Thứ Hai, 26 tháng 3, 2018

MobiFone mua 95% AVG - đắt hay rẻ?

MobiFone mua 95% AVG - đắt hay rẻ?
25/3/2018, Nguyễn Vũ - Chuyện đầu tiên cho thấy giá MobiFone mua 95% AVG là giá trên trời nằm ở chỗ, theo kết luận thanh tra, AVG dùng đến 73,3% (tức 2.659 tỉ đồng) để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp. Yếu tố thứ nhì là lượng khách hàng đã có và khách hàng tiềm năng. Trong tổng số 9,9 triệu thuê bao truyền hình trả tiền thì AVG lúc về tay MobiFone chỉ có 400.000 khách hàng. Một doanh nghiệp chỉ chiếm 4% thị phần mà được định giá như thế, cao hay không ắt chúng ta đã tự kết luận.
Cái giá đắt nhất mà MobiFone phải trả về lâu về dài là thương vụ mua cổ phần AVG này ảnh hưởng lên dòng tiền của MobiFone và tác động không thuận lợi lên quá trình cổ phần hóa MobiFone sau này. Ảnh: T.L

(TBKTSG) - Trước khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ về thương vụ MobiFone mua lại 95% cổ phần Công ty Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) có những dư luận cho rằng giá mua, lên đến 8.889 tỉ đồng là không cao vì nhiều nơi từng định giá AVG cao hơn thế nhiều lần, chẳng hạn AMAX xác định giá trị AVG là 16.565 tỉ đồng và MobiFone đã dùng kết quả thẩm định giá này để “đàm phán mua cổ phần”.

Lỗ hổng phòng chống tham nhũng nhìn từ vụ AVG
Mấu chốt thương vụ MobiFone - AVG: Định giá hay định động cơ trục lợi

Định giá doanh nghiệp là một chuyện khó, nhất là đối với các công ty hoạt động trong những lĩnh vực mới liên quan đến công nghệ thông tin - viễn thông. Ở đây, chuyện lỗ nặng không nói lên điều gì vì chẳng hạn như Uber, từ lúc thành lập đến nay, lỗ tổng cộng hơn 10,7 tỉ đô la Mỹ nhưng vẫn được thị trường định giá chừng 48 tỉ đô la. Hãng xe Tesla nổi tiếng cũng đang lỗ, chỉ tính riêng năm 2017, lỗ 2,24 tỉ đô la nhưng giá thị trường giờ lên đến 55 tỉ đô la... Tuy nhiên, phải nhớ Uber có giá cao ngất ngưởng là nhờ có trong tay 7 triệu lái xe và 50 triệu khách hàng thường xuyên; còn Tesla có đến nửa triệu khách hàng đã đặt cọc, kiên nhẫn xếp hàng chờ được giao xe.

Các yếu tố khác như so sánh giá thị trường và vốn chủ sở hữu hay giá được định so với phần tài sản cố định... cũng không có nhiều ý nghĩa vì thế giới không thiếu các doanh nghiệp được định giá cao gấp nhiều lần so với vốn điều lệ, giá trị sổ sách hay tài sản cố định. 

Nhưng điểm chung của các doanh nghiệp được định giá như thế là tiềm năng phát triển được các nhà đầu tư nhìn thấy, thường là thông qua tốc độ phát triển, số lượng khách hàng, các phát kiến độc đáo sẽ đem lại lợi thế độc quyền... Chẳng lạ gì Facebook tìm đủ mọi cách để tăng lượng người dùng, càng nhanh càng tốt; Uber liên tục khuyến mãi dù lỗ để duy trì lượng khách đặt chỗ qua ứng dụng, Tesla hé lộ các kiểu xe ngày càng hấp dẫn trong mắt người tiêu dùng...

Thông tin từ kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy AVG hoàn toàn thiếu vắng các yếu tố đó.

Nhìn ở góc độ số liệu thuần, nhiều người sẽ nói ngay giá mua 95% AVG đến 8.889 tỉ đồng là quá cao vì AVG từ lúc thành lập đến thời điểm thẩm định cứ lỗ liên tục, lũy kế lên đến 1.632 tỉ đồng, chiếm gần một nửa vốn điều lệ. Tổng tài sản chỉ có 3.260 tỉ đồng trong khi nợ phải trả đến 1.266 tỉ đồng và giá trị còn lại của tài sản cố định chỉ là 208 tỉ đồng. Nhưng như các ví dụ đã nói ở trên, thật ra các số liệu này, nêu trong kết luận thanh tra, chưa nói lên được chuyện đắt hay rẻ.

Chuyện đầu tiên cho thấy giá MobiFone mua 95% AVG là giá trên trời nằm ở chỗ, theo kết luận thanh tra, AVG dùng đến 73,3% (tức 2.659 tỉ đồng) để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực truyền hình, các doanh nghiệp viễn thông, một khi không còn khai thác được độc quyền thoại hay nhắn tin vì các dịch vụ Internet miễn phí cạnh tranh thì phải vươn ra lĩnh vực truyền hình như kiểu MobiFone mua truyền hình An Viên. 

Nhưng AVG lại bỏ đến hơn hai phần ba vốn đi làm các chuyện khác như mua cổ phần Công ty cổ phần Giống tằm Mai Lĩnh và Công ty cổ phần An Viên B.P! Theo thanh tra, AVG mua Mai Lĩnh là nhắm đến khu đất tại Hà Đông để làm bất động sản, mua An Viên B.P là nhắm vào giấy phép khai thác mỏ bauxite Thọ Sơn và mỏ Thống Nhất ở Bình Phước. Có thể lúc mua AVG trả giá cao vì tiềm năng đó nhưng thực tế đất thì vẫn là đất thuê của Nhà nước làm nông nghiệp, giấy phép khai thác bauxite cũng chẳng có. Và MobiFone ôm hai dự án này vào trong tay để làm gì trong khi chuyên môn của họ là viễn thông và đang ước muốn mở rộng ra truyền hình?

Dư luận trước đây cũng cho biết có nhiều đoàn đầu tư nước ngoài vào tìm hiểu để đàm phán mua AVG trước cả MobiFone. Cho dù có chuyện đó chăng nữa, một khi các đối tác này, chắc chắn muốn nhảy vào lĩnh vực truyền hình chứ họ cần gì bất động sản hay bauxite, nếu biết chuyện ắt đã lảng ra xa.

Yếu tố thứ nhì là lượng khách hàng đã có và khách hàng tiềm năng. Theo số liệu đăng trên các báo, trong tổng số 9,9 triệu thuê bao truyền hình trả tiền thì AVG lúc về tay MobiFone chỉ có 400.000 khách hàng. Một doanh nghiệp chỉ chiếm 4% thị phần mà được định giá như thế, cao hay không ắt chúng ta đã tự kết luận.

Trước đây, cũng có người nghĩ, điều làm nên giá cao của AVG là 4 kênh tần số mà AVG được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép sử dụng thí điểm (AMAX định giá 112 triệu đô la, tương đương 2.429 tỉ đồng). Đây cũng có thể là yếu tố thu hút sự quan tâm của một số đối tác nước ngoài cũng như là cái cớ để Bộ Thông tin và Truyền thông đóng dấu mật lên hồ sơ mua bán. Thế nhưng kết luận thanh tra cho biết lẽ ra bộ phải thu hồi để đấu giá 4 kênh tần số này chứ đây đâu phải là tài sản lâu dài của AVG. Được biết Bộ Thông tin và Truyền thông cũng có kế hoạch chuyển đổi kênh tần số của AVG sang kênh tần số khác, lấy băng tần cho việc cung cấp dịch vụ viễn thông di động.

Cuối cùng, cái giá đắt nhất mà MobiFone phải trả về lâu về dài là thương vụ mua cổ phần AVG này ảnh hưởng lên dòng tiền của MobiFone và tác động không thuận lợi lên quá trình cổ phần hóa MobiFone sau này. Lúc đó các thiệt hại mà MobiFone đã gánh chịu sẽ bị nhân lên bội lần, ăn vào giá trị thị trường mà lẽ ra MobiFone được thừa nhận nếu không có thương vụ AVG!

http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/270370/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét