Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2018

Không nên quy định quốc tang cho tứ trụ triều đình

Tang lễ càng hoành tráng, càng thể hiện sùng bái cá nhân và lạc hậu. Ở nước ta, mấy tang lễ quốc gia vừa rồi (bác Giáp, bác Kiệt, bác Khải) quá hình thức và lãng phí, thậm chí trái quy định của pháp luật. Ở các nước phương Tây, có nhiều từ để tôn vinh các vĩ nhân, người đóng góp lớn lao cho đất nước. Ví dụ ở Pháp có tới hàng chục từ chỉ các cấp độ tang lễ nhưng khó dịch sang tiếng Việt bằng vài từ ngắn gọn. Việc quốc tang không được quy định thành luật mà được thực hiện theo sắc lệnh của Tổng thống; Thủ tướng là người chấp hành; kinh phí do nhà nước đài thọ. Tuy nhiên, tổng thống chết không đương nhiên được tổ chức quốc tang, chỉ được tưởng nhớ quốc gia; do đó chi phí cho tang lễ do gia đình tự lo. Trong lịch sử nền cộng hòa thứ 5 của Pháp (từ năm 1958 đến nay), nước Pháp chỉ có 6 lần tổ chức quốc tang, trong đó 3 lần dành cho các tổng thống François Mitterrand, Georges Pompidou (chết giữa nhiệm kỳ) và Charles de Gaulle (xem ở đây). Do đó, tôi cho rằng nhà nước nên sửa đổi lại quy định về quốc tang, trong đó loại bỏ quy định tứ trụ triều đình đương nhiên được hưởng quốc tang (cả đương chức lẫn về hưu), thay bằng chỉ tổ chức quốc tang cho những người có cống hiến to lớn cho đất nước hay nạn nhân của những tai nạn, khủng bố làm hàng chục người chết; giao Chủ tịch nước quyền quyết định ai, vụ việc nào được tổ chức quốc tang. Trong lịch sử đương đại Việt Nam, có lẽ chỉ có các nhà khoa học, văn hóa, giáo dục mới xứng đáng được tổ chức quốc tang. Còn đám quan chức và chính trị gia, có lẽ chẳng có ai xứng đáng cả, kể cả các ông Kim Ngọc hay Nguyễn Văn Chính như trong bài dưới đây. Đúng là họ có đóng góp bằng tiếng nói với Đảng trong một số lần, đáng được nhân dân ghi danh, nhưng chỉ nên tổ chức một buổi lễ tưởng nhớ quốc gia là đủ.
Quốc tang
Tính tôi hay nói thẳng, dễ mất lòng người khác, nhất là lại đụng chạm đến quyền lợi của ai đó, hoặc đề cập tới những điều được cho là "nhạy cảm". Theo tôi, nhà nước nên sửa đổi lại quy định về quốc tang, cụ thể là thu hẹp đối tượng lại. Đặt ra được thì vẫn có thể sửa được. Luật hay không là ở mình. Hay thì làm, dở thì sửa, thậm chí bỏ.
Tiễn biệt cựu tổng thống Francois Mitterrand
Tôi không phản đối việc tổ chức quốc tang nếu thấy cần thiết. Chẳng hạn đất nước bị thiên tai nhiều người chết, có thể tổ chức quốc tang. Một nhà lãnh đạo ngôi vị hàng đầu đang tại chức chẳng may qua đời, cũng nên quốc tang. Một nhân vật lịch sử có nhiều công lao với dân với nước, tạo ra dấu ấn đặc biệt trong đời sống dân chúng, tạo bước ngoặt trong xã hội, ví dụ ông Kim Ngọc ở Vĩnh Phúc khoán hộ mở đường cho phá bỏ HTX, cởi trói nông dân, giải thoát tam nông; ông Nguyễn Văn Chính (Chín Cần) ở Long An đi đầu trong phá bỏ bao cấp, phá vòng kim cô đè nén con người suốt mấy chục năm ròng rã..., những người như thế cần được quốc tang.

Với những nhân vật lãnh đạo nhàn nhạt, không mấy nổi bật, thậm chí chỉ có "tác dụng" ngáng trở cuộc sống đi tới, những tứ trụ đã về hưu sống cuộc sống bình thường dân dã, không còn tham gia gì vào việc màn trướng khu cơ hoạch định đường đi nước bước của quốc gia, thì một mặt cộng đồng vẫn biết ơn họ, nhưng không nên quốc tang làm gì. Nhiều khi chính họ, gia đình họ cũng chả muốn, nhưng chế độ lại cứ muốn ai đó chết cũng thuộc quyền xử lý của nhà nước. Nhà cai trị đòi bao cấp luôn cả chuyện tang tế hiếu ân. Ngay cả tang lễ cấp nhà nước hoặc cấp cao cũng vậy, cứ đòi bao cấp nên có khi dẫn đến chuyện dở khóc dở cười. Chắc nhiều người còn nhớ hồi tang lễ tướng Trần Độ, ông Vũ Mão thay mặt nhà nước đã phải chịu ê chề như thế nào khi đại diện tang gia đứng ra nói thẳng không chấp nhận bản điếu văn do ông vừa đọc.

Biết ơn kính trọng người đã khuất đâu phải cứ là quốc tang mới là trọng là ơn. Trái lại, trong khá nhiều trường hợp, rất "tốn kém thì giờ và tiền bạc của nhân dân" (lời cụ Hồ). Nói đâu xa, quốc tang cụ Phan Văn Khải vừa rồi, mặc dù cụ về vui thú điền viên đã mười mấy năm, đã làm người bình thường, gia đình đã cố ý tổ chức tang lễ long trọng nhưng ấm cúng ở khuôn viên gia đình, vậy nhưng nhà nước vẫn đòi đưa cụ ra bằng được hội trường Thống Nhất (dinh Độc Lập cũ) tuốt ngoài quận 1 để tổ chức quốc tang. Và đáng nói là hầu hết quan chức ngoài Hà Nội bay vào dự, bay đi bay về, có vị bay 2 - 3 lần, xe cộ, nhân lực, trang trí, tiếp đón... linh đình, tốn kém không biết bao nhiêu mà kể.

5/7/2017. Tổng thốngPháp Emmanuel Macron trước quan tài bà Simone Veil, một nữ Bộ trưởng đồng thời là một nhà văn hóa, khoa học lớn của nước Pháp. http://www.leparisien.fr/politique/en-direct-l-hommage-de-la-nation-a-simone-veil-05-07-2017-7111914.php


Có ai đó sẽ bảo đó là đạo lý, là "ăn quả nhớ kẻ trồng cây", là "uống nước nhớ nguồn". Nếu cứ như thế, với người ở tầm quốc gia có công với dân với nước thì tổ chức quốc tang, vậy làm sao cấm được các tỉnh thành, quận huyện, thậm chí phường xã cũng đòi tổ chức thành tang, tỉnh tang, quận tang, huyện tang, xã tang... cho vị lãnh đạo quá cố địa phương mình. Đó là chưa kể cũng trong tứ trụ, vị này nếu làm quốc tang thì có thể không có vấn đề gì, nhưng vị khác mà quốc tang dân sẽ cười vào mũi. Không làm thì lại bảo "nhất bên trọng, nhất bên khinh".

Ngó sang nhiều nước văn minh, dễ nhận thấy tang lễ, dù với tổng thống, thủ tướng đều rất giản dị đơn sơ, lặng lẽ, ít tốn kém, không rùm beng cờ đèn kèn trống. Nhưng không vì thế mà mất đi sự kính cẩn biết ơn. Họ biết quý đồng tiền do dân chúng đóng góp.

Vấn đề là người đã khuất để lại cái gì trong lòng dân chúng, chứ không phải không khí và hình ảnh quốc tang.

Nguyễn Thông
http://thongcao55.blogspot.com/2018/03/quoc-tang.html#more

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét