Thứ Hai, 26 tháng 3, 2018

Mua ngân hàng 0 đồng là vi hiến và trái đạo lý

MUA NGÂN HÀNG 0 ĐỒNG LÀ PHẠM LUẬT, VI HIẾN VÀ TRÁI ĐẠO LÝ
Hoàng Hải Vân - Trong cơ sở pháp lý để NHNN mua 0 đồng còn có một Quyết định của Thủ tướng tiền nhiệm, đó là Quyết định số 255/QĐ-TTg (ngày 1-2-2012). Đó là quyết định bí mật, nội dung của nó như thế nào không ai biết vì không được phép công bố. Cần phải giải mật quyết định này mới biết là ai sai chính và ai liên đới. Nếu như Quyết định kia mà không cho phép NHNN mua 0 đồng thì người ký quyết định mua 0 đồng sai luật. Nếu Quyết định kia cho phép mua 0 đồng thì người ký quyết định cho phép sai luật và vi hiến, người ký quyết định mua 0 đồng sai liên đới.
Image result for mua Ocean Bank 0 đồng
Người dân được làm những gì luật pháp không cấm, còn công chức thì chỉ được làm những gì luật pháp cho phép. Đó là nguyên tắc hành xử của xã hội ta.

Và toàn thể cán bộ, công chức thi hành công vụ không thể không hiểu điều sơ đẳng này : Trong hệ thống luật pháp nước ta thì Hiến pháp là cao nhất. Luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội không được trái với Hiến pháp. Nghị quyết, nghị định, các văn bản điều hành của Chính phủ không được trái luật và Hiến pháp. Thông tư và tất tần tật các văn bản pháp quy của Bộ và của chính quyền địa phương đều không được trái với tất cả những thứ nói trên.

Hiến pháp ghi rõ : “Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa.” (Điều 51). Quốc hữu hóa là hành động đơn phương của nhà nước chuyển tài sản tư thành tài sản công mà không phụ thuộc vào chủ sở hữu của tài sản đó có đồng ý hay không. Điều này đã lùi xa trong quá khứ. Nhưng ngay cả việc quốc hữu hóa trong quá khứ cũng không phải trường hợp nào tài sản của tư nhân cũng bị nhà nước đơn phương mua với giá 0 đồng để biến thành tài sản nhà nước như trường hợp các ngân hàng được mua 0 đồng trong thời gian qua.

Việc mua ngân hàng 0 đồng được giải thích là căn cứ vào Luật Ngân hàng, Luật các tổ chức tín dụng và một quyết định bí mật của người đứng đầu Chính phủ tiền nhiệm. Luật Ngân hàng thì không có điều nào cho phép. Còn Luật các tổ chức tín dụng 2010, điều 149, khoản 3 quy định như thế này :

“Ngân hàng Nhà nước có quyền trực tiếp hoặc chỉ định tổ chức tín dụng khác góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt trong trường hợp tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt không có khả năng thực hiện yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước quy định tại khoản 2 Điều này hoặc khi Ngân hàng Nhà nước xác định số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng đã vượt quá giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất và việc chấm dứt hoạt động của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt có thể gây mất an toàn hệ thống tổ chức tín dụng”. Khoản 4 ghi tiếp : “Việc góp vốn, mua cổ phần quy định tại khoản 3 Điều này thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ”.

Để tránh mất an toàn của hệ thống, Luật như vậy là cho phép NHNN “góp vốn, mua cổ phần” ngân hàng trong diện bị kiểm soát đặc biệt khi số lỗ lũy kế vượt quá giá trị thực của vốn điều lệ và quỹ dự trữ. Tuy khoản 2 của điều 149 có cho phép mua bắt buộc, nhưng là “mua cổ phần” chứ không phải cho phép đơn phương mua cả ngân hàng với giá 0 đồng.

Viện dẫn vốn chủ sở hữu âm nên mua 0 đồng là cố tình không hiểu nguyên tắc kế toán và quan hệ thị trường. Theo quy định, “nợ xấu” tức là nợ khó có khả năng thu hồi, đều phải trích lập dự phòng, trích lập dự phòng bao nhiêu tùy vào mức độ khó thu hồi của nợ, khoản trích lập này được đưa vào chi phí, nợ xấu cao khiến cho chi phí lớn, lớn hơn doanh thu sẽ lỗ, lỗ lũy kế nhiều hơn tổng tài sản sẽ khiến vốn chủ sở hữu âm. Vấn đề là một phần, nếu không muốn nói là phần lớn nợ xấu đều có tài sản thế chấp và có khả năng thu hồi được trong tương lai, tỉ lệ thu hồi được bao nhiêu còn phụ thuộc vào mức độ “xấu” của nợ. Vì vậy mà trên thế giới và cả ở nước ta hiện nay mới có thị trường mua bán nợ xấu, là lãnh vực kinh doanh rất béo bở cho những doanh nghiệp có trường vốn. Cái nợ xấu đó vẫn là tài sản của chủ sở hữu, sao lại triệt tiêu nó đi ?

Vả lại, trên thị trường chứng khoán của chúng ta hiện nay, có không ít công ty vốn chủ sở hữu âm, thậm chí âm rất lớn, nếu tính theo giá trị sổ sách thì cổ phiếu của nó dưới 0 đồng, nhưng cổ phiếu vẫn được giao dịch trên sàn (Upcom) với giá khác nhau, dù là thấp nhưng vẫn trên dưới 1000 đồng/cp, do đó vốn hóa của các công ty đó vẫn là dương. Tôi không có thì giờ liệt kê, chỉ đơn cử : Công ty CP Container phía Nam (VSG), vốn chủ sở hữu âm hơn 250 tỷ, cổ phiếu vẫn được giao dịch với giá 1200 đồng/cp. Công ty CP vận tải và thuê tàu biển (VST) vốn chủ sở hữu âm 681 tỷ, vẫn được giao dịch với giá 800 đồng/cp. Có công ty bê bét như Công ty CP Sông Đà-Thăng Long (STL), vốn chủ sở hữu âm đến hơn 2.300 tỷ trong khi vốn điều lệ chỉ có 150 tỷ, cổ phiếu vẫn được giao dịch với giá 600 đồng.

Tôi không được đọc báo cáo tài chính và kiểm toán của các ngân hàng bị mua 0 đồng, nhưng những gì đọc được cũng đủ để nói rằng việc mua 0 đồng này là vi hiến, sai luật và trái đạo lý.

Tuy nhiên, trong cơ sở pháp lý để NHNN mua 0 đồng còn có một Quyết định của Thủ tướng tiền nhiệm, đó là Quyết định số 255/QĐ-TTg (ngày 1-2-2012). Đó là quyết định bí mật, nội dung của nó như thế nào không ai biết vì không được phép công bố. Cần phải giải mật quyết định này mới biết là ai sai chính và ai liên đới. Nếu như Quyết định kia mà không cho phép NHNN mua 0 đồng thì người ký quyết định mua 0 đồng sai luật. Nếu Quyết định kia cho phép mua 0 đồng thì người ký quyết định cho phép sai luật và vi hiến, người ký quyết định mua 0 đồng sai liên đới.

Các bị cáo trong các vụ án liên quan đến các ngân hàng nói trên, công luận hoàn toàn ủng hộ tòa án xử đúng người đúng tội đúng pháp luật. Nhưng tài sản của các cổ đông tại các ngân hàng này cần được luật pháp bảo vệ, dù họ có phải là bị cáo của các vụ án nói trên hay không.

HOÀNG HẢI VÂN
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1753624081363311&id=100001472083411

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét