Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2018

Nhà cầm quyền hãy từ bỏ vĩnh viễn dự án đặc khu

Dự án đặc khu: Cần bỏ hẳn chứ không chỉ hoãn
Nguyễn Tường Thụy, 2018-08-10 - Bây giờ không phải lúc nhà cầm quyền muốn làm gì thì làm. Hàng chục nghìn người dân xuống đường phản đối dự án đặc khu, cho dù hàng trăm người bị bắt và hàng chục người đã bị kết án tù. Họ cần phải hiểu, sự phản đối của người dân với tất cả lòng can đảm xuất phát từ lòng yêu nước chứ không có thế lực thù địch nào ở đây cả. Cần phải tính trước những gì sẽ xảy ra nếu họ cố tình thông qua Dự Luật đặc khu để rước giặc vào nhà. Đàn áp, bỏ tù người yêu nước chỉ có thể là kẻ bán nước. Tốt nhất, nhà cầm quyền hãy từ bỏ vĩnh viễn dự án đặc khu.

Những người biểu tình hô khẩu hiệu phản đối luật 
Đặc khu
trong cuộc biểu tình ở Sài Gòn hôm 10/6/2018 AFP
Không có gì mới:
Chương trình kỳ họp thứ 26 của UB Thường vụ Quốc hội không còn nội dung cho ý kiến về Dự Luật đặc khu như đã lên trước đó. Lý do của việc này là dự án luật đang được cân nhắc lại, trên cơ sở lắng nghe ý kiến của nhân dân - theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ông Phúc cho rằng cũng chưa vội vã lắm vì còn 2 tháng nữa kỳ họp thứ 6 của Quốc hội mới diễn ra.

Như vậy, việc tạm nhấc Dự Luật đặc khu ra khỏi chương trình kỳ họp thứ 26 của UBTVQH không có gì mới so với việc ngày 11/6/2018, Quốc hội quyết định lùi việc thông qua Dự Luật này sang kỳ họp thứ 6 sẽ diễn ra vào tháng 10/2018. Điều này cho thấy Dự Luật đặc khu sẽ vẫn được thông qua trên cơ sở sửa đổi đôi chút nội dung hay một vài câu chữ nhằm xoa dịu dư luận.

Vì vậy tình hình đặc khu chẳng có gì sáng sủa hơn trước thông tin này.

Không thể không ra luật?

Khi đưa dự án Luật đặc khu ra thảo luận ở kỳ họp thứ 5, bà Nguyễn Thị Kim Ngân phát ngôn đầy tính áp đặt: “Bộ Chính trị đã kết luận rồi, dự thảo luật không trái Hiến pháp, phải bàn để ra luật chứ không không thể không ra luật”. Quyết tâm này xuất phát từ việc họ đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng cho việc thành lập 3 luật đặc khu để bán. Nhưng kỹ lưỡng, công phu không đồng nghĩa với cẩn thận, sáng suốt.

Khi Dự Luật đặc khu được đưa ra kỳ họp thứ 5 để thông qua, người ta mới sững sờ và tìm hiểu mới biết, dự án luật này đã được ráo riết chuẩn bị từ nhiều năm trước đó.


Người biểu tình phản đối dự luật Đặc khu ở 
Sài Gòn hôm 10/6/2018 Courtesy Nguyễn Peng

Ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, ý tưởng xây dựng đặc khu đã có từ thời ông Võ Văn Kiệt làm thủ tướng. Tuy nhiên, đến đầu thập niên 10 thì hoạt động xung quanh việc thành lập đặc khu mới được đẩy nhanh, trước hết nhằm vào Vân Đồn. Những cuộc hội thảo, những đoàn cán bộ của Quảng Ninh đi thăm học hỏi kinh nghiệm của Trung Quốc, rồi những đoàn cố vấn TQ sang Việt Nam ngày càng nhộn nhịp hơn. Rồi Luật đặc khu được bắt tay vào xây dựng từ năm 2014. Vân Đồn được ví như "đại công trường" của Quảng Ninh với hơn 70 dự án về hạ tầng đô thị, giao thông, dịch vụ du lịch ồ ạt triển khai.

Cho tới đầu năm nay thì Ban chỉ đạo Quốc gia xây dựng đặc khu kinh tế được thành lập do ông Nguyễn Xuân Phúc làm trưởng ban.

Mặc dù buộc phải lùi lại thời gian thông qua Dự Luật đặc khu nhưng trong giới cầm quyền vẫn không ngừng tuyên truyền cho nó. Nguyễn Văn Thân, đại biểu quốc hội nói "không ủng hộ luật đặc khu là một sai lầm” và hối thúc cần phải làm đặc khu càng sớm càng tốt. Tỉnh Quảng Ninh vẫn tiếp tục đề xuất cần nhanh chóng hoàn thiện Luật đặc khu v.v...

Tại sao người VN phản đối đặc khu:

Phía cầm quyền đã tưởng việc thông qua Luật đặc khu tại kỳ họp thứ 5 chỉ là vấn đề thủ tục. Thế nhưng, dự luật này vấp phải sự phản đối gay gắt của công luận và các tầng lớp nhân dân. Ông Nguyễn Xuân Phúc phải thừa nhận Luật đặc khu đã “gây ra làn sóng khủng khiếp”. Đây là một điều mà Bộ Chính trị ĐCSVN và Quốc hội VN không lường trước được và họ hoàn toàn bất ngờ. Cuộc xuống đường ngày 10/6/2018 và sau đó của hàng chục nghìn người ở Sài Gòn và nhiều tỉnh thành khác buộc Quốc hội phải dừng thông qua Luật đặc khu, tuy vẫn “dọa” sẽ thông qua vào kỳ họp tới.

Dự Luật đặc khu bị phản đối quyết liệt có 2 nguyên nhân chính:

Thứ nhất là việc lập đặc khu là không cần thiết. Nhiều học giả chỉ ra rằng, mô hình đặc khu đã lỗi thời, không còn phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội hiện nay. Mặt khác, đã có Luật Đầu tư tạo cơ sở pháp lý cho các nhà đầu tư nước ngoài rồi thì xây dựng Luật đặc khu để làm gì? Điều thấy rõ là nhà cầm quyền VN muốn tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho một đối tượng đầu tư cần được ưu đãi hơn, mà ai cũng biết là TQ. Nghĩa là, cùng đầu tư vào VN nhưng nhà đầu tư TQ sẽ được ưu tiên hơn.

Đặc khu là sản phẩm của việc học tập TQ. Đặc điểm chung của các nước cộng sản là rất say sưa với xây dựng hình mẫu nhưng hình mẫu nào cũng hỏng. Vào thời kỳ đầu xây dựng CNXH ở miền Bắc từng ầm ỹ lên các điển hình về phong trào thi đua như: “Sóng Duyên Hải”, “Gió Đại Phong”, “Trống Bắc Lý”, “Cờ Ba nhất”... Điển hình nào cũng ồn ào một thời gian ngắn rồi tắt ngóm.


Tấm biển với hình ông Đặng Tiểu Bình, người được cho là kiến trúc sư đổi mới của Trung Quốc trên một đoạn đường đông đúc ở đặc khu Thâm Quyến, Trung Quốc. AFP

Từ trước đến nay, nhà cầm quyền VN hầu như cái gì cũng làm theo TQ và đã thất bại đau đớn nhưng cho đến tận bây giờ, TQ vẫn là hình mẫu của họ, vẫn là học tập kinh nghiệm của TQ. Trong khi đó, có nhiều bài học thành công của các nước khác, trên thế giới có, trong khu vực có thì họ rất dè dặt. Và điều kỳ lạ hơn, họ học tập TQ cả trong khi chính TQ là kẻ đã thôn tính biển đảo, đất liền của VN, giết người VN và phần chủ quyền còn giữ được cũng luôn luôn bị đe dọa. Ngụy biện cho việc này là luận điệu “học ở chính kẻ thù”. Trong khi nhân dân VN căm ghét và cảnh giác đối với TQ thì lãnh đạo VN hầu như không thèm đếm xỉa đến. Họ mụ mẫm đến nỗi tận bây giờ vẫn say mê với mô hình đặc khu của TQ trong khi chính TQ đã từ bỏ nó.

Ngoài lý do không cần thiết phải lập đặc khu thì nguyên nhân chính vấp phải sự phản đối của nhân dân là yếu tố TQ. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng rối rít trấn an rằng Dự Luật không có chữ nào nói đến TQ, nhưng không qua được mắt người dân VN.

Xét về Luật, không có chữ nào nói đến một đối tượng cụ thể mới là bình thường. Nó là điều sơ đẳng nhất, chẳng cần gì phải thanh minh. Nhưng hình như vì trung thành với TQ quá, nhiệt tình với TQ quá không kiềm chế nổi nên hình bóng TQ vẫn cứ lởn vởn trong Dự luật đặc khu. Điều 55 của Dự luật này không dám gọi thẳng TQ mà trí trá gọi là “nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam tại tỉnh Quảng Ninh”. “Nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam tại tỉnh Quảng Ninh” không phải là TQ thì là nước nào vậy, thưa ông Nguyễn Chí Dũng? Câu hỏi này nhiều người đã đặt ra, chẹn vào họng ông Nguyễn Chí Dũng và ông ta không thể trả lời.

Yếu tố TQ không chỉ căn cứ vào sự bóng gió trong Dự Luật mà người ta khẳng định được khi xét toàn bộ quá trình chuẩn bị cho đặc khu như đã điểm qua trên đây và xét về mối quan hệ vừa đặc biệt, vừa khó hiểu giữa ĐCSVN và ĐCSTQ. Trong quá trình chuẩn bị, chỉ thấy VN cử người sang TQ học kinh nghiệm, rồi cố vấn TQ sang VN chỉ đạo, có mặt trong các cuộc hội thảo về đặc khu chứ làm gì có nước nào khác dính dáng đến.

Giải pháp tốt nhất: Không đặc khu
Cho TQ thuê đất ắt dẫn đến mất nước, điều này nhiều người đã phát biểu, nhiều bài viết đã phân tích. Sự lo lắng của người VN hoàn toàn có cơ sở vì TQ là kẻ thù nguy hiểm và truyền kiếp đối với VN. Khi TQ vờ vịt tình đồng chí, anh em, chung hệ tư tưởng với VN thì chúng càng lộ rõ dã tâm hơn và xâm lược ráo riết hơn. Lần đầu tiên trong lịch sử, chúng vươn qua đảo Hải Nam, chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của VN và khống chế Biển Đông. Điều này, thời kỳ chưa cộng sản là hoàn toàn không có.

Người VN hiểu quá rõ về kẻ thù của mình, chỉ có lãnh đạo đất nước là cố tình không hiểu.

Khi Dự Luật đặc khu vấp phải sự phản đối của nhân dân, họ còn lừa mị, đánh lạc hướng dư luận rằng sẽ hạ thời gian cho thuê từ 99 năm xuống 70 năm. Họ làm như thể người dân chỉ lo lắng mỗi chuyện cho thuê 99 năm thì lâu quá và vì vậy chỉ cần hạ xuống là xong. Nhưng người dân trả lời ngay bằng khẩu hiệu: Không cho Trung Cộng thuê đất, dù chỉ 1 ngày.

Vấn đề cho thuê đất, có thể thấy rõ người VN chỉ bức xúc, gay gắt và cảnh giác cao độ khi đối tượng thuê là TQ. Giả sử có một hiệp định cho Anh, Mỹ hay Nhật, Hàn thuê đặc khu nào đó kể cả với thời hạn 99 năm thì sẽ không vấp phải sự phản đối như vậy, nếu không nói còn được hoan nghênh.

Như vậy, thái độ của người dân đối với đặc khu là nói không với TQ, còn mục đích của nhà cầm quyền là lập đặc khu để cho TQ thuê. Mâu thuẫn này là đối kháng và buộc phải giải quyết, hoặc là nhà cầm quyền nghe theo dân, hoặc là họ bất chấp tất cả.

Tuy nhiên, bây giờ không phải lúc nhà cầm quyền muốn làm gì thì làm. Hàng chục nghìn người dân xuống đường phản đối dự án đặc khu, cho dù hàng trăm người bị bắt và hàng chục người đã bị kết án tù. Họ cần phải hiểu, sự phản đối của người dân với tất cả lòng can đảm xuất phát từ lòng yêu nước chứ không có thế lực thù địch nào ở đây cả. Cần phải tính trước những gì sẽ xảy ra nếu họ cố tình thông qua Dự Luật đặc khu để rước giặc vào nhà. Đàn áp, bỏ tù người yêu nước chỉ có thể là kẻ bán nước.

Tốt nhất, nhà cầm quyền hãy từ bỏ vĩnh viễn dự án đặc khu. Hoặc Luật đặc khu phải ghi rõ trừ TQ ra và cấm TQ đầu tư thông qua một bên thứ ba. Nhưng để tránh rắc rối và cho chắc chắn thì không đặc khu gì cả.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/sez-need-to-be-scrapped-08102018103148.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét