Tại sao nền dân chủ cần báo chí điều tra?
Vào những năm 1970, các phóng viên đóng vai trò quan trọng trong việc phanh phui các sự kiện đã trở thành vụ bê bối chính trị nghiêm trọng nhất nước Mỹ trong thời kỳ sau chiến tranh Thế giới lần thứ 2. Các phóng viên Washington đã truy theo những dấu vết để lại trong một vụ trộm vặt tại tòa nhà làm việc Watergate và lần theo dấu vết này đến tận Nhà Trắng. Bài phóng sự đã dẫn đến các cuộc điều tra của quốc hội và buộc tổng thống Nixon phải từ chức.Hoạt động của báo chí trong suốt vụ Watergate đã được xem như là một tấm gương phản ánh điều tốt đẹp nhất mà báo chí có thể đem lại cho nền dân chủ: buộc quyền lực phải có trách nhiệm. Nó trở thành một xu thế trong các tòa soạn báo ở Mỹ. Nghề báo đã có uy tín cao trong những năm sau đó và số người được tuyển vào trường báo chí đã tăng đáng kể.
Gần ba thập kỷ sau, tình hình đã thay đổi. Báo chí điều tra dường như không còn là ngôi sao sáng chói nhất trên bầu trời báo chí Mỹ. Nếu như trong những năm sau vụ Watergate, giọng điệu của báo chí Mỹ là tự khen ngợi thì hiện nay, sự bi quan về tình hình báo chí Mỹ đang lan rộng. Các nhà quan sát đã lập luận rằng việc tăng tập trung quyền sở hữu các phương tiện thông tin đại chúng và xu hướng giật gân hóa tin tức đã làm hao mòn sức mạnh mà phóng sự điều tra cần có. Những sức ép về kinh doanh cũng ngăn cản phóng sự điều tra. Yêu cầu về thời gian, nguồn nhân lực và tài chính thường mâu thuẫn với những mong đợi về lợi nhuận và việc kiểm soát chi phí sản xuất. Đồng thời, việc các bài báo có thể dẫn tới các vụ kiện cáo tốn kém làm cho các công ty ngại ủng hộ các bài điều tra.
Bất chấp các nhân tố này, đã có không ít các bài điều tra được viết trong thập kỷ qua. Các tờ báo đô thị chính ở Mỹ đã đăng các phóng sự điều tra vạch trần nạn tham nhũng, bất công và quản lý môi trường kém. Báo chí địa phơng và hệ thống truyền hình thường xuyên đăng các bài báo điều tra, nhìn chung tập trung vào các hình thức gian lận của người tiêu dùng trong các lĩnh vực như y tế, dịch vụ xã hội và thế chấp nhà cửa.
Báo chí điều tra là gì?
Phóng sự điều tra có điểm khác biệt là nó công khai hóa thông tin về những việc làm sai trái gây ảnh hưởng tới lợi ích chung. Các bài tố cáo là kết quả làm việc của các phóng viên chứ không phải xuất phát từ những thông tin được tiết lộ cho tòa soạn.
Nếu như trước đây, báo chí điều tra thường gắn với các phóng viên đơn độc, làm việc dựa vào sức mình là chính, ít được hỗ trợ từ các tổ chức báo chí của họ thì các ví dụ gần đây cho thấy làm việc tập thể có tầm quan trọng cơ bản. Các kỹ năng chuyên môn đa dạng là cần thiết cho việc biên soạn ra các bài báo có tính tổng hợp và có đầy đủ bằng chứng. Các phóng viên, biên tập viên, chuyên gia luật pháp, các nhà phân tích thống kê, các thủ thư và các nhà nghiên cứu báo chí cần phối hợp với nhau trong các vụ điều tra. Kiến thức về luật tiếp cận thông tin công cộng là rất cần thiết để biết được những thông tin nào có thể lấy được theo luật “tự do thông tin” và những rắc rối pháp lý nào có thể nảy sinh khi đăng tải những thông tin có hại. Công nghệ mới vô cùng có ích trong việc tìm kiếm các sự kiện và làm cho các phóng viên quen với những khía cạnh phức tạp của bất kỳ bài báo nào. Do chính phủ đã lưu trữ hồ sơ vào trong máy vi tính và có số lượng lớn các thông tin trên mạng nên phần mềm viết phóng sự bằng máy vi tính có vai trò trợ giúp rất lớn.
Dân chủ và điều tra
Báo chí điều tra là quan trọng vì nó có nhiều đóng góp đối với sự điều hành dân chủ. Vai trò của nó có thể được hiểu tương ứng với mô hình báo chí là cơ quan quyền lực thứ tư. Theo mô hình này, báo chí cần làm cho chính phủ phải có trách nhiệm bằng cách xuất bản các thông tin về những vấn đề thuộc lợi ích công cộng cho dù những thông tin đó vạch trần những sự lạm dụng hay tội ác do những người cầm quyền phạm phải. Dưới góc độ này, phóng sự điều tra là một trong những đóng góp quan trọng nhất của báo chí đối với nền dân chủ. Nó gắn chặt với nguyên tắc kiểm soát và cân bằng lẫn nhau trong chế độ dân chủ. Nó đặt ra một cơ chế quý giá để giám sát hiệu quả hoạt động của các thể chế dân chủ theo nghĩa rộng, bao gồm cả các cơ quan chính phủ, các tổ chức công dân và các công ty công cộng.
Vai trò trung tâm của báo chí trong nền dân chủ hiện tại khiến giới chính trị chóp bu phải quan tâm đến tin tức, đặc biệt là những tin “xấu”, thường gây ra những chấn động trong công chúng. Việc công bố những tin tức về việc làm sai trái trong chính trị và kinh tế có thể dẫn đến các cuộc điều tra của quốc hội và của cơ quan tư pháp.
Trong trường hợp các thể chế của chính phủ không tiến hành được các cuộc điều tra tiếp theo hoặc các cuộc điều tra có vấn đề và gây nghi ngờ thì báo chí có thể đóng góp phần trách nhiệm của mình bằng cách giám sát hoạt động của các thể chế này. Nó có thể kiểm tra mức độ các thể chế này thực hiện nhiệm vụ của mình theo qui định của hiến pháp là quản lý điều hành một cách có trách nhiệm khi phải đối mặt với các phóng sự vạch trần những trục trặc, sự gian dối hay những việc làm sai trái trong chính phủ và trong xã hội. Ít nhất, phóng sự điều tra vẫn giữ được quyền điều hành chương trình nghị sự quan trọng để nhắc nhở các công dân, và chính giới về sự tồn tại của những vấn đề nào đó. Tuy nhiên, không có gì bảo đảm rằng sự quan tâm liên tục của báo chí sẽ khiến quốc hội và cơ quan tư pháp phải tiến hành điều tra và truy tố những người làm sai trái.
Báo chí điều tra cũng đóng góp vào nền dân chủ bằng cách xây dựng lực lượng công dân có thông tin. Thông tin là một nguồn trọng yếu mang lại quyền lực cho công chúng cảnh giác, những người sau này sẽ buộc chính phủ phải có trách nhiệm thông qua sự bỏ phiếu và tham gia của họ. Với sự nổi lên của các chính sách coi báo chí là trung tâm trong nền dân chủ hiện tại, truyền thông đại chúng đã làm lu mờ các thể chế xã hội khác, không còn là nguồn thông tin chính về các vấn đề và tiến trình có ảnh hưởng đến cuộc sống của công dân.
Sự tiếp cận việc công
Việc tiếp cận các hồ sơ công và những đạo luật quy định rằng các việc công phải được tiến hành công khai là hết sức cần thiết đối với công việc của một phóng viên điều tra. Khi luật về tội phỉ báng và kiểm duyệt còn hiện diện thì các tổ chức tin tức không có khả năng động chạm đến các chủ đề gây tranh cãi vì có thể bị kiện cáo tốn kém. Do vậy, các nền dân chủ phải đáp ứng một số đòi hỏi nhất định để báo chí có hiệu quả và cung cấp các thông tin bao quát và đa dạng.
Đạo đức báo chí điều tra
Mỗi nhóm phóng viên điều tra theo đuổi một sự việc trong những hoàn cảnh khác nhau, vì vậy việc xây dựng một quy tắc đạo đức đa năng là một vấn đề khó khăn, cho dù một số chuẩn mực nhất định đã được thừa nhận rộng rãi. Hệ lụy pháp lý của các hoạt động của phóng viên là rõ ràng hơn nhiều so với các vấn đề đạo đức. Thay vào đó, đạo đức giải quyết vấn đề phân biệt cái đúng, cái sai bằng các nguyên tắc triết học được sử dụng để biện giải một hành động cụ thể. Bất kỳ quyết định nào cũng có thể được coi là có đạo đức tuỳ thuộc vào khung đạo đức nào được sử dụng để biện giải quyết định đó và những giá trị nào được ưu tiên. Điều mà các phóng viên và biên tập viên cần xác định là ai sẽ là người được hưởng lợi của việc đưa tin.
Nếu báo chí cam kết tôn trọng trách nhiệm dân chủ thì câu hỏi cần đặt ra là báo chí điều tra có đem lại lợi ích gì cho công chúng không. Báo chí điều tra phục vụ lợi ích của ai thông qua việc đăng một bài báo nào đó? Phải chăng báo chí đã thực hiện trách nhiệm xã hội của mình trong việc phát hiện ra việc làm sai trái? Lợi ích của ai bị ảnh hưởng? Các quyền của ai bị xâm phạm? Liệu vấn đề bị đe dọa có phải là vấn đề lợi ích chính đáng của công chúng không? Hoặc sự riêng tư cá nhân có bị xâm phạm không khi không có vấn đề công cộng quan trọng nào bị đe doạ?
Hầu hết các cuộc thảo luận về đạo đức trong báo chí điều tra đã tập trung vào vấn đề phương pháp như: Có phải mọi phương pháp đều chính đáng để phanh phui việc sai trái không? Sự lừa bịp có chính đáng không khi mà các nhà báo nhằm mục đích nói ra sự thật? Phải chăng mọi phương pháp đều chính đáng, bất kể điều kiện làm việc và khó khăn như thế nào trong việc thu thập tin? Các phóng viên truyền hình có thể sử dụng các camera bí mật để làm phóng sự không? Các phóng viên có thể giả làm người khác để tiếp cận thông tin không? Ở đây, một nhân tố quan trọng cần phải xem xét là công chúng có vẻ không sẵn sàng chấp nhận bất kỳ phương pháp nào để vạch trần những việc làm sai trái như các phóng viên. Các cuộc điều tra cho thấy công chúng nghi ngại việc xâm phạm vào đời sống riêng tư cho dù bài phóng sự thiết thực đối với công chúng đến mức độ nào. Nhìn chung, công chúng dường như ít có xu hướng chấp nhận việc các phóng viên sử dụng bất kỳ phương pháp nào để có thông tin. Một thái độ như vậy sẽ bộc lộ tương đối rõ vào những khi, mà ở nhiều nước, uy tín của báo chí xuống thấp. Báo chí cần phải tỏ ra đáng tin cậy trong mắt công chúng. Đó là vốn liếng chính của báo chí nhưng các hành động của báo chí lại thường hay hủy hoại chính uy tín của mình. Do vậy, việc các công dân thường tin rằng các phóng viên sẽ làm mọi bài phóng sự bằng bất kỳ giá nào cần được xem xét nghiêm túc. Các bài báo dựa vào các phương pháp đáng ngờ để lấy tin có thể ngày càng làm giảm bớt tính chính đáng và vị thế trong công chúng của việc đưa tin và của các nhà báo.
Các vấn đề đạo đức không giới hạn trong vấn đề phương pháp. Tham nhũng cũng là một vấn đề đạo đức quan trọng trong báo chí điều tra. Tham nhũng gồm một loạt các hành vi từ việc các phóng viên nhận hối lộ hoặc hủy bài báo hoặc mua chuộc nguồn tin để moi tin. Tác hại đối với người dân thường có thể nảy sinh từ những điều được đăng tải cũng cần được xem xét. Các vấn đề riêng tư cá nhân thường được đưa lên hàng đầu vì báo chí điều tra thường hoạt động trong một ranh giới mong manh giữa quyền riêng tư cá nhân và quyền được thông tin của công chúng.
Không có những câu trả lời dễ dàng định trước cho những vấn đề đạo đức. Các bộ quy tắc đạo đức, mặc dù có những giá trị nhất định, song không đưa ra những giải pháp rõ ràng có thể áp dụng trong mọi trường hợp. Hầu hết các nhà phân tích đều nhất trí rằng các phóng viên cần phải quan tâm đến các vấn đề như công bằng, cân bằng và chính xác. Phóng viên cần luôn luôn tự xem xét vấn đề đạo đức trong suốt các giai đoạn điều tra khác nhau và phải sẵn sàng bảo vệ quyết định của mình trước các biên tập viên, bạn đồng nghiệp và cả công chúng. Họ cần phải quan tâm xem lợi ích của ai bị ảnh hưởng và phải hoạt động theo các chuẩn mực nghề nghiệp.
Phóng sự điều tra ở châu Mỹ – Latinh
Phóng sự điều tra ở châu Mỹ – Latinh hiện đại cung cấp một loạt các ví dụ lý giải tại sao nền dân chủ cần báo chí điều tra và báo chí điều tra đóng góp như thế nào vào sự quản lý, điều hành dân chủ.
Ở tất cả các nước, không trừ một ngoại lệ nào, báo chí điều tra đã có được sức mạnh do nền dân chủ đã được củng cố trên toàn khu vực trong hai thập kỷ qua. Trước đây bị hạ xuống thành những ấn phẩm ngoài lề và mang tính chất bè phái, nhưng gần đây, báo chí điều tra đã được chấp nhận đứng trong hàng ngũ báo chí chính thống. Sự khẳng định vai trò của phóng sự điều tra là do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là do sự củng cố các chính phủ dân chủ, những chuyển đổi cơ bản trong kinh tế báo chí, sự hiện diện của các ấn phẩm cam kết vạch trần các vụ lạm dụng cụ thể và sự đối đầu giữa một số tổ chức báo chí và một số chính quyền.
Cũng như ở các khu vực khác trên thế giới, giá trị chính yếu của báo chí điều tra đối với các nền dân chủ châu Mỹ – Latinh là nó góp phần vào việc tăng cường trách nhiệm chính trị. Điều này đặc biệt quan trọng vì sự yếu kém trong cơ chế chịu trách nhiệm được coi là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất mà các nên dân chủ trong khu vực đang phải đối mặt. Sự thờ ơ, sự thiếu hiệu quả và thiếu khả năng phản ứng của các thể chế đối với các nhu cầu chính đáng của công chúng đã thường được nêu ra như những yếu kém chủ yếu. Sự tồn tại của các tổ chức báo chí cam kết tiến hành phóng sự điều tra đã trở nên cực kỳ quan trọng. Ngay cả khi các thể chế khác không theo dõi và xử lý những vạch trần của báo chí hoặc không tiến hành điều tra, báo chí vẫn làm cho các lời cáo buộc về hành vi vô đạo đức và bất hợp pháp tồn tại và có thể buộc các cơ quan lập pháp và tư pháp phải hành động.
Báo chí điều tra có một sức mạnh vô song để khép các quan chức dính líu vào một số tội nào đó nhưng nó cũng có thể khiến công chúng có quan niệm sai lầm về sự tồn tại của việc làm sai trái. Đây là thanh gươm hai lưỡi. Đưa tin về việc làm sai trái khiến công chúng quan tâm tới những tội phạm nhưng nó cũng có thể dẫn tới những phán quyết vội vàng về trách nhiệm của các cá nhân mà chưa có sự can thiệp của các thể chế được lập ra theo hiến pháp để điều tra và xét xử. Ở đây, một lần nữa cho thấy trách nhiệm đạo đức là vô cùng quan trọng. Những lời buộc tội thiếu căn cứ của báo chí có thể gây tác hại đối với thanh danh của các cá nhân và các thể chế.
Nạn tham nhũng trong chính phủ đã trở thành trọng tâm điều tra của báo chí trong các nền dân chủ ở châu Mỹ – Latinh. Những chủ đề khác (ví dụ: sự dễ mua chuộc của công ty, sử dụng lao động chui…) ít thu hút sự quan tâm của báo chí hơn nhiều. Nhiều cuộc thăm dò chỉ ra rằng tham nhũng luôn là một trong ba mối quan tâm lớn nhất của nhân dân trong toàn khu vực. Điều đó có lẽ cho thấy tác động của báo chí điều tra trong việc đưa những sai trái của chính phủ lên thành một vấn đề ưu tiên hàng đầu.
Như vậy, trường hợp châu Mỹ – Latinh cho thấy sự tồn tại của báo chí điều tra là quan trọng. Phạm vi và mức độ cân bằng của chương trình điều tra cũng có ý nghĩa của mình. Báo chí hướng sự quan tâm của công dân và của các nhà làm luật tới những vấn đề cụ thể. Trong các nền dân chủ hiện thời, nhiều vũ đài của chính phủ và xã hội cần được quan tâm, chú ý. Báo chí điều tra có hiệu quả nhất khi nó đề cập đến một loạt vấn đề rộng lớn khác nhau.
Salvio Waisbord [*]
---------------------
[*] Salvio Waisbord là Phó giáo sư tại Khoa Báo chí và Truyền thông Đại chúng, đại học Rutgers, bang New Jersey, Hoa Kỳ. Ông là tác giả cuốn “Báo chí điều tra ở Nam Phi: Tin tức, Trách nhiệm và Dân chủ”.
Nguồn: Đây là một trong series bài dịch đăng tải trên website của the Institute for Civic Education in Vietnam (ICEVN), (www.icevn.org).
Biên dịch: Đỗ Kim Thư, Trần Lương Ngọc, Nguyễn Hồng Liên, Nông Duy Trường
Hiệu đính: Nguyễn Trang Nhung, Vũ Công Giao
(Cùng Viết Hiến Pháp) /TTHN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét