Từ Nga đến Việt Nam
GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn đã nói với Dân Việt rằng: “Ông Putin là người có cảm tình rất lớn đối với Việt Nam. Ngược lại, ông Putin cũng được phần lớn người Việt Nam yêu mến, kính trọng. Do đó, việc ông Putin thắng cử có ý nghĩa rất lớn đối với Việt Nam”. “Tôi tin là quan hệ hữu nghị giữa 2 nước sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa… Tôi còn nhớ rất rõ rằng, chính Putin từng nhấn mạnh vào năm 2001 tại Hà Nội rằng: Việt Nam là một người bạn thủy chung, không bao giờ phản bội. Quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga là quan hệ của những người bạn thủy chung, không bao giờ phản bội nhau”.
Nguyễn Phú Trọng và ông Vladimir Putin. Ảnh Internet
Ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống Nga nhiệm kỳ 6 năm lần thứ tư, hôm 18/03/2018, được Việt Nam đón nhận như một tin mừng cho sự tồn tại lâu dài của chính mình. Tại sao?Thứ nhất, ông Putin là người bạn thân thiết và nước Nga luôn luôn được coi là đồng minh tin cậy nhất của lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam.
Thứ hai, tuy ở xa hơn Trung Hoa, nhưng Nga đã chọn Việt Nam là vị trí chiến lược quốc phòng quan trọng nhất của mình ở Á Châu – Thái Bình Dương.
Thứ ba, Việt Nam là khách hàng mua vũ khí Nga đứng hàng thứ ba sau Trung Hoa và Ấn Độ.
Thứ tư, Việt Nam và Nga có thỏa hiệp coi nhau là “đối tác chiến lược toàn diện” để hợp tác kinh tế-chính trị và quốc phòng hai nước.
Thứ năm, Việt Nam là nơi duy nhất có Trung tâm Nhiệt đới (tên đầy đủ là Trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ nhiệt đới hỗn hợp Việt – Nga) được thành lập do đề nghị của Nga để nghiên cứu các phương pháp bảo vệ độ bền vững, chống hao mòn và lão hóa các loại vũ khí và vật liệu do Nga sản xuất để sử dụng ở các nước có thời tiết giống Việt Nam.
Thứ sáu, Việt Nam đã đồng ý để cho máy bay quân sự Nga được sử dụng cảng Cam Ranh và sân bay để bảo trì và tiếp liệu trên đường tuần dương.
Vì vậy mà từ năm 2000, theo báo Dân Việt ngày 15/03/2018: “Ông Putin đã nhiều lần đến thăm Việt Nam trên cương vị Tổng thống Liên bang Nga, lần đầu vào ngày 1.3.2001, một năm sau khi ông đảm nhận vai trò lãnh đạo nước Nga. Lần thứ 2 ông Putin sang thăm Việt Nam là vào tháng 11.2006, lần thứ 3 là vào tháng 11.2013 và lần thứ 4 là lần ông Putin tới Đà Nẵng dự Hội nghị APEC lần thứ 25 vào tháng 11 năm ngoái (2017)”.
NHỮNG ĐIỀU GIỐNG NHAU
GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn, chuyên gia Viện nghiên cứu châu Âu, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (KHXHVN) đã nói với Dân Việt rằng: “Ông Putin là người có cảm tình rất lớn đối với Việt Nam. Ngược lại, ông Putin cũng được phần lớn người Việt Nam yêu mến, kính trọng. Do đó, việc ông Putin thắng cử có ý nghĩa rất lớn đối với Việt Nam”.
Chuyên gia Nguyễn Cảnh Toàn nói tiếp: “Tôi tin là quan hệ hữu nghị giữa 2 nước sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa… Tôi còn nhớ rất rõ rằng, chính Putin từng nhấn mạnh vào năm 2001 tại Hà Nội rằng: Việt Nam là một người bạn thủy chung, không bao giờ phản bội. Quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga là quan hệ của những người bạn thủy chung, không bao giờ phản bội nhau”.
Ai cũng biết tại sao ông Putin, một cựu trùm tình báo KGB đã “nịnh” Việt Nam như thế. Bởi vì Putin là một nhà lãnh đạo độc tài hoạt động dưới chiếc mặt nạ đứng đầu Mặt trận Toàn dân Nga (All-Russia People’s Front) từ năm 2011. Và tuy ngoài mặt, Putin không còn mặc áo Cộng sản nhưng trong tim ông vẫn đầy ắp máu Cộng sản với chủ trương cai trị nhân dân Nga bằng “bàn tay sắt đẫm máu”.
Ông ta không những chỉ đàn áp, khủng bố mà còn bị cáo buộc đã ra lệnh cho mật vụ hạ sát đối lập bằng mọi loại vũ khí, kể cả hơi độc.
Nước Nga thời Putin đã bị Tổ chức Minh bạch Thế giới (Transparency International) liệt vào hàng các nước có tình trạng tham nhũng thối nát cao và bị Freedom House giáng xuống hàng các nước không có dân chủ và tự do.
Ở Việt Nam thì nhân dân cũng bị một đảng độc tài cai trị không có bầu cử tự do. Tình trạng quan liêu, tham nhũng, tuy có đem ra xét xử một số Lãnh đạo nhưng “vẫn còn nghiêm trọng” trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên.
Các quyền tự do căn bản của dân như tự do tư tưởng, giao lưu và tín ngưỡng, tôn giáo bị kiểm soát gắt gao.
Và mặc dù Hiến pháp quy định người dân có quyền tự do ngôn luận, được lập hội và biểu tình nhưng nhà nước lại không cho tư nhân ra báo. Quyền biểu tình vẫn còn bị nhà nước ngâm tôm không chịu trình ra Quốc hội, trong khi quyền lập Hội tuy đã trình ra Quốc hội nhưng rồi rút lại nói là để bổ sung rồi im luôn từ kỳ họp Quốc hội 13. Trong chương trình làm luật của Quốc hội năm 2018, Dự luật Hội vẫn vắng tên.
CA TỤNG HẾT LỜI
Vì có những điểm giống nhau như thế nên ngoài những điện văn chúc mừng ngoại giao của Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trần Đại Quang, báo, đài nhà nước CSVN đã đăng tin ông Putin thắng cử rộng rãi. Không có bất cứ báo nào dám phê bình chuyện đắc cử của ông Putin là kết qủa của một chiến dịch tranh cử hình thức vì ứng cử viên đối lập sáng giá nhất, Alexei Navalny đã bị ông Putin dùng mọi mánh khóe, kể cả khủng bố để loại bỏ trước ngày bầu cử.
Trong khi ấy, đã có rất nhiều cử tri đã phải “giấu tên” để cho báo chí Tây phương biết họ vì sợ bị trả thù mà phải đi bỏ phiếu.
Vì vậy khi báo chí Việt Nam ca ngợi ông Putin đã thắng tới 76.68% phiếu cử tri, vượt ra 7 Đối thủ, kể cả ứng viên đảng Cộng sản Pavel Grudinin về nhì với 11.78% là chuyện hoang đường.
Vậy mà, trong một bài bình luận ngày 21/03/2018, báo Cộng an Nhân dân của Bộ Công an Việt Nam vẫn có thể nói rằng: “Ông V.Putin đã chiến thắng và trở thành Tổng thống Nga trong 6 năm tới. Kết quả này hầu như mọi người có thể đoán trước. Bởi, trong tình thế hiện tại, không khó để nhận ra hàng triệu dân Nga đã đặt niềm tin vào vị “thuyền trưởng” tài ba, mạnh mẽ, tỉnh táo, thông minh và bản lĩnh của mình để đưa “con tàu” Nga vượt qua khó khăn, thử thách, từng bước phục hưng một nước Nga hùng mạnh trong thế giới còn nhiều bất ổn…”.
“Những gì người dân Nga cần thì đương kim Tổng thống Putin có. Và khẩu hiệu tranh cử “Một tổng thống mạnh mẽ – Một nước Nga mạnh mẽ” đã “đánh” đúng lòng người Nga không phải từ bây giờ, mà từ rất lâu rồi, từ cách đây gần 20 năm. Người dân Nga cho rằng Vladimir Putin có thể đảm đương trọng trách để đưa nước Nga vượt qua thách thức để tiến lên phía trước”.
Thực tế thì hiện nay nước Nga vẫn còn trên 20 triệu người, trong số 146 triệu dân sống dưới mức nghèo. Số thất nghiệp vẫn ở mức 5.5%.
Nền kinh tế, tuy đã vực lên từ thập niên 1990, và sau cuộc suy thoái 3.7 % năm 2015 với mức thu nhập sụt xuống 10% (theo World Economic Forum, 13/12/2016) thì nay nền kinh tế thời Putin đang ngoi lên nhờ vào giá dầu thô và hơi đốt tăng giá trên thị trường quốc tế. Nhưng thu nhập bình quân đầu người mỗi năm vẫn chưa tới 9,000 dollars.
Tuy nhiên kinh tế Nga vẫn gặp nhiều khó khăn với lệnh cấm vận của Liên Hiệp Châu Âu (European Union, EU) và của Mỹ vì đã đem quân xâm chiếm Crimea, phần lãnh thổ của Ukraine năm 2014. Và mặc dù giao hảo giữa Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump có phần thân thiện hơn từ khi ông Trump thắng cử năm 2016, nhưng vì tình báo Nga và chính ông Putin đã bị cáo buộc phá hoại cuộc bầu cử năm 2016, với bằng chứng chống ứng cử viên Dân chủ, bà Hillary Clinton, để cho ông Trump thắng cử nên lại bị Quốc hội Mỹ trừng phạt thêm 5 công ty và 19 cá nhân Nga với các biện pháp kinh tế. Nhưng phần lớn việc trừng phạt chỉ lập lại những biện pháp đã được Chính quyền Tổng thống Barrack Obama thi hành rồi.
HỢP TÁC QUỐC PHÒNG
Đối với Việt Nam thì bước đột phá quan trọng thúc đẩy sự phát triển hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Nga và Việt Nam là biên bản ghi nhớ liên chính phủ về chiến lược hợp tác kỹ thuật quân sự cho giai đoạn đến năm 2020, được ký kết hồi tháng Mười năm 2008. Theo đó, lần đầu tiên trong lịch sử hợp tác hai nước, tổng khối lượng các hợp đồng ký kết trong năm 2008 đã vượt quá 1 tỷ dollar. Hiện nay khối lượng này được tính vào khoảng vài tỷ dollar.
Việt Nam đã mua của Nga 32 máy bay chiến đấu Su-30MK2, 12 tàu tên lửa cao tốc “Molnia” (Tia chớp) (2 chiếc giao thẳng và 10 chiếc được cấp phép sản xuất), bốn tàu khu trục lớp “Gepard”, sáu tàu ngầm của dự án 636 “Varshavyanka” (trong phân loại của NATO là tàu ngầm Kilo), một số tiểu đoàn tên lửa phòng không S -300PMU1 và nhiều loại vũ khí khác”.
Cũng nên biết trong cuộc thăm Nga từ ngày 07 đến 10/08/2013, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Đại tướng Phùng Quanh Thanh và Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Đại tướng Sergei Shoigu đã đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng về “canh tân hoá” quân đội CSVN.
(1) Tướng Thanh xác nhận: “Những nhu cầu phía Việt Nam đề xuất cơ bản phía Bạn đều đáp ứng, trong đó Bạn đồng ý đào tạo cán bộ cho Việt Nam ở tất cả các cấp, các lĩnh vực, các quân binh chủng và một số lĩnh vực khác.
(2) Tiếp theo là hợp tác về lĩnh vực kỹ thuật quân sự, hai bên đã bàn các biện pháp tiếp tục triển khai thực hiện các thỏa thuận hợp tác đã đạt được. Phía Bạn thống nhất một số điểm: trước hết là những hợp đồng mua vũ khí, trang bị kỹ thuật, phía Bạn bảo đảm chất lượng tốt, giá cả hợp lí và có ưu đãi đối với Việt Nam.
(3) Là vấn đề hậu mãi như sửa chữa, bảo dưỡng, cung cấp vật tư, phụ tùng, đảm bảo tuổi thọ của trang bị…
(4) Là Bạn thống nhất với phía ta là có thể bàn hướng hai bên có thể liên doanh thiết lập các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng”.
Tướng Phùng Quanh Thanh nói thêm rằng: “Bạn đã trao đổi nhiều tình hình, hai bên đều thống nhất về mặt quan điểm, đánh giá; thống nhất về tầm quan trọng cũng như sự cần thiết của việc hợp tác ngày càng sâu rộng hơn, vì lợi ích của nhân dân hai nước và đóng góp vào hòa bình, ổn định trong khu vực; quan hệ song phương không nhằm vào nước thứ ba”. (Phỏng vấn của VOV, Voice of Vietnam – Đài Tiếng nói Việt Nam, 10-08-2013)
Nhưng nếu Nga đã hợp tác chặt chẽ về Quốc phòng với Việt Nam thì phía Việt Nam cũng đã có những tương nhượng thỏa mãn cho nhu cầu của Nga tại hải cảng chiến lược Cam Ranh như:
– Để Nga thiết lập một cơ sở bảo trì và huấn luyện cho đội Tầu ngầm của Việt Nam.
– Sẽ đơn giản hóa một số thủ tục cho tàu hải quân của Liên bang Nga khi ghé thăm hoặc làm dịch vụ hậu cần kỹ thuật ở các cảng Việt Nam sẽ được nhanh chóng, thuận tiện.
– Thành lập công ty hợp doanh Việt-Nga để sửa chữa, đóng tàu ở khu vực phi quân sự của cảng Cam Ranh. Tướng Phùng Quanh Thanh nói với báo chí hồi tháng 3/2013 rằng cơ sở này sẽ sửa chữa tàu, tiếp dầu, tiếp nước, tiếp lương thực thực phẩm, đón thủy thủ để vào bờ, tham quan nghỉ ngơi sau chuyến đi đường dài trên biển.
Ông Thanh cũng cho biết: “Tổng công ty Tân Cảng thuộc Quân chủng Hải quân Việt Nam được giao chủ trì, có tham gia liên doanh với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Công ty Vietsopetro sẽ tham gia góp vốn. Nhưng ta làm chủ, chi phối, ta điều hành, quản lý. Chủ quyền là của Việt Nam.
Cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, các dàn khoan, các dịch vụ của dầu khí này phục vụ dịch vụ cho các tàu của bất kỳ một nước nào, trong đó có LB Nga”.
– Việt Nam cũng đã đồng ý để cho Nga bỏ vốn 100% xây dựng trung tâm nghỉ dưỡng ở Cam Ranh theo diện dự án đầu tư nước ngoài ngang hàng với Khách sạn 5 sao. Ông Thanh cho hay Nga dành cho Việt Nam quyền quản lý, điều hành. Phía Nga cũng sẽ gửi một số người tham gia cùng quản lý khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng.
Nga chính thức rút khỏi Cam Ranh năm 2002, sau khi hết hạn thuê mướn và Việt Nam cũng đã tuyên bố không để Cam Ranh biến thành một căn cứ quân sự của nước ngoài. Tuy nhiên, dù không có hợp đồng thuê mướn nhưng Cảng Cam Ranh sẽ trở thành trạm dừng chân thường xuyên quan trọng của lực lượng Hải Quân Nga.
Như vậy, chuyện ông Putin tiếp tục làm Tổng thống Nga thêm 6 năm nữa, sẽ lôi Việt Nam đi đâu trước viễn ảnh lãnh tụ Tập Cận Bình sẽ làm Tổng Bí thư đảng và Chủ tịch nhà nước Trung Hoa không hạn kỳ, hay chỉ khi nào ông ta qua đời hoặc tự ý từ chức.
Dù muốn hay không thì thực tế là như thế. Việt Nam sẽ tiếp tục phải chịu một cổ đôi tròng, nếu chưa dứt được món nợ khổng lồ mỗi năm từ 12 đến 15 tỷ dollars nhập siêu từ Trung Hoa.
© Phạm Trần
Hê hê, mừng chứ, mẽo với phương tây cũng mừng lém lém mà ko nói ra thôi....
Trả lờiXóa