Tôi vẫn thích ca dao hơn bất cứ bộ phận văn học nào khác của Việt Nam. “ Ca dao chính là tiếng nói của đồng nội, là âm vang của làng quê tổ truyền, phản ảnh sinh hoạt nông thôn, chứa chan tình cảm dân tộc và màu sắc xứ sở”. Tôi thích vì, ca dao dễ nhớ, giàu âm điệu, giàu hình ảnh, và có ý nghĩa. Tôi rất khó khăn mới học thuộc một bài thơ không vần, không điệu, trong khi chỉ đọc qua một, hai lượt là thuộc lòng một bài ca dao dài. Thứ hai, ca dao mộc mạc dễ thương, không quí phái cao xa như Đường Thi. Ca dao “có sao nói vậy”. Đôi khi lại rất phàm tục khiến người ta phải bật cười. Thứ ba, nội dung của ca dao rất phong phú, nhất là phần diễn tả tình yêu đôi lứa, rất tình tứ. Nếu ai đó muốn viết thư cho người yêu và muốn dẫn chứng chút ít ca dao cho có vẻ…văn học dân gian thì đã có vô số câu ca dao phù hợp với hoàn cảnh của từng người. Tha hồ mà thố lộ tâm tình. Thử tưởng tượng nếu một cô gái nhận được một bức thư tình với vài câu ca dao như “Anh đi… nước Úc giáp vòng. Đến đây trời khiến đem lòng thương em!”, hay “Sông dài cá lội biệt tăm. Phải duyên chồng vợ trăm năm cũng chờ”, tôi nghĩ, rất thú vị. Cô gái được thư sẽ …cảm động và không nỡ thẳng tay từ chối.
Cái đẹp của ca dao giống như cái đẹp của cô thôn nữ, ẩn tàng sức sống. Hình ảnh trong ca dao rất sắc nét, mạnh mẽ, có khí lực, trong trẻo như không khí đồng quê buổi sáng. Một trong những hình ảnh mà ca dao thường đề cập đến là hình tượng của người phụ nữ. Muốn biết phụ nữ thời xưa như thế nào, thử đi tìm trong ca dao.
Người phụ nữ trong ca dao rất đẹp, về ngoại hình cũng như về tâm hồn. Phụ nữ được xưng tụng là phái đẹp, mà đẹp thì thường là đề tài của văn chương.