Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

Đương đầu với Trung Quốc – Khó và dễ

Đương đầu với Trung Quốc – Khó và dễ
Trong số các quốc gia đã từng có đụng độ chiến tranh hoặc hiện đang có tranh chấp về lãnh thổ lãnh hải với Trung Quốc, kể cả những quốc gia vì nhiều nguyên nhân sẽ có mâu thuẫn với Trung Quốc trong tương lai như Hoa Kỳ, có lẽ Việt Nam có nhiều kinh nghiệm cay đắng nhất, và hiểu rõ nhất lòng dạ của nước láng giềng khổng lồ này. Chưa cần tính đến 1.000 năm đô hộ xa xưa, chỉ riêng trong thế kỷ XX, Trung Quốc đã cho Việt Nam nhiều bài học xương máu về “tình hữu nghị đời đời thắm thiết”, và trong thế kỷ XXI, Trung Quốc vẫn sẽ là mối đe dọa lớn nhất đối với sự toàn vẹn lãnh thổ, độc lập về chủ quyền của Việt Nam.
Hiểu rõ nhau
Hơn ai hết, người VN hiểu rõ một điều: đương đầu với Trung Quốc khó hơn tất cả những “cựu thù” trong quá khứ, mà gần đây nhất là Mỹ. Không phải vì Trung Quốc mạnh hơn. Trung Quốc hiện nay chưa là gì so với Mỹ và còn lâu mới vượt được Mỹ về sức mạnh quân sự, quốc phòng, kể cả kinh nghiệm chiến đấu với các nước khác. Trong cuộc chiến tranh giữa VN với Mỹ trước kia, sự chênh lệch về mọi mặt giữa Việt Nam và Hoa Kỳ còn hơn giữa Việt Nam và Trung Quốc bây giờ nhiều.
Cũng chưa hẳn vì lợi thế lớn nhất của Trung Quốc đối với Việt Nam, nếu có xảy ra chiến tranh, so với Mỹ trước kia: Trung Quốc ở ngay sát Việt Nam, núi liền núi, sông liền sông, thổ nhưỡng, văn hóa tương đồng, lại có hai mô hình thể chế chính trị cũng giống nhau. Những người lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc từ bao lâu nay quá hiểu rõ các thế hệ lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam, như đi guốc vào trong bụng, hiểu rõ nội tình chính trị cũng như mọi mặt kinh tế, xã hội của Việt Nam, hơn thế nữa, họ từng là những người thầy, là cố vấn chỉ đạo đường lối chiến lược cho các ông lãnh đạo Việt Nam. Thầy trò, anh em, đồng chí và cũng là kẻ thù truyền kiếp, làm sao không hiểu từng đường đi nước bước của nhau, như đường chỉ trong lòng bàn tay? Điều đó đúng là lợi thế lớn của Trung Quốc, và cũng là cái khó cho Việt Nam khi phải đương đầu với Trung Quốc.
Nhưng cái khó hơn nhiều cho Việt Nam là từ bản chất của nhà cầm quyền Trung Quốc. Thứ nhất là tham vọng bành trướng, tham vọng về lãnh thổ lãnh hải của Trung Quốc là có thật. Đặc biệt trong thời điểm hiện nay khi Trung Quốc đã vượt qua giai đoạn giấu mình chờ thời, đang tràn đầy khao khát muốn vượt qua Mỹ trở thành nước mạnh nhất, giành quyền thống trị toàn cầu, khao khát thực hiện “Giấc mơ Trung Quốc”, “Phục hưng Dân tộc Trung Hoa”-cụm từ được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề cập trong bài “diễn văn nhậm chức” hôm 17. 3 trước Quốc hội và từng nói đến nhiều lần trước đó.

Đối với Việt Nam, về mặt lãnh thổ, Trung Quốc rộng lớn mênh mông là thế nhưng vẫn sẵn sàng lấn ép từng kilomet vuông đất bằng đủ mọi biện pháp, từ lấn chiếm không trả lại sau những lần giao tranh ở biên giới, giành co qua những hiệp ước, hiệp định biên giới đường bộ… Về mặt lãnh hải thì không chỉ Việt Nam mà các nước trong khu vực đều phải đương đầu với tham vọng nuốt trọn biển Đông của Trung Quốc.

Thứ hai, nhà cầm quyền Trung Quốc từ trước đến nay là bậc thầy trong việc nói một đằng làm một nẻo, sẵn sàng nói ngược, nói lấy được. Mà sự kiện tàu Trung Quốc bắn cháy cabin tàu cá ngư dân VN vào ngày 20.3 vừa qua sau đó người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi từ chối xác nhận nhưng lại tự mâu thuẫn khi ngang nhiên tuyên bố “Trung Quốc đã có hành động hợp pháp và thỏa đáng khi nhằm vào tàu cá Việt Nam”, còn “theo Tân Hoa Xã, một sĩ quan hải quân nước này đã công nhận là tàu của Trung Quốc có bắn pháo sáng về hướng của tàu đánh cá VN nhưng hai quả này đã tắt ngay khi còn ở trên không. Đối với viên chức này, không hề có việc tàu TQ đã nổ súng vào tàu VN, hay là các chiếc tàu cá VN bị cháy” (bài “TQ gây hấn, chối tội rồi lại gây hấn”, VietnamNet), trong khi những tấm ảnh chụp tàu cá của ngư dân VN bị cháy tan hoang như thế nào đã được đăng đầy trên báo chí Việt Nam!

Tàu cá VN bị truy đuổi và bị tàu TQ bắn cháy hôm 20 tháng 3. Courtesy nld.

Đây chỉ là một ví dụ mới nhất, và cũng chưa phải là ví dụ điển hình gì cho thói nói ngược của nhà cầm quyền TQ. Luôn luôn tuyên bố TQ trỗi dậy hòa bình, không phương hại gì đến bất cứ quốc gia nào cũng không bao giờ xưng hùng xưng bá nhưng hành động thì lại thường xuyên ngược lại.

Thật ra, về mặt chính trị, chưa chắc có nhà nước nào tử tế hơn nhà nước nào, trong bất cứ mọi cuộc đấu khẩu, đụng độ nhỏ cho tới chiến tranh thật sự giữa các quốc gia, bên nào cũng giành phần lẽ phải, chính nghĩa về mình và đổ lỗi cho đối phương, nhất là những lớn, mạnh thì thường hay lớn giọng lấn át nước nhỏ, yếu. Nhưng vì TQ, cũng giống như Việt Nam, không có báo chí truyền thông độc lập, không có các tổ chức phi chính phủ, các đảng phái đối lập để vạch trần sự dối trá, kìm hãm bớt những việc làm sai trái, cái đầu nóng và tham vọng của nhà cầm quyền như ở Mỹ hay các nước phương Tây, nên sự nguy hiểm nằm ở đó.

Bản chất thâm độc

Trong cuộc chiến tranh VN trước kia, chính sức ép trước hết từ người dân Mỹ, từ báo chí truyền thông của Mỹ, các phong trào phản chiến ngay trên đất Mỹ cộng thêm dư luận quốc tế buộc Mỹ phải tìm cách chấm dứt cuộc chiến, bỏ rơi đồng minh là VNCH. Còn với Bắc Kinh hiện nay, báo chí chính thức luôn luôn phải nói cùng một giọng với nhà cầm quyền, những tiếng nói độc lập, đối lập thì đã bị bóp nghẹt từ trong trứng nước.

Người dân TQ, cũng như người dân VN, đa số hoặc không quan tâm đến chính trị, hoặc vẫn quen nghe, tin theo lời nhà nước. Người dân TQ còn bị tuyên truyền sai về lịch sử, về chủ quyền, bị kích động tinh thần dân tộc nên sẽ bênh vực nhà nước của họ trong mọi sự kiện tranh chấp lãnh thổ lãnh hải với các quốc gia khác. Hiếm có chuyện người dân chửi chính quyền và đứng về phía nước khác, gây sức ép đòi chấm dứt chiến tranh như ở Mỹ. Một phần giáo dục Mỹ và các nước phương Tây ngay từ bé đã dạy cho con người thói quen suy nghĩ độc lập, tinh thần critical thinking, là điều mà giáo dục ở những nước cộng sản độc tài như TQ hay VN không có được.

Bản chất của nhà cầm quyền TQ còn thừa thâm độc, lắm thủ đoạn, sẵn sàng chơi bẩn chơi xấu đủ kiểu, bất chấp những giới hạn tối thiểu của luật pháp quốc tế lẫn lương tri, lương tâm con người. Cao bồi Mỹ cũng chưa chắc đã tốt, cũng thủ đoạn không kém ai nhưng tinh vi, tàn nhẫn, thâm hiểm như TQ trong cuốn “Chết dưới tay TQ” ("Death by China: Confronting the Dragon – A Global Call to Action") của hai tác giả Peter Navarro and Greg Autry đã vạch ra, thì Mỹ còn phải vái TQ làm sư phụ.

Một quốc gia có những người dám pha chế cả sữa nhiễm “bẩn”, đồ chơi có hại cho sức khỏe của trẻ em, áo ngực có gây chất ung thư cho phụ nữ, gạo giả, trứng giả, đủ loại thực phẩm hàng hóa độc hại… nghĩa là coi sinh mạng con người, sinh mạng đồng bào như cỏ rác thì còn mong gì có lương tâm, lòng nhân ái với dân tộc khác? Là nước láng giềng ở sát một bên TQ, người dân VN từ nhiều năm nay đã phải điêu đứng vì đủ thứ loại hàng hóa độc hại này cũng như những cách phá hoại nền kinh tế mà không một quốc gia nào khác có thể nghĩ ra hoặc dám làm!

Đủ mọi thủ đoạn hắc đạo, nhưng ngoài miệng các thế hệ lãnh đạo TQ luôn luôn tuyên bố hòa bình, chung sống hữu nghị với nước khác, còn với VN thì có hẳn 16 chữ vàng đề cao tình hữu nghị đời đời bền vững giữa hai đảng, hai nhà nước, hai dân tộc!

Bản đồ hình lưỡi bò do TQ tự công bố nhằm chiếm trọn biền Đông. AFP photo.
TQ vốn dĩ có tinh thần Đại Hán bá quyền từ ngàn xưa. Khi đô hộ, khống chế được dân tộc nào thì luôn luôn muốn tiêu diệt bản sắc văn hóa của nước đó, đồng hóa với nước mình, từ VN trước kia cho tới Tây Tạng bây giờ là những ví dụ sinh động. Khác với các nước phương Tây khi đô hộ nước khác, họ đưa văn minh văn hóa phương Tây vào để “khai sáng” cho người bản địa nhưng cũng có ý thức để cho văn hóa các nước bản địa được phát triển, có cho đi và cũng có trao đổi, nhận lại.

TQ, khi làm ăn với nước khác thì chỉ muốn thu hết phần lợi về phần mình, để phần thiệt và cả rác rưới, cặn bã, tàn phá môi trường… cho nước khác, còn khi là “anh em, đồng chí, đồng minh” thì không muốn cho ai ngóc đầu lên hoặc phát triển bằng mình, chỉ muốn kìm hãm nước khác trong sự đói nghèo hoặc trong vòng phụ thuộc sâu sắc với TQ về cả chính trị, kinh tế lẫn văn hóa. Cứ nhìn những mối quan hệ làm ăn của TQ với các nước châu Phi hay mối quan hệ “anh em, đồng chí” giữa TQ và Bắc Hàn, VN hay Campuchia là đủ hiểu.

Chính vì rất nhiều những lý do như vậy mà việc đương đầu với TQ trở nên vô cùng khó khó khăn. TQ chẳng sợ người dân nước họ cũng chẳng sợ gì dư luận hay luật lệ quốc tế. Tất nhiên, hiện nay thì họ chưa dám lộng hành quá mức vì chưa đủ sức chống lại cả thế giới, nhưng việc họ chẳng coi các công ước quốc tế về luật Biển ra gì, hay khăng khăng không chấp nhận đưa các vụ tranh chấp lãnh hải ra quốc tế, kể cả khi Philippines đã kiện họ ra Tòa án quốc tế, là ví dụ.

Tuy nhiên, nhìn lại, trong cái khó lại có cái dễ. Ở thời điểm hiện nay nhiều quốc gia đã bắt đầu nhận ra bộ mặt thật của Bắc Kinh. Các nước láng giềng của TQ ở khu vực Đông Nam Á, Đông Á không một nước nào thật sự thích TQ, là đồng minh của TQ, ngược lại, đều dè chừng TQ. Vòng vây do Mỹ và các nước đồng minh tạo ra cũng đang thắt chặt dần xung quanh TQ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Nếu phải xảy ra xung đột với TQ, VN chắc chắn có lợi thế về dư luận, về sự ủng hộ của quốc tế. Nếu TQ tấn công VN, không phải như thời điểm năm 1979 khi VN bị cô lập, thế giới sẽ đứng về phía VN. Cho dù có thể các nước vẫn phải làm ăn buôn bán với TQ hay cũng chẳng ưa gì nhà cầm quyền VN. Nhưng vì không ai muốn TQ thắng được nước khác tức là thêm sức mạnh, cũng không ai chấp nhận để TQ muốn làm gì cũng được. Và cuối cùng, trong nội bộ “kẻ khồng lồ” TQ có rất nhiều gót chân Achilles. Bên dưới sự tăng trưởng về kinh tế, sức mạnh quân sự đang gia tăng hàng năm, sức mạnh của cả khối dân tộc hơn 1,3 tỷ người là quá nhiều vấn đề bất ổn, do một mô hình thể chế chính trị không hoàn thiện, chưa kể những mâu thuẫn về sắc tộc.

Mỹ có thể sa lầy hai chục năm vào cuộc chiến tranh VN, tốn kém quá nhiều tiền của, xương máu người lính Mỹ, còn bị cho là thất bại; Mỹ cũng có thể đổ hàng đống tiền vào hai cuộc chiến tranh với Iraq, một cuộc chiến khác ở Afghanistan, và cho đến giờ này người dân Mỹ cũng như thế giới vẫn đang tranh cãi xem liệu thật ra thì Mỹ thua hay thắng, được hay mất những gì từ những cuộc chiến này, nhưng nước Mỹ không vì thế mà sụp đổ. Bởi nước Mỹ được xây dựng trên một thể chế khá là hoàn thiện và trên những căn bản bền vững nhất về tự do, dân chủ, nhân quyền.

Còn TQ, một cuộc chiến tranh lâu dài, tốn kém với bất cứ quốc gia nào khác cũng dễ khiến cho những mâu thuẫn nội tại của chính TQ có dịp bùng phát, dẫn đến nguy cơ sụp đổ, quốc gia bị xé ra thành từng mảnh như Liên Xô trước đây. Dù “nóng đầu” đến đâu, các nhà lãnh đạo TQ hẳn cũng nhìn thấy khả năng này.

Không ai mong muốn đương đầu với một cường quốc. Không ai mong muốn chiến tranh. Nhất là với một quốc gia đã chịu quá nhiều tổn thất, thiệt thòi từ những cuộc chiến tranh liên tiếp như VN. Nhưng đôi khi cây muốn lặng mà gió chẳng dừng. Nín nhịn hết mức như VN bao lâu nay vẫn đâu được TQ để yên. Vì vậy, VN luôn phải chuẩn bị cho mọi tình huống xấu nhất, nếu phải đương đầu với TQ. Nhìn ra những cái khó và dễ. Cái khó nhiều, cái dễ cũng lớn.
(trích từ: http://www.rfa.org/vietnamese/blogs/vn-react-cn-sc-03282013141453.html )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét