Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2018

Phan Văn Khải: Con đường trở thành Thủ tướng

Phan Văn Khải: Con đường trở thành Thủ tướng

Huy Đức, Sài Gòn, 22 tháng 3 2018
Ông Kiệt đánh giá ông Phan Văn Khải là "một nhà kinh tế hàng đầu của đất nước" nhưng trong thâm tâm ông vẫn cho rằng ông Khải là một người thiếu quyết đoán để đóng vai trò đứng đầu. Đến phút chót, ông Võ Văn Kiệt mới chính thức giới thiệu ông Phan Văn Khải như một người kế nhiệm mình.
Ông Phan Văn Khải xây dựng hình ảnh 
mình như là một nhà cải cách kinh tế
Tháng 9-1956, ông Phan Văn Khải nhận được thư của Ban Tổ chức Trung ương kêu về học trường Bổ túc Công nông Trung ương. 
Ông Phan Văn Khải kể: "Năm 1957, vợ tôi sinh con trai đầu lòng, hàng ngày tôi đi bộ từ trường về nhà ở số 4 Thụy Khê. Học hết cấp III tôi thi đậu vào bách khoa, định sẽ làm kỹ sư điện nhưng vừa nhận chức lớp trưởng thì có quyết định qua trường ngoại ngữ, ở đó, 1/3 sinh viên học tiếng Trung Quốc, 2/3 học tiếng Nga. Tôi học tiếng Nga rồi đi Liên Xô học ngành kinh tế kế hoạch".

Năm 1965, tốt nghiệp về nước, ông Khải muốn đi dạy nhưng bà Sáu, lúc ấy làm ở Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, muốn ông về cùng. Ba năm sau ông được cử giữ chức trưởng phòng.

Đến năm 1972, chuẩn bị ký Hiệp định Paris, ông Lê Duẩn có kế hoạch lập chính phủ ba thành phần, ông Khải cùng một số cán bộ được đưa vào Trung ương Cục.

Khi kế hoạch này bất thành, hè năm 1973, ông ra Bắc trở lại nhận một chức vụ phó ở Ủy ban Thống nhất.

Tháng Giêng năm 1976, ông Phan Văn Khải được đưa về Sài Gòn. Lúc này, Ủy ban Nhân dân Cách mạng vừa được thành lập, ông Khải được bổ nhiệm làm phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch, ông Võ Văn Kiệt khi ấy là chủ tịch Thành phố kiêm chủ nhiệm.

Ông Phan Văn Khải là một cán bộ mẫn cán. Thật khó để đánh giá ông là một người không muốn tranh đua danh vọng hay là một người không muốn đặt mình trong các tâm điểm của đấu trường.

Khi về Sài Gòn, ông Trưởng Ban Tổ chức Trương Văn Tư hỏi: "Mày về đây muốn làm chức gì?".

Ông Khải trả lời: "Ở ngoài kia, cháu vụ phó, chú có thể giao cháu làm phó chủ nhiệm Ủy ban, nếu một thời gian thấy cháu không làm được thì cho cháu thôi".

Một năm sau ông Tư nói: "Mấy ổng kêu mày khá".

Làm phó cho ông Võ Văn Kiệt muốn được khen thì phải vô cùng nỗ lực.

Ông Phan Văn Khải kể: "Khi ở Liên Xô về, tôi cân nặng 52 kg, vào Thành phố một thời gian còn 43 kg, Thành phố cho ra Thanh Đa an dưỡng lên được 3 kg".


Cán bộ nguồn

Năm 1976, ông Phan Văn Khải được giới thiệu vô Thành ủy nhưng đã rút lui để không chia phiếu của ông Vũ Đại, một người đồng cấp lớn tuổi. Nhưng từ khi đó, ông đã là người được ông Lê Đức Thọ xếp vào diện cán bộ nguồn.

Năm 1978, ông được Ban Bí thư chỉ định làm Thành ủy viên. Năm sau, 1979, ông được đưa bổ sung làm phó chủ tịch trực Ủy ban Nhân dân Thành phố kiêm chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch.

Những năm đầu thập niên 1980, ông Phan Văn Khải đã sử dụng các thương nhân người Hoa, lập các trạm thu mua nông sản để xuất khẩu. Ông cũng được ông Võ Văn Kiệt, khi đó đã là phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ủng hộ lập công ty vận tải biển Saigonship.

Ông cũng là người chủ trương mở đường cho tư nhân ở Thành phố được làm xăm lốp ô tô, xe đạp,…

Giai đoạn này, ông Nguyễn Văn Linh được điều trở lại thay ông Kiệt làm bí thư Thành ủy.

Theo ông Khải: "Khi mới về gặp công nhân, ông Nguyễn Văn Linh nói: Bây giờ chúng ta làm chủ nhà máy, xí nghiệp. Công nhân nói: Hồi xưa làm thuê chúng tôi có việc làm bây giờ làm chủ thì chúng tôi không có việc làm nữa. Ông Linh tỉnh ra. Ông Linh cũng đổi mới nhưng không phải bắt đầu bằng sự lăn lộn, nghiên cứu, tổng kết như ông Kiệt".

Quốc tang nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải diễn ra từ ngày 20/3 đến hết ngày 21/3

Thăm Singapore

Cuối thập niên 1970, ông Phan Văn Khải luôn có mặt bên cạnh ông Kiệt trong những chuyến đi cơ sở gỡ rối cho doanh nghiệp.

Sau Đại hội Đảng lần thứ VI, ông, một người được đào tạo về kinh tế kế hoạch hóa ở Liên Xô, bắt đầu nhận thấy nhu cầu tìm hiểu nền kinh tế của các nước phương Tây.

Từ Sài Gòn, ông Phan Văn Khải đề nghị Bộ Chính trị cho ông tổ chức một đoàn nghiên cứu đi các nước trong khu vực. Mục đích của chuyến đi được đề nghị công khai là "thăm dò cơ hội đầu tư và thái độ của các nước ASEAN đối với chính sách đổi mới của Việt Nam".

Tháng 9-1988, đề nghị của ông Khải được Bộ Chính trị đồng ý sau nhiều lần thảo luận.

Ông Phan Văn Khải lúc đó là chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhưng xin visa với danh nghĩa là trưởng đoàn doanh nhân Thành phố.

Sau mấy ngày thăm Singapore, ông Khải muốn có một buổi nói chuyện và câu hỏi mà ông đặt ra là, "Việt Nam phải làm gì để đi theo con đường của Singapore?"

Ông Võ Tá Hân, diễn giả được mời đến cuộc họp này, kể: "Buổi họp kéo dài khoảng bốn tiếng đồng hồ. Tôi chuẩn bị mười bốn trang ghi chú viết tay, điểm qua mọi vấn đề như đâu là năm thế mạnh của Việt Nam, chiến thuật giúp tăng trưởng kinh tế, chống lạm phát phi mã, và nói về việc chống tham nhũng... Tôi bắt đầu buổi họp bằng một câu phát biểu rất ngắn gọn: Việc đầu tiên là các anh phải để dân chúng tự do làm ăn!"
Sau chuyến đi, ông Phan Văn Khải có làm một bản báo cáo gửi Bộ Chính trị và Hội đồng Bộ trưởng.

Theo ông Nguyễn Văn Kích, người chấp bút bản báo cáo này, sau khi điểm qua những hoạt động và ghi nhận chính của Đoàn trong chuyến đi, ông Khải đưa ra ba kiến nghị: cần sớm xác lập quan hệ với ASEAN, phải coi ASEAN là đối tác thay vì đối đầu; chỉ có trong kinh tế thị trường các nguồn lực và tài nguyên của đất nước mới được phát huy đúng mức; các nước sẵn sàng đầu tư tại Việt Nam miễn là mình có chính sách bảo vệ được đồng vốn cho họ.

Ông Kích kể rằng, trong suốt chuyến đi, câu nói của Lý Quang Diệu mà Đoàn tâm đắc nhất là: Kinh tế thị trường + tổ chức xã hội theo kiểu xã hội chủ nghĩa = Singapore.



Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải từng là Ủy viên Bộ Chính trị ba khóa


Ra Hà Nội

Uy tín của ông Phan Văn Khải bắt đầu lên cao, nhưng khi ấy ông vẫn ở Sài Gòn lại thuộc thành phần tập kết. Ông Khải vẫn được coi là một người của ông Võ Văn Kiệt, trong khi thế hệ lãnh đạo mới ở Sài Gòn hiện đã ở trong tầm ảnh hưởng của ông Nguyễn Văn Linh.

Tháng 4-1989, ông Phan Văn Khải được điều ra Hà Nội. Tuy nhiên, việc ông Khải ra Hà Nội giữ chức chủ nghiệm Ủy ban Nhà nước thay thế ông Đậu Ngọc Xuân đã giúp ông chứng tỏ khả năng nắm bắt các vấn đề vĩ mô và hình thành các chính sách ở tầm quốc gia.

Vừa nhận chức, ông Khải đã được ông Đỗ Mười giao đứng đầu nhóm soạn thảo "Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế xã hội đến năm 2000".

Ông Phan Văn Khải ngay sau đó được cử làm trưởng đoàn thực hiện một chuyến "khảo sát kinh nghiệm phát triển kinh tế ở bốn nước châu Á".

Ông Khải thừa nhận đây là những ngày ông ở trong tâm thế của một người đi học và những gì ông thu nhận được có ảnh hưởng rất lớn đến tiến trình hình thành các chính sách xây dựng nền kinh tế thị trường ở Việt Nam trong thập niên 1990.


Thật khó để nói ông Phan Văn Khải là "người của ai" như cách mà những người quan tâm đến chính trường vẫn thường lý giải khi có ai đó được cất nhắc lên hàng lãnh đạo.

Ông được đào tạo từ Liên Xô, đủ độ tin cậy cho những người muốn duy trì định hướng xã hội chủ nghĩa. Ông cũng từng là chủ tịch một thành phố năng động như Sài Gòn, ủng hộ Bí thư Võ Văn Kiệt thời kỳ xé
rào, tiếp tục phát triển những thành quả đổi mới dưới thời Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh, và vào Trung ương năm 1982 với hậu thuẫn của ông Lê Đức Thọ.

Trong suốt hơn sáu năm làm thủ tướng, ông Võ Văn Kiệt đã hành động như một đầu tàu, như một cỗ xe tăng đi trước, che chắn cho các ý tưởng cải cách và đưa ra những quyết định lớn. Việc điều hành sự vụ và tiến trình soạn thảo các chính sách được giao cho Phó Thủ tướng Phan Văn Khải.



Ông Phan Văn Khải dự Apec ở Thượng Hải năm 2001


Bình đẳng cho các thành phần kinh tế

Giữa năm 1997, Chính phủ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt bắt đầu soạn thảo một nghị quyết trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng để làm cơ sở cho việc ban hành những chính sách tiếp tục đổi mới và thúc đẩy kinh tế nhiều thành phần. Công việc đang dở dang thì tháng 9-1997, ông Võ Văn Kiệt bàn giao chức thủ tướng.

Tháng 7-1997, Quốc hội khóa X khai mạc, chức chủ tịch nước được trao ông Trần Đức Lương, một người cùng quê Quảng Ngãi với ông Phạm Văn Đồng; chức thủ tướng thuộc về ông Phan Văn Khải.

Để trình ra Hội nghị Trung ương, dự thảo nghị quyết được Thủ tướng kế nhiệm Phan Văn Khải đặt tên là "Tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát huy nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế, cần kiệm để công nghiệp hóa, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội đến nǎm 2000". Dự thảo nghị quyết đề cập đến nhiều lĩnh vực như tín dụng, ngân hàng, đất đai. với ý định tạo ra một môi trường pháp lý bình đẳng cho các thành phần kinh tế.




Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói về dấu ấn và di sản của cố Thủ tướng VN Phan Văn Khải.

Dự thảo "đẩy mạnh đổi mới kinh tế" được đưa ra thông qua tại Hội nghị Trung ương 4, họp vào tháng 12-1997. Đây là hội nghị trung ương cuối cùng ông Đỗ Mười chủ trì với tư cách tổng bí thư. Những người soạn thảo trấn an các nhà lý luận của Đảng bằng những khẩu hiệu khẳng định quan điểm lập trường: "Tǎng cường sự lãnh đạo của Đảng", "Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý", đồng thời "cài cắm" không ít quan điểm mới: "Xoá bao cấp tín dụng", "Đặt các doanh nghiệp nhà nước trong môi trường cạnh tranh theo pháp luật".

Nghị quyết Trung ương 4 là cơ sở chính trị để Chính phủ Phan Văn Khải tiến hành sửa đổi Luật Đất đai, bãi bỏ những tội danh trong Bộ Luật Hình sự vốn được hình thành trên cơ sở nền kinh tế tập trung quan liêu, xây dựng Luật Doanh nghiệp 1999 trên nền tảng "người dân được làm những gì pháp luật không cấm".

Nghị quyết Trung ương 4, khóa VIII cũng là cơ sở chính trị để Chính phủ của Thủ tướng Phan Văn Khải thay thế Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp Tư nhân bằng một luật mới chung cho mọi loại hình doanh nghiệp.

Ông Kiệt đánh giá ông Phan Văn Khải là "một nhà kinh tế hàng đầu của đất nước" nhưng trong thâm tâm ông vẫn cho rằng ông Khải là một người thiếu quyết đoán để đóng vai trò đứng đầu. Đến phút chót, ông Võ Văn Kiệt mới chính thức giới thiệu ông Phan Văn Khải như một người kế nhiệm mình.

Vai trò "nhà kinh tế hàng đầu" của ông Khải đã buộc các khuynh hướng quyền lực lựa chọn ông.

Bài viết dựa theo chương về ông Phan Văn Khải, đã in trong bộ sách hai tập của tác giả, Bên Thắng Cuộc (2012)

http://www.bbc.com/vietnamese/forum-43500077

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét