Khi VN lại khuyến khích sinh đẻ
Việt Nam không thể ngồi chờ đến khi dân số hóa già mới trở tay. Nguy cơ lệ thuộc lớn vào nguồn lao động nhập khẩu của Nhật Bản là dẫn chứng để Việt Nam có thêm động lực thực thi chính sách dân số vừa được thông qua.
Tôi có cơ may làm cộng tác viên cho một dự án dân số - kế hoạch hóa gia đình tại một địa phương những năm 2002-2004. Ở thời điểm đó, không dừng lại ở các cuộc vận động thay đổi nhận thức, mục tiêu cần đạt của các dự án dân số là nhằm thay đổi hành vi sinh sản của đối tượng.
Thực ra, nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược dân số lúc bấy giờ là kéo giảm tối đa tỷ lệ sinh về mức mong muốn kể kiểm soát tối đa tỷ lệ tăng dân số và quy mô dân số quốc gia. Dù công cuộc đổi mới đất nước đã mang lại một số kết quả bước đầu, nhưng nỗi ám ảnh về đông con và đói nghèo vẫn còn.
Kết quả, cuộc vận động “dù gái hay trai chỉ hai là đủ” vì vậy đã lan rộng, và tiếp tục trở thành lựa chọn phổ biến cho các cặp vợ chồng cho đến thời điểm này. Hay nói cách khác, từ cuộc vận động đó, thói quen sinh nhiều, sinh dày gần như đã là lựa chọn phổ biến của... quá khứ. Ngay cả ở vùng nông thôn, hầu hết các cặp vợ chồng đều cũng nghĩ đến con số 2 để làm mốc số quyết định.
Nguồn: World Bank, UNFPA Việt Nam, và Tổng cục thống kê.
Tiếp tục với đà tăng mức giảm, vài năm sau đó, tỷ lệ sinh thô giảm nhiều, và đặc biệt tỷ lệ tăng dân số đạt mức 1% và thấp hơn sau đó (xem Biểu đồ). Lúc này, vai trò của Ủy ban Dân số, Gia đình và trẻ em được định vị lại, và chính thức được sáp nhập vào Bộ y tế từ năm 2007. Cuộc vận động kế hoạch hóa gia đình giảm tốc. Nhưng mục tiêu dân số quốc gia bền vững thì vẫn còn. Vì vậy, ngoài các trường hợp ngoại lệ, Pháp lệnh dân số sửa đổi năm 2008 vẫn bám chặt mức sinh hai con để làm tiêu chí điều chỉnh quyền quyết định số con của các cặp vợ chồng trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản (Điều 10). Đó là tiếp cận nhằm tiếp tục kiểm soát tỷ lệ sinh và tỷ lệ tăng dân số ở mức ổn định.
Tuy nhiên, tiếp cận phát triển bền vững sau đó buộc Việt Nam đánh giá kỹ lưỡng hơn về tính bền vững trong quy mô dân số. Thay cho tỷ lệ sinh (thô) hay tỷ lệ tăng dân số, chiến lược dân số đặt trọng tâm vào mức sinh thay thế để cân đo tổng tỷ suất sinh hàng năm. Theo định nghĩa được Tổng cục thống kê áp dụng, tổng tỷ suất sinh (TFR) là số con đã sinh ra và sống được bình quân của một người phụ nữ trong suốt thời kỳ sinh đẻ (15-49 tuổi). Và theo lẽ thường, con số hai con được xem là đạt mức sinh thay thế cho vòng đời của cha và mẹ. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố tác động, như tuổi thọ của phụ nữ, tỷ lệ chết của trẻ em, tỷ lệ độc thân, vô sinh,… thì tỷ suất sinh được xem là đạt mức thay thế khi duy trì ở tỷ lệ 2,1.
Nguồn: World Bank, UNFPA Việt Nam, và Tổng cục thống kê.
Việt Nam, như đã nói, thành tựu của chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình đã đạt được tỷ lệ tăng dân số, thậm chí là mức sinh mong muốn trong những năm 2005-2010. Tuy nhiên, mức giảm sau đó tiếp tục tăng, và cho đến nay, tại nhiều địa phương, tổng tỷ suất sinh đã thấp hơn mức sinh thay thế. Thậm chí, mức sinh bình quân của cả nước cũng đã thấp hơn 2,1. Tôi muốn nhấn mạnh là điều đó “đã” xảy ra trong nhiều năm gần đây. Về mặt số liệu lẫn quan sát xã hội, dễ để nhìn thấy rằng, nguy cơ tụt giảm dân số do tình trạng “lười đẻ” trong một xã hội đang dần phát triển là có thể xảy ra.
Quyết định 588/QĐ-TTg ngày 28/4/2020 về một chương trình dân số quốc gia mới được ban hành trong bối cảnh như vậy. Theo đó, những giải pháp nhằm khuyến khích sinh đẻ và đảm bảo sức khỏe sinh sản, sức khỏe dân số đã được đưa ra.
Trong đó, điểm đáng chú ý và được bàn luận nhiều nhất là các nhóm giải pháp khuyến khích nhằm tăng mức sinh. Điển hình như chính sách ữu đãi về lao động, việc làm, nhà ở,… Ngay cả việc “khuyến khích” nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, không kết hôn muộn và sớm sinh con và nên sinh con thứ hai trước 35 tuổi…
Trước hết, cần phải khẳng định rằng, đây là các nội dung mang tính “khuyến khích”. Các giải pháp ưu đãi được đưa ra cũng nhằm cho mục tiêu khuyến khích đó, và dành cho đối tượng đạt được sự kỳ vọng đó của chương trình dân số quốc gia.
Thứ hai, cần phải hiểu rằng đây là chương trình quốc gia, nhưng được áp dụng phân hóa theo địa phương, dựa vào đặc điểm đặc thù của địa phương đó. Hay nói cách khác, chương trình khuyến khích khích nhằm thúc đẩy tăng mức sinh chỉ áp áp dụng đối với các địa phương đang có tỷ suất sinh thấp (dưới 2,0).
Ngược lại, chương trình dân số quốc gia cũng rất tỉnh táo để có đề cập đến chính sách khuyến khích duy trì tổng tỷ suất sinh đã đạt mức sinh thay thế (từ 2,0 đến 2,2), và thúc đẩy giảm mức sinh đối với địa phương vẫn còn ở mức sinh cao (trên 2,2). Khi đó, theo Quyết định, khẩu hiệu vận động vẫn tiếp tục là “Dừng lại ở hai con để nuôi, dạy cho tốt.”
Hay nói cách khác, Quyết định 588/QĐ-TTg là một văn bản pháp quy, có giá trị ràng buộc đối với các đối tượng điều chỉnh là các cấp chính quyền địa phương, và từ đó, các địa phương có “nghĩa vụ” tuyên truyền, vận động đối tượng có liên quan. Ngoài chính sách chung của cả nước, cuộc vận động đó sẽ được địa phương lên kịch bản với hi vọng là có thể thuyết phục được các “bạn trẻ” giúp mình hoàn thành “nhiệm vụ” và mục tiêu dân số của địa phương mình.
Ngoài bảo đảm quy mô dân số ổn định, tính bền vững trong đảm bảo chất lượng dân số cũng được thể hiện rõ trong chương trình dân số giai đoạn hiện tại. Điều này lý giải vì sao chính sách đến việc khuyến khích không kết hôn muộn hoặc sinh con muộn. Ngoài ra, sức khỏe hôn nhân, sinh sản và dân số cũng được đề cập. Giải pháp phụ trợ về mặt văn hóa, giáo dục, xã hội cũng được nhấn mạnh, như thí điểm, nhân rộng dịch vụ đưa, đón trẻ, trông trẻ, ngân hàng sữa mẹ, bác sĩ gia đình; quy hoạch, xây dựng điểm trông trẻ, giữ trẻ nhà mẫu giáo… phù hợp với điều kiện của bà mẹ, các khu kinh tế, công nghiệp, đô thị…
Thực ra, đây là cách tiếp cận phổ biến. Thậm chí, ở các quốc gia có sự phân cấp lớn, chương trình dân số và chăm sóc dân cư được thực hiện trực tiếp bởi chính quyền địa phương, và chính điều này tạo ra các chính sách cực kỳ đa dạng giữa các địa phương trong quốc gia đó.
Nhật Bản, nơi tiếp nhận nhiều nguồn lao động bên ngoài, trong đó có Việt Nam, là một điển hình cho chính sách thúc đẩy tăng dân số. Bên cạnh chính sách giáo dục mầm non miễn phí cho nhiều đối tượng được thông qua cuối năm ngoái, nhiều chính sách ưu đãi dành cho sản phụ và gia đình có con nhỏ được các địa phương áp dụng. Như đã nói, sự khác biệt có thể xảy ra trong các chính sách các tỉnh ở đất nước hoa anh đào. Và không khác với tiếp cận của Việt Nam, địa phương dân số càng già thì chính quyền càng “chi” mạnh để khuyến khích người dân sinh con.
Nguồn: World Bank, UNFPA Việt Nam, và Tổng cục thống kê.
Việt Nam sẽ không quá chủ quan với nguy cơ bùng nổ dân số. Với quy mô dân số hiện tại, theo cảnh báo của Liên hợp quốc, dân số Việt Nam có thể ở mức quá cao vào năm 2050 nếu tỷ suất sinh tăng đến từ 2,3- 2,5 (khoảng 130-140 triệu người).
Tuy nhiên, Việt Nam cũng không thể ngồi chờ đến khi dân số hóa già thì mới trở tay. Nguy cơ lệ thuộc rất lớn vào nguồn lao động nhập khẩu của Nhật Bản vì vậy có thể là một hình ảnh sinh động để Việt Nam có thêm động lực thực thi chính sách dân số vừa được thông qua.
Trương Trọng Hiểu, trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM)
https://premium.vietnamnet.vn/khi-viet-nam-lai-khuyen-khich-sinh-de-n-474703.html
Viet nam phai de nhieu con gai de ga cho trai ngoai quoc .
Trả lờiXóa