Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2018

Hàng không mẫu hạm TQ có đến VN sau USS Carl Vinson?

Hàng không mẫu hạm Trung Quốc có đến Việt Nam sau USS Carl Vinson?
Giáo sư Pan Jin’e thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nói: “Việt Nam luôn cẩn trọng trong việc cân bằng các mối quan hệ. Theo tôi đoán thì sau chuyến thăm của hàng không mẫu hạm Mỹ đến Việt Nam thì hàng không mẫu hạm Trung Quốc cũng sẽ sớm đến Việt Nam. Đây là cách cân bằng quan hệ mà Việt Nam vẫn đang làm. Việt Nam làm gì với Mỹ thì cũng sẽ làm tương tự với Trung Quốc.” Chuyên gia Murray Hiebert cho rằng, với chiến lược cân bằng quan hệ như hiện tại, Việt nam cũng không dại gì mà đi quá xa trong quan hệ với Mỹ để có thể làm người láng giềng Trung Quốc tức giận.


Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson tại cảng Đà Nẵng hôm 5/3/2018 
Từ ngày 5 đến 9/3, hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của hải quân Mỹ đã có chuyến thăm lịch sử đến cảng Đà Nẵng của Việt Nam, đánh dấu bước tiến trong quan hệ quốc phòng hai nước, giữa lúc Việt Nam và nước láng giềng Trung Quốc vẫn còn những tranh chấp chưa thể giải quyết ở biển Đông. Chuyến thăm được cho là có thể làm Trung Quốc không mấy hài lòng. 

Tuy nhiên, kể từ khi chuyến thăm được công bố vào tháng 1 năm nay, chính phủ Trung Quốc đã không lên tiếng phản đối như lo ngại. Có chuyên gia cho rằng, cùng với bước tiến trong quan hệ quốc phòng với Mỹ, chắc chắn Hà Nội cũng đang chuẩn bị cho những bước tiến tương tự với Trung Quốc.
Trung Quốc tức giận

Đà Nẵng, thành phố ven biển miền Trung Việt Nam, nơi gần nhất ở Việt Nam nhìn ra biển Đông, những ngày đầu tháng 3 đã chào đón nhóm tàu hải quân Mỹ bao gồm tàu hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một hàng không mẫu hạm Mỹ tới Việt Nam kể từ sau khi chiến tranh kết thúc hơn 40 năm về trước.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia môn quan hệ quốc tế thuộc trường đại học George Mason, Hoa Kỳ, nhận định.

“Ở cấp độ cao cấp nhất của Đảng, nước Việt Nam đã muốn và sẵn sàng chấp nhận sự hiện diện của tàu sân bay ở Việt Nam. Đó là chỉ dấu của sự tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước Mỹ và Việt Nam”

Phát biểu với báo chí hôm 5/3 trong lễ đón nhóm tàu Carl Vinson ở Đà Nẵng, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Dan Kritenbrink, cho rằng, chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ đối tác giữa hai nước, và cam kết của Mỹ ở khu vực.

“Tôi thực sự cho rằng chuyến thăm cho thấy cam kết của Mỹ với khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương. Đối với những lợi ích chung phía trước, Mỹ và Việt Nam có chung những lợi ích bao gồm việc duy trì hòa bình, ổn định, thịnh vượng, thông thương và tự do hàng hải mà khu vực và các nền kinh tế đều dựa vào”

Điều này dĩ nhiên không thể làm Trung Quốc hài lòng, nhất là trong khung cảnh gần đây các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ đã liên tiếp đưa ra những tuyên bố cứng rắn hơn với Trung Quốc.

- GS. Nguyễn Mạnh Hùng
Nhưng sự có mặt của Mỹ ở khu vực biển Đông và nhất là sự xuất hiện của hàng không mẫu hạm Mỹ tại Đà Nẵng cũng là điều có thể làm Trung Quốc khó chịu. Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nói:

“ Điều này dĩ nhiên không thể làm Trung Quốc hài lòng, nhất là trong khung cảnh gần đây các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ đã liên tiếp đưa ra những tuyên bố cứng rắn hơn với Trung Quốc”

Mặc dù giới chức chính phủ Trung Quốc không chính thức lên tiếng phản đối chuyến thăm, nhưng tờ Hoàn cầu Thời báo, một tờ báo thuộc đảng Cộng sản Trung Quốc đã có những bài viết trong thời gian qua tỏ rõ sự không hài lòng về chuyến thăm của tàu Mỹ tới Việt Nam. Bình luận của tờ báo hôm 7/ 3 viết rằng sự hiện diện của tàu sân bay Mỹ không thể làm đảo lộn cán cân quân sự tại biển Đông và không thể gây sức ép lên Trung Quốc.

Hãng tin Reuters hôm 6/3 trích nguồn tin từ các nhà ngoại giao cho biết, các đặc sứ Việt Nam đã phải mất nhiều tháng trời để thuyết phục Trung Quốc không tức giận về chuyến thăm của hàng không mẫu hạm Mỹ, và về mối quan hệ hợp tác an ninh giữa Việt Nam và Mỹ.

Cân bằng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc

Chuyến thăm của tàu Carl Vinson lần này tới Việt Nam, một mặt khác cũng cho thấy một phần trong chiến lược cân bằng mối quan hệ giữa hai nước lớn Mỹ và Trung Quốc của Việt Nam. Giáo sư Pan Jin’e thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nói:

“Việt Nam luôn cẩn trọng trong việc cân bằng các mối quan hệ. Quan hệ quốc phòng Việt Mỹ phát triển trong những năm qua trong sự cân bằng với Trung Quốc. Quan hệ hợp tác này có ảnh hưởng đến Trung Quốc nhưng qua các năm Trung Quốc đã trở nên tự tin hơn về mối quan hệ này. Theo tôi đoán thì sau chuyến thăm của hàng không mẫu hạm Mỹ đến Việt Nam thì hàng không mẫu hạm Trung Quốc cũng sẽ sớm đến Việt Nam. Đây là cách cân bằng quan hệ mà Việt Nam vẫn đang làm và nó không có ảnh hưởng mấy tới các quan hệ với bên ngoài đang có giữa Việt Nam và các nước. Việt Nam làm gì với Mỹ thì cũng sẽ làm tương tự với Trung Quốc.”

Việt Nam và Mỹ đã nâng tầm quan hệ thành đối tác toàn diện vào năm 2013. Nhưng trước đó, từ năm 2008, Việt Nam và Trung Quốc đã xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Theo giáo sư Pan Jin’e kim ngạch thương mại với Trung Quốc chiếm đến 25% tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với các nước. Với những ràng buộc về kinh tế, địa chính trị, văn hóa và lịch sử, từ trước đến nay Việt Nam luôn xác định Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách quan hệ đối ngoại của mình.

Việt Nam luôn cẩn trọng trong việc cân bằng các mối quan hệ. Quan hệ quốc phòng Việt Mỹ phát triển trong những năm qua trong sự cân bằng với Trung Quốc.

- GS. Pan Jin'e
Kể từ sau khi Mỹ rỡ bỏ lệnh cậm vận đối với Việt Nam vào năm 1994, Hoa Kỳ giờ đây cũng đã trở thành đối tác thương mại quan trọng với Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2016 đã đạt mức 52 tỷ đô la.

Vào năm 2015, Việt Nam và Mỹ cũng đã ký tuyên bố chung về quan hệ quốc phòng. Vào năm ngoái, ngay trước chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump sang Việt Nam, Hoa Kỳ đã chuyển giao cho Việt Nam một tàu tuần tra, giúp tăng cường khả năng bảo vệ biển của Việt Nam.

Mặc dù đẩy mạnh quan hệ với Mỹ, giáo sư Pan Jin’e cho rằng Việt Nam hiện tại cảm thấy tự tin hơn trong quan hệ với Trung Quốc so với Mỹ

“Vào năm ngoái, sau đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã sang thăm Việt Nam. Ông ấy đã nhấn mạnh tầm quan trọng quan hệ giữa hai nước. Hai bên trong những chuyến thăm khác nhau cũng đã đạt được những thỏa thuận về vấn đề biển Đông. Cho nên tóm lại Việt Nam giờ đây cảm thấy thoải mái trong quan hệ với Trung Quốc hơn là so với Mỹ.”

Chuyên gia Murray Hiebert thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), ở Mỹ, cho rằng Việt Nam hiện tại vẫn còn có những lo ngại nhất định trong quan hệ với Mỹ, nhất là sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình dương (TPP) hồi tháng 1 năm ngoái. Đây là hiệp định mà Việt Nam mong chờ để tránh sự phụ thuộc về thương mại quá lớn vào Trung Quốc.

Không chỉ có vấn đề thương mại với Mỹ làm Việt Nam lo ngại, theo chuyên gia Murray Hiebert, Việt Nam cũng lo ngại về chính sách an ninh của Mỹ trong khu vực.

“Việt Nam vẫn không chắc về hướng đi tới trong quan hệ hai nước và quan hệ Mỹ Đông Nam Á sắp tới. Họ lo lắng là chính quyền của Trump sẽ tập trung quá nhiều vào vấn đề Bắc Hàn và thương mại với Trung Quốc thay vào khu vực Đông Nam Á. Họ cũng không hiểu hoàn toàn ý nghĩa của chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương đối với Việt Nam. Họ đánh giá cao chương trình tự do hàng hải nhưng họ cảm thấy là Tổng thống Trump đã không nói đủ về vấn đề biển Đông trong chuyến thăm châu Á hồi tháng 11 năm ngoái.”

Chuyên gia Murray Hiebert cho rằng, với chiến lược cân bằng quan hệ như hiện tại, Việt nam cũng không dại gì mà đi quá xa trong quan hệ với Mỹ để có thể làm người láng giềng Trung Quốc tức giận.

RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét