôi quan điểm gần, chi tiết, cụ thể và quan tâm nhiều hơn đến người thiểu số. Điều này cũng thể hiện ở báo cáo nghiên cứu UNDP khi nữ giới thường lắng nghe và có chính kiến mạnh mẽ tại nghị trường".
Có thể thấy, nếu so sánh về tỉ lệ nữ trong cơ quan lập pháp trung ương, Việt Nam không quá khác biệt với các quốc gia trong khu vực.
Tuy nhiên, nếu xét đóng góp vào hoạt động lập pháp, ở các quốc gia theo mô hình dân chủ phương Tây như Philippines, đóng góp của nữ đại biểu thường cao hơn và mang tính thực chất hơn.
Điều này có thể dễ dàng kiểm chứng bằng cách xem xét hồ sơ lập pháp của mỗi đại biểu.
Ở Việt Nam, với thực tế là Quốc hội chịu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, như chính bà Nguyễn Thị Kim Ngân lúc còn đương chức Chủ tịch Quốc hội đã thừa nhận, thì vai trò lập pháp xét ở khía cạnh "có chính kiến" và "có khả năng theo đuổi vấn đề" của đại biểu nói chung là mờ nhạt, không riêng gì đại biểu nữ.
Một nhà quan sát chính trị độc lập tại TP HCM chia sẻ với BBC News Tiếng Việt rằng chừng nào Quốc hội chưa có được tư cách độc lập thực thụ, chừng đó hoạt động lập pháp sẽ còn hạn chế.
"Do đó, con số tỉ lệ nữ tăng lên là chỉ về mặt số lượng, cho có hình thức 'oai vệ' như lời ông Nguyễn Phú Trọng, chứ không đồng nghĩa với đóng góp, vai trò của nữ tăng lên," nhà quan sát không muốn nêu tên này nói.
Cử tri kỳ vọng gì?
Trong buổi họp báo, bà Hoàng Hường, nhà sản xuất chương trình Hannoi Arts for Youth nói việc phấn đấu đạt tỉ lệ trên 30%, hay 45% đại biểu là nữ thì là tín hiệu đáng mừng nhưng bà quan tâm hơn là quan điểm của các đại biểu ấy về vấn đề giới, chứ không phải bản thân giới tính của họ.
"Hơn một lần tôi nghe những định kiến như phụ nữ tham chính là ham quyền lực, như vậy là không nữ tính. Tôi nghe điều này từ nam giới lẫn nữ giới."
Bà Hường nói thêm về tiêu chí: "Đầu tiên, tôi quan tâm người đó có thái độ, hành động, chính kiến gì về những vấn đề phát triển cộng đồng. Tôi đặc biệt đánh giá cao những người sẵn sàng thể hiện chính kiến của mình vì ĐBQH là người mang tiếng nói của người dân đến các cơ quan chính phủ. Việc họ tích cực thể hiện chính kiến, hành động đối với những vấn đề xã hội quan tâm thì trước hết đó là trách nhiệm công dân để tôi tin tưởng họ là tiếng nói đại diện tốt cho những cử tri như tôi."
"Tiếp đến, anh chị ấy phải nhất quán trong tư duy và hành động, không thể hôm nay nói thế này, mai lại hành động thế khác. Trong thời đại công nghệ, mạng xã hội là công cụ để tiếp cận với các cử tri cũng như truyền tải thông tin quan trọng. Vì vậy, đầu tiên tôi sẽ vào trang mạng của đại biểu đó để xem họ quan tâm đến những vấn đề gì, trước giờ có những quyết sách và mức độ tham gia thế nào trong vấn đề trong công tác phát triển cộng đồng. "
Buổi Báo cáo chuyên đề "Vai trò, hoạt động và đóng góp của nữ đại biểu dân cử Việt Nam giai đoạn 2016-2021" được phát trực tuyến
Nhà hoạt động Ngọc An nêu suy nghĩ: "Tôi sẽ ưu tiên hồ sơ lý lịch của họ minh bạch hay không, họ có làm rõ phương hướng nếu trúng cử sẽ thực hiện những gì. Nhưng tới giờ tôi thấy đa phần các ứng cử viên ĐBQH không nêu bật được chương trình hành động của mình, rất mịt mù."
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-57199038
Trong buổi họp báo, bà Hoàng Hường, nhà sản xuất chương trình Hannoi Arts for Youth nói việc phấn đấu đạt tỉ lệ trên 30%, hay 45% đại biểu là nữ thì là tín hiệu đáng mừng nhưng bà quan tâm hơn là quan điểm của các đại biểu ấy về vấn đề giới, chứ không phải bản thân giới tính của họ.
"Hơn một lần tôi nghe những định kiến như phụ nữ tham chính là ham quyền lực, như vậy là không nữ tính. Tôi nghe điều này từ nam giới lẫn nữ giới."
Bà Hường nói thêm về tiêu chí: "Đầu tiên, tôi quan tâm người đó có thái độ, hành động, chính kiến gì về những vấn đề phát triển cộng đồng. Tôi đặc biệt đánh giá cao những người sẵn sàng thể hiện chính kiến của mình vì ĐBQH là người mang tiếng nói của người dân đến các cơ quan chính phủ. Việc họ tích cực thể hiện chính kiến, hành động đối với những vấn đề xã hội quan tâm thì trước hết đó là trách nhiệm công dân để tôi tin tưởng họ là tiếng nói đại diện tốt cho những cử tri như tôi."
"Tiếp đến, anh chị ấy phải nhất quán trong tư duy và hành động, không thể hôm nay nói thế này, mai lại hành động thế khác. Trong thời đại công nghệ, mạng xã hội là công cụ để tiếp cận với các cử tri cũng như truyền tải thông tin quan trọng. Vì vậy, đầu tiên tôi sẽ vào trang mạng của đại biểu đó để xem họ quan tâm đến những vấn đề gì, trước giờ có những quyết sách và mức độ tham gia thế nào trong vấn đề trong công tác phát triển cộng đồng. "
Buổi Báo cáo chuyên đề "Vai trò, hoạt động và đóng góp của nữ đại biểu dân cử Việt Nam giai đoạn 2016-2021" được phát trực tuyến
Nhà hoạt động Ngọc An nêu suy nghĩ: "Tôi sẽ ưu tiên hồ sơ lý lịch của họ minh bạch hay không, họ có làm rõ phương hướng nếu trúng cử sẽ thực hiện những gì. Nhưng tới giờ tôi thấy đa phần các ứng cử viên ĐBQH không nêu bật được chương trình hành động của mình, rất mịt mù."
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-57199038
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét