Thứ Hai, 8 tháng 7, 2019

Sự 'hèn kém' của giống người An Nam hay là...?

Sự 'hèn kém' của giống người An Nam hay là một khoa học giả hiệu?
Về tâm hồn người An Nam, Giran viết: “(với họ), tình yêu cao quý trở thành nhục dục thấp hèn”, “không có khả năng quan niệm những ý tưởng quá trừu tượng”, “không có năng lực để cảm nhận những cảm nghĩ quá phức tạp” (trang 102), “vô cảm cực độ”, “đối với người phương Tây chúng ta, sự lười biếng là một khiếm khuyết trầm trọng... Nơi người An Nam, trái lại, sự uể oải là một trạng thái bình thường” (trang 105), “một tính khí vô vị, một tính cách nhu nhược và hời hợt không tạo được sức đề kháng nghiêm túc đối với những ảnh hưởng từ bên ngoài” (trang 108), “tập quán hèn hạ”, “sự quỵ lụy... gần như là bẩm sinh do sự lại giống”, “kêu gọi lý trí của họ để đòi hỏi họ tự chỉnh sửa là việc làm hoàn toàn vô ích” (trang 110-111). Vì xác định đó là tất cả những ngu muội của dân An Nam, trong phần kết luận, Giran khẳng định là việc dạy dỗ dân An Nam của người Pháp coi như tuyệt vọng: “Chúng ta cũng đừng toan tính thêm nữa, vô ích thôi, bằng việc dạy dỗ để nâng người An Nam lên trình độ trí tuệ của chúng ta. Trong tổ chức não bộ của các chủng tộc, có những giới hạn không thể vượt qua được”.
CHIÊU VĂN 07.07.2019 TTCT - “Cùng lúc đó, ở vùng đất Campuchia chưa được biết tới - à, “chưa được biết tới” ở đây, là ý chỉ với người châu Âu mà thôi - 1 triệu người sống quần tụ trong một thành phố sánh ngang và thực ra là có thể hơn hẳn bất kỳ đô thị nào tồn tại ở châu Âu lúc đó, về kiến trúc, với hệ thống dẫn nước cực kỳ tinh vi và năng lực canh tác hai, thậm chí ba vụ mùa lúa mỗi năm”. Sử gia người Úc Milton Osborne đã mô tả thành phố Angkor ở Campuchia cổ đại như thế trong cuốn sách của ông, Southeast Asia: An Introductory History (Nhập môn lịch sử Đông Nam Á). Năm mà Osborne nói tới là 1066, khi “London thậm chí chưa phải là thủ đô nước Anh”, và “không tới 35.000 người sống ở thành phố trung cổ với những đường phố bẩn thỉu này”.

Vì chúng ta biết rằng ngày nay London và Paris là những thành phố lớn... ta có xu hướng nghĩ rằng chúng đã luôn lớn và quan trọng”, Osborne giải thích, một kiểu luận điểm mà chúng ta có xu hướng lặp đi lặp lại nếu không nhìn nhận lịch sử ở chiều rộng bao trùm của nó: “Athens, Thebes và Sparta chỉ là những thành bang nhỏ bé, nhưng chúng sống mãi trong tâm trí của người nghiên cứu lịch sử châu Âu vì đóng góp của chúng cho văn hóa châu Âu”.
Ngộ nhận về sự hơn kém đó, do những lầm lạc lịch sử, trở thành nền tảng cho một ngộ nhận nguy hiểm hơn nhiều: sự hơn kém giữa các chủng tộc, hay chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, trong một thế giới khoảng 300 năm nay ít nhiều dựa trên “Âu tâm luận” (eurocentric). Lòng tin về sự hơn kém giữa các chủng tộc đó được hỗ trợ bằng một thứ “giả khoa học” (pseudoscience) đã bị bác bỏ từ lâu.
Phân biệt chủng tộc giả khoa học, đôi khi được gọi là sinh lý học chủng tộc, là lòng tin rằng có các bằng chứng thực nghiệm ủng hộ cho sự phân biệt chủng tộc, để kết luận rằng có các chủng tộc thấp kém và siêu việt. “Về mặt lịch sử, các ý tưởng phân biệt chủng tộc dựa trên khoa học từng giành được lòng tin trong cộng đồng khoa học, nhưng từ lâu đã không còn được coi là có tính khoa học nữa” - học giả Do Thái Paul Kurtz viết trong tiểu luận nổi tiếng của ông: Khoa học có thể giúp chúng ta đưa ra những phán đoán đạo đức khôn ngoan hay không?
Phân biệt chủng tộc giả khoa học cũng viện tới nhân chủng học (đáng kể nhất là nhân chủng học hình thể), nhân trắc học (khoa học về phép đo đạc cơ thể người - Anthropometry), dân tộc học, tiến hóa học và một số ngành khoa học khác, để đưa ra các phân loại nhân chủng chia con người thành những loại riêng rẽ hoặc ưu việt hơn, hoặc thấp kém hơn.
Thứ giả khoa học này đã rất phổ biến trong giai đoạn từ những năm 1600 cho tới khi Thế chiến II bắt đầu. Nhưng trong nửa sau thế kỷ 20, lòng tin đó đã bị bác bỏ dứt khoát là lỗi thời và không có cơ sở khoa học.
UNESCO viết trong tuyên bố “Câu hỏi về chủng tộc” nổi tiếng năm 1950: “Dữ kiện sinh học về chủng tộc và ngộ nhận về chủng tộc cần phải được phân biệt rõ ràng... “Chủng tộc” không phải là một hiện tượng sinh học, mà là một ngộ nhận xã hội. Ngộ nhận chủng tộc đã gây ra tác hại kinh khủng cho loài người và xã hội. Trong những năm gần đây, nó đã gây ra sự hủy diệt nặng nề với sinh mạng con người, gây ra những khổ đau không thể tả xiết”.
Đó sẽ là những nền tảng tối thiểu cần thiết cho một độc giả cầm trên tay cuốn Tâm lý người An Nam của viên quan cai trị người Pháp Paul Giran.
Giran, với những hạn chế ở thời đại của ông, không phải là người đầu tiên (và sẽ không phải người cuối cùng), sử dụng những lý lẽ về sự hơn kém giữa các chủng tộc để biện minh cho một quan điểm chính trị, hay tệ hơn, một tham vọng áp chế và dạy dỗ những người thuộc một chủng tộc bị coi là thấp kém.
Cuốn sách "Tâm lý người An Nam" của Paul Giran (NXB Hội Nhà văn - Nhã Nam)
Cuốn sách này đồng thời được xuất bản với tựa "Tâm lý dân tộc An Nam", NXB Hội Nhà văn, đơn vị phát hành Omega Plus).
 
Danh sách những người ủng hộ ý tưởng đó không hề ngắn, bao gồm những cái tên nổi tiếng hơn Giran rất nhiều: khoa học gia người Anh Robert Boyle, tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ và một người cha lập quốc Thomas Jefferson (đồng thời là một người sở hữu nô lệ), triết gia Đức Arthur Schopenhauer (“Nền văn minh và văn hóa cao nhất, ngoài của người Hindu và Ai Cập, chỉ có thể tìm thấy trong các giống loài da trắng”), cha đẻ của tiến hóa luận Charles Darwin (người đã phân biệt các “chủng tộc văn minh” với “chủng tộc dã man”)..., để rồi lên tới đỉnh điểm là chế độ phát xít Đức, với nền tảng tư tưởng dựa một phần quan trọng vào sự phân biệt chủng tộc, giữa người Aryan thượng đẳng và gần như tất cả những gì còn lại của giống người, bao gồm dân Do Thái, người da đen, người Slav...
Với riêng các “giống da vàng”, những gì Giran viết về “giống An Nam”, “giống Trung Hoa”, “giống châu Á”... thật ra cũng chỉ là sự nhắc lại của “hiểm họa da vàng” hay “giống quỷ vàng”, một khái niệm phân biệt chủng tộc không thể thiển cận hơn, gắn liền với khía cạnh bài ngoại cực đoan của chủ nghĩa thực dân: học thuyết cho rằng các giống người ở Đông Á là mối đe dọa sống còn với thế giới phương Tây, hoặc tệ hơn, là những giống bán khai cần được “cai trị” và “khai hóa văn minh” từ những nền văn minh ưu việt hơn.
Nỗi sợ từ nhiều thế kỷ trước khi các đạo quân Mông Cổ giày xéo châu Âu, và gần thời của Giran hơn, khi Nhật Bản chiến thắng Nga trong cuộc chiến tranh ở Thái Bình Dương, đã dẫn tới sự ra đời của những tác phẩm như “Sự nổi lên của giống da màu chống lại trật tự thống trị thế giới của giống da trắng” (1920) của sử gia theo thuyết ưu sinh người Mỹ Lothrop Stoddard.
Trong bối cảnh mà thế giới về cơ bản là sự phân chia giữa các cường quốc da trắng, hoặc các quốc gia hình thành từ những thuộc địa của họ, những tác phẩm giả khoa học như của Giran, thật dễ hiểu, rất phổ biến ở các nước phương Tây.
Học thuyết từ những cuốn sách như vậy đã được sử dụng để biện minh cho những thảm họa kinh khủng nhất trong lịch sử loài người: chế độ nô lệ ở Hoa Kỳ, việc buôn bán nô lệ da đen phổ biến khắp vùng Đại Tây Dương, chủ nghĩa thực dân và ngoại giao tàu chiến, chế độ apartheid ở Nam Phi, rồi đỉnh cao là chủ nghĩa phát xít ở Đức.
Nhà khảo cổ học Đức Quốc xã Bruno Beger thực hiện trắc đạc nhân thể với một phụ nữ ở Tây Tạng để nghiên cứu "tính ưu việt của nòi giống Aryan" năm 1938, một năm sau, Thế chiến II bùng nổ.-Ảnh: corpussomnium.com
Mà đấy mới là vài ví dụ nổi bật được biết đến ở quy mô toàn cầu. Cuốn sách của Giran, đặt trong dòng chảy đó, trước hết và quan trọng nhất là một nỗ lực biện minh cho sự cai trị của người Pháp ở Đông Dương.
Thật vậy, khắp cuốn sách, gần như mở ra bất kỳ trang nào ta cũng bắt gặp những lý lẽ phân biệt chủng tộc thô thiển, ít ra là theo thước đo của thời đại ngày nay. Ngay từ trang đầu tiên của Lời tựa (trang 9, do Etienne Aymonier viết): “...trong mục đích cao xa hơn nữa: công cuộc phổ biến nền văn minh của chúng ta, khả năng thích ứng thiên bẩm đặc thù của chúng ta đối với tâm thái của những chủng tộc kém phát triển hơn mà chúng ta đã đảm trách?”. Rồi tuyên ngôn về mục đích viết cuốn sách của chính Giran: “Để cai trị cho tốt một dân tộc, đầu tiên phải biết về dân tộc đó...” (trang 24).
Trong phần “Mô tả về chủng tộc”, tỏ ra là một khoa học gia giả hiệu chân chính, Giran viết: “những chủng tộc da vàng về tổng thể đều là kiểu sọ ngắn”, và vì hàng trăm triệu con người đó đều sọ ngắn nên họ “khiếm khuyết năng lực cảm thụ”, “vô cảm, lãnh đạm với nỗi đau”, “đôi khi nhẫn tâm đến độc ác”, “tầm thường về trí tuệ”, “trí tưởng tượng vẫn còn khô cằn”... (trang 34-35).
Về tâm hồn người An Nam, Giran viết: “(với họ), tình yêu cao quý trở thành nhục dục thấp hèn”, “không có khả năng quan niệm những ý tưởng quá trừu tượng”, “không có năng lực để cảm nhận những cảm nghĩ quá phức tạp” (trang 102), “vô cảm cực độ”, “đối với người phương Tây chúng ta, sự lười biếng là một khiếm khuyết trầm trọng... Nơi người An Nam, trái lại, sự uể oải là một trạng thái bình thường” (trang 105), “một tính khí vô vị, một tính cách nhu nhược và hời hợt không tạo được sức đề kháng nghiêm túc đối với những ảnh hưởng từ bên ngoài” (trang 108), “tập quán hèn hạ”, “sự quỵ lụy... gần như là bẩm sinh do sự lại giống”, “kêu gọi lý trí của họ để đòi hỏi họ tự chỉnh sửa là việc làm hoàn toàn vô ích” (trang 110-111).
Các lĩnh vực công nghiệp, thương mại và nông nghiệp An Nam được kết luận là “đều rất kém phát triển” (trang 147). Ngôn ngữ, chữ viết, văn học và kịch nghệ là “tầm thường” (trang 154) và “tiếng An Nam, cũng như tiếng Trung Hoa, thể hiện đa phần những khiếm khuyết chung của các ngôn ngữ sơ khai” (trang 155)...
Vì xác định đó là tất cả những ngu muội của dân An Nam, trong phần kết luận, Giran khẳng định là việc dạy dỗ dân An Nam của người Pháp coi như tuyệt vọng: “Chúng ta cũng đừng toan tính thêm nữa, vô ích thôi, bằng việc dạy dỗ để nâng người An Nam lên trình độ trí tuệ của chúng ta. Trong tổ chức não bộ của các chủng tộc, có những giới hạn không thể vượt qua được” (trang 259).
Về cơ bản, nếu loại bỏ những trang phân biệt chủng tộc, bài ngoại, cổ xúy chủ nghĩa đế quốc và thuyết ưu sinh da trắng, thì cuốn sách của Giran hầu như sẽ không còn lại gì.
Tất nhiên, cuốn sách vẫn có những ý nghĩa nhất định như một sử liệu, một tư liệu tham khảo về một thời kỳ cụ thể của những vùng đất và con người cụ thể (An Nam, hay rộng hơn là Đông Dương, và Pháp, và thực ra, nó nói về tâm lý của giới cai trị thuộc địa nhiều hơn là tâm lý người An Nam). Một số độc giả có thể thấy tâm đắc với các ý kiến được nêu ra trong đó khi tác giả nhận xét về “người An Nam”, vì họ soi chiếu vào thực trạng xã hội hiện tại.
Nhưng người đọc phải nhận thức rõ ràng rằng nền tảng của cuốn sách là sự phân biệt chủng tộc bị đóng khung trong thời đại (đỉnh điểm của chế độ thực dân), quan điểm và xuất thân của người viết (một quan cai trị thuộc địa thuộc tầng lớp trên người Pháp, học trường Thuộc địa, được bổ đi làm việc cho Phủ Toàn quyền ở Đông Dương năm 1899, giữ chức tham biện phụ trách công việc hành chính dân sự ở Phủ Toàn quyền, sau đó đi là Phó Công sứ ở một số nơi tại Bắc kỳ), cũng như trình độ khoa học thời bấy giờ.
Ở đây không hề có vấn đề dân tộc chủ nghĩa được đặt ra khi ta đọc cuốn sách. Cuốn sách của Giran thất bại, không phải vì nó nói xấu, hay bêu xấu người Việt, người Hoa, người châu Á, mà là vì nó nhận xét về các chủng tộc như một tập hợp duy nhất, với sự cao ngạo, trịch thượng và khinh bỉ rất rõ ràng, của một người tự đặt mình ở địa vị cao hơn, đủ cao để phán xét cả một dân tộc, thậm chí một chủng tộc.
Chỗ này, chỗ khác, cuốn sách có thể nhận xét đúng về những “thói hư tật xấu” của người Việt, nhưng bởi những nhận xét đó xuất phát từ một tư duy giả khoa học của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chúng chẳng còn ý nghĩa gì nữa.
Những gì còn lại của nó, vì vậy không phải là những ý kiến cá nhân của Giran, mà là những dữ kiện cần phải nhớ - như một bài học, về một thời đại đáng quên của loài người - thời đại mà sự phân biệt chủng tộc đáng ghê tởm như thế vẫn còn là điều được chấp nhận công khai.■

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét