Thứ Năm, 13 tháng 5, 2021

“Nhạy cảm”

Đoạn này hay: "Là cấp dưới, bạn phải hiểu cấp trên không tiện nói thật, đang đẩy quả bóng vào chân của bạn, yêu cầu bạn giải quyết. Bạn phải đá ra ngoài gôn và chấp nhận mang tiếng kém cỏi thay cấp trên. Mọi việc luôn đỡ ồn ào hơn (cả dư luận tốt và không tốt) nếu cuốn sách bị bỏ lại ngay từ bàn biên tập của bạn. Cấp trên của bạn sẽ rất biết ơn bạn về điều đó. Và vì bạn “ngoan” nên chắc chắn có quà!". Đau lòng cho những tác phẩm hay và các nhà văn xuất sắc nhưng sách của họ bị cấm không được xuất bản (bị bỏ lại ngay từ bàn biên tập) chỉ vì biên tập viên chỉ muốn có chức, có tiền (có quà). Chính vì thế mà nền văn học nước nhà không có những tác phẩm hay; văn chương ngày càng nhạt nhẽo, vô hồn và loanh quanh trong chủ đề ca tụng lãnh đạo và chế độ độc tài. Mà đâu chỉ có các nhà văn, tất cả các nhà khoa học và quản lý có tâm với đất nước trong các lĩnh vực đều bức xúc vì những kiến nghị của mình được lãnh đạo cấp cao cho là đúng nhưng vì "nhạy cảm" nên tạm thời chưa dùng được (tức là phải đem vứt đi). Xưa kia những từ thuộc loại "phạm húy" rất ít, chỉ liên quan đến vua chúa và hoàng cung, nhưng những từ "nhạy cảm" bây giờ thì quá nhiều. "Nhạy cảm" là cụm từ được sử dụng tràn lan ở một xã hội thiếu tự do, dân chủ và nhân quyền, nó góp phần đắc lực tiêu diệt tinh thần sáng tạo của cả một dân tộc. 
“Nhạy cảm”
FB Tạ Duy Anh (Lão Tá) 13-5-2021 - 
Một biên tập viên làm việc tại nhà xuất bản của Việt Nam sẽ phải, bằng cách nào đó phát hiện ra vấn đề và từ ngữ nhạy cảm, để mà tránh. Không ai có thể giúp anh ta việc đó. Không trường lớp nào dạy anh ta cái khả năng đánh hơi kiểu chó săn ấy! Trời cũng bó tay. Nó thuộc về năng lực, trình độ chuyên môn, trình độ chính trị. Hai thứ trước có thể yếu kém, chứ thứ sau (trình độ chính trị) thì nhất định phải vững vàng, nếu muốn ổn định nghề nghiệp.
Sau khi tôi đăng bài “Xuất bản sách”, nhiều bạn ngỏ ý muốn biết để có thể làm nghề biên tập sách (ở Việt Nam) thì cần nhất năng lực gì? Hy vọng những gì tôi chia sẻ cũng là câu trả lời các bạn.

***

Cả từ điển Đào Duy Anh và vi.wiktionary.org thì từ nguyên của “biên” đều là “ghi”, của “tập” là “thu thập”, ghép lại “biên tập” là “thu thập tài liệu để biên soạn”.

Hoàn cảnh thay đổi, vì thế nghĩa của từ “biên tập” cũng không còn như nguyên gốc. Nếu trước kia biên tập nghiêng về biên soạn văn bản trên các tư liệu thu thập được, thì ngày nay, biên tập nghiêng về chỉnh sửa trên văn bản có sẵn. Như vậy tựu trung lại, công việc biên tập bản thảo là chỉnh sửa, đối chiếu từ ngữ, sự kiện, kiến thức, nhân vật, ngữ pháp, chính tả…để bản thảo hoàn thiện hơn, chính xác hơn và (nếu có thể) làm cho nó hay hơn. Xét về mặt hoa học và kĩ thuật, thì bản thảo và sách chỉ khác nhau ở khâu biên tập và số bản nhân ra.

Tuy nhiên, điều vừa trình bày có lẽ hiện chỉ đúng với nghề biên tập…ở nước ngoài? Còn ở Việt Nam thì không chỉ như vậy.

Nhiều biên tập viên ở Việt Nam có thêm cả quyền/ nhiệm vụ làm… chỉ điểm! (Phó giám đốc của một nhà xuất bản nọ, sau khi đọc duyệt bản thảo của ông NTB, đã viết hẳn một báo cáo dài gửi lên Ban Tuyên giáo “báo cáo” về tư tưởng “phản động” của tác giả. Ngay sau đó bà ta kỉ luật Biên tập viên).

Việc chỉnh sửa, đối chiếu, cắt gọt… là công việc chính của biên tập viên, thì không phải lúc nào cũng cần. Kể cả việc sửa lỗi chính tả, lỗi đánh máy cũng có thể giao cho người khác. Làm biên tập ở Việt Nam (nhất là biên tập sách văn học), việc quan trọng nhất đánh giá năng lực của biên tập viên và quyết định tương lai nghề nghiệp của anh, chị ta, là khả năng bới lông tìm vết trong cái rừng chữ nghĩa đó, soi xét tìm xem có chỗ nào có thể bị coi là vi phạm chính trị, được gọi chung là những chỗ “nhạy cảm” để bỏ đi hoặc thông báo với cấp trên trước khi họ quyết định có cấp phép hay không.

Một cuốn sách hay về nghệ thuật, sâu sắc về tư tưởng hoặc có giá trị cao về khoa học, lịch sử… mà phạm vào vấn đề “nhạy cảm”, thì cuốn sách đó vẫn bị coi là yếu, kém, còn biên tập viên để lọt sẽ bị đánh giá là thiếu năng lực thẩm định. Ngược lại, một cuốn sách có thể đầy rẫy lỗi về câu chữ, chính tả, nội dung tầm phào, vô bổ, kể cả dung tục một chút nhưng không phạm vào vấn đề “nhạy cảm”, vẫn chẳng có vấn đề gì mà không đàng hoàng phơi mình trên những giá sách sang trọng nhất. Quá lắm biên tập viên chỉ bị nhắc nhở nhẹ nhàng.

Vậy “vấn đề nhạy cảm” là vấn đề gì?

Rõ nghĩa nhất có lẽ là về mặt y học, khi từ nhạy cảm dùng để chỉ những vùng cơ thể dễ bị kích thích do tập trung nhiều dây thần kinh. Nó chủ yếu được dùng trong lĩnh vực tình dục. Cổ, môi, dái tai, đầu vú, đùi non, bộ phận sinh dục, điểm G, bìu, mặt dưới của dương vật nơi dính với bao quy đầu… được coi là những chỗ nhạy cảm. Nghĩa là nếu tác động vào đó bởi người khác (chủ yếu cũng là khác giới), thì người bị tác động sẽ tăng ham muốn xác thịt.

Trong một vài ngữ cảnh khác, nó chỉ những chỗ dễ bị tổn thương do va chạm, do thời tiết.

Khi dùng để chỉ năng lực tiếp nhận của con người, từ “nhạy cảm” cũng dễ hiểu: Nó chỉ những người có khả năng khác thường trong việc nhận biết tình cảm của người khác.

Nó chỉ mù mờ, vô nghĩa khi dùng trong lĩnh vực quản lý tư tưởng.

Tôi tin rằng không ai có thể đưa ra định nghĩa chính xác mang tính khái quát về từ “nhạy cảm” mà các biên tập viên Việt Nam vẫn nói, vẫn nghe, phải hiểu và luôn đối mặt ngày ngày, kể cả bản thân họ.

Đành chỉ biết dựa vào bảng liệt kê các thao tác thực tế.

Miêu tả yêu đương nóng bỏng quá, sẽ bị coi là nhạy cảm. Làm tình công khai quá: nhạy cảm. Gọi tên tục các bộ phận sinh dục của nam và nữ: nhạy cảm. Tên gọi khá nhiều cơ quan, đảng, chính phủ khi gắn với một vài ngữ cảnh thiếu trang nghiêm: nhạy cảm. Tên tuổi, quê quán, sở thích thuộc về lý lịch, chuyện đời tư của các lãnh tụ, cả tốt lẫn xấu, cả công khai lẫn khuất tất luôn là nhạy cảm, thậm chí rất nhạy cảm.

Vụ Nhân văn giai phẩm”, vụ Xét lại vẫn còn nhạy cảm, Cải cách ruộng đất chưa hết hạn nhạy cảm, trong khi Thuyền nhân đang thuộc cấp nhạy cảm cao. Đời tư, những thông tin về lãnh tụ của những nước xã hội chủ nghĩa trước đây, kể cả đã chết, bị xử tử, bị tù, bị nhân dân nguyền rủa cũng vẫn là nhạy cảm. Bởi họ từng là bạn, là đồng chí cùng một lý tưởng. Vạch áo họ cũng là vạch áo mình!

Miêu tả quá trình sụp đổ của Đông Âu, Liên-xô, bức tường Berlin chưa hết hạn nhạy cảm. Khen các lãnh đạo tư bản (khen kẻ thù) cũng có thể bị coi là nhạy cảm. Chẳng hạn câu sau đây, trong một cuốn sách dịch, biên tập đã bị kiểm điểm và cơ quan quản lý yêu cầu phải cắt đi mới cho phát hành: “Vốn là một người nhân đạo, ông Bush (con) phải được báo cáo chi tiết kế hoạch thả hàng cứu trợ cho người dân I-rắc và được ông đánh giá tốt, thì ông mới phê chuẩn kế hoạch tấn công”.

Một thời gian dài những danh từ như Hoàng Sa, Trường Sa, Mục Nam Quan, Thác Bản Giốc, Lê Đình Chinh, trận chiến Gạc-ma… là những từ nhạy cảm. Trung Quốc thì bình thường, nhưng Trung Cộng là nhạy cảm. 

Bất cứ chi tiết nào liên quan đến cụ Hồ, cũng đều tiềm ẩn yếu tố nhạy cảm. 

Trong tự truyện “Để gió cuốn đi” của ca sỹ Ái Vân, dù tác giả mô tả cụ Hồ như một ông tiên, nhưng khi tác giả thuật lời cụ bảo chị em Ái Vân: “Các cháu lạnh thì đặt tay xuống đít cho ấm”, bị Cục xuất bản yêu cầu cắt chữ “đít” đi (hoặc thay bằng từ khác), vì không thể để người như cụ Hồ nói “phản cảm” như vậy? Thậm chí chuyện một thứ trưởng đi tù, một thứ trưởng khác lấy vợ mới trẻ hơn ba mươi tuổi sau khi vợ cả chết, một thứ trưởng bỏ vợ già lấy ca sỹ… cũng được khuyến cáo ngầm nên hạn chế, vì nhạy cảm.

Tự do, dân chủ, nhân quyền, đa đảng, tam quyền phân lập… bất kể nói trong ngữ cảnh nào, đương nhiên là những từ cực kỳ nhạy cảm.

Goocbachop, Cải tổ, sụp đổ, Lưu Hiểu Ba, Lăng Le-nin, thảm sát Thiên An Môn… là những từ nhạy cảm.

Kho vấn đề và từ ngữ nhạy cảm luôn không ngừng được bổ sung, cứ mở rộng dần ra đến vô cùng theo những diễn biến của thời cuộc và các sự kiện, cũng như thời tiết chính trị. Chẳng hạn sự kiện anh em ông Đoàn Văn Vươn, sự kiện cưỡng chế đất đai ở khu đô thị Ecopark, Dương Nội (mới đây là Đồng Tâm-Mỹ Đức), sự kiện quan chức Yên Bái xử nhau như bọn xã hội đen… sớm vào diện nhạy cảm.

Tập Cận Bình phát biểu trước Quốc hội, lên lớp 500 ông nghị của Việt Nam về tình hữu hảo, là sự kiện nhạy cảm, phải thận trọng khi đề cập. Những tin đồn quan chức Việt Nam có nhà, tài khoản kếch xù ở nước ngoài, ai đó đang lâm bệnh hiểm nghèo, ai đó sắp bị kỉ luật… là những thông tin nhạy cảm.

Thông tin về cái chết của Nguyễn Bá Thanh, Trần Đại Quang, … là nhạy cảm. Chuyện ông quan lớn nào đó có vợ bé là con nợ, chuyện cha con ông ấy bất đồng về tài sản…là chuyện nhạy cảm. Thông tin về dòng tộc của các loại quan chức Nhà nước, về con cháu họ du học, ăn chơi, giết người… đương nhiên nhạy cảm. Vì họ là “hồng phúc” của dân tộc kia mà…

Có nhiều vấn đề, từ ngữ tính nhạy cảm phụ thuộc vào thời điểm, dạng văn bản, không gian địa lý. Chẳng hạn nhiều tác phẩm in báo thì không sao, nhưng in thành sách thì phải tính toán kỹ kẻo nhạy cảm. Chẳng hạn trường hợp sách của Nguyễn Trọng Thắng, đoạn nói về ông Nguyễn Hạnh Phúc. Khi in báo Người Cao Tuổi, số lượng cả chục vạn tờ thì không sao. Nhưng in thành sách thì “có chuyện” với cấp trên. (Cấp trên lý luận: Báo nào thì đọc xong cũng vào thùng rác, vào hố xí, chứ sách có thể lưu lại hàng trăm năm?) In vào năm bình thường thì không sao, nhưng nếu là năm kỉ niệm chẵn, thì rất dễ mắc lỗi nhạy cảm. In ở Hà Nội chẳng vấn đề gì, nhưng in tại thành phố Hồ Chí Minh hoặc các tỉnh khác thì liệu chừng nhạy cảm và ngược lại.

Vân vân và vân vân.

Hãn hữu cũng có một số vấn đề hoặc từ ngữ hết thời hạn bị coi là nhạy cảm, trở thành bình thường, nhưng chúng không được thông báo như các vấn đề đang và sẽ thành nhạy cảm. Chẳng hạn sự sụp đổ của Chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô, bức tường Berlin, Công an nhận hối lộ, chuyện Mao chơi gái… không còn bị canh chừng gắt gao như trước nhưng cũng không khuyến khích, luôn được cảnh báo phải cẩn trọng khi duyệt nội dung.

Một biên tập viên làm việc tại nhà xuất bản của Việt Nam sẽ phải, bằng cách nào đó (từ linh cảm, khảo sát qua các văn bản, hỏi đồng nghiệp đi trước, tham vấn các nhà quản lý, nghe ngóng dư luận xã hội, nghe ngóng ý cấp trên)… phát hiện ra vấn đề và từ ngữ nhạy cảm, để mà tránh. Không ai có thể giúp anh ta việc đó. Không trường lớp nào dạy anh ta cái khả năng đánh hơi kiểu chó săn ấy! Trời cũng bó tay. Nó thuộc về năng lực, trình độ chuyên môn, trình độ chính trị. Hai thứ trước có thể yếu kém, chứ thứ sau thì nhất định phải vững vàng, nếu muốn ổn định nghề nghiệp.

Nếu bạn không tự tin là mình có thể tránh được những vấn đề, từ ngữ nhạy cảm nhiều không kể xiết, biến dạng và phát sinh khôn lường, sinh sôi nảy nở vô độ, luôn được bổ sung cho phù hợp với thời cuộc… thì chỉ nên nhận biên tập những cuốn sách mà bạn biết trước nó không mùi vị như nước lã, phần lớn là vô dụng bởi khi in ra nó bị chất vào kho, vào các viện nghiên cứu, lên giá sách của những người không bao giờ đọc nổi một cuốn sách. Những cuốn sách đó, may mắn thay, đủ cho bạn biên tập cả đời để có một sự nghiệp được tặng huân, huy chương và bảo đảm có cuộc sống không giầu nhưng cũng không quá nghèo. Nhiều nhà xuất bản chỉ cấp phép cho những cuốn sách như vậy. Tất nhiên, để được làm việc tại một vài nhà xuất bản chuyên in loại sách đó bằng tiền thuế của dân, bạn phải gặp may mắn, hoặc phải có thứ năng lực nhạy cảm khác.

Ngoài ra “nhạy cảm đoán ý cấp trên” cũng luôn là một điểm cộng để đánh giá năng lực Biên tập viên. Lần này thì từ nhạy cảm mang một ý nghĩa khác, phản ánh một hiện tượng khác. Bạn càng nhạy cảm càng an toàn, càng được cấp trên đánh giá cao.

Chẳng hạn, bề ngoài thì cấp trên nói thế này, nếu bạn cứ hiểu thẳng ruột ngựa là bạn đang bị “thiếu nhạy cảm”. Bạn phải có khả năng đọc thông điệp chính cài ngầm bên trong. Bởi vì là nhân viên, bạn không nên để cho lãnh đạo phải nói rõ những yêu cầu rất dễ bị các thế lực thù địch trích dẫn làm bằng chứng bất lợi.

Là cấp dưới, bạn phải hiểu cấp trên không tiện nói thật, đang đẩy quả bóng vào chân của bạn, yêu cầu bạn giải quyết. Bạn phải đá ra ngoài gôn và chấp nhận mang tiếng kém cỏi thay cấp trên. Mọi việc luôn đỡ ồn ào hơn (cả dư luận tốt và không tốt) nếu cuốn sách bị bỏ lại ngay từ bàn biên tập của bạn. Cấp trên của bạn sẽ rất biết ơn bạn về điều đó.

Và vì bạn “ngoan” nên chắc chắn có quà!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét