Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2018

Kết cục vụ AVG sẽ ra sao khi minh bạch hóa xuất hiện

Rất đồng ý với TS Ngọc trong bài viết này. Thiếu minh bạch và Không trừng trị thích đáng (Tử hình) những kẻ phạm tội đang là hai lỗ hổng lớn. Lớn đến mức các Bộ trưởng (và chắc chắn có những cấp cao hơn) công khai bắt tay nhau tham nhũng và cùng nhau đưa vụ việc tham nhũng vào diện MẬT, TUYỆT MẬT, làm cho người dân không có thông tin để giám sát, ngăn chặn. Lúc đầu khi Ban bí thư đưa vụ án này ra công khai, tôi rất tiếc khi thấy trong chỉ thị của Ban Bí Thư không hề có từ "đại án" mà chỉ gọi đây là vụ việc nhạy cảm được dư luận quan tâm. Đặc biệt, xem danh sách các nhân vật liên quan, đều thấy toàn "quân ta", không có đối thủ chính trị nào thuộc diện phải trả thù. Như thế, sợ rằng không thể để cho quân mình đánh quân ta, nên Ban bí thư sẽ chỉ giơ cao đánh khẽ, chỉ cần gây áp lực thu hồi được tiền về cho ngân sách là được. Các lãnh đạo Bộ ngành liên quan sẽ thoát, sẽ được luân chuyển đi công tác nơi khác (như về quê làm phó bí thư). Anh em nhà Vượng Vũ cũng đổi tiền lấy bình yên. Vài cán bộ sẽ bị kỷ luật để lấy lại niềm tin trong dân chúng. Tuy nhiên, dường như "quân ta" tự cao tự đại cứng đầu không chịu thua "quân mình" nên Thủ tướng Chính phủ sau khi đi Úc về đã nhanh chóng đồng ý với kết luận của Thanh tra Chính phủ, cho phép công bố toàn văn kết luận thanh tra và chuyển hồ sơ sang công an. Khi minh bạch hóa xuất hiện, "quân ta" mới biết sợ, Bộ TT-TT và các đối tác đành giơ tay xin hàng. Vụ việc đang ở ngã ba đường, tất cả phụ thuộc vào bác Cả, người đã chỉ đạo Ban Bi Thư làm rõ vụ Mobifone. Vì ở nước ta, vụ đang xử bác Đinh La Thăng là ví dụ rất điển hình, hoàn toàn không có việc xét xử theo pháp luât mà phải xử theo ý kiến chỉ đạo của các bác lãnh đạo quốc gia. Ý kiến của các bác cao hơn pháp luật. Trong vụ này bác Cả chưa lên tiếng, giờ lại đang công du sang Pháp; do đó kết cục cũng đang rất khó đoán.
Lỗ hổng phòng chống tham nhũng nhìn từ vụ AVG
Phan Minh Ngọc, 24/3/2018 (TBKTSG) - Vụ việc MobiFone mua 95% cổ phần của AVG với giá gần 9.000 tỉ đồng từ đầu năm 2016 đã bị Thanh tra Chính phủ phát hiện có nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng và bị đề nghị chuyển cơ quan công an khởi tố điều tra. Cái thiếu vắng hiện nay trong phòng chống tham nhũng không phải là sự thiếu vắng, không hoàn chỉnh của hệ thống pháp luật hiện hành. Sự minh bạch hóa của doanh nghiệp nhà nước, của các cơ quan quản lý là điểm rất yếu, yếu nhất trong công tác phòng chống tham nhũng hiện nay.

Sự minh bạch hóa của doanh nghiệp nhà nước, của các cơ quan quản lý là điểm rất yếu, yếu nhất trong công tác phòng chống tham nhũng hiện nay. Ảnh: Internet


Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ đã làm rõ các sai phạm và sẽ còn tiếp tục được làm rõ hơn khi cơ quan công an điều tra nghiêm túc. Điều quan trọng không kém là bài học về công tác phòng chống tham nhũng rút ra từ vụ việc này.

Khi chất lượng “đúng quy trình” bị bỏ quên!

Một trong những lời biện minh các cá nhân và tập thể liên đới để chạy tội phổ biến nhất trong các vụ việc có hơi hướng tham nhũng là họ đã làm đúng quy trình. Câu thần chú này không hiếm khi có hiệu nghiệm. Bởi quả thật là các quy định hiện hành của pháp luật thường chỉ tập trung vào việc quy định (chi tiết) quy trình thực hiện một cái gì đó, trong khi chất lượng việc thực hiện quy trình này của các cán bộ liên quan ra sao thì lại thường bị bỏ ngỏ, ngoài những câu chữ định tính hết sức chung chung như “thực hiện nghiêm”, “thực hiện đúng”.

Trở lại vụ việc AVG. Ví dụ về vai trò và trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) trong việc phê duyệt dự án mua AVG. Theo đúng quy trình, bộ này cũng thành lập Tổ thẩm định dự án với Tổ trưởng là một Vụ trưởng. Tổ thẩm định cũng so sánh các mức giá đưa ra bởi các nguồn khác nhau, trong đó có tổ chức định giá độc lập (và lấy mức giá thấp nhất). Tổ này cũng tổ chức lấy ý kiến phản biện. Dự án chỉ được lãnh đạo bộ phê duyệt sau khi Tổ trưởng thẩm định đã có tờ trình quyết định phê duyệt dự án đầu tư…

Tuy nhiên, trên thực tế, như thông báo của Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ, Bộ TTTT đã cố ý làm trái nhiều vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm và thẩm quyền của mình. Ví dụ Tổ thẩm định không xem xét, phân tích các thông tin, sử dụng thông tin về giá mà AVG “định bán” cho đối tác nước ngoài, không tổng hợp đầy đủ các ý kiến phản biện…

Như vậy, mặc dù là đã thực hiện đúng quy trình nhưng rõ ràng là chất lượng thực hiện quy trình này là rất có vấn đề, và đã không được kịp thời phát hiện.

Khi minh bạch bị “yểm bùa”

Câu hỏi được đặt ra ở đây là, tại sao những sai phạm, cố ý làm trái rành rành, nghiêm trọng như vậy lại không được phát hiện kịp thời bởi những cấp, những cơ quan có thẩm quyền?

Giả sử nếu công luận ngay từ đầu biết được tình trạng thực của AVG, giá trị giao dịch, cách thức thực hiện giao dịch… thì chắc chắn giao dịch mua bán này sẽ gặp ngay áp lực phản đối lớn và rốt cuộc sẽ bị hủy bỏ (tại mức giá đề xuất). Nói cách khác, nếu mọi việc đều được minh bạch, ít nhất ở một mức nào đó, ví dụ như giá trị giao dịch, thì chắc chắn sẽ không có giao dịch (với mức giá gần 9.000 tỉ đồng) này.

Nhưng giao dịch vẫn diễn ra thành công. Và lý do là bởi sự minh bạch đã bị trấn yểm bằng lá bùa mang tên “Mật”!

Lá bùa này được vẽ nên bởi sự bắt tay tinh vi và rất đúng bài bản giữa những cá nhân liên đới trong Bộ TTTT và Bộ Công an. Phía Bộ TTTT thì gửi văn bản “đề nghị” Bộ Công an cho ý kiến đưa giao dịch mua AVG này vào danh mục Mật. Được tham vấn thì trả lời, Bộ Công an đã “thống nhất” với yêu cầu này của Bộ TTTT.

Được khoác danh “Mật” với thời hạn không xác định do Bộ Công an xác nhận thì dự án đầu tư này đương nhiên thoát được nghĩa vụ minh bạch hóa, dù MobiFone là doanh nghiệp nhà nước, dù Bộ TTTT là cơ quan đại diện chủ sở hữu và đồng thời là cơ quan quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông nên phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật hiện hành về công bố thông tin.

Bài học

Như vậy, cái thiếu vắng hiện nay trong phòng chống tham nhũng không phải là sự thiếu vắng, không hoàn chỉnh của hệ thống pháp luật hiện hành. Bởi vậy, nỗ lực phòng chống tham nhũng không nên, không chỉ tập trung vào “tiếp tục hoàn thiện” khuôn khổ pháp luật, tiếp tục đề ra và hoàn thiện các quy trình đầu tư, xét duyệt... như là một giải pháp hữu hiệu.

Thay vào đó, sự minh bạch hóa của doanh nghiệp nhà nước, của các cơ quan quản lý là điểm rất yếu, yếu nhất trong công tác phòng chống tham nhũng hiện nay. Dù đã được chế tài khá đầy đủ bằng hàng loạt quy định pháp luật liên quan nhưng các đối tượng có nghĩa vụ minh bạch thông tin vẫn “nhởn nhơ” không công bố hoặc công bố không đầy đủ thông tin theo yêu cầu. Quan trọng hơn, sự vi phạm pháp luật trắng trợn này diễn ra đều đều, thường xuyên, nhưng hầu như chưa bao giờ bị xử lý (nghiêm túc, có tính răn đe mạnh), bất chấp những lời từ kiến nghị đến “quyết liệt” cảnh báo, răn đe, kể cả từ cấp cao trong Chính phủ.

Nguy hại hơn, vụ việc AVG có lẽ là lần đầu tiên còn cho thấy đã có dấu hiệu bắt tay và lũng đoạn có hệ thống không chỉ trong nội bộ của một cơ quan, doanh nghiệp, mà còn ở cấp độ “liên bộ” hoặc cao hơn, điều đó có nhiều khả năng vô hiệu hóa hiệu lực của hệ thống phòng chống tham nhũng. Nếu không có sự kiên quyết chỉ đạo của Ban Bí thư, có lẽ rồi vụ việc sẽ chìm vào im lặng bởi những lá bùa trấn yểm quá độc và những thế lực đằng sau đó quá lớn.

Bởi vậy, song song với thực hiện nghiêm minh việc minh bạch hóa thông tin, cơ quan phòng chống tham nhũng cần có người đứng đầu liêm chính, có bàn tay sắt và tinh thần chống tham nhũng tới cùng.


http://www.thesaigontimes.vn/270367/Lo-hong-phong-chong-tham-nhung-nhin-tu-vu-AVG.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét