ABC VỀ HIẾN PHÁP
Câu hỏi 61
Đảng chính trị là gì? Vấn đề đảng phái chính trị được quy định như thế nào trong hiến pháp trên thế giới?
Đảng phái chính trị (thường gọi tắt là đảng) là tổ chức chính trị tự nguyện, có một hệ tư tưởng hay một đường lối nhất định, ra đời là để hoạch định các chính sách của nhân dân và thực hiện chức năng liên kết giữa nhà nước và xã hội. Mục đích quan trọng nhất của đảng chính trị là gây ảnh hưởng đến các chính sách của chính quyền. Sự ảnh hưởng này không thể bằng cách nào khác hơn là nắm được chính quyền thông qua các cuộc bầu cử dân chủ.
Các đảng phái chính trị là một thành tố thiết yếu của một chính thể dân chủ. Không phải tất cả các hiến pháp đều lựa chọn cách thức ghi nhận vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các đảng phái trong hiến pháp. Về nguyên lý chung, đảng phái không phải là những cơ quan nhà nước, không thuộc nhà nước, mà là những tổ chức dân sự, những tổchức của nhân dân(20). Thành viên của các đảng phái chỉ có thể là “công dân”, không thể là các pháp nhân, tổ chức hay các đảng phái của nước ngoài. Các đảng phái ra đời có mục đích là thực hiện chức năng làm cầu nối, liên kết giữa nhà nước và xã hội, nhằm hiện thực hóa lợi ích của toàn thể nhân dân. Ở các nước theo hệ thống chính trị đa đảng thì các đảng phái chính trị cạnh tranh nhau để có được nhiều phiếu bầu trong nghị viện (ở cả hai viện hoặc chỉ hạ viện).
Ở Anh quốc, chính phủ được thành lập từ đảng chiếm đa số ghế trong Nghị viện, các đảng phái khác trở thành đảng đối lập. Các đảng phái sẽ góp phần truyền tải tiếng nói của nhân dân vào các chính sách của hành pháp và lập pháp có nhiệm vụ cụ thể hóa những chính sách của hành pháp(21). Mặc dù Hiến pháp Hoa Kỳ không đề cập đến các đảng phái chính trị, tuy vậy nhiều nhà lập hiến vẫn nhận thức rõ về tầm quan trọng của các đảng phái(22).
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, hiến pháp nhiều nước đã có điều khoản riêng đề cập đến về các đảng chính trị, ví dụ như Điều 21 Luật Cơ bản Đức(23), Điều 4 Hiến pháp Pháp, Điều 49 Hiến pháp Italia 1947, Điều 10 và Điều 51 Hiến pháp Bồ Đào Nha 1976, Điều 6 Hiến pháp Tây Ban Nha 1978, Điều 29 Hiến pháp Hy Lạp 1975. Hiến pháp của các nước có đề cập đến đảng phái đều thừa nhận nguyên tắc tự do thành lập và sự bình đẳng của các đảng phái. Ở nhiều quốc gia khác, quyền thành lập các đảng phái là một thành tố của quyền tự do lập hội (bao gồm tự do thành lập các tổ chức chính trị), một quyền cơ bản được hiến pháp ghi nhận và bảo vệ.
Câu hỏi 62
Vấn đề đảng chính trị được quy định như thế nào trong Hiến pháp Việt Nam?
Hiến pháp Việt Nam 1992 xác định trực tiếp và cụ thể rằng Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng “lãnh đạo nhà nước và xã hội” (Điều 4). Điều 4 Hiến pháp 1992, tương tự như Điều 4 Hiến pháp 1980, quy định Đảng Cộng sản là “lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội”.
Như đã đề cập, trong chính thể cộng hoà XHCN, vai trò của Đảng Cộng sản thường được khẳng định ở những mức độ khác nhau trong hiến pháp. Khẳng định đó có thể ở Lời nói đầu (Hiến pháp Trung Quốc 1982, Hiến pháp Việt Nam 1959) hoặc tại một điều khoản cụ thể (Điều 6 Hiến pháp Liêh Xô 1974, Điều 4 Hiến pháp Việt Nam 1992).
Ở Việt Nam, chỉ có hiến pháp đầu tiên (1946) là không đề cập đến vai trò của một đảng phái chính trị nào. Hiến pháp 1959 bắt đầu ghi nhận vai trò của Đảng Lao động (Đảng Cộng sản) Việt Nam trong công cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước tại Lời hói đầu. Giống như một số nước XHCN trước đây, vai trò lãnh đạo nhà nước của Đảng Cộng sản được xác định tại một điều khoản của hiến pháp Việt Nam hăm 1980 và hăm 1992 hiện hành, điều này rất khác biệt so với hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Câu hỏi 63
Bầu cử là gì? Vấn đề bầu cử được quy định như thế nào trong hiến pháp trên thế giới?
Bầu cử là một định chế trọng tâm của một nền dân chủ, nơi mà quyền lực của nhà nước xuất phát từ ý chí của người dân. Bầu cử, tuân thủ nguyên tắc tự do và công bằng, thường được tổ chức theo phương thức bầu cử đa số hoặc bầu cử theo tỉ lệ.
Bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân là một nhiệm vụ cơ bản nhất của hiến pháp. Có hai hình thức cơ bản để nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thuộc về mình là dân chủ trực tiếp (người dân tự mình thể hiện quan điểm trong các cuộc trưng cầu ý kiến) và dân chủ gián tiếp. Dân chủ gián tiếp là việc nhân dân bầu ra những người đại diện để thực hiện các công việc để mang lại lợi ích cho toàn dân. Hình thức dân chủ gián tiếp này còn được gọi là hình thức dân chủ đại diện. Bầu cử trở thành một trong những hình thức thực hiện quyền dân chủ, một biện pháp để nhân dân trao quyền lực nhà nước cho các cơ quan nhà nước. Chế độ bầu cử được xác định bởi tổng thể các mối quan hệ xã hội được hình thành trong quá trình tiến hành các cuộc bầu cử, từ lúc lập danh sách cử tri, cho đến khi kết thúc việc xác định được danh sách những người trúng cử.
Nhìn chung, hiến pháp các quốc gia quy định tương đối chi tiết về các vị trí được bầu ra (thành viên nghị viện, tổng thống…), điều kiện bầu cử, điều kiện ứng cử, việc phân xác định khu vực bầu cử, việc phân bổ số ghế cho các khu vực… Trong chế độ đại nghị, nhân dân trực tiếp bầu ra hạ viện (viện dân biểu), đảng chiếm đa số tại hạ viện hay liên minh các đảng cầm quyền thành lập ra chính phủ do một thủ tướng đứng đầu. Do vậy, chính phủ phải chịu trách nhiệm trước nghị viện. Trong chế độ cộng hòa tổng thống, nhân dân trực tiếp hoặc có thể gián tiếp bầu ra nguyên thủ quốc gia (tổng thống) đồng thời là người trực tiếp lãnh đạo hành pháp. Chính phủ và người đứng đầu chính phủ không chịu trách nhiệm trước nghị viện, mà phải chịu trách nhiệm trước nhân dân. Nhân dân trực tiếp hạn chế quyền lực của tổng thống qua các cuộc đầu phiếu phổ thông.
Câu hỏi 64
Vấn đề bầu cử được quy định như thế nào trong các Hiến pháp Việt Nam?
Với tư cách là một biện pháp dân chủ thành lập ra bộ máy nhà nước, các cơ quan nhà nước của Việt Nam đều trực tiếp hoặc gián tiếp do nhân dân bầu ra. Hiến pháp Việt Nam 1992, cũng như các nước thuộc hệ thống XHCN trước đây, xác định chỉ có các cơ quan nhà nước do nhân dân trực tiếp bầu ra (Quốc hội và Hội đồng nhân dân) là cơ quan quyền lực nhà nước.
Hiến pháp 1992 xác định việc nhân dân bầu ra Quốc hội và Hội đồng nhân dân là các cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân (Điều 5). Việc bầu cử được tiến hành theo các nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín (Điều 6). Điều 54 Hiến pháp ghi nhận nguyên tắc bầu cử phổ thông. Nguyên tắc này được cụ thể hoá tại Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Về phương diện pháp lý, thì chế độ bầu cử còn được hiểu là một chế định quan trọng của ngành luật hiến pháp, bao gồm các quy định của pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ xã hội liên quan đến bầu cử, quyền ứng cử và các quy trình để tiến hành bầu cử từ lúc lập danh sách cử tri cho đến khi xác định kết quả bầu cử.
Điểm khác nhau cơ bản giữa chế độ bầu cử ở Việt Nam hiện nay với nhiều quốc gia khác là ở tính cạnh tranh. Tại hầu hết các quốc gia, có nhiều đảng phái chính trị tham gia vào cuộc bầu cử và qua bầu cử mới xác định được đảng cầm quyền, người dân có nhiều lựa chọn và sự lựa chọn cũng dễ dàng hơn bằng việc so sánh đường lối của các đảng khác nhau. Ngược lại, ở Việt Nam không có nhiều đảng phái tham gia tranh cử và đảng cầm quyền đã được xác định trước trong Hiến pháp. Thêm vào đó, trừ Hiến pháp 1946, các Hiến pháp còn lại của Việt Nam đều không ghi nhận nguyên tắc bầu cử tự do.
Câu hỏi 65
Chế độ kinh tế là gì? Được quy định như thế nào trong hiến pháp trên thế giới và Hiến pháp Việt Nam?
Giống như cũng như hiến pháp của các nước XHCN trước đây, một điểm rất khác trong Hiến pháp Việt Nam so với các quốc gia khác là có những chương riêng quy định về chế độ kinh tế, văn hóa và xã hội. Điều này phần nào xuất phát từ quan điểm chủ nghĩa Mác về mối quan hệ biện chứng giữa chính trị với các yếu tố khác, đặc biệt là kinh tế (kinh tế quyết định chính trị, chính trị cũng tác động ngược trở lại kinh tế). Chế độ kinh tế được quy định trong hiến pháp các nước XHCN thường bao gồm chính sách kinh tế, các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, quản lý kinh tế, chính sách lao động, sản xuất và phân phối, đường lối kinh tế đối ngoại.
Lĩnh vực kinh tế thường không được quy định trong các hiến pháp cổ điển và hiến pháp của các nước phát triển. Hiến pháp khi mới xuất hiện chủ yếu nhằm để bảo vệ tự do của con người thoát khỏi sự chuyên chế của nhà nước phong kiến. Theo chủ nghĩa tư bản tự do, nhà nước không can thiệp vào kinh tế. Nếu có thì chỉ là việc hiến pháp xác định sở hữu là quyền tự nhiên bất khả xâm phạm của con người. Mọi hoạt động kinh tế do thị trường điều tiết (bàn tay vô hình). Đối với các quốc gia đang phát triển hoặc có nền kinh tế chuyển đổi, vai trò của nhà nước có ý nghĩa quyết định cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế, nên hiến pháp các nước này thường có những quy định về chế độ kinh tế của quốc gia nhưng cũng chỉ bằng một số điều khoản (Ví dụ, Hiến pháp Philippin, Hàn Quốc…).
Chế độ kinh tế trong Hiến pháp Việt Nam 1992, quy định tại Chương II, được xác định là hướng đến phát triển nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng XHCN (Điều 15). Đây là một bước tiến nếu so với đường lối kinh tế kế hoạch, tập trung, ngăn sông cấm chợ và sử dụng tem phiếu mà đã gây ra khủng hoảng kinh tế, xã hội trước đó. Hiến pháp 1992 quy định những nội dung mới về chế độ kinh tế như chính sách kinh tế, hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, quản lý kinh tế, kinh tế đối hgoại… Điều 16 xác định rõ các mục đích của chính sách kinh tế nhà nước trong giai đoạn hiện nay là làm cho dân giàu nước mạnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân… Tuy nhiên, việc quy định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, cùng với kinh tế tập thể là nền tảng của nền kinh tế quốc dân, tỏ ra không phù hợp với thực tế. Thêm vào đó, các quy định về sở hữu toàn dân về đất đai, định hướng phát triển “kinh tế thị trường XHCN”…gây ra nhiều tranh cãi. Những điều này được cho là một trong những nguyên nhân cản trở sự phát triển kinh tế xã hội trong những năm gần đây, là một trong những lý do dẫn đến cần phải cải cách kinh tế và sửa đổi hiến pháp.
Câu hỏi 66
Chế độ sở hữu và sở hữu đất đai được quy định như thế nào trong Hiến pháp Việt Nam?
Chế độ sở hữu là yếu tố cơ bản trong chế độ kinh tế Hiến pháp các quốc gia đều điều chỉnh và bảo vệ các quan hệ sở hữu. Tại Việt Nam, ngay sau năm 1945, nhà nước thừa nhận mọi loại hình sở hữu. Hơn hữa, để động viên tất cả mọi tầng lớp nhân dân tham gia kháng chiến kiến quốc, nhà nước tuyên bố bảo hộ quyền tư hữu của công dân (Điều 12 Hiến pháp 1946).
Quan điểm về quá độ lên CNXH đã đặt ra vấn đề xóa bỏ chế độ tư hữu và thay thế bằng chế độ công hữu. Các loại hình kinh tế được coi là phi XHCN đã bị cải tạo một cách máy móc và chủ quan. Trong khoảng thời gian từ 1954 đến khi có chính sách Đổi mới của Đảng Cộng sản (1986), ở nước ta chỉ thừa nhận một số loại hình sở hữu và hai thành phần kinh tế (quốc doanh và hợp tác xã) (Hiến pháp 1959 và 1980). Hiến pháp 1992, thể chế hóa đường lối Đổi mới đã điều chỉnh sự duy ý chí trước đây bằng việc thừa nhận và bảo vệ sự tồn tại của sở hữu tư nhân đối bên cạnh các loại hình sở hữu khác. Những hình thức sở hữu chủ yếu làm nền tảng cho nền kinh tế nhiều thành phần là sở hữu toàn dân (hay sở hữu nhà nước), sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân (Điều 15). Trong đó, sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể vẫn được xác định “là nền tảng”.
Sở hữu toàn dân (sở hữu nhà nước) bao gồm những tư liệu sản xuất chủ chốt quyết định sự phát triển của nền kinh tế quốc gia. Tài sản thuộc sở hữu toàn dân bao gồm đất đai, rừng núi sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa và vùng trời, phần vốn và tài sản do Nhà nước đầu tư vào các xí nghiệp công trình thuộc các ngành và lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, kỹ thuật, ngoại giao, quốc phòng, an ninh cùng các tài sản khác mà pháp luật quy định là của Nhà nước (Điều 17).
Như vậy, Điều 17 của Hiến pháp 1992 vẫn tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân và chỉ có một hình thức sở hữu toàn dân đối với đất đai. Không còn tồn tại các hình thức sở hữu tư nhân hoặc cộng đồng đối với đất đai từ sau khi Hiến pháp 1980 có hiệu lực.
Câu hỏi 67
Quốc hội (Nghị viện) là gì? Có vị trí như thế nào trong bộ máy nhà nước?
Bộ máy nhà nước hiện đại thường được cấu thành từ ba bộ phận là lập pháp, hành pháp và tư pháp. Lập pháp(legislature) ban hành luật, hành pháp (executive) thực thi luật và tư pháp (judicature) giải thích luật, xét xử những hành vi vi phạm luật. Mỗi một bộ phận do một hay nhiều cơ quan đảm nhiệm. Theo lý thuyết phân chia quyền lực thì quốc hội (nghị viện) là cơ quan thuộc nhánh lập pháp.
Nghị viện ra đời ngay từ những ngày đầu của Cách mạng Tư sản. Ở Anh, Luật về các quyền (The Bill of Rights)năm 1689 vẫn là đạo luật quan trọng bậc nhất qui định về quyền hạn của Nghị viện(24). Ngày nay, mặc dù tiếp tục theo quan điểm chủ quyền tối cao thuộc về nghị viện, thẩm quyền của Nghị viện Anh cũng bị giới hạn bởi các luật của Liên minh châu Âu và các tòa án không được áp dụng những đạo luật của Nghị viện nếu chúng xung đột với luật của Liên minh(25). Hiến pháp Hoa Kỳ qui định rõ thẩm quyền lập pháp của Nghị viện tại Điều 1, theo đó “tất cả quyền lập pháp được trao cho Nghị viện của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”. Tương tự, Điều 34 Hiến pháp Pháp cũng qui định thẩm quyền lập pháp của Nghị viện, Điều 77 Luật Cơ bản Đức qui định rằng các đạo luật chỉ có thể trở thành luật liên bang sau khi được thông qua bởi Hạ viện (Bundestag).
Tại Việt Nam, mặc dù không thừa nhận nguyên tắc phân quyền trong tổ chức nhà nước, Hiến pháp vẫn quy định một cơ quan (Quốc hội) đảm nhiệm nhiệm vụ ban hành luật tương tự như nghị viện của các quốc gia khác. Quốc hội Việt Nam được Hiến pháp 1992 quy định là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân và cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất (Điều 83). Quốc hội có ba chức năng chính là lập pháp và lập hiến, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước (bao gồm việc thành lập ra các cơ quan nhà nước ở trung ương) và giám sát tối cao toàn bộ hoạt động của nhà nước.
Câu hỏi 68
Tổ chức của quốc hội (nghị viện) được quy định như thế nào trong hiến pháp thế giới và Hiến pháp Việt Nam?
Tổ chức của quốc hội (nghị viện) trong hiến pháp các nước trên thế giới được qui định khác nhau. Có những nước quốc hội chỉ bao gồm một viện duy nhất, ví dụ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam v.v… nhưng cũng có nhiều nước quốc hội gồm có hai viện, ví dụ như Anh, Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Canada, Úc, Nga v.v… Về mặt tên gọi, không có sự thống nhất chung, có nước gọi thiết chế này là Nghị viện (Parliament) như ở Anh, Quốc hội(Congress) ở Mỹ, Quốc hội (National Assembly) ở Việt nam, Hội đồng Nghị viện liên bang (Bundestag) ở Đức, Hội đồng liên bang (Federal Assembly) ở Nga, Thụy Sĩ, Hội đồng lập pháp (Knesset) ở Israel v.v…
Khác với Hiến pháp nhiều nước trên thế giới, Hiến pháp Việt Nam các năm 1946, 1959, 1980 và 1992 đều quy định Quốc hội (Nghị viện) có cơ cấu một viện. Quốc hội, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân và là cơ quan quyền lực nhà nuớc cao nhất, được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số. Tổ chức của Quốc hội gồm có Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các ủy ban (Uỷ ban pháp luật; Uỷ ban kinh tế và ngân sách; Uỷ ban quốc phòng và an ninh; Uỷ ban các vấn đề xã hội…). Khi xét thấy cần thiết, Quốc hội thành lập ra ủy ban lâm thời để nghiên cứu, thẩm tra về một vấn đề nhất định.
Uỷ ban thường vụ Quốc hội gồm có Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Uỷ viên. Uỷ ban thường vụ Quốc hội là một cơ quan đặc biệt, không tồn tại ở hầu hết các nước khác. Việc thiết lập Uỷ ban thường vụ chủ yếu do Quốc hội không hoạt động thường xuyên như các quốc hội (nghị viện) khác, nên phải có một cơ quan thường trực thực hiện những công việc do Quốc hội ủy quyền.
Câu hỏi 69
Thẩm quyền của quốc hội (nghị viện) được quy định như thế nào trong hiến pháp trên thế giới và Hiến pháp Việt Nam?
Nhìn chung quốc hội (nghị viện) bên cạnh thẩm quyền lập pháp, còn có những quyền khác như: quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, thành lập ra các cơ quan nhà nước ở trung ương… Nghị viện Anh, ngoài chức năng làm luật, còn có một thẩm quyền quan trọng khác đối với hành pháp là lựa chọn Thủ tướng, thành lập và bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ.
Quốc hội Việt Nam có thẩm quyền tương tự như vậy. Ngoài chức năng lập pháp, Quốc hội có vai trò quan trọng trong việc thành lập, giám sát các cơ quan nhà nước khác ở trung ương (Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao…). Điều 84 Hiến pháp 1992 quy định cụ thể thẩm quyền của Quốc hội, bao gồm: làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm luật và sửa đổi luật; thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; xét báo cáo hoạt động của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quôc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định việc trưng cầu ý dân…
Một điểm khác cơ bản so với hiến pháp các quốc gia khác là Hiến pháp Việt Nam quy định Quôc hội là cơ quan quyền lực nhà nước tối cao, không những có quyền lập pháp như các nghị viện khác, mà còn có quyền lập hiến. Chính cách thức quy định như vậy, cùng với nhận thức của nguyên tắc tập quyền, trên thực tế Quốc hội Việt Nam mong muốn giải quyết tất cả các công việc của nhà nước, ngay cả việc xem xét lại các bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án nhân dân tối cao.
Câu hỏi 70
Nguyên thủ quốc gia là ai? Có vị trí như thế nào trong bộ máy nhà nước?
Nguyên thủ quốc gia là người đứng đầu nhà nước, có chức năng thay mặt cho nước về đối nội và đối ngoại. Nguồn gốc của chế định này là nhà vua hay nữ hoàng của các chế độ chiếm hữu nô lệ và chế độ phong kiến. Trong Cách mạng Tư sản, với chủ trương phải lật đổ chế độ chuyên chế, xây dựng một chế độ dân chủ tư sản, nên chế định nguyên thủ quốc gia là một trong những mục tiêu cần phải xóa bỏ. Một trong những biện pháp để giảm thiểu quyền lực của cá nhân cầm quyền là phải phân chia quyền lực, tức là quyền lực nhà nước của nhà vua phải bị chia sẻ cho các chế định lập pháp, hành pháp và tư pháp cả trên lý thuyết và thực tiễn. Ở đâu cách mạng tư sản giành được thắng lợi hoàn toàn thì ở đó không còn sự hiện diện của ngôi vua trong bộ máy nhà nước, ngược lại, ở đâu cách mạng không giành thắng lợi hoàn toàn thì ở đó còn có sự hiện diện và quyền năng của hoàng gia.
Xét về bản chất, nguyên thủ quốc gia là một chế định thuần tuý của nhà nước phong kiến còn rơi rớt lại. Với thắng lợi của Cách mạng Tư sản và việc xác lập chế độ đại nghị, về nguyên tắc, nghị viện là cơ quan nắm quyền lực nhà nước cũng đồng thời có thể “thay mặt nhà nước” hay “đứng đầu nhà nước”. Tuy nhiên, tại một số quốc gia, bên cạnh lý do bảo tồn truyền thống, giai cấp tư sản muốn sử dụng vị thế của nhà vua để phục vụ cho mục đích chính trị của mình nên không xoá bỏ hoàn toàn ngai vàng phong kiến mà vẫn để vua tồn tại để “trị vì nhưng không cai trị”.
Những quốc gia theo chế độ cộng hoà thì tạo lập ra một cơ cấu mới là tổng thống, có vị trí tương tự như vua – vị vua hiến định. Tổng thống được coi là nguyên thủ quốc gia song không còn chuyên chế theo đúng nghĩa của từ này. Bên cạnh việc thực hiện chức năng biểu tượng cho nhà nước, ở các quốc gia tổ chức theo chế độ cộng hòa tổng thống, nguyên thủ quốc gia không những là đứng đầu nhà nước, mà còn trực tiếp là người đứng đầu hành pháp, lãnh đạo hành pháp. Nguyên thủ quốc gia này do nhân dân trực tiếp hoặc gián tiếp bầu ra.
Câu hỏi 71
Thẩm quyền của nguyên thủ quốc gia được quy định như thế nào trong hiến pháp thế giới và Hiến pháp Việt Nam?
Nguyên thủ Quốc gia (vua, nữ hoàng, tổng thống, chủ tịch nước…) nói chung có vai trò không lớn trong đời sống chính trị các quốc gia. Ở những quốc gia thiết lập chế độ cộng hoà tổng thống thì tổng thống có nhiều quyền hành hơn, vì vừa đứng đầu nhà nước, vừa đứng đầu cơ quan hành pháp.
Nguyên thủ quốc gia có vai trò là biểu tượng cho dân tộc, liên kết, phối hợp các nhánh quyền lực thể hiện quan điểm thoả hiệp. Một số hiến pháp trên thế giới còn nhìn nhận vai trò của nguyên thủ quốc gia giống như người bảo vệ hiến pháp (the guardian of the constitution) (như tại Điều 5 Hiến pháp Pháp, Điều 80 Hiến pháp Nga). Khi nhậm chức, nguyên thủ quốc gia phải thề sẽ trung thành và bảo vệ hiến pháp (như tại Điều 2 Hiến pháp Mỹ, Điều 56 Luật Cơ bản Đức, Điều 82 Hiến pháp Nga). Nhà hiến pháp học người Pháp Benjamin Constant (1767 – 1830) cho rằng mỗi một bản hiến pháp cần thiết lập một định chế có tính chất trung lập để đảm bảo rằng các nhánh quyền lực có thể hoạt động một cách trơn tru và có khả năng giải quyết tranh chấp khi có phát sinh(26). Hành pháp của nhà nước tư bản được chia ra làm hai phần là hành pháp tượng trưng và hành pháp thực quyền. Hành pháp tượng trưng của các nhà nước đại nghị trong tay nhà vua hoặc tổng thống, hành pháp thực quyền do thủ tướng nắm.
Ở Việt Nam, thẩm quyền của Chủ tịch nước được Hiến pháp quy định ở Điều 103 (gồm 12 lĩnh vực) và ở một số điều khoản khác có liên quan (như Điều 135 và Điều 139). Có thể phân chia các nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước thành hai nhóm: Nhóm các nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến chức năng đại diện, thay mặt nước về đối nội và đối ngoại (Cử đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam; tiếp nhận Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài; Tiến hành đàm phán, ký kết điều ước quốc tế; Quyết định cho nhập, thôi hoặc tước quốc tịch Việt Nam; Công bố quyết định đại xá và ra quyết định đặc xá…). Nhóm các nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến việc phối hợp các thiết chế quyền lực nhà nước trong các lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp. Để bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của mình Hiến pháp quy định Chủ tịch nước có quyền tham dự các phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Khi xét thấy cần thiết có quyền tham dự các phiên họp của Chính phủ (Điều 105 Hiến pháp). Chủ tịch nước có thẩm quyền ban hành là lệnh và quyết định (Điều 103 Hiến pháp).
Câu hỏi 72
Chính phủ là gì? Có vị trí như thế nào trong bộ máy nhà nước?
So với lập pháp và tư pháp, thì hành pháp là nhánh quyền lực trung tâm của nhà nước. Hiện khoa học pháp lý trên thế giới vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất mô tả khái niệm “hành pháp”, lý do là nhánh quyền lực này ngày nay có phạm vi nhiệm vụ rộng, trong nhiều trường hợp lấn sang các nhánh quyền khác, hơn thế, nó lại có tổ chức rất đa dạng(27).
Thiết chế chính phủ hành pháp cổ điển nhât của thế giới được hình thành trong lịch sử nước Anh nhưng không có một bản văn nào quy định, ngoại trừ một bản văn đề cập đến lương bổng của các vị bộ trưởng mà vào năm 1937 mới được Quốc hội thông qua(28). Hiến pháp Hoa Kỳ chỉ có một lời văn ngắn gọn rằng: “Quyền lực hành pháp sẽ được trao cho Tổng thống của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ” . Nhưng quyền hành pháp bao gồm những gì và cơ cấu của nó ra sao thì không được bản Hiến pháp này nêu rõ. Chính cách quy định trừu tượng và mang tính chất tổng quát này đã giúp cho Tổng thống Mỹ hiện nay có rất nhiều khả năng trong việc điều hành, cũng như ứng phó với nhiều điều kiện hoàn cảnh thay đổi của tình hình trong và ngoài nước. Cách quy định được nhiều người cho rằng “vô tiền nhưng rất khoáng hậu” này không ngờ lại rất phù hợp với chức năng điều hành một đất nước giàu mạnh nhất thế giới hiện nay.
Ở Việt Nam, do tầm quan trọng của Chính phủ trong cấu trúc quyền lực nhà nước, mỗi lần thay đổi hay sửa đổi hiến pháp thì việc xác định lại vị trí, vai trò của Chính phủ – hành pháp lại nổi lên một cách gay gắt. Cuối cùng trong cả bốn bản hiến pháp và lần sửa đổi năm 2001, có tới năm định nghĩa khác nhau về Chính phủ – hành pháp, mỗi lần thay đổi hiến pháp lại có sự thay đổi về mặt ngôn từ. Nhưng suy ra định nghĩa của Hiến pháp năm 1946 có phần đúng và cô đọng hơn cả, theo đó thì chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
“Hành chính” (administration) và “hành pháp” (executive), đều là từ Hán – Việt, nhiều khi khó phân biệt, cùng được dùng để chỉ các hành vi của cơ quan mà hoạt động nhằm mục đích thực hiện các văn bản của cơ quan chính trị do dân bầu ra(29). Hành chính nhà nước cao nhất – Chính phủ phải khác với hành chính nhà nước khác (hành chính cấp trung gian và hành chính cấp cơ sở). Hành chính nhà nước cao nhất có điểm giống hành chính nhà nước trung gian và cơ sở ở chỗ cùng tổ chức thực hiện các quyết định của luật pháp. Nhưng việc thực hiện luật của hành chính nhà nước cao nhất chỉ tập trung vào việc chi tiết hóa luật thông qua hoạt động lập quy và tham gia vào hoạt động lập pháp của Quốc hội.
Câu hỏi 73
Tổ chức của chính phủ được quy định như thế nào trong hiến pháp thế giới và Hiến pháp Việt Nam?
Tổ chức của chính phủ, thường được hiểu là cơ cấu và thành phần của chính phủ, phụ thuộc vào hình thức tổ chức nhà nước và thường không được quy định rõ trong các hiến pháp. Ở các nhà nước theo chế độ đại nghị, chính phủ là một tập thể hành động bao gồm Thủ tướng và các bộ trưởng. Thủ tướng là người đứng đầu chính phủ, do nghị viện (quốc hội) bầu ra, thường là thủ lĩnh của đảng cầm quyền. Thủ tướng có quyền chỉ định các bộ trưởng để nghị viện phê chuẩn. Thủ tướng và các bộ trưởng phải là nghị sỹ. Ở các nước theo chế độ cộng hòa tổng thống (như Hoa Kỳ, Philippin), thay vì việc thiết lập chính phủ, Tổng thống bổ nhiệm có sự phê chuẩn của nghị viện các thư ký (secretary) cho từng lĩnh vực (tương đương với bộ trưởng ở chế độ đại nghị). Tổng thống và các thư ký (bộ trưởng) không đồng thời là nghị sỹ.
Theo Điều 110 Hiến pháp Việt Nam 1992, thành phần của Chính phủ gồm có Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và các thành viên khác. Số Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ do Quốc hội quyết định. Thủ tướng do Quốc hội bầu, miễn nhiệm và bãi nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch nước. Thủ tướng trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Ngoài Thủ tướng, các thành viên khác của Chính phủ không nhất thiết là đại biểu Quốc hội.
Cơ cấu của Chính phủ hiện bao gồm 22 bộ và cơ quan ngang bộ. Các bộ được tổ chức theo chiều dọc theo các ngành kinh tế, xã hội của quốc gia. Xu hướng thành lập các bộ đa ngành đã giúp giảm bớt số lượng các bộ. Các cơ quan ngang bộ gồm Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước; Ủy ban dân tộc và Thanh Tra Chính phủ.
Câu hỏi 74
Thẩm quyền của chính phủ được quy định như thế nào trong hiến pháp thế giới và Hiến pháp Việt Nam?
Nhiệm vụ và quyền hạn của chính phủ trong hiến pháp trên thế giới được qui định rất khác nhau, điều này phần nào bởi sự đa dạng của đời sống chính trị, xã hội các quốc gia. Chẳng hạn, thẩm quyền của Chính phủ CHLB Đức được phân chia thành hai nhóm: những thẩm quyền mà Thủ tướng hoặc Bộ trưởng chịu trách nhiệm cá nhân và những thẩm quyền mà tập thể Chính phủ chịu trách nhiệm. Thủ tướng Đức có quyền điều hành Chính phủ, quyền quyết định về tổ chức và nhân sự và quyền đưa ra những quyết sách, xác lập đường lối chính trị của Chính phủ. Tập thể Chính phủ Đức có thẩm quyền trình dự án luật, trình dự án ngân sách và chi tiêu theo ngân sách, ban hành các văn bản pháp qui, giám sát việc thi hành luật thông qua các cơ quan hành chính của bang… Mỗi bộ trưởng điều hành một lĩnh vực độc lập và chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng. Thủ tướng không có quyền can thiệp vào hoạt động nội bộ của bộ, trừ khi đó là trường hợp quan trọng và khẩn cấp được qui định cụ thể.
Theo Điều 112 Hiến pháp Việt Nam 1992, Chính phủ có các nhiệm vụ và quyền hạn cơ bản như sau: lãnh đạo công tác của các Bộ, các cơ quan ngang Bộ và các cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp; hướng dẫn, kiểm tra Hội đồng nhân dân thực hiện các văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên; tạo điều kiện để Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo luật định; đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp và sử dụng đội ngũ viên chức Nhà nước; trình dự án luật, pháp lệnh và các dự án khác trước Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội; thống nhất quản lý việc xây dựng, phát triển nền kinh tế quốc dân; thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; quản lý và bảo đảm sử dụng có hiệu quả tài sản thuộc sở hữu toàn dân; quyết định việc điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Câu hỏi 75
Thủ tướng Chính phủ là ai? Thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ được quy định như thế” nào trong hiến pháp thế” giới và Hiến pháp Việt Nam?
Trong lịch sử Anh quốc, lúc mới xuất hiện chính phủ, các thành viên chính phủ là ngang bằng nhau về nghĩa vụ và trách nhiệm, tất cả đều là hạng quan Thượng thư (của Viện Cơ mật) và hoạt động theo chế độ bàn bạc tập thể để tư vấn cho nhà vua. Sau này, các quan Thượng thư càng ngày càng gắn bó, ràng buộc lẫn nhau, cùng với việc nhà vua càng ngày càng trở nên hình thức, dần dần thủ tướng (quan Thượng thư thứ nhất) ngày càng có uy tín và trở thành người đứng đầu Chính phủ. Thủ tướng chịu trách nhiệm trước nghị viện và báo cáo công tác với nghị viện. Càng ngày Thủ tướng trở thành người có nhiều quyền lực nhất ở chế độ đại nghị. Nội các – Chính phủ trở thành tổ chức hoàn toàn dưới sự lãnh đạo của thủ tướng. Ở chế độ cộng hòa tổng thống không có thủ tướng, vì tổng thống được dân bầu ra đồng thời là người đứng đầu hành pháp (hành pháp “một đầu”). Nguyên thủ quốc gia có toàn quyền lãnh đạo hành pháp theo chế độ thủ trưởng.
Cũng như quy định về quốc hội, hiến pháp các nước XHCN, trong đó có Việt Nam, thường liệt kê tương đối chi tiết thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn của chính phủ và của người đứng đầu chính phủ. Điểm mới của hiến pháp thời kỳ chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường là chỉ rõ trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ. Theo Điều 114 Hiến pháp 1992, Thủ tướng Chính phủ có những nhiệm vụ và quyền hạn cơ bản sau đây: lãnh đạo công tác của Chính phủ, các thành viên Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp; chủ toạ các phiên họp của Chính phủ; đề nghị Quốc hội thành lập hoặc bãi bỏ các Bộ và các cơ quan ngang Bộ; Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các Thứ trưởng và chức vụ tương đương; phê chuẩn việc bầu cử, miễn nhiệm, điều động, cách chức Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những quyết định, chỉ thị, thông tư của Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ, quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp, luật và các văn bản của các cơ quan nhà nước cấp trên; đình chỉ việc thi hành những nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp, luật và các văn bản của các cơ quan nhà nước cấp trên, đồng thời đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội bãi bỏ .
Câu hỏi 76
Toà án là gì? Có vị trí như thế nào trong bộ máy nhà nước?
Tại hầu hết các quốc gia, tòa án được xác định là cơ quan tư pháp(30). Trong các nền dân chủ hiện đại, các nhà nước đều thừa nhận sự cần thiết phải tách biệt quyền tư pháp khỏi quyền lập pháp và quyền hành pháp, đồng thời thiết lập một hệ thống cơ quan độc lập thực hiện quyền tư pháp là tòa án.
Tòa án có nhiệm vụ việc giải thích pháp luật và xét xử các tranh chấp (giữa nhà nước với các chủ thể tư, giữa các chủ thể tư với nhau). Tòa án là cơ quan duy nhất được hiến pháp và pháp luật trao cho nhiệm vụ xét xử (tài phán) dựa trên cơ sở của pháp luật. Việc xét xử các tranh chấp hay kết tội một cá nhân vi phạm pháp luật hình sự cần hết sức thận trọng vì ảnh hưởng rất lớn đến danh dự, nhân phẩm, tài sản, sức khoẻ, tính mạng và các quyền lợi ích khác của họ. Việc quy định Toà án nhân dân là cơ quan duy nhất có quyền xét xử là nhằm bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tránh những việc làm tuỳ tiện vì không phải bất cứ ai hoặc tổ chức nào cũng thẩm quyền ra phán quyết cuối cùng. Hoạt động xét xử là hoạt động nhân danh quyền lực nhà nước nên được bảo đảm thực hiện bởi sức mạnh cưỡng chế của nhà nước.
Hoạt động xét xử cũng là hoạt động bảo vệ pháp luật. Thông qua hoạt động xét xử, mục đích, ý nghĩa của quy phạm pháp luật được bảo đảm thực hiện. Khi có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật, hoạt động xét xử có ý nghĩa khôi phục giá trị của các quy định pháp luật đó. Ngoài ra, hoạt động xét xử còn bảo vệ pháp luật bằng việc góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật. Thông qua thực tiễn xét xử, có thể thấy được hiệu quả của pháp luật, trên cơ sở đó có những hướng hoàn thiện.
Trong khi ở nhiều quốc gia “tư pháp” chỉ được dùng chỉ hoạt động của tòa án, ở Việt Nam, “tư pháp” được hiểu là hoạt động của cả các tòa án, viện kiểm sát và các cơ quan điều tra. Điều 126 Hiến pháp Việt Nam 1992 quy định chung: “Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, trong phạm vi chức năng của mình, có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế XHCN , bảo vệ chế độ XHCN và quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể, bảo vệ tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân.”
Điều 127 Hiến pháp 1992 quy định chỉ các tòa án (Toà án nhân dân tối cao, các Toà án nhân dân địa phương, các Toà án quân sự và các Toà án khác do luật định) là “những cơ quan xét xử”. Cụ thể hóa nguyên tắc hiến định này, Điều 1 Luật Tổ chức Toà án nhân dân quy định “Chỉ có các Tòa án nhân dân và các Tòa án khác mới được quyền xét xử những vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, lao động kinh tế, và những vụ án khác theo quy định của pháp luật”.
Câu hỏi 77
Tổ chức của toà án được quy định như thế nào trong hiến pháp thế giới và Hiến pháp Việt Nam?
Trên thế giới, tòa án được tổ chức rất đa dạng phụ thuộc vào điều kiện chính trị, lịch sử của mỗi quốc gia, nhất là cấu trúc lãnh thổ của nhà nước liên bang hay đơn nhất. Điểm chung nhất giữa các quốc gia về việc tổ chức các tòa án nằm ở việc thể hiện tính độc lập của tòa án với các bộ phận khác của nhà nước. Nguyên tắc phân quyền giữa được thể hiện rõ nét nhất ở việc tổ chức và hoạt động của các cơ quan xét xử.
Mặc dù là quốc gia non trẻ, Hoa Kỳ lại sớm có nhiều biện pháp kiên quyết nhằm tạo ra sự độc lập của tòa án. Hệ thống tòa án Hoa Kỳ được thành lập song song ở liên bang và tiểu bang tương ứng với hai hệ thống pháp luật liên bang và pháp luật tiểu bang. Tòa án Tối cao Liên bang gồm 9 thẩm phán được bổ nhiệm suốt đời. Thuở ban đầu, Hiến pháp Hoa Kỳ không quy định một cách trực tiếp tòa án có thẩm quyền xét xử hành vi hiến, nhưng bằng các án lệ sau này, các tòa án đều có thẩm quyền xét xử các hành vi vi hiến (mô hình bảo hiến phân tán). Ở Đức, tòa án được thiết kế thành năm loại hình, ngoài ra còn có tòa án hiến pháp được tổ chức ở cấp liên bang và mỗi bang. Ở Pháp, hệ thống tư pháp được phân chia thành hệ thống tòa án tư pháp và hệ thống tòa án hành chính. Các tòa án tư pháp giải quyết các vụ án dân sự và hình sự, đồng thời được tổ chức thành các tòa sơ thẩm, tòa phúc thẩm và tòa phá án. Các tòa hành chính giải quyết các vụ kiện đối với các cơ quan nhà nước và được tổ chức thành trọng tài hành chính, tòa phúc thẩm hành chính và Hội đồng nhà nước. Tại Nhật Bản, cơ quan tư pháp Nhật Bản gồm Tòa án Tối cao, tám tòa án cao cấp và các tòa án địa phương, tòa án gia đình. Tòa án Tối cao của Nhật Bản gồm Chánh án được Nhật hoàng bổ nhiệm và 14 thẩm phán do Nội các chọn.
Điều 127 Hiến pháp Việt Nam 1992 quy định hệ thống các cơ quan xét xử gồm có: Toà án nhân dân tối cao, các tòa án địa phương (toà án nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện), các toà án quân sự (gồm cấp trung ương, cấp quân khu và cấp khu vực). Tổ chức và hoạt động của các toà án hiện nay về cơ bản theo nguyên tắc lãnh thổ kết hợp với thẩm quyền xét xử. Tuy nhiên, theo Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, hệ thống toà án nhân dân sẽ được đổi mới tổ chức theo thẩm quyền xét xử mà không phụ thuộc vào đơn vị hành chính.
Câu hỏi 78
Tại sao tính độc lập của toà án lại quan trọng? Hiến pháp trên thế giới và Hiến pháp Việt Nam quy định như thế nào về vấn đề này?
Tính độc lập của tòa án (độc lập tư pháp) là một nguyên tắc quan trong bậc nhất của tất cả các nguyên tắc điều chỉnh việc tổ chức và hoạt động của tòa án. Nguyên tắc này được sinh ra do đòi hỏi phải thực hiện chức năng xét xử một cách công bằng. Ngay từ tác phẩm “Tinh thần pháp luật” (1748), Montesquieu đã cảnh báo về sự hguy hiểm của việc không tách rời các quyền tư pháp với các quyền lập pháp và hành pháp. Sự độc lập của toà án khỏi lập pháp và hành pháp là một trong những bảo đảm quan trọng đối với nguyên tắc bình đẳng, bảo vệ các quyền con người, chống lại tình trạng tham nhũng, lợi dụng quyền lực của những nhà cầm quyền. Trong cơ cấu bộ máy nhà nước, lập pháp và hành pháp bao giờ cũng phải phối hợp với nhau ở mức độ nhất định, nhưng tư pháp phải luôn riêng rẽ để có thể phán xét về sự sự đúng sai của hai ngành quyền lực kia.
Trên thế giới, hiến pháp các quốc gia đều có các qui định đảm bảo cho tòa án độc lập. Nội dung thể hiện nguyên tắc độc lập của tư pháp rất đa dạng, ở nhiều khía cạnh, cấp độ. Trước hết, về thể chế, hệ thống cơ quan tòa án phải độc lập, sau đến là các thẩm phán người thực hiện hoạt động xét xử phải độc lập. Các thẩm phán phải hội đủ các điều kiện đảm bảo sự độc lập cả với bên trong và bên hgoài tòa án (về tiêu chuẩn thẩm phán, nhiệm kỳ thẩm phán đủ dài, về thu nhập…).
Ở Việt Nam, Điều 130 Hiến pháp 1992 quy định; “Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Như vậy, quy định này mới chỉ dừng lại ở việc khẳng định cần độc lập “khi xét xử”. Không thể có sự độc lập khi xét xử, trong khi các công đoạn khác của cả một quy trình tố tụng không được tuyên bố là độc lập, nhất là trong cuộc sống của thẩm phán và hội thẩm vẫn còn phải phụ thuộc vào các cơ quan lập pháp, hành pháp và nhiều chủ thể nắm quyền lực khác. Trước đây, Việt Nam thực hiện chế độ bổ nhiệm thẩm phán, nhưng từ năm 1960 đến trước khi có Hiến pháp 1992, chế độ bầu cử thẩm phán đã được thực hiện ở các cấp toà án. Hiến pháp 1992 đã thay nguyên tắc bầu thẩm phán bằng nguyên tắc bổ nhiệm thẩm phán (Điều 128). Nguyên tắc này đảm bảo cho nhà nước chọn được những hgười có đủ các điều kiện cần thiết để trở thành thẩm phán.
Câu hỏi 79
Cơ quan công tố là gì? Có vị trí như thế nào trong bộ máy nhà nước?
Cơ quan công tố ở hầu hết các nước trên thế giới được quan niệm là cơ quan thực hiện chức năng buộc tội, truy tố người bị cáo buộc là vi phạm pháp luật hình sự ra trước tòa án. Trong hệ thống các nước XHCN trước đây, theo mô hình của Liên Xô, tồn tại hệ thống cơ quan gọi là Viện kiểm sát. Hệ thống Viện kiểm sát, bên cạnh chức năng kiểm sát toàn bộ hoạt động của các cơ quan nhà nước từ cấp bộ trở xuống, có chức năng công tố.
Cho đến hiện nay, Viện kiểm sát ở Việt Nam được xác định như là một bộ phận quan trọng của hoạt động tư pháp (bao gồm Tòa án, Viện Kiểm sát và cơ quan Điều tra). Chính vì vai trò này mà cả Tòa án và Viện Kiểm sát được Hiến pháp 1992 quy định trong một chương riêng – Chương X với tên gọi là “Tòa án Nhân dân và Viện Kiểm sát Nhân dân.” Điều 137 Hiến pháp quy định: “Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Các Viện kiểm sát nhân dân địa phương, các Viện kiểm sát quân sự thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong phạm vi trách nhiệm do luật định.”
Hiến pháp 1992, trong lần sửa đổi năm 2001, đã bỏ chức năng kiểm sát chung của hệ thống Viện Kiểm sát, nhằm giảm sự chồng chéo giữa các cơ quan thực hiện chức năng kiểm tra, thanh tra, giám sát, cũng như để tập trung hơn vào chức năng công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp (bao gồm hoạt động điều tra, xét xử và thi hành án).
Câu hỏi 80
Tổ chức của cơ quan công tố được quy định như thế nào trong hiến pháp thế giới và Hiến pháp Việt Nam?
Nhìn chung, cơ quan công tố của các quốc gia trên thế giới được tổ chức theo hai mô hình là cơ quan công tố trực thuộc Bộ Tư pháp (như Mỹ, Pháp, Đức, Ba Lan, Nhật Bản…) và cơ quan công tố trực thuộc các tòa án (như Italia, Tây Ban Nha.). Ở Việt Nam, cũng như nhiều nước XHCN trước đây, chức năng công tố thuộc về Viện kiểm sát do Quốc hội thành lập, hệ thống cơ quan này tồn tại song song với hệ thống tòa án.
Tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân ở Việt Nam được quy định tại Chương X của Hiến pháp 1992, sửa đổi năm 2001. Các Viện kiểm sát nhân dân ở nước ta bao gồm: Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Viện kiểm sát nhân dân địa phương (cấp tỉnh và cấp huyện), các Viện kiểm sát quân sự (gồm cấp trung ương, cấp quân khu và cấp khu vực).
Viện kiểm sát nhân dân tối cao gồm có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, các kiểm sát viên và các điều tra viên. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao do Quôc hội bầu ra theo sự giới thiệu của Chủ tịch nước. Các Phó Viện trưởng, kiểm sát viên, và các điều tra viên Viện Kiểm sát tối cao do Chủ tịch nước bổ nhiệm theo đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
http://anhbasam04.wordpress.com/hien-phap/6-abc-ve-hien-phap-83-cau-hoi-dap/phan-ii-cac-noi-dung-co-ban-cua-hien-phap/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét