Thứ Năm, 22 tháng 3, 2018

Hồi chuông cáo từ của Doanh nghiệp Nhà nước

Bài này có một số điểm tôi không đồng tình. Ví dụ "bắt đầu từ thời Thủ tướng Phan Văn Khải, nhằm mở rộng khu vực kinh tế tư nhân, Chính phủ chủ trương thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước với quy mô lớn". Theo tôi nhớ, chủ trương cổ phần hóa, giải thể mạnh mẽ các DNNN đã có ngay từ năm 1990 khi nhà nước không thể nuôi được đám DNNN vừa không có việc làm (vì hết cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp), không thích nghi được với cơ chế thị trường, thiếu đầu vào nhập khẩu từ Liên Xô và chuyên làm ăn thua lỗ; số lượng DNNN giảm rất mạnh từ 13.200 năm 1989 xuống chỉ còn khoảng 4.000 năm 1996. Tuy nhiên, sau đó do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế châu Á, do tư tưởng xiết chặt lại nền kinh tế để ngăn chặn xu thế tự do hóa mạnh mẽ thời bác Kiệt làm thủ tướng và do phát sinh định hướng xã hội chủ nghĩa, nên từ 1997 số DNNN lại tăng lên, cả về quy mô lẫn số lượng. Trong nhiệm kỳ đầu làm Thủ tướng của bác Khải (những năm 1997-2002), chúng ta vẫn nói với nhau xu hướng bao cấp quay trở lại. Chỉ trong nhiệm kỳ thứ hai của bác, số lượng DNNN mới trở lại xu hướng giảm, nhưng tốc độ giảm cũng không cao. Đây cũng là giai đoạn sát nhập nhiều DNNN thành các Tổng công ty, nên mặc dù số lượng DNNN giảm, nhưng thực chất quy mô lại tăng. Tỷ lệ đóng góp của DNNN vào nền kinh tế (GDP, Thu ngân sách...) tăng lên trong khi của khu vực DN ngoài quốc doanh giảm sút. Sang giai đoạn bác Dũng cầm quyền, phát triển hình thức Tập đoàn kinh tế, tình hình tồi tệ hơn.  Trong bài dưới đây, nhà báo Vân cho rằng "chắc các vị Bộ trưởng hiện nay sẽ không còn mặn mà với việc duy trì Bộ chủ quản nữa, nhiều vị còn muốn tống khứ nó đi nhanh để được hưởng phước. Đây chính là cơ hội cho Chính phủ xóa phăng cái cơ chế Bộ chủ quản ấy đi". Tôi không tin điều này. Không còn DNNN thì các Bộ trưởng cào đất ra mà ăn à ? Với tiền lương chết đói hiện nay, với cuộc sống phú quý vinh hoa đang quen hưởng hiện nay, họ sẽ phải cố sống cố chết giữ các DNNN, chỉ có điều họ sẽ cẩn trọng hơn khi sử dụng chúng làm trung gian rút tiền tham nhũng.
Hồi chuông cáo từ của Doanh nghiệp Nhà nước
Hoàng Hải Vân - Xóa phăng chế độ Bộ chủ quản sẽ là bước đột phá cho hai bước tiếp theo. Khi các Bộ sợ dây vào doanh nghiệp nhà nước như sợ dây vào lửa thì con đường nhà nước rút lui khỏi các hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ trở nên thông thoáng.
Các nhà lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ đổi mới (xin nhấn mạnh - trong thời kỳ đổi mới) cần lưu ý : nếu hiểu định hướng xã hội chủ nghĩa là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” thì vẫn có thể nói “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” để giữ lập trường ý thức hệ, nhưng không nhất thiết phải gắn liền với doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo. 

Cụ Hồ từng nói : “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm; việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh”. Kinh tế tư nhân có lợi cho dân, phải “hết sức làm” là đúng rồi, còn việc duy trì doanh nghiệp nhà nước trên diện rộng để xảy ra những chuyện tày đình như Vinashin, như Tập đoàn dầu khí, v.v…rõ ràng là có hại cho dân, nhưng lại cứ chần chừ không làm theo lời Hồ Chủ tịch, là cớ làm sao ?

Bắt đầu từ thời Thủ tướng Phan Văn Khải, nhằm mở rộng khu vực kinh tế tư nhân, Chính phủ chủ trương thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước với quy mô lớn, kèm theo đó là chủ trương “giao, khoán, bán, cho thuê” những doanh nghiệp nhà nước không cổ phần hóa được. Nhưng chủ trương này đã bị người kế nhiệm làm cho khựng lại.

Một trong những đề xuất cải cách doanh nghiệp nhà nước là xóa bỏ Bộ chủ quản. Đề xuất này đã bị bộ máy quan liêu phớt lờ. Người ta phớt lờ để biến doanh nghiệp nhà nước thành “sân sau” của quan chức các Bộ, là bầu sữa cho các quan chức này vinh thân phì gia. Cơ chế đó khiến cho nhiều vị Bộ trưởng lương thiện dù không lợi dụng bầu sữa này vẫn cứ bị mang tiếng. Bộ là thành viên Chính phủ, phải áp dụng các chính sách công bằng đối mọi thành phần kinh tế trong lãnh vực mình quản lý. Nhưng khi vướng vào vài trò “chủ quản” doanh nghiệp, các chính sách ban hành ít nhiều thường nghiêng cái lợi thiển cận về phía doanh nghiệp của mình, gây bất lợi cho các doanh nghiệp khác, đồng thời cũng triệt tiêu khả năng sáng tạo dám nghĩ dám làm của các nhà quản lý chuyên nghiệp tại chính các doanh nghiệp do Bộ làm chủ quản.

Vụ MobiFone – AVG ai trong sạch ai tham nhũng phải đợi đến khi cơ quan kiểm tra và cơ quan điều tra vào cuộc có kết luận mới biết được, nhưng kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy hàng loạt sai phạm của nhiều Bộ. Vụ này có mất vốn nhà nước hay không cũng phải chờ sau khi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt việc hủy hợp đồng và thực thi việc hủy hợp đồng đó. Mất vốn thì sai phạm xử lý theo một cách, còn thu hồi được vốn thì sai phạm cũng bị xử lý nhưng sẽ theo một cách khác.

MobiFone nếu là doanh nghiệp tư nhân thì chỉ cần Hội đồng thành viên của nó quyết định đầu tư là xong, bất kể vốn đầu tư lớn tới đâu, thành công thì người có vốn hưởng, thất bại thì người có vốn chịu. Cơ hội và rủi ra là hai mặt của vẻ đẹp thị trường.

Nhưng nó là doanh nghiệp nhà nước, nếu vốn đầu tư lớn thì phải do Bộ chủ quản của nó quyết định. Bộ chủ quản của nó trước khi quyết định còn phải lấy ý kiến của một loạt Bộ khác, rồi phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ nữa. Tưởng như vậy là bảo đảm không mất vốn, nhưng người ta đã nhầm, nói đúng hơn là cả thể chế này đã nhầm. Thanh tra kết luận Bộ nào cũng sai lè ra cả. Ngay cả Văn phòng Chính phủ ra thông báo truyền đạt ý kiến Thủ tướng Chính phủ cũng sai lè ra luôn. Ông Thủ tướng lúc đó đồng ý miệng để Văn phòng Chính phủ ra thông báo, ông có sai không thì chưa thấy ai nói, Thanh tra chỉ nói cái văn bản của Văn phòng Chính phủ không có giá trị pháp lý mà thôi. Trong vụ này khôn ngoan nhất là ông Thủ tướng lúc đó. Văn phòng Chính phủ thông báo ông đồng ý thì Bộ TTTT mới làm, không làm chắc cũng không được, nhưng làm mà phát hiện sai thì ông đứng ngoài cuộc.

Tóm lại, qua vụ AVG và những vụ án lớn đang diễn ra, chắc chắn việc làm chủ quản doanh nghiệp nhà nước không còn “ngon ăn” như xưa nữa. Các vị Bộ trưởng chắc phải nhớ rằng, bất kỳ doanh nghiệp nhà nước nào, thuộc bộ nào, nếu như bị thanh tra thì dù ít dù nhiều đều có sai phạm, các vị Bộ trưởng vẫn không tránh khỏi bị liên đới, nhiều vị còn có nguy cơ biến thành củi cho cái lò của cụ Tổng. Bởi vậy, chắc các vị Bộ trưởng hiện nay sẽ không còn mặn mà với việc duy trì Bộ chủ quản nữa, nhiều vị còn muốn tống khứ nó đi nhanh để được hưởng phước. Đây chính là cơ hội cho Chính phủ xóa phăng cái cơ chế Bộ chủ quản ấy đi.

Đó cũng là hồi chuông khởi động sự cáo từ của doanh nghiệp nhà nước. Sự cáo từ sẽ phải đi qua 3 bước : (1) xóa bỏ chế độ Bộ chủ quản và UBND chủ quản, (2) nhà nước rút khỏi các lĩnh vực mà tư nhân có thể làm tốt hơn, (3) nhà nước rút triệt để khỏi các hoạt động sản xuất kinh doanh, trừ các doanh nghiệp công ích, nếu trong lĩnh vực công ích mà tư nhân có thể tham gia được thì tư nhân tham gia tới đâu nhà nước rút lui tới đó. Đó là đạo lý của kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng không ra ngoài đạo lý đó.

Xóa phăng chế độ Bộ chủ quản sẽ là bước đột phá cho hai bước tiếp theo. Khi các Bộ sợ dây vào doanh nghiệp nhà nước như sợ dây vào lửa thì con đường nhà nước rút lui khỏi các hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ trở nên thông thoáng. Chỉ khi ấy mới mong hoàn thiện nền kinh tế thị trường, dù mang tên gọi định hướng xã hội chủ nghĩa hay không, thì xã hội cũng sẽ ngay ngắn tiến những bước vững chắc trên con đường “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Hoàng Hải Vân
(FB Hoàng Hải Vân)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét