Thứ Tư, 26 tháng 5, 2021

NHỮNG GÓC TỐI THÀNH LEN: CHẠY CHỢ

Đọc những bài kiểu này mình nhớ Mockba và Leningrad quá, nhất là những nơi mình hay lang thang qua lại được kể trong bài. Thời gian trôi qua nhanh thật; chỉ những kỷ niệm là mãi mãi còn đây.

Trích "Đông Âu Anh Hùng Truyện" của Nam Nguyen
NHỮNG GÓC TỐI THÀNH LEN: CHẠY CHỢ
“... H có nhớ chỗ này không? Bên bờ sông Fantanka đấy, phía trước là cầu 4 ngựa …Ừ lâu quá rồi, 23 năm cơ mà, khác nhiều nhỉ, trước đã đông giờ thấy gấp cả chục lần? Toàn người là người à? Ừ, đúng rồi, “Apraksin Dvor”, từ thời xa xưa thế kỷ 19 đã là một cái chợ nổi tiếng với một kiến trúc vô cùng độc đáo nằm ở trung tâm Saint- Petersburg ngay cạnh bờ sông Fontanka. Nhớ rồi, bên cạnh là trung tâm mua sắm lâu đời nhất thành phố, không những thế còn là một trong những khu mua sắm đầu tiên của thế giới mang tên Gostiny Dvor.

Chợ trời Apraksin Dvor tại Len
Cái chợ này có chung con phố Sadovaya với Gostiny Dvor, hồi xưa mỗi lần Gostiny có phích Trung Quốc hay nồi hầm, ấm điện xếp hàng dài dằng dặc, là tụi này lại gửi chỗ rồi chạy sang chợ xem các đồ thực phẩm, nhìn mà phát thèm, ngon thế không biết, thịt hun khói màu hồng phớt nghĩ đến là thấy ngập răng rồi. 

Những khay trái cây khô mới ngon chứ, trái mơ thì cứ vàng óng như là quét mật ong ấy. Mấy bà bán hàng cũng thảo tính lắm, cho nếm thử thoải mái, chắc họ nhìn thấy nước miếng của tụi sinh viên đói ăn chảy ra. H biết không, sau khi Liên Xô tan rã thì Apraksin không chỉ bán thực phẩm mà còn bán ty tỷ các loại không phải thực phẩm như quần áo, giày dép, mũ, áo lông, đồ chơi, đồ da dụng, chẳng khác gì Gostiny Dvor bên cạnh, có điều mỗi ô là một cá thể, bán những thứ mà họ lựa chọn.

Đẳng cấp, chất lượng thì kém hơn chủ yếu dành cho dân thường có thu nhập thấp, hàng hóa chủ yếu nguồn gốc từ Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam. Vợ cũ của mình trước kia cũng có một quầy trong đó. Hồi đó để có một vị trí như vậy khó khăn lắm, kiểu “mật ít ruồi nhiều” mà. Cô vợ chả chịu nhà, nên mình phải chi ra 10.000 đô cho một quầy bán quần áo ở đấy.

Sau khi Liên bang Xô viết không còn tồn tại nữa, mọi cái được “mở ” hết, chả có kiểm soát gì. Đến cả các trường đại học cũng được mở rộng thênh thang. Hồi tụi mình học, muốn vào được trường, dân Nga phải thi cử ôn luyện gian nan ra phết, còn tụi nước ngoài đều là tuyển chọn của nhà nước, học hành miễn phí, mỗi tháng còn được nhận lương của bộ đại học Nga. Từ năm 1993 các trường được mở hệ đóng tiền, cứ có tiền là có thể vào học được, tất nhiên một số trường như tổng hợp, bách khoa thì tiền đóng cao hơn và đều phải thi sát hạch.

Trường nhận học dễ nhất và rẻ nhất là trường Lâm nghiệp (còn có tên là trường “Rừng”). Khái niệm Liên bang Xô viết không còn, đồng nghĩa với hợp tác lao động giữa hai nhà nước Việt Nam và Liên bang Nga bị chấm dứt. Nhiều nhà máy đóng cửa, công nhân Việt Nam phải khăn gói về nước.

Cuộc sống tại Nga tuy có vất vả nhưng so với nhà quê Việt Nam thì khác nhau một trời một vực. Bão tuyết, gió, mưa, lạnh cũng đã quen, bù vào đó là mùa hè mát dịu với những đêm trắng mê hồn. Những đêm trắng, đúng nghĩa trắng cả đêm thật. Gần nửa đêm mà nhìn mặt nhau vẫn còn rõ vanh vách, chẳng ai có thể đi ngủ hoặc ngồi yên trong nhà với bầu trời đẹp, quyến rũ như thế. Dạo chơi hai bên bờ sông Neva, xem cầu mở, xem từng đoàn tàu chở đầy hàng hóa, nối đuôi từ vịnh Phần Lan lướt vào, hát ầm ỹ, ngửa mặt lên trời ngắm sao, thậm chí có thể nằm ngay trên những thảm cỏ mà không cảm thấy tiếc cho bộ quần áo, để mà hà hít gió trời. Hương hoa tử đinh hương nồng nàn lẩn quất trong gió đến ngất ngây trong tiếng nhạc, tiếng người reo hò đón đoàn thuyền nhẹ lướt trên mặt nước với cánh buồm đỏ thắm của ngày lễ hội trên sông hằng năm vào những ngày cuối tháng 5. Những ngày giữa tháng 10, đắm chìm trong những thảm lá vàng còn thơm mùi nhựa nồng, lung linh, huyền ảo như trong chuyện cổ tích bước ra. Cuộc sống như thế ai chả muốn!

Thời điểm đó nước nhà còn khó khăn vô cùng, các gia đình đều trông chờ vào “cứu trợ” từ nước ngoài. Phải ở lại lập nghiệp thôi! Được dịch vụ dẫn mối, các bạn công nhân thi nhau chạy vào trường rừng “nhập học tiếng Nga”, nói là học cho oai thôi chứ có biết cái giảng đường mặt ngang, mũi dọc thế nào đâu, chẳng biết địa chỉ nhà trường là gì. Ban điều hành của trường có quan hệ rất tốt với Nội vụ thành phố cho nên việc đăng ký thủ tục lưu trú cho các “tân sinh viên” dễ dàng. Mỗi kỳ các “tân sinh viên” chỉ cần nộp 200 đô la, vẻn vẹn cả năm là 400 đô la, một năm học tiếng trôi qua ngon lành và lại tiếp tục nhảy lên năm trên, cứ thế, có bạn học tới cả chục năm mà vẫn không tốt nghiệp và tiếng Nga chỉ dừng lại ở “có” và “không”, thêm mấy câu chào nói theo kiểu phiên âm, còn lại thì ngôn ngữ tay chân vẫn là thế mạnh trong giao tiếp thường ngày, kể cả trong công việc bán hàng, giao dịch ngoài chợ.

Trường Lâm nghiệp (nơi bác Nông Đức Mạnh từng học) nay trở thành chỗ bán suất học, mua bằng...

Chẳng những công nhân tận dụng cơ hội “vàng” đó để ở lại, mà nhiều sinh viên tốt nghiệp xong muốn lại làm ăn cũng dựa luôn vào đó. Sinh viên được cái lợi thế là biết tiếng, nên nhập học không phải học tiếng Nga, mà xin học một cái ngành nào đó, láng cháng lên giảng đường vài giờ trong tuần, thậm chí còn xin làm luận án tiến sỹ, cách này cách khác sau mấy năm cũng có một cái bằng.

- H có biết em sinh viên của trường khoa kinh tế tên L.T.L không?

- Không bạn?

- Chắc lúc cậu ấy sang học thì H đã lên Matxcơva rồi.

Mình thì biết cậu này, hồi đó mình có học thêm một bằng kinh tế tại khoa kinh tế trường H để chuẩn bị cho việc mở công ty riêng tại đây. Cậu sinh viên đó tiếng Nga rất kém, chắc mải làm ăn nên không đi học, thi cử thế nào mà không đỗ tốt nghiệp khoa đó. Để tiếp tục được ở lại, cậu sang trường lâm nghiệp nhập học, vừa hợp thức hóa việc ở lại làm ăn. Vừa rồi một anh bạn thông báo cho mình là cậu đó đang làm hiệu trưởng một trường đại học lớn ở thành phố Hồ Chí Minh, với học vị mà cậu ấy khai là tiến sỹ kinh tế tại Đại học Tổng hợp Leningrad đấy.

H nhớ không? Cái thời tụi mình là sinh viên, láng cháng thi điểm 3 là bị kỷ luật, điểm danh trên lớp mà vắng mặt là có chuyện ngay, bao nhiêu người bị về nước trước thời hạn học tập còn gì. Các bà giáo, ông giáo Nga hiền thật đấy như mà nghiêm túc có hạng, không đi học, không trả thi được thì đừng có mà nêu lý do hay xin xỏ gì nhé. Cái khoa kinh tế thì giáo viên khét tiếng là nghiêm rồi, hồi mình học, thằng cu em họ mình ngày nào đi học về cũng kể chuyện các ông giáo, bà giáo hỏi thi thế nào? Bắt bilet đề thi, ngồi dưới làm 15’ được gọi lên, nhưng họ lại không hỏi các câu trong vé thi mà lại hỏi những câu khác, không trả lời được thì xin mời cầm sổ điểm ra khỏi phòng thi, hẹn lần khác nhé, mà tối đa cũng chỉ thêm được hai lần thôi, còn không điểm liệt sẽ tròn trịa trong số điểm. Đúng rồi bạn, hồi đó học ra học, chẳng có chuyện ưu tiên, vớt vát gì đâu. Làm gì có chuyện quà cáp, tiền bạc để mà xin điểm, làm gì mà có được số điện thoại nhà riêng, hay địa chỉ của giáo sư.

Kể cả dân chuyển tiếp sinh như tụi mình, bảo vệ thử không qua được, cũng chỉ được gia hạn thêm 6 tháng hoặc 1 năm là cùng, nhiều người về nước có bằng đâu. Như chuyên ngành tâm lý của tớ đây, dính đến thực nghiệm nhiều, ba năm làm chuyển tiếp sinh, hai năm đầu mình đi làm thực nghiệm từ sáng đến chiều, còn lại năm cuối là mài đũng quần trên ghế thư viện, hết thư viện khoa, trường, đến viện hàn lâm, rồi thư viện trung tâm, làm cho đến giờ cứ nhìn thấy cái xúc xích là lại ngán lên tận cổ vì hồi đó món duy nhất trong thư viện là xúc xích luộc với khoai tây nghiền thêm tí sốt cà chua.

Liên Xô tan rã là tan rã mọi thứ, kể cả kỷ cương học hành, bằng cấp, chỉ có một số ít trường là còn giữ được cái nếp xưa. Buồn nhỉ? Thành ra bằng cấp của tụi mình về nước cũng bị “ đánh lận con đen”, bị “thương mại hóa” hết cả rồi! Giờ còn chẳng dám khai học hàm, học vị thật nữa.

Không ở Matxcơva có nhiều cái thiệt lắm, kể cả đây là cố đô thì cũng vẫn chỉ là một tỉnh lẻ. Hàng hóa để buôn bán đều phải lên các chợ mới mở trên Matxcơva lấy. Bao nhiêu “soái” Việt Nam xuất hiện. Cái tài là làm việc với một số đơn vị chủ sở hữu bất động sản như ký túc xá, nhà máy, kho bãi. Họ thuê lại mặt bằng với giá rẻ như cho, sau đó chia thành từng phòng bán cho đồng hương của mình với giá “cắt cổ” tạo thành “ốp” buôn bán.

Tài sản của những người thầu đó lên nhanh đến chóng mặt từ chỉ có nước bọt đến vài triệu đô la, rồi vài trăm triệu đô la. Đến giờ không chỉ dân sống ở Matxcơva mới nhớ, mà nhiều thành phố khác trong cả nước Nga đều nhắc đến các tên như “ Soái Ngọ”, “ Soái Hường” “ Soái Nhiên”… một thời làm mưa làm gió là chủ thầu của những chợ, những ốp nắm giữ sinh mạng mưu sinh của hàng chục nghìn người Việt. Muốn lấy được hàng thì phải mang tiền mặt theo để thanh toán luôn cho chủ hàng, việc lấy hàng không phải ai cũng đi được vì vừa tốn kém, phải đi chui lủi nếu công an bắt được thì có khi bị trục xuất về nước vì phạm luật cư trú đối với người nước ngoài tại Nga, nhiều khi phải sử dụng tiếng Nga mà công nhân thì khoản đó kém lắm, do vậy thường là tập trung gửi vào một vài người, trả người mang hộ tiền, lên Matxcơva lấy hàng một ít tiền dịch vụ là xong.

Những chuyến đầu trót lọt. Về sau, chợ mở ra nhiều, số người ở lại tăng lên, nhu cầu hàng hóa lấy về nhiều nên những chuyến đi lấy hàng càng mau dần lên, rồi thành qui luật đi lại… Đang ngồi văn phòng làm việc với khách hàng, cô vợ khóc lóc ầm ỹ qua điện thoại, nói không thành tiếng, rằng số tiền hôm qua gửi cho người bạn mang lên Matxcơva lấy hàng, vừa xuống đến ga đã bị hai thanh niên chìa ra cái thẻ gì đó xưng là công an mật áp sát hai bên dẫn lên một xe UAZ nói đưa về đồn để kiếm tra giấy tờ, cấm chống cự, kêu la. Họ đưa bạn đó đến một khu rừng vắng lục soát toàn bộ từ đầu đến chân, số tiền bạn đó dấu trong đế giày bị lột sạch, đang còn lơ ngơ chưa hoàn hồn về vụ lục soát kỳ quặc của hai người xưng danh là công an thì chiếc xe rú ga phóng mất dạng.

Nghĩ rằng người Việt mang tiền sẽ bị nhận diện rõ, những chủ hộ buôn bán lẻ thay đổi chiến thuật bằng cách thuê Tây mang tiền, một hai người đi áp tải cùng, ngồi khoang khác nhau… Sáng sớm, tàu về bến, mấy cái bóng bước xuống, theo thói quen ngó nghiêng trước, sau một vòng, yên tâm cả lũ bước đi, nhưng vừa chạm tới bến taxi thì bất chợt cái xe UAZ bạt phủ kín mít, hai người ăn vận nhang nhác giống quân phục quân đội, mời tất cả lên xe, nói rằng có mật báo chuyên chở chất cấm nên đưa về đồn để kiểm tra. Họ kè sát súng như thế, muốn chạy cũng chẳng nổi, mặt cắt không còn hột máu, ngồi im thin thít trên xe


Đã kinh doanh thì phụ nữ máu lửa hơn đàn ông nhiều...

… Xe đi mãi rồi dừng lại góc rừng ngoại ô, hô cả hội xuống xe, bắt quay mặt vào gốc cây rồi lục soát, tìm thấy gói ngoại tệ được dấu trong túi áo của cô bạn người Nga, cả lũ cười lên khả ố rồi nhảy lên xe phóng thẳng, để trơ lại ba người lúc đó hiểu ra mình bị trấn lột.

Gửi tiền qua dịch vụ lấy hàng mấy lần đều bị mất vẫn chẳng sợ - cô vợ mình vẫn máu buôn bán liều mạng tự đi Matxcơva lấy hàng. Mấy lần đầu trót lọt, thậm chí nàng còn quen thân với một trai là chủ hàng đi cùng với nàng về thành Len. Bạn biết rồi đấy, vợ mình là hoa khôi của ốp thợ dệt mang tên “Smolny”, mắt sắc, đa tình… nên chuyện giai theo cô ấy là bình thường. Những bịch áo gió lớn nhỏ chất đầy trên xe, nàng nhờ mình mang ra chợ rải hàng giúp còn nàng mệt nên nghỉ ngơi lấy sức. Giúp vợ cũng là chuyện bình thường, nhất là những việc mang vác như thế nên mình sẵn sàng lên xe ngay… Cho đến mấy năm sau, tình cờ mình được biết trong lúc mình chăm chỉ mang vác những bao áo gió cho các quầy thì cô vợ xinh đẹp đang ngọt ngào tình tự với ông chủ hàng trong chính căn phòng, trên chính chiếc giường của vợ chồng mình… Nghe thế, xót xa thật đấy, nhưng điều đó không còn quan trọng nữa vì tụi mình khi đó chuẩn bị chia tay.

Lại kể thêm về chuyện cô vợ đi lấy hàng trót lọt, có thêm một giai cặp kè, nên nàng tích cực đi lấy hàng lắm, tuần nào cũng đi. Mình vốn có gen chiều phụ nữ cho nên còn đưa vốn cho nàng đi lấy hàng, tiền vốn thì mình đưa, còn tiền lời nàng giữ cùng với vốn luôn, miễn nàng vui là được.

“Đi đêm lắm có ngày gặp ma”, ngạn ngữ cha ông để lại cấm có sai. Một lần đến ngày thứ hai vẫn chưa thấy nàng trở về, gọi điện thoại thì không liên lạc được, mình lo sốt vó không biết có sự gì xảy ra với nàng? Tìm nàng ở đâu? Thằng cu con lững chững biết đi ở nhà, mặc dù có chị giúp việc chăm sóc, nhưng cứ tối lại nhớ mẹ, đòi mẹ. Chờ mãi đến chiều tối ngày hôm sau, thấy một số điện thoại lạ hoắc, đầu dây bên kia, cô khóc nức nở, bảo vừa bị đưa vào trong rừng, nhốt một đêm trong đó, tụi giả dạng công an trấn lột hết, chỉ còn đúng bộ quần áo trên người, chúng trói nàng vào gốc cây bạch dương…, cấm kêu thét… rồi dở trò đồi bại.

Nàng lả đi trong đau đớn về thể xác và tinh thần, mệt mỏi lẫn đói khát…, mãi sau có một người đi xe đạp qua thấy thế mới cởi trói cho nàng và cho gọi nhờ điện thoại …mình phải gửi tiền lên cho nàng mua vé về Len (lúc đó chả hiểu sao cái giai chủ hàng ở Matxcơva lù lù mà sao nàng không cầu cứu!). Nhìn cảnh tượng da mặt xanh tái, chẳng còn hạt phấn nào đọng lại, cặp mắt quầng thâm, quần áo tơi tả, bê bết bùn đất dính đầy lá bạch dương, con trai bé bỏng nhào ra ôm mẹ, mà hai tay mẹ cứ đờ đẫn không muốn đỡ con, tủi thân, bé con òa khóc thống thiết…

Tưởng thế làm nàng sợ, làm nàng cạch không buôn bán gì nữa, mà ở nhà trông con, thế mà chỉ sau một tuần, nàng lại đòi cấp vốn để buôn tiếp, hết khóc lóc, nài nỉ, rồi mỹ nhân kế… và nàng đẹp quá, cái khoản kia rất đa tình cho nên mình lại chiều nàng đi buôn với giao hẹn đây là lần cuối cùng anh cấp vốn cho em, nếu mất em tự chịu. Phải nói thật với bạn lúc đó tại sao mình chiều nàng đến thế, bởi vì tâm trí mình đang dồn vào cô thư ký tóc vàng mới ra trường ở công ty, vừa trẻ, vừa xinh như búp bê ấy, vừa nhẹ nhàng, lại chiều vô biên, bảo gì cũng nghe, mình cứ du dương, chao đảo trên chín tầng mây… nên kệ vợ muốn làm gì thì làm, càng ít quan tâm đến mình, càng tốt bấy nhiêu!


Thương trường là thử thách rất lớn cho nhiều gia đình người Việt

Những năm 90 tình hình hỗn độn, loạn lạc, mất an toàn vô cùng, một thế giới ngầm xuất hiện, mỗi ngày mỗi lan rộng, riêng ở thành Len chỉ với đôi ba nghìn người Việt mà có đến mấy chục băng đảng, thêm một nhóm tầm bốn mươi tên trong đội quân lao động trôi dạt từ Bulgari sang, toàn là những “anh hùng hảo hán” có số, có má trong thế giới ngầm tại Bulgari bị công an bên đó truy sát nên lang bạt đến đất Len. Trấn lột ngang nhiên ban ngày trong ký túc xá công nhân, trong các khu chợ, cầu thang lên xuống, bến tàu xe như người ta ăn cơm hàng ngày.

Cả thành phố đi đâu cũng thấy những cặp mắt lấm la, lấp lép, nơm nớp lo sợ kể các vụ trấn lột mà toàn người Việt chỉ điểm, nhẹ thì cướp đến tận đồng cuối cùng trên người rồi thả, nặng hơn chút thì đánh đập, đặt bàn là cắm điện lên người theo kiểu tra tấn thời Mỹ ngụy cho đến khi người bị hành hạ “nôn” ra nơi cất giấu tiền, tàn khốc nhất cướp đi tính mạng để cướp tiền, để che dấu tung tích.

Anh T là người có thâm niên ở thành Len, từng là nghiên cứu sinh trường lâm nghiệp, sau ở lại làm thành hội trưởng người Việt tại đây. Anh kể chiều hôm ấy, anh ra ngoại ô, mang 12,700 usd đi mua vàng phân kim giúp người bạn (tiền này là của bạn trên Matxcova gửi, anh làm cửu vạn mua vàng và chuyển vàng), chỗ bán không đủ vàng cho số tiền anh mang đi nên anh giấu lại phần tiền còn thừa vào trong người, chào rồi ra về. Lên khỏi Metro gần nhà, trời nhá nhem tối, đi bộ tới gần nhà thì bị một nhóm 5, 6 người phục hai bên đường lao ra vây lại, bắt đi theo chúng về một căn hộ. Toàn bộ số vàng anh mua được, chúng tước sạch. Một thằng trong bọn còn hô lên: “nốt số tiền 2700 USD còn lại nữa, giấu trong người đó!”, nghe xong câu đó, tên khác nhăm nhe cầm cái bàn ủi đang cắm điện nóng rực dí dí trước mặt anh dọa không rút tiền ra thì nó sẽ đặt cái bàn ủi đó khắp người tìm cho ra.

Tất nhiên mạng người anh quí hơn cho nên không cần chúng dí bàn ủi vào anh đã móc nốt số tiền cất giấu trong người đưa chúng. Cái giọng vẫn còn đặc chất Nghệ của anh dù đã phiêu bạt xứ người mấy chục năm nghe kể lại vẫn hồi hộp, cứ như đang sống lại cái thời loạn lạc đó.

Thật thổn thức khi anh kể lại vụ cậu tên V trường mỏ hiền lành thế, làm ăn với một công ty nào đó mà bị chúng săn đuổi hãm hại đến chết trong một căn hộ. Người chết là hết, công an đến khám nghiệm, hỏi han, ghi chép qua loa, rồi cộng đồng báo cho gia đình của nạn nhân tại Việt Nam, thu xếp giúp họ gửi lọ tro về an lạc nơi cửa chùa. Cả thành phố chấn động, lặng lẽ truyền tai nhau về vụ hai thanh niên chết khô trong căn hộ tìm thấy được với hai cánh tay bị trói chặt vào thanh lò sưởi. Họ là những người làm dịch vụ thu mua ngoại tệ, rồi đổi rúp cho những ai có nhu cầu lấy đô la.

Họ thuê một căn hộ trong khu dân cư của Nga, sống kín đáo, đi lại đều có xe taxi đỗ xịch tại cửa lên. Ý thức biết được sự nguy hiểm và những hiểm họa có thể đến bởi công việc đang làm, cho nên họ luôn đề phòng, thế mà cũng chẳng thoát khỏi cái kết thảm. Có một kẻ nào đó trong cộng đồng đã theo dõi qui luật đi lại của họ và mật báo cho một đội trấn lột. Lọt vào căn hộ, đội quân trấn lột lục lọi, tra khảo, đàn áp, tra tấn lấy sạch số ngoại tệ và rúp, tụi sát nhân kia trước khi rời khỏi căn hộ đã trói hai cánh tay của hai người vào thanh lò sưởi trong phòng khách, để họ không chạy đi báo công an được, và nghĩ rằng sau đó sẽ có bạn bè qua lại cởi trói cho họ. Bất hạnh thay, hai người này sống khá tách biệt, cho nên khi có sự vụ xảy ra, chẳng ai trong số bạn bè biết để mà chạy tới giải nguy. Họ đã lịm đi vĩnh viễn trong đói khát và kiệt sức.

Sau sự việc kinh hoàng đến với hai người xấu số nỗi ám ảnh sợ hãi bóng đen chết chóc có thể ập xuống bất cứ lúc nào, vào bất cứ ai như hằn sâu trong mỗi nếp nhăn trên từng gương mặt khắc khổ, trong từng cặp mắt buồn ngấn nước của những người chạy chợ, hiện rõ đằng sau mỗi bước chân kéo lê mệt mỏi trong đôi ủng đã mòn đế, lớp mạ da bong nham nhở, lem nhem xung quanh mũi ủng đầy những vết bùn, muối đọng còn rớt lại sau những ngày lội sùng sục trong đống bùn lầy băng tuyết trên sân của chợ để mà kiếm ăn. Vẻ đẹp lãng mạn thánh thần của thành Len kiều diễm còn đâu nữa, mà đang bị vùi lấp bởi cuộc sống mưu sinh, cơm áo gạo tiền của những người lao động đang bị đe dọa bởi những tội ác tột cùng do lòng tham lam vô đáy của đồng loại đối với nhau!


Người Việt luôn nơm nớp lo bị cướp, sợ nhất là: đồng hương, công an, rồi mới mafia

Thành Len những năm tháng “nội chiến” lần 2 là thế đó em!”.

Hà Nội, 25/12/2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét