Nếu là thời chiến, giống như người lính cứ tưởng "đường ra trận mùa này đẹp lắm", thản nhiên xông lên phía trước, tự hào ưỡn ngực ra hứng đạn hoặc lấy thân mình lấp lỗ châu mai, hoặc lấy thân mình chèn pháo... thì người lái xe cứu hỏa đã được phong anh hùng lực lượng công an nhân dân và được đưa vào nhà truyền thống của lực lượng này.
Đa số ý kiến trên FB đều chỉ trích, phê bình lái xe cứu hỏa là NGU, tuy nhiên có một số ý kiến của giới luật sư ở VN quy trách nhiệm cho tài xế xe khách. Lại thêm ông thượng tá Đỗ Anh Quyên, trưởng phòng cảnh sát P12 Phòng Cháy, Chữa Cháy ở Hà Nội “nổ” thêm một quả pháo với câu nói: “Chúng tôi làm theo mệnh lệnh trái tim”. Ca tụng hành động liều lĩnh một cách ngu xuẩn, thăng cấp cho người cảnh sát cứu hỏa đã chết chứng tỏ sự đớn hèn, trốn tránh trách nhiệm, chạy tội trước công luận của lãnh đạo cảnh sát PCCC ở Hà Nội.
Về vụ xe cứu hỏa đâm xe khách ở Hà Nội
Xe phòng cháy chữa cháy chạy ngược chiều bị xe
khách tông trên đường cao tốc Pháp Văn - Cầu Giẽ
Một tai nạn giao thông xẩy ra ngày 18.03.2018 ở Việt Nam, trên đường cao tốc hướng về Hà Nội, làm thiệt mạng ít nhất 3 người – trong đó có một lính cứu hỏa – và nhiều người khác bị thương. Tai nạn do một xe cứu hỏa trong khi đi làm nhiệm vụ đã (liều mạng) chạy ngược chiều vào đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ tông thẳng vào một xe chở khách, gây ra một cuộc tranh luận khá ồn ào trên facebook.Xem kỹ đoạn phim dài 10:31 phút trên Youtube, mọi người thấy rõ được tai nạn xẩy ra như thế nào, cũng như ý thức tôn trọng luật lệ, cách hành xử trong lúc giao thông của người Việt Nam kém cỏi ra sao.
Mặc kệ những tiếng còi siren, những lời yêu cầu tránh đường vang vang trên loa xe cứu hỏa, từ xe gắn máy đến xe ô tô, xe hàng, chẳng thấy chiếc nào chậm hay đứng lại, dạt vào lề phải, nhường đường cho xe cứu hỏa. Mọi người đều tỉnh như… ruồi, ta cứ chạy thế đấy, làm gì nhau?
Đa số ý kiến trên FB đều chỉ trích, phê bình lái xe cứu hỏa là NGU, tuy nhiên có một số ý kiến của giới luật sư ở VN quy trách nhiệm cho tài xế xe khách. Ngay cả ý kiến của các luật sư ở VN cũng trái chiều nhau và không hề căn cứ theo một điều khoản quy định rõ rệt về luật giao thông. Lại thêm ông thượng tá Đỗ Anh Quyên, trưởng phòng cảnh sát P12 Phòng Cháy, Chữa Cháy ở Hà Nội “nổ” thêm một quả pháo với câu nói: “Chúng tôi làm theo mệnh lệnh trái tim”.
“Mệnh Lệnh Trái Tim” này đã làm thiệt mạng 3 người, thương tích nặng nề thêm vài người khác, chứng tỏ sự tắc trách trong huấn luyện, lái xe thiếu kinh nghiệm, không biết phản ứng thích hợp trong khi thi hành phận sự, không am tường đường xá khu vực phụ trách…
Ca tụng hành động liều lĩnh một cách ngu xuẩn, thăng cấp cho người cảnh sát cứu hỏa đã chết chứng tỏ sự đớn hèn, trốn tránh trách nhiệm, chạy tội trước công luận của lãnh đạo cảnh sát PCCC ở Hà Nội.
Luật giao thông ở Việt Nam hiện nay ra sao, điều khoản nào quy định, cho phép xe cứu hỏa được phép chạy ngược chiều trên đường cao tốc?
Hãy tìm hiểu bộ luật giao thông ở Đức. Theo điều khoản 35 (Paragraph 35 StVO Straßenverkehrsordnung) quy định về giao thông trên đường phố, cho phép xe cứu hỏa, xe cảnh sát được phép vi phạm chạy vào đường ngược chiều trong khi thi hành phận sự.
Điều khoản này, tuy nhiên không quy định cho phép các loại xe trên chạy ngược chiều vào đường cao tốc (Autobahn). Hơn thế nữa, ngay cả khi chạy ngược vào đường một chiều để nhanh chóng thi hành nhiệm vụ, người lái xe vẫn phải tính đến trường hợp bị phạt vạ.
Tai nạn đã xẩy ra, đã có người chết, kẻ bị thương, thiệt hại tài sản… Chửi lái xe cứu hỏa là NGU, quy trách nhiệm cho tài xế xe khách như một vài luật sư là Chạy Ẩu, không tôn trọng luật giao thông, chạy quá nhanh ở giao lộ khi trời u ám, tầm nhìn không rõ hay ca tụng cách hành xử của lái xe là làm theo mệnh lệnh của trái tim… cũng không cứu được mạng người đã chết.
Câu hỏi cần đặt ra là: Làm thế nào để tránh những tai nạn như vậy trong tương lai?
Đức là nước duy nhất ở Châu Âu không giới hạn tốc độ trên đường cao tốc, trừ những đoạn nguy hiểm sẽ có biển cảnh báo (100-120 km/h). Điều đó có nghĩa là ở những đoạn không có biển cảnh báo, xe chạy nhanh tới tốc độ nào thì người lái có quyền nhấn gas tối đa.
Một điều quan trọng nữa là trên đường cao tốc của Đức cũng như ở Mỹ và các nước tiên tiến luôn có một đường (lane, spur) dành cho xe bị “sự cố kỹ thuật” như bể bánh, hư máy, tai nạn… vào đậu, chờ trợ giúp, giải quyết, điều mà (dường như) các đường cao tốc ở Việt Nam, ít nơi nào có.
Hệ thống xa lộ của Đức được xây dựng từ trước khi có thế chiến thứ hai và càng ngày càng được mở rộng, sửa sang và dù không giới hạn tốc độ, xa lộ của Đức lại rất an toàn, ít tai nạn hơn trong thành phố. Tại sao?
Rất dễ hiểu. Bằng lái xe được cấp phát đúng tiêu chuẩn, phải học lý thuyết, thực hành, phải thi cử khó khăn mới đậu bằng lái, xe phải được kiểm kỳ theo đúng thời hạn quy định của luật pháp, phải có được những con tem dán trên bảng số chứng nhận an toàn lưu thông.
Luật lệ giao thông rõ ràng, nghiêm minh. Cảnh sát giao thông làm đúng nhiệm vụ, trong sạch khi điều hành giao thông, không rình mò, phục kích người lái xe, không phạt oan, nhũng nhiễu để vòi vĩnh tiền hối lộ. Những phạt vạ vi phạm giao thông minh bạch, rõ ràng, tiền phạt được chuyển vào công quỹ chứ không vào túi cảnh sát.
Người bị phạt chỉ nhận từ cảnh sát giấy thông báo vi phạm, sau đó mới có lệnh phạt vạ gửi đến nhà qua đường bưu điện. Ngay cả khi nhận giấy phạt, người vi phạm giao thông cũng có thời hạn 4 tuần để phản đối bằng văn bản, chứng minh mình không có lỗi. Song song việc đó, giáo dục giao thông cần được thực hiện ngay ở những đứa trẻ từ khi chúng bắt đầu vào mẫu giáo.
Làm sao để có thể học hỏi, bắt chước những điều vừa nói trên ở nước Đức và các nước văn minh trên thế giới? Người dân Việt Nam phải tự tìm lấy câu trả lời. Chưa hoặc không trả lời được câu hỏi này thì những tai nạn giao thông tương tự sẽ còn tiếp diễn, không chỉ có tai nạn giao thông, mà còn rất nhiều những tai nạn khác sẽ xẩy ra trong đời sống thường nhật. Tai nạn không chỉ xảy ra ở người khác, mà nó lần lượt sẽ đến với mình hoặc thân nhân trong gia đình mình.
© Thạch Đạt Lang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét