Cái gáo dừa
Tình cờ ghé ăn quán cháo lòng bán ở vỉa hè, tôi bất chợt khựng lại khi bắt gặp hình ảnh quen: cái gáo dừa đặt trên thùng nước. Một câu hỏi bỗng thoáng hiện: kỷ vật của tuổi thơ tôi, kỷ vật chỉ có ở làng quê sao đi lạc giữa thành phố xa hoa này?
Ở quê, nhắc đến giếng nước, không thể không nhắc đến vò và gáo đặt kế bên. Gia đình tôi từng có một “cặp đôi hoàn hảo” vò - gáo như thế. Vò làm từ đất sét. Gáo được làm từ sọ dừa. Sau khi lột, cạo hết phần xơ, đem sọ dừa cưa bỏ 1/3 rồi dùng dùi sắt nung đục hai lỗ nhỏ theo đường thẳng ngay mép miệng. Tiếp đến dùng đoạn tre vót tròn tra xiên vào hai lỗ đục, thành cán gáo. Gáo hoàn thành trông như cái bát nhỏ xinh có tay nắm dài để múc nước từ vò. Vò nước thường được đặt lên bục cao, còn gáo móc hờ hững trên một cái cọc nhọn cắm sâu xuống đất. Nước trong vò chỉ để uống. Uống nước đựng trong chiếc vò luôn có cảm giác mát lạnh.
Vò và gáo gắn mật thiết với đời sống sinh hoạt của người dân. Ăn xong chén cơm, chạy vội ra vò múc một gáo, uống sạch. Đi đâu về thấy cổ họng khát cháy cũng chạy ào đến vò nước, “tu” một hơi. Giếng nước nhà tôi ở ngay trước sân nên bộ đôi vò - gáo đứng kế đó vừa là điểm thuận tiện để cả nhà thấy khát thì dễ dàng... ào ra, nhưng cũng vì nó mà bao phen chúng tôi bị mẹ cha đánh đòn. Hồi đó, cha tôi tham gia đội bóng chuyền địa phương. Mấy lần thấy cha mang bóng về, chị em tôi tinh nghịch đem ra sân “thi đấu”, thi một hồi, thể nào trái bóng cũng phang thẳng vào vò nước khiến chiếc vò vỡ toang. Có lần chúng tôi chơi trò đến đích nhanh. “Một, hai, ba, ai chạy đến vò nước nhanh thì thắng”. Hai chị em tranh nhau chạy, tranh nhau chạm tay vào chiếc vò, tranh thế nào mà chiếc vò rơi xuống đất... Sau này cha mất, sợ chiếc vò cuối cùng của cha mua bị hai chị em làm vỡ, má tôi đem vò ra lau sạch, phơi khô, dùng đựng gạo, đến nay vẫn còn.
Thỉnh thoảng giữa đường phố Sài Gòn, thấy người ta để trên vỉa hè bình nước đề dòng chữ “uống miễn phí”, lòng tôi lại se sắt nhớ đến vò nước xưa của gia đình mình. Vì vò đặt trước sân, ngay bên đường nên ngày đó mấy chị ve chai, chú bán kem hay cô bác ra đồng về đi ngang thường tạt vào xin miếng nước, uống giải cơn khát. Đó là lý do cha hay dặn chị em tôi phải luôn châm đầy vò nước. Theo cha, vò nước không chỉ cho gia đình mà còn là sự thể hiện lòng hiếu khách, cho tình quê thêm thắm đượm. Theo sự phát triển, vò nước bây giờ đã thay bằng bình lọc hoặc đóng chai để sẵn trong tủ lạnh, còn gáo là ca hay ly nhựa, thủy tinh. Từ độ thấy chiếc gáo nhỏ xinh đi lạc giữa Sài Gòn, tôi thường đến quán, chỉ để ngắm nhìn và nghe lòng rưng rưng, dù có đôi khi trộm tiếc: phải chi, thêm cái vò nữa sẽ thật… đúng điệu!
Theo TUYẾT DÂN, Phụ nữ TP.HCM
Vài hình ảnh về cái gáo dừa:
Bát làm từ sọ dừa
Gáo dừa được dùng làm bếp để nấu ăn, cũng như làm nồi và làm nắp đậy luôn.
Bếp là một cái lỗ được đào xuống đất rồi đặt 3 cái gáo dừa lên trên; thêm 1 cái nữa để làm nồi và 1 cái để làm nắp đậy. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét