Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

Khi tài nguyên đất được bán cho nước ngoài

(Petrotimes) - Xu hướng nhiều nước đang phát triển bán đất cho nước ngoài ngày càng bùng nổ. Der Spiegel (19/2/2013) cho biết, thời điểm hiện tại, 100% đất canh tác của Liberia đã được “cấp sổ đỏ” cho nước ngoài; khoảng nửa diện tích đất nông nghiệp Philippines cũng thuộc sở hữu nước ngoài; tỷ lệ trên ở Gabon là 86%, Sierra Leone là 41%, Papua New Guinea là 33%...
Đua nhau mua đất!
Theo báo cáo 23 trang của Deutsche Bank (DB Research) công bố ngày 13/11/2012, từ năm 2000 đến nay, 83 triệu ha đất tại các nước đang phát triển đã rơi vào tay nước ngoài và hầu hết đều xảy ra tại những nước nghèo với sự lỏng lẻo quản lý đất đai và tham nhũng của chính phủ sở tại. Tổ chức Oxfam International cho biết, cứ mỗi giây, một diện tích bằng 9 lần sân bóng đá lại được bán cho nước ngoài (Global Enquirer 16/10/2012)! Chuyện gì sẽ xảy ra khi tài nguyên đất bị chuyển quyền sở hữu cho ngoại quốc? Dân địa phương được gì, có hưởng được lợi ích hai chiều (win-win) như giới đầu tư nước ngoài khẳng định, hay thật ra chỉ “từ thua đến thua”?
Tỷ lệ đất bị bán với tỷ lệ sở hữu của người mua tại một số nước
Ngày 16/11/2011, Cristian Ferreyra, 25 tuổi, sống tại San Antonio, ngôi làng phía bắc Santiago del Estero ở Argentina, bị 2 kẻ mang mặt nạ bắn chết ngay trước cửa nhà. “Tội” của nạn nhân là từ chối rời mảnh đất của mình để nhường chỗ cho một đồn điền đậu nành. Trước đó không lâu, ngày 26/10/2011, 1 nông dân cũng bị giết và 21 người khác bị thương khi họ chống lại một vụ cưỡng đất tại làng Fanaye ở Bắc Senegal, nằm trong vùng được khoanh và đánh dấu là “tái quy hoạch” với diện tích tổng cộng 20.000ha, mà “nhà nước” đã bán cho một nhà đầu tư Italia để trồng khoai tây và hướng dương nhằm sản xuất nhiên liệu sinh học cung cấp cho thị trường châu Âu. Dự án lớn này khiến nhiều ngôi làng bị xóa sổ, phá hủy toàn bộ những bãi cỏ xanh mướt cho gia súc và thậm chí giải tỏa nhiều nghĩa trang và giáo đường địa phương...

Làng Fanaye không là trường hợp cá biệt ở Senegal. Trong vài năm, gần nửa triệu ha đất ở nước này đã được sang tay cho các tập đoàn nông nghiệp ngoại quốc. Tương tự, 1/2 đất canh tác thuộc vùng Gambela tại Ethiopia, giáp giới Nam Sudan, đã rơi vào tay Ấn Độ, Arập và một số nhà đầu tư nước khác; trong khi Ethiopia tiếp tục sống trong tình trạng đói nghiêm trọng và lệ thuộc gần như hoàn toàn vào viện trợ lương thực Liên Hiệp Quốc (LHQ), theo Foreign Policy in Focus 31/5/2012 (nguồn The Economist cho biết thêm, Chương trình lương thực thế giới LHQ phải chi tương đương số tiền mà giới đầu tư nước ngoài bỏ ra mua đất Ethiopia, tức 116 triệu USD, để cung cấp 230.000 tấn lương thực cho nước này từ năm 2007-2011). Làn sóng thu tóm đất cũng đang lan rộng tại nhiều nước châu Á, trong đó có Lào, Campuchia và Myanmar - nơi 216 công ty đang khai thác 708.200ha đất (Asia Times 8/3/2013)...

Không như “thực dân kiểu cũ”, khi mà một phi vụ đất đai được xem là lớn cũng chỉ khoảng 100.000ha, ngày nay, “tân thực dân” (“neocolonialist”, từ của Jacques Diouf, Giám đốc Tổ chức Nông lương LHQ 1994-2011), những vụ mua bán “cò con” như vậy không còn đáng gây chú ý. Chỉ riêng tại Sudan, Hàn Quốc đã ký hợp đồng mua 690.000ha; Tiểu vương quốc Arập thống nhất mua 400.000ha và Ai Cập cũng mua với diện tích tương tự. Theo tài liệu 15 trang của nhà nghiên cứu Sheila Oviedo công bố tháng 7-2011, năm 2008, Madagascar thậm chí đồng ý cho Tập đoàn Daewoo Logistics thuê 1.294.994ha (gần 1/2 đất canh tác nước này) trong thời hạn 99 năm (vụ việc khiến làn sóng chống đối dữ dội bùng nổ dẫn đến cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Marc Ravalomana vào tháng 3/2009 và hợp đồng Daewoo tất nhiên bị hủy)...

Trong cuộc chiến “giành đất” toàn cầu, Trung Quốc dĩ nhiên không đứng ngoài cuộc, nếu không nói là một trong những nước đứng đầu danh sách người mua. Theo báo cáo 32 trang của Viện Phát triển bền vững Quốc tế công bố tháng 8/2012, tổ chức chuyên nghiên cứu hồ sơ đất toàn cầu Land Matrix cho biết, Trung Quốc hiện có 86 dự án với tổng diện tích 8,3 triệu ha tại các nước đang phát triển, trong đó có dự án 1 triệu ha trồng đậu nành tại Kazakhstan; dự án 2,8 triệu ha tại Congo.

Phần thiệt về ai?

Tại sao nước giàu phải mua đất ở các nước nghèo? An ninh lương thực là câu trả lời. Việc bảo đảm nguồn lương thực dự trữ quốc gia đang trở thành mục tiêu chiến lược đối với nhiều nước, trong tình hình giá lương thực tăng nhanh bởi biến động thời tiết ngày càng khó lường, bởi tình trạng khô hạn diễn ra gay gắt tại nhiều vùng thế giới và cũng bởi nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng khiến canh nông khó khăn như những gì đang xảy ra tại vài nước, đặc biệt Trung Quốc… Làn sóng mua đất càng thuận lợi khi nhiều nước nghèo đưa ra nhiều “chính sách ưu đãi” khuyến khích người mua. Sudan cho phép giới đầu tư nước ngoài xuất khẩu đến 70% sản lượng mà họ thu được (trong khi nước này tiếp tục ngửa bát xin LHQ viện trợ cái ăn!). Rao bán hoặc cho thuê dài hạn nửa triệu ha đất, Pakistan cũng đưa ra chiêu “hậu mãi” hấp dẫn, bằng việc hứa cung cấp lực lượng an ninh 100.000 người giúp bảo vệ tài sản cho giới chủ đầu tư...

Tại sao lại phải can tâm bán đất? Với nhiều nước nghèo, việc bán đất được xem là giải pháp tốt nhất để “giúp phát triển nông nghiệp địa phương”, trong khi bản thân họ thiếu nguồn vốn lẫn kỹ thuật. Cùng lúc, họ cũng bùi tai khi nghe những hứa hẹn từ giới chủ đầu tư nước ngoài: cung cấp giống mới; hợp tác nghiên cứu phát triển cây trồng; mang lại công ăn việc làm cho dân bản địa; hỗ trợ xây trường học, bệnh xá và cầu đường… Vấn đề ở đây, theo cách nói của giới đầu tư nước ngoài, là cần nhìn ở góc độ hợp tác hai bên cùng có lợi chứ chẳng ai lợi dụng ai và khai thác vơ vét tài nguyên sở tại để làm giàu riêng càng không! Đó là những gì giới đầu tư, trong đó có Trung Quốc, đã và đang nói ở châu Phi (tính đến năm 2009, Trung Quốc đã dựng 11 “trung tâm nghiên cứu nâng cao năng suất” tại Lục địa đen - theo The Economist).

Tuy nhiên, sự có mặt của giới đầu tư nước ngoài đã tạo ra nhiều xáo trộn ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống người dân địa phương, chỉ nói riêng về mặt xã hội, chưa nói đến kinh tế. Điều đó có thể thấy rõ với sự thể hiện mức độ bất mãn tăng dần và lan rộng của người dân bản địa, khi trong nhiều trường hợp, chính phủ đã bỏ ngoài tai và dùng quyền cai trị áp đặt để buộc phải vâng theo. Những mảng lớn diện tích quy hoạch mới đã khiến nhiều cộng đồng thiểu số bị đánh bật khỏi vùng đất mà tổ tiên nhiều đời qua nhiều thế kỷ để lại. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết, có đến 1,5 triệu người Ethiopia phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn bởi những dự án “tái quy hoạch” giao đất cho nước ngoài. Thử xem một trường hợp (dẫn lại từ The Observer 20/5/2012) thuộc bộ lạc Anuak, Omot Ochan kể: “Mảnh đất này thuộc sở hữu của cha tôi. Khắp quanh đây đều thuộc dòng tộc nhà tôi, trải rộng khoảng 2 ngày đi bộ”. Chỉ cái cây phía xa xa được đánh dấu như cột mốc phân giới với ngôi làng kế bên, Ochan nói tiếp: “Khi cha tôi mất, ông cụ nói “Đừng rời bỏ đất đai”. Chúng tôi đã hứa với cụ. Chúng tôi không thể giao nó cho người nước ngoài”. Tuy nhiên, Chính phủ Ethiopia đã bán nó cho giới đầu tư ngoại quốc.

Chua chát hơn, trong nhiều trường hợp, chính phủ sở tại thật ra chẳng thu lợi được bao nhiêu từ việc “xà xẻo” nguồn tài nguyên đất bán cho nước ngoài. Năm 2011, một tập đoàn nông nghiệp thuộc hàng top 25 tập đoàn lớn nhất thế giới, Karuturi Global (Ấn Độ), đã ký hợp đồng thuê 250.000ha tại Ethiopia trong 50 năm với giá chỉ 230USD/tuần! Oxfam International cho biết, vài khu đất ở châu Phi được bán với giá không đến 1USD/ha trong khi tại Nam Sudan thì giá thuê được đề nghị chỉ vỏn vẹn 2,5 cent (US)/ha! Trong quyển Land Grabbing: How the market for land is creating a new colonialism, nhà báo Italia Stefano Liberti cho biết, một tập đoàn Ấn Độ đã thuê 300.000ha đất Ethiopia với giá chỉ 1USD/năm/ha để canh tác lúa mì, dầu cọ và đường cung cấp chủ yếu cho thị trường Ấn (IPS News 23/4/2012)! Dân Ethiopia chẳng được gì từ những thương vụ đất này - Liberti nói - bởi công ty nước ngoài trả lương bèo bọt cho nông dân bản địa, trong khi họ được hưởng thuế thấp và quan trọng nhất là được dùng nguồn nước miễn phí. Tại Algeria, tình hình diễn ra tương tự. Với 31.000ha đất thuê ở nước này, Tập đoàn Al Qudra Holding (Abu Dhabi) đầu tư vào các nông trại khoai tây, dầu olive và nhà máy sản xuất sản phẩm bơ sữa - tất cả dành để xuất khẩu (Al Qudra Holding đang có kế hoạch đầu tư thuê đất ở Morocco, Pakistan, Syria, Sudan, Ấn Độ và Việt Nam để tăng “nguồn đất” của họ lên 400.000ha)…

Viết trên New York Times (5/2/2013), chuyên gia Michael Kugelman thuộc Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson cho biết, một công ty Thụy Sĩ từng cam kết tạo ra 2.000 việc làm cho nông dân địa phương khi họ thuê 39.885ha tại Makeni (Sierra Leone) trong 50 năm. Trong 3 năm đầu tiên, họ chỉ tạo ra được 50 việc làm! Nhiều nhà đầu tư, đặc biệt Trung Quốc, lại sử dụng nguồn nhân lực riêng và cũng không chia sẻ kỹ thuật chuyên môn với người bản địa. Thực tế cho thấy có đến khoảng 2/3 nhà đầu tư nước ngoài tại các nước đang phát triển đã xuất khẩu nông sản khai thác được đến các thị trường thế giới hoặc “hốt của” về nước mình. Năm 2008, trên những mảnh đất phì nhiêu Sudan, giới đầu tư Tiểu vương quốc Arập thống nhất đã trồng lúa miến, loại lương thực chủ yếu của người bản địa, để mang về nuôi… lạc đà nước họ!

Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Dầu thực vật Brazil, Carlo Lovatelli, cũng từng nói với New York Times rằng, khi “Trung Quốc xuất hiện, họ chỉ hăm hở tìm mua đất, tìm đối tác đáng tin nhưng những gì họ làm luôn là chơi trọn buổi diễn một mình”. Không như một số nhà đầu tư nước ngoài, khi việc mua đất thường được thực hiện bởi các tập đoàn tư nhân, với Trung Quốc, chính phủ nước này lại lấp ló giật dây phía sau hậu trường. Năm 2008, Financial Times cho biết họ tiếp cận được một kế hoạch của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đề cập việc “mua đất ở nước ngoài bởi các công ty nông nghiệp trong nước như là một chính sách của chính phủ trung ương” (dẫn từ báo cáo của Viện Phát triển bền vững quốc tế, với hai trong ba tác giả là người Trung Quốc)...

Ngọc Trí
http://petrotimes.vn/news/vn/quoc-te/the-gioi-phang/khi-tai-nguyen-dat-duoc-ban-cho-nuoc-ngoai.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét