Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021

Đề nghị phạt người dùng smartphone không cài Bluezone

Buồn thật, điện thoại smartphone mình không có 3G hay 4G, nếu đến đâu không có mạng thì nó chỉ còn chức năng điện thoại và nhắn tin SMS. Vậy không cài được ứng dụng Bluezone thì sẽ bị phạt khi ra đường à. Smartphone là thiết bị cá nhân, là tài sản cá nhân, điều luật nào cho phép Nhà nước bắt buộc cá nhân phải cài ứng dụng Bluezone và bật Bluetooth khi đến nơi công cộng nhỉ ? Điều luật nào cho phép nhân viên Nhà nước tự do chặn đường tịch thu điện thoại rồi mở ra kiểm tra xem có cài ứng dụng Bluezone không nhỉ ? Mình ít giao lưu, chẳng mấy khi có cuộc gọi. Mình cũng không muốn mất quyền tự do cá nhân, nên chắc từ nay đi ra đường mình sẽ bỏ điện thoại ở nhà cho nhẹ nợ. Quan điểm của mình là tự do quan trọng hơn mạng sống. Không có gì quý bằng độc lập tự do (nói thế mới đúng); nhiều thế hệ đã phải hy sinh vì độc lập tự do. Do đó, trong chống dịch để bảo vệ mạng sống của con người, cần có sự cân bằng giữa hai phía. Không thể lấy danh nghĩa cứu mạng một số người để chấp nhận hy sinh tất cả, kể cả hy sinh tự do của hàng triệu người.
Đề nghị phạt người dùng smartphone không cài Bluezone
31/5/2021 Theo đề nghị từ Bộ Y tế, người có smartphone cần cài ứng dụng Bluezone và bật Bluetooth khi đến nơi công cộng, nếu không sẽ bị xử phạt. Ngoài ra, người dân có điện thoại thông minh cũng cần cài đặt, sử dụng các ứng dụng khai báo y tế để thực hiện khai báo y tế điện tử và sinh mã QR. Việc xử phạt những trường hợp có smartphone nhưng không cài đặt và sử dụng các ứng dụng theo quy định sẽ dựa trên cơ sở tình hình dịch và điều kiện thực tế tại địa phương.

Bộ Y tế yêu cầu người dân cài Bluezone và bật Bluetooth khi đến nơi công cộng. Ảnh: Lưu Quý.

Các ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần được khuyến nghị gồm: VietNam Health Decleration (VHD) hoặc website tokhaiyte.vn; ứng dụng Bluezone; ứng dụng Ncovi. Các ứng dụng này đều có tính năng cơ bản là: khai báo y tế, cập nhật tình trạng sức khỏe hằng ngày, ghi nhận người đến, người đi tại các địa điểm công cộng và sinh mã QR. Riêng Bluezone có thêm tính năng ghi nhận các tiếp xúc gần giữa các điện thoại di động thông minh.

Sau khi khai báo xong, các ứng dụng sẽ sinh ra mã QR. Người dùng cần luôn mang theo mã QR này bằng cách lưu trong điện thoại hoặc in ra để sử dụng tại những khu vực cần khai báo y tế. Người dùng chịu trách nhiệm về các thông tin khai báo y tế của mình.

Song với với hướng dẫn người dân, Bộ Y tế cũng đưa ra hướng dẫn cho các điểm kinh doanh, làm việc, giải trí, nơi tập trung đông người. Những nơi như cơ sở khám chữa bệnh, cảng hàng không, phương tiện công cộng... cần trang bị thiết bị quét mã QR hoặc bố trí nhân viên có smartpthone, phục vụ kiểm soát hành khách, người ra vào bằng mã QR.

Với hướng dẫn của Bộ Y tế, việc cài những ứng dụng nêu trên được coi như biện pháp phòng chống dịch. Nếu không tuân thủ, việc xử phạt sẽ áp dụng các quy định tại nghị định 117/2020, Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Theo khoản 1, điều 12 của nghị định này, hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế, sẽ bị phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng.

Đề nghị xử phạt nếu không cài các ứng dụng chống dịch làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều.

"Nếu tôi không dùng smartphone, hoặc có dùng như điện thoại dung lượng thấp, pin yếu không cài được thì sao", người dùng Bình Nguyễn đặt câu hỏi. Ngoài ra, tài khoản này cũng cho rằng không ít người dùng smartphone hiện nay không biết cài đặt ứng dụng. "Trước khi xử phạt, các cơ quan chức năng nên tìm cách hướng dẫn người dùng cài ứng dụng này trước", người này nói thêm.

Tiến Mạnh, kỹ sư công nghệ thông tin đang làm việc tại Cầu Giấy (Hà Nội), cho biết anh đã cài Bluezone và giúp nhiều người xung quanh cài ưng dụng này. Tuy nhiên, nếu muốn xử phạt người không tuân thủ, anh cho rằng các cơ quan chức năng cần có quy trình kiểm tra rõ ràng và minh bạch, bởi smartphone là thiết bị cá nhân và việc kiểm tra cần đảm bảo quyền riêng tư của người dùng. "Thay vì bắt buộc cài đặt và xử phạt, nên cho người dùng thấy những lợi ích của Bluezone và các ứng dụng khai báo y tế để người dân tự giác làm theo, tránh tình trạng cài để đối phó", Tiến Mạnh nói.

Anh Sơn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng trong tình trạng nhiều nơi phải cách ly khoanh vùng để chống dịch, nhiều người ý thức kém dẫn đến số ca nhiễm tăng, việc yêu cầu người dân cài Bluezone hay khai báo y tế là cần thiết. "Việc Bluezone từng hỗ trợ tìm ra nhiều F1, F2 cho thấy ứng dụng này có thể hỗ trợ tốt công tác chống dịch. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người không cài, hoặc cài nhưng tắt Bluetooth thì cũng không đạt hiệu quả. Nhà nước cần làm nghiêm việc này, đặc biệt là ở các nơi tụ tập đông người, chẳng hạn yêu cầu người dân cài Bluezone mới được vào siêu thị, quán ăn...". Anh Sơn đề xuất.

Trước đó, Bộ Y tế cũng phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, hoàn thành việc liên thông và tập trung dữ liệu khai báo y tế. Trước đó, các dữ liệu từ các ứng dụng khác nhau bị phân mảnh, nhưng nay đã được tập trung về một nơi. Bộ Y tế quản lý các dữ liệu này, nhằm phục vụ việc nghiên cứu, phân tích phòng chống dịch.

Lưu Quý

https://vnexpress.net/de-nghi-phat-nguoi-dung-smartphone-khong-cai-bluezone-4286709.html?utm_source=facebook&utm_medium=native&utm_campaign=fanpage&fbclid=IwAR1lVCil7D_Rm8f2t7AbRkzL2ksobNqgZ-1YM4PB9-7n5OdbGmZOo1vf3rk

1 nhận xét:

  1. Các ông ngồi vẽ luật theo cảm tính, làm luật mà chẳng theo cái gì gọi là luật cả.

    Trả lờiXóa