Thứ Tư, 26 tháng 5, 2021

NHỮNG GÓC TỐI THÀNH LEN: PHÂN KIM VÀNG

Bài này dành cho các bạn đã từng sống và học tập ở Nga. Tôi đã ở Nga 3 lần vào các năm 1986, 1991 và 1997. Nước Nga để lại trong tôi rất nhiều kỷ niệm đẹp nên tôi rất yêu quý nước Nga và con người Nga. Nếu như không có đại dịch Covid, thì theo chương trình đến hẹn lại đi, hè năm nay gia đình tôi sẽ đi du lịch nước Nga bằng du thuyền, để có dịp nhìn lại những nơi tôi đã sống như Mockba, Leningrad hay Yaroslave... Tiếc thay vì Covid nên 2 năm nay chỉ được đi du lịch trong nước.
Có thể là hình ảnh về bản đồ và văn bản cho biết 'Saint Petersburg Veliky Novgorod BeлиKий HoBropoA Cherepovets 4epenoBeu Vologda BoлorAa kov KOB Rybinsk pbl6иHcK Kostroma KocTpoma Yaroslavi Tve 14 hr 20 min TBepb 1,114 km Ivanovo иBaHoBo Viciebsk Bue6cK Vladimir BлaAиmиp Moscow Smolensk Google'
Trích "Đông Âu Anh Hùng Truyện" của Nam Nguyen
NHỮNG GÓC TỐI THÀNH LEN: PHÂN KIM VÀNG
Chúng tôi trở lại thành Len (Leningrad, nay đã đổi tên thành Sankt-Peterburg nhưng người Việt luôn có thiên hướng gọi sao cho ngắn, cho dễ là “Len” hay “Xanh”, Nga thì gọi là “Piter”) sau 23 năm vào một ngày cuối tháng 9. Cả thành phố vẫn đang tận hưởng những ngày cuối cùng âm hưởng mùa hè rớt và chuẩn bị được nhuộm kín trong biển vàng của thu vàng đang tiến gần mỗi ngày. 


Đón chúng tôi tại sân bay Pulkovo là một người bạn cũ, học cùng thời với tôi. Chúng tôi quen nhau khi tập trung trong đoàn chuyển tiếp sinh khóa 1987, rồi lại cùng về thành Len. Bạn đó học ngành kỹ thuật. Anh bạn này từ lâu đã nổi tiếng với phong cách hào hoa phong nhã, ga lăng có hạng, thương hiệu gắn liền với những bông hồng. Tôi và cô bạn thân mỗi đứa đều được nhận một bó hồng không giống nhau.

Cô bạn tôi được ba bông hồng màu trắng vàng, còn tôi 9 nụ hồng phớt được gói trong một giấy bóng kiếng hoa văn công chúa, thắt lên đó là một chiếc nơ màu cánh sen. Phụ nữ và hoa hồng, cấm có sai tý nào!

Nhờ những bông hồng đó mà tôi và cô bạn như biến tan mọi sự mệt mỏi của mấy ngày du ngoạn tại thành phố Riga trước khi bay tới thành Len. Chất lãng tử thành Len cứ như được mặc định trong anh bạn tôi.


Thế mạnh của thành Len ngoài chính trị ra thì là du lịch

Cả ngày hôm đó ba chúng tôi rong ruổi trên những con phố thân thuộc của tôi ngày nào, được ăn những cái bánh rán đặc sản của thành phố nóng hổi vừa vớt trong chảo dầu sôi sùng sục, phủ lên trên là lớp bột đường mỏng, làm tôi nhớ lại những chiều đi học về, chỉ cần được cắn một miếng bánh đó thôi cũng làm cho tôi có sức để xếp hàng cả tiếng đồng hồ mua con gà tươi giá 1,75 rup/ kg. Trở về cái ký túc xá đầy rệp ngày xưa với biết bao kỷ niệm cả cười, cả khóc… Một miền ký ức được đánh thức, anh bạn hình như lâu lắm rồi không được thể hiện tiếng Việt nên càng say sưa dẫn tôi vào những sự kiện, những câu chuyện, những mảnh đời của cái thời với biết bao gập ghềnh, sóng gió…

Thành phố của những năm 90 thật hỗn độn, những bước chuyển quá mạnh trong đường lối của chính phủ khiến nhiều người dân lao đao với việc bị bắt buộc phải thích nghi, cuộc sống không còn bình yên như trước khi nữa, bao cấp mất dần, thay vào đó bắt não bộ mỗi người phải tự vận động. Thời thế sinh ra anh hùng là thế!


Chợ ở phố Nekrasova

Chiều tối hôm đó, anh bạn có việc đi giao mấy tập tiền đô la cho mấy người ngoài chợ Nekrasova. Đó là một chợ nông trường nằm giữa trung tâm thành phố lớn nhất thời đó, được chia thành các khu như ẩm thực với thực phẩm tươi sống, hun khói, đồ muối, khu đồ da dụng, khu nguyên liệu đan, may vá, khu quần áo thời trang, giầy lông…

Sinh viên tụi tôi ít tiền nhưng có lẽ đứa nào cũng ít nhất một lần thăm thú cái chợ đó, tới đó không phải để mua những đồ cao lương mỹ vị bởi làm gì có nhiều tiền để mà thưởng thức, mà đơn giản chỉ để chiêm ngưỡng độ hoành tráng, sau đó rụt rè rút ra mấy rúp để mua ký táo, quả lê hay vài trái mận tươi roi rói. Riêng tôi, dù ký túc xá cách xa chợ nhưng thỉnh thoảng vào ngày nghỉ tôi ghé chợ để tìm mua những cuộn len do những người nông dân tự sản xuất mang đến, len đó sợi không chắc nhưng được cái là 100% len từ lông cừu nên rất ấm, tôi dùng để đan khăn, mũ, tất, xà cột, và các áo khoác len thì mới chịu nổi mùa đông băng giá của thành phố phương bắc này.

Đối với tụi con gái chúng tôi thì chỉ biết về chợ đó thế thôi, giờ nghe câu chuyện của anh bạn mới biết sau cái thời sinh viên bọn tôi thì ở đó chính là một ổ của những trao đổi, mua bán ngoại tệ, tiền rúp vàng (mà hồi đó là quốc cấm, là phạm pháp). Dù ở Nga mấy chục năm rồi, nhưng câu cú vẫn thuần giọng miền nam, anh bắt đầu vào chuyện:

“... Vừa bước xuống chân ký túc xá, gặp anh V là thực tập sinh mới sang được một năm, chân tập tễnh với một cái chân giả. Trời bắt đầu chuyển qua đông nên nhìn dáng đi của anh càng nặng nề hơn khi trên mình phải khoác thêm cái áo khoác bằng dạ. Hỏi ra mới biết anh đi ra ga Moskovskaya để lên tàu về Matxcơva. Vốn tính thương người lại thấy nơi cần đến là chợ Nekrasova rất gần với ga tàu nên đã mời anh ấy lên xe, hứa chỉ rẽ qua chợ 5 phút rồi chở anh ấy ra ga vẫn kịp giờ tàu chạy. Mải trò chuyện rẽ vào cổng chợ lúc nào không hay và cũng chẳng để ý gì đến xung quanh. Bỗng đánh xịch một cái hai chiếc đèn pha từ hai phía đầu xe và đuôi xe được hai chiếc xe công an kẹp sát đầu và đuôi xe cứ như trong phim Mỹ. Chưa hiểu được chuyện gì xảy ra thì anh V bất ngờ thốt lên “ Thôi chết rồi, lộ rồi!”, mặt anh tái xanh, tái xám không còn hột máu. Hai công an tiến đến giơ tay chào rồi hỏi giấy tờ, khi kiểm tra hộ chiếu thấy là Việt Nam họ liền trả lại và chào tạm biệt.

Hóa ra họ đang tìm một tội phạm từ Trung Á lên, thấy trong xe có gương mặt giống mới chặn lại để kiểm tra. Anh V thở đánh phào một cái nghe rõ luôn. Cái mặt đang bị méo xẹo dần dần giãn ra, trở lại trạng thái bình thường, chầm chậm, giọng nói còn hơi run, anh mới tiết lộ tại sao lại lo sợ đến thế vì tưởng rằng công an phát hiện trong cái ống chân giả anh đang mang có chứa đầy vàng thỏi thì chắc hy sinh luôn không còn xác về nhà.

Một hành trình mua, phân kim, đúc vàng từ các phần được mạ vàng trong các linh kiện điện tử được anh mô tả thật tỷ mỷ. Sáng kiến tìm thấy nguồn kim loại quí hiếm này ai là người khởi xướng, anh không thể kể được, chỉ biết rất nhiều sinh viên học tại các trường kỹ thuật của Leningrad đều tham gia vào công cuộc khai thác này. Phát hiện trong linh kiện điện tử có nhiều chân, xung quanh chân được mạ vàng, số lượng vàng giá trị cao hơn rất nhiều giá trị linh kiện, có lẽ do nước Nga quá giàu về trữ lượng vàng thuộc nhất nhì thế giới, cho nên vàng được coi như dầu lửa dùng thoải mái, chả cần biết đến trị giá nhiều ít thế nào? Cứ đào trong núi là có mà…

Người Nga chân chất và cục mịch như vậy đó. Những sinh viên, nghiên cứu sinh tranh thủ các giờ nghỉ đi lượn các cửa hàng điện tử để thu gom. Một số thạo tiếng Nga, giỏi quan hệ, lấy lòng được cửa hàng trưởng hoặc trưởng quầy thì còn đặt được hàng chục thùng. Có một điều rất hay là những người bán với số lượng nhiều có đặt câu hỏi “ tụi mày sao mua nhiều thế? Chả nhẽ Việt Nam có nhiều đồ điện tử phải thay linh kiện thế cơ à?” Câu trả lời chỉ là cái cười bẽn lẽn và chữ “ Đa!” thế mà cũng được chấp nhận.

Trong cái thế giới khai thác vàng ngầm ấy hình thành các cấp bậc khác nhau kiểu như chủ-tớ, những sinh viên, nghiên cứu sinh mới sang, kể cả những người học năm cuối nhưng thu nhập chỉ trông chờ vào số tiền tiết kiệm từ 90 -110 rup tiền lương, hay thỉnh thoảng được tí áo phông, chì kẻ mắt, hoa tai mỹ kim từ nhà gửi sang thì chỉ lấy công làm lãi, cứ tính cái mà được hoa hồng. Những nhân vật trường vốn tích lũy từ việc buôn bán ngoại tệ, máy tính từ Đông Âu, đánh hàng may mặc, mỹ phẩm có đường dây từ nhà sang trở thành chủ, cai đầu dài. Số lượng lớn linh kiện được chuyển hết ra ngoại ô. Quá trình phân kim bắt đầu trong một số nhà nghỉ trong rừng nơi vắng vẻ của người dân Nga dành cho mùa hè gọi là Đacha mà mấy sinh viên thuê theo thời vụ.


Datcha - nhà nghỉ ngoại ô, truyền thống gia đình khấm khá nào của Nga cũng phải có

Nguồn axit được những tay Nga bợm rượu ăn cắp trong nhà máy mang đến đổi axit lấy rượu. Các linh kiện được ngâm trong chảo gang chứa axit và được đun nóng chảy ở nhiệt độ rất cao cho đến khi từng lớp mạ vàng chảy ra khỏi chân con chip, bám vào nhau thành từng mảng. Chắt lọc riêng các mảng vàng sau đó tiếp tục ở nhiệt độ cao đúc thành từng thỏi như các linh kiện ô tô, rồi sơn lại theo màu của các phụ tùng. Một đội ngũ “cửu vạn” được thuê trả công để chuyển những thỏi vàng như thế lên Matxcova.

Tại Matxcova đầu mối đặt hàng xếp lẫn trong các linh kiện ô tô rồi đóng containe chuyển đường biển về Việt Nam. Kéo dài được tầm gần hai năm, các chủ soái giàu lên nhanh chóng sinh ra đố kỵ nhau, rồi nguồn hàng cũng khan hiếm dần, các nhà máy Nga sản xuất ra không đủ cho cầu.

Tư tưởng thanh trừng nhau âm thầm nảy nở. Chuyện gì đến ắt sẽ đến, công an, hải quan tại Matxcova vào cuộc khi được mật báo là trong các container xuất về cảng Hải Phòng có chứa vàng. Chuyện trở nên to khi đường dây phân kim dần hé lộ, chó nghiệp vụ được thả vào các khu nhà ngoại ô. Mùi hôi nồng của axit cùng với hàng núi phế thải trong rừng được tìm thấy. Người Việt vốn khéo mồm và luồn lách giỏi cùng với việc công an Nga nhiều người biến chất tham tiền cho nên sự việc được dàn xếp một cách khéo léo để không ai bị tra cứu hình sự, vụ án được khép lại.

Các soái vàng người thì sau đó về nước xử lý đống vàng thỏi mua được cơ man nào là đất đai trở thành doanh nhân về bất động sản, người thì vẫn ở lại nước Nga tiếp tục tìm kiếm, khai phá những công việc mới, với cái trí tuệ thông minh và khôn khéo như thế thì làm gì họ chả thành công.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét