Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

'Phê như con tê tê' góp nhặt ngôn ngữ người trẻ

'Phê như con tê tê' góp nhặt ngôn ngữ người trẻ

Một bức vẽ trong cuốn "Phê như con tê tê".
Tập 'Thành ngữ sành điệu' bằng tranh vừa tái xuất với nhiều câu nói đời thường tếu táo.Tên sách: Phê như con tê tê
Tác giả: Thành Phong / Nhã Nam và NXB Văn học liên kết thực hiện
Phê như con tê tê là cuốn sách tập hợp kèm minh họa bằng tranh những thành ngữ, tục ngữ hoặc những “câu cửa miệng”. Những câu này không chỉ được giới trẻ dùng mà không ít người lớn tuổi đã sử dụng chúng một cách thoải mái, vui vẻ… Cuốn sách được thực hiện theo ý tưởng của nhóm tác giả, được họa sĩ Thành Phong thể hiện bằng những minh họa sinh động, hài hước. Đây được xem là phiên bản mới của cuốn Sát thủ đầu mưng mủ gây xôn xao dư luận vào năm 2011.
Bìa sách "Phê như con tê tê".

Tháng 8/2011, tập “thành ngữ sành điệu” Sát thủ đầu mưng mủ do Nhã Nam liên kết với Nhà xuất bản Mỹ Thuật ra đời gây nhiều tranh luận trong bạn đọc và giới báo chí... Nhiều người đồng tình, chia sẻ với nội dung cuốn sách. Nhưng không ít ý kiến chê bai, phản đối gay gắt ấn phẩm này. Sau đó, NXB Mỹ Thuật quyết định ngừng phát hành cuốn sách để thẩm định nội dung.

Sau một thời gian dài lắng nghe những ý kiến đóng góp của bạn đọc, nhóm tác giả cùng đơn vị xuất bản rà soát lại toàn bộ danh mục các thành ngữ có minh họa củaSát thủ đầu mưng mủ trước kia. Tên cuốn sách được thay đổi để phù hợp với nội dung hơn. Sách cũng có lời giới thiệu tương đối đầy đủ, phân tích rõ ràng cụ thể của Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Văn Tình, một chuyên gia về ngôn ngữ là hiện là Phó Tổng biên tập Tạp chí Từ điển học. Tại bìa 4, cuốn sách được bổ sung các lời nhận xét ngắn gọn của Giáo sư Văn Như Cương, Giáo sư Tiến sĩ ngôn ngữ học Hoàng Dũng và nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên.

“Giới trẻ có cách ăn nói tếu táo của họ, sao lại bắt họ phải nghiêm chỉnh mới cho là hay? Còn chuyện lệch về đạo đức thì không đến nỗi như thế... Giới trẻ muốn khẳng định mình và ở đây là khẳng định bằng ngôn ngữ của riêng họ…”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ ngôn ngữ học Hoàng Dũng nhận định. Còn Giáo sư - Tiến sĩ ngôn ngữ học Phạm Đức Dương cho rằng: “… ngôn ngữ truyền thông đại chúng của Việt Nam đặc biệt phát triển. Tôi nghĩ cần có những người sưu tầm giới thiệu những từ ngữ mới... Việc sưu tập lại các thành ngữ mà hiện nay giới trẻ đang sử dụng trong ngôn ngữ đời sống hằng ngày của họ, như tập sách này là rất đáng cổ vũ”.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên chia sẻ, có thể vài năm nữa, những câu nói trong Phê như con tê tê sẽ không còn được sử dụng. Vì thế, cuốn sách chính là tài liệu giúp tìm hiểu ngôn ngữ đường phố, ngôn ngữ thành thị một thời của lứa tuổi trẻ.

Tác giả cuốn sách là họa sĩ Thành Phong. Anh sinh năm 1986, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Thành Phong sinh ra trong một gia đình có truyền thống hội họa. Bố anh là Phó giáo sư, trưởng khoa Điêu khắc Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Mẹ là Thạc sĩ, giảng viên khoa Sư phạm Mỹ thuật (ĐH Sư phạm Nghệ thuật trung ương).

Thành Phong là thành viên nhóm vẽ truyện tranh Phong Dương, nổi tiếng trong giới truyện tranh trẻ với những tác phẩm từng trở thành trào lưu cho nét vẽ của truyện tranh Việt Nam. Anh từng tham dự triển lãm Espai Cromatic (Tây Ban Nha), Festival truyện tranh quốc tế Bucheon (Hàn Quốc). Năm 2010, tác phẩm Bicof Story của anh được chọn đăng trong tuyển tập truyện tranh của các họa sĩ trẻ Đông Nam Á. Đến năm 2011, truyện tranh Người hóa hổ trong bộ tranh truyện cổ tích Việt Nam do Nhã Nam xuất bản được trao giải thưởng đặc biệt tại Liên hoan Truyện tranh và hoạt họa trẻ châu Á.


http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/diem-sach/phe-nhu-con-te-te-gop-nhat-ngon-ngu-nguoi-tre-2539667.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét