Ở Việt Nam bây giờ có công lý không?
Quyền duy nhất còn lại của bị cáo Đinh La Thăng
Bị cáo Đinh La Thăng tại phiên tòa.
Sáng 22/3, phiên xử sơ thẩm vụ án Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) thiệt hại 800 tỷ khi góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) bắt đầu hồi kết, đại diện VKS đọc bản luận tội và đề nghị mức án đối với bị cáo Đinh La Thăng - cựu Chủ tịch HĐTV PVN và 6 cựu cán bộ ngành dầu khí có liên quan. Theo đó, Viện Kiểm sát đã đề nghị mức án 18-19 năm tù đối với ông Đinh La Thăng về tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.Được biết bị cáo Đinh La Thăng có lẽ đã hiểu ra rằng Tổng Bí thư Trọng muốn dàng cho vị cự Ủy viên Bộ Chính trị này tổng số 30 năm tù trong cả 2 vụ án. Vì thế trong phần tự báo chữa, ông Thăng đã dũng cảm dùng nhiều lý lẽ để đối đáp các cáo buộc cố ý làm trái, đồng thời khẳng định bản thân mình vô tội. Đáng chú ý, trong phần tự bào chữa, ông Đinh La Thăng đã phản bác cáo buộc của Viện Kiểm sát khi khẳng định toàn bộ số 800 tỉ của PVN bị mất hoàn toàn khi Oceanbank kinh doanh thua lỗ, buộc Ngân hàng Nhà nước phải mua lại Ngân hàng Oceanbank với giá 0 đồng. Đồng thời bị cáo Thăng cũng kiến nghị Hội đồng xét xử xem xét việc Ngân hàng Nhà nước mua lại OceanBank giá 0 đồng. Điều theo bị cáo Đinh La Thăng, là không phù hợp quy định của pháp luật. Theo bị cáo Thăng, đến ngày 31/3/2014 vốn điều lệ của Ngân hàng Oceanbank có 4.000 tỷ đồng, với một tài sản khổng lồ như thế mà Ngân hàng Nhà nước quyết định mua lại với giá 0 đồng là điều không bình thường, có chủ ý.
Đây là một vấn đề mấu chốt hết sức quan trọng của vụ án này, vì nếu như Ngân hàng Nhà nước không quyết định mua lại Oceanbank giá 0 đồng thì chưa chắc OceanBank và các bên liên quan, cụ thể là PVN phải gánh chịu các hệ lụy như tại thời điểm này.
Tại phiên tòa, ông Hà Văn Thắm - Chủ tịch Tập đoàn Đại Dương, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương, với tư cách là nhân chứng giải thích rằng, nếu Ngân hàng Nhà nước không mua OceanBank với giá 0 đồng, thì PVN không mất vốn. Theo ông Hà Văn Thắm đây là điểm mấu chốt để khẳng định vốn nhà nước có mất hay không và mất vì lý do gì? Thậm chí cựu Chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm còn tự tin nói trước toà rằng, xin Hội đồng xét xử vài ngày để tính toán, sau đó sẽ có thể trả đủ 800 tỷ cho PVN hoặc hơn thế nữa. Nhân chứng Hà Văn Thắm nhiều lần khẳng định với tòa, trước khi ông Thắm bị bắt OceanBank không thua lỗ. Dù rằng OceanBank đã thu về được 8.000 tỷ đồng, nhưng kết luận thanh tra vẫn ghi là 14.000 tỷ đồng nợ xấu, bằng chứng là trước khi Ngân hàng Nhà nước quyết định “mua” OceanBank với giá 0 đồng, thì ngân hàng này cũng chưa bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.
Theo nhà báo Hoàng Hải Vân, nguyên Tổng Thư ký Toà soạn Báo Thanh Niên cho rằng, tại phiên tòa này, nguyên tắc suy luận vô tội chưa được Hội đồng xét xử tuân thủ, mà những gì đang diễn ra đều theo hướng suy luận buộc tội ông Đinh La Thăng. Theo đó, bị cáo Đinh La Thăng nhận trách nhiệm về vụ thất thoát 800 tỷ của PVN trong vụ án OceanBank là với tư cách người đứng đầu Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, chứ không có nghĩa là ông Thăng phải chịu trách nhiệm hình sự.
Trong thư của Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, nguyên Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối Cao gửi Thủ tướng Chính phủ (bit.ly/2GhUC8w) về việc kiến nghị một số nội dung liên quan đến việc xét xử vụ án xảy ra tại OceanBan. Theo ông Nguyễn Trọng Tỵ hồ sơ vụ án đã lộ ra nhiều lổ hổng, xử ép và sai lệnh về tính pháp lý. Cụ thể "Qua các tài liệu có trong hồ sơ, tôi nhận thấy có sự nhầm lẫn, nhận thức không đúng về tư cách pháp nhân của OJB là thuộc loại hình doanh nghiệp nào, sở hữu nhà nước hay sở hữu tư nhân? Theo tôi, Oceanbank rõ ràng thuộc loại sở hữu tập thể... Tổng Giám đốc(ỌB) chỉ phải chịu trách nhiệm trước tập thể. Vì khách thể trực tiếp bị xâm hại thuộc về tập thể, không thuộc về Nhà nước".
Góp ý với Hội đồng xét xử, Luật sư Trần Vũ Hải đã viết trên trang facebook cá nhân rằng, "Nếu thẳng thắn thì VKS phải trả lời cho được câu hỏi: OceanBank làm ăn có lãi hay không có lãi sau khi được PVN góp vốn? Nếu không có lãi sao PVN được chia cổ tức đến 244 tỉ? Vậy tiền này là tiền gì, có cấn trừ vào số tiền thiệt hại 800 tỉ không? ..."
Phân tích theo góc độ pháp lý, theo nhà báo Hoàng Hải Vân cho rằng, luật pháp không cho phép dùng ngân sách để làm việc này. Nếu như vốn chủ sở hữu vẫn dương thì việc đơn phương “mua” với giá 0 đồng thực chất là hành vi cưỡng đoạt bất hợp pháp tài sản của dân. Và "Theo tôi hiểu thì quyết định đơn phương “mua” ngân hàng với giá 0 đồng không những trái với thông lệ quốc tế mà còn không dựa vào bất kỳ một điều luật nào của Việt Nam.". Vẫn theo nhà báo Hoàng Hải Vân tỏ ý nghi ngờ, "Tôi tin những người đốt lò tôn trọng pháp quyền, nên tôi không nghĩ những người đốt lò định tội trước và chỉ đạo các cơ quan tố tụng làm theo".
Dư luận thấy rằng, trong hai phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng cho đến lúc này Hội đồng xét xử vẫn chưa đưa ra bằng chứng cụ thể ông Đinh La Thăng đã tham nhũng bao nhiêu và tham nhũng bằng cách nào? Mà những cáo buộic đối với bị cáo Đinh La Thăng hết sức chung chung, khiên cưỡng, thiếu thuyết phục. Thậm chí người ta còn khẳng định nguyên nhân của tình trạng như vậy là vì, "người đốt lò vĩ đại" đã định sẵn bản án và Hội đồng xét xử chỉ làm nhiệm vụ "diễn" để lòe bàn dân thiên hạ.
Điều mỉa mai hơn như bình luận của Luật sư Trần Vũ Hải khi cho rằng, "Ông Đinh La Thăng tự bào chữa rất hay, thế nhưng ông càng tự bào chữa hay, càng nhiều luật sư, án ông càng nặng (ông bị để nghị 18/19 năm tù, cộng án 13 năm trước sẽ là 30 năm, nếu Toà chấp nhận đề nghị của Viện Kiểm sát))! Ở Việt nam là thế?".
Đây là không chỉ là hệ quả của thứ pháp quyền Xã hội Chủ Nghĩa mà đảng CSVN đang sử dụng để cai trị ở Việt Nam, mà nó còn là một nhược điểm trầm trọng của vũng lầy chính trị ở Việt Nam. Nơi mà hầu hết các quan tòa ngày hôm nay vẫn cao giọng nhân danh Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam để tuyên án, nhưng thực chất tất cả bọn họ cũng chẳng sạch sẽ gì hơn Đinh La Thăng. Khi mà ở đó ý chí của người đứng đầu bộ máy đảng cụ thể là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng trên cả luật pháp. Vì thế một khi ông Trọng muốn, thì tay chân của họ ở mọi cấp của bộ máy nhà nước sẽ thực hiện bằng mọi giá. Nghĩa là ý đảng là trên hết, đảng đã muốn là đảng phải được.
Điều này hoàn toàn phù hợp với sự đánh giá chung của dư luận trong nước và quốc tế đã khẳng định, cuộc chiến chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không khác gì cuộc chiến "đả Hổ, diệt Ruồi" của ông Tập ở Trung Quốc. Đó là thanh trừng đối thủ chính trị để giành quyền lực độc tôn và trả thù cho hả giận.
Ông Đinh La Thăng và đồng bọn có tội là chuyện không phải bàn cãi, nhưng một Nhà nước đàng hoàng và tử tế thì các tội danh bị truy tố đối với các bị cáo phải được xem xét đầy đủ trên cơ sở của luật pháp quy định. Chứ không thể xét xử theo lối những bản án đã được định sẵn theo chỉ đạo và ý chí của người đứng đầu như chúng ta đang thấy.
Vì thế có lẽ cho đến khi phiên tòa kết thúc, thì ông Đinh La Thăng chỉ còn một quyền duy nhất. Đó là được phép tự hỏi: "Ở Việt Nam bây giờ, công lý ở đâu?"
Ngày 23 tháng 03 năm 2018
© Kami
(Blog RFA)
http://www.rfavietnam.com/node/4358
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét