‘Tuyệt chiêu’ dạy vợ của chồng để hóa giải mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu
Từ xưa tới nay, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu luôn là đề tài “nóng” trong các cuộc nói chuyện. Nếu như anh chồng nào cũng hoạt bát, thông minh, biết dạy vợ như câu chuyện dưới đây thì có lẽ mâu thuẫn này đã không đi vào lịch sử như thế.Vào thời Tống, ở một huyện nhỏ của tỉnh An Huy có đôi chồng vợ sống chung với mẹ già. Mỗi lần người chồng đi làm xa trở về đều nghe người vợ than khóc, kể khổ bị mẹ chồng đối xử tệ bạc như thế nào. Người chồng chỉ im lặng nghe, không nói gì cả.
Một hôm, người chồng chuẩn bị cái thúng rất to, người vợ nhìn thấy vậy cảm thấy lạ, tò mò liền hỏi: “Chàng có việc chi mà cần dùng đến cái thúng to như vậy?”
Người chồng trả lời rằng: “Mỗi lần ta trở về nhà, đều thấy nàng và mẹ xảy ra mâu thuẫn, nàng lại hay than phiền mẹ đối xử không tốt thế này, tệ bạc thế kia. Phận làm con và người làm chồng như ta ở giữa thấy thật khổ não và khó phân xử. Nay ta chuẩn bị cái thúng to này cho nàng, nhân lúc mẹ ngủ say, nàng có thể đặt mẹ vào đấy kéo ra núi đẩy mẹ xuống để nàng không phải kêu than nữa. Đây chẳng phải là điều nàng muốn bấy lâu nay sao?”
Người chồng nghĩ ngợi một lát rồi tiếp tục nói: “Tuy nhiên, ta thấy bây giờ chưa phải là lúc. Trước mắt, nàng cần đối xử thật tốt, thể hiện đạo hiếu với mẹ trong một tháng nữa để hàng xóm láng giềng, họ hàng đôi bên, bạn bè xa gần đều biết nàng là một người con dâu có hiếu với mẹ chồng. Nếu bà vẫn đối xử tệ bạc với nàng thì mọi người sẽ biết bà là người không đúng, xấu tính, bất công, lúc đó có đẩy bà xuống thì cũng không ai hỏi han đến”.
Nghe người chồng nói có lý, người vợ liền làm theo. Từ lúc này người con dâu đối xử rất tốt với bà, gọi dạ bảo vâng, chăm bà từng chút một và nấu cho bà những món rất ngon.
Mẹ chồng thấy con dâu thay đổi thì bà cũng thay đổi theo, trở nên nhẹ nhàng và yêu thương con dâu hơn. Sau đó không lâu, người chồng hỏi thăm vợ xem tình hình mối quan hệ giữa vợ và mẹ như thế nào.
Người vợ nói: “Từ lúc nghe và làm theo lời chàng nói, thiếp đã đối xử với mẹ tốt hơn thì thấy mẹ cũng thay đổi không còn như trước nữa, mà còn chưa đến một tháng. Bây giờ thiếp và mẹ rất yêu quý nhau, hai mẹ con nói chuyện với nhau rất thoải mái, mẹ coi thiếp như con gái vậy. Chàng nhất định phải từ bỏ ý định mang mẹ xuống núi đi nhé, tuyệt đối không được làm chuyện tổn đức như thế”.
Người chồng nghe thấy vợ nói như vậy thì vui như mở cờ trong bụng, mà rằng: “Vốn dĩ ta chưa từng có ý định thất đức đó, bởi ta biết rằng nàng cũng sẽ không làm như vậy. Sống ở đời hiếu thảo với song thân phụ mẫu là điều quan trọng nhất, có câu ‘bách thiện hiếu vi tiên’, ân đức của cha mẹ con cái không thể nào đền đáp hết được. Ta cưới nàng về cũng chính là muốn cùng ta phụng dưỡng cha mẹ, dựng lập một gia đình ấm êm hạnh phúc”.
Người vợ nghe vậy thì hiểu ra tâm ý của người chồng, cảm thấy rất cảm kích, từ đó gia đình họ đầm ấm, hạnh phúc, không còn xảy ra chuyện mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu nữa.
Câu chuyện trên chắc có lẽ là cảnh chung của nhiều gia đình. Tuy nhiên, mỗi người mỗi tính và nhận thức khác nhau nên không phải gia đình nào cũng giống nhau. Có gia đình được vợ hỏng chồng và ngược lại, hiếm khi được “cả ông lẫn bà”.
Qua câu chuyện trên mới thấy, trong gia đình ai cũng cần dụng tâm, có trách nhiệm vun đắp cho gia đình thì mới mong được hạnh phúc, yên vui. Vợ kêu than, phàn nàn về mẹ không đúng chuyện nào đó mà chồng trách mắng sẽ làm cô ấy tủi thân, gia đình không được yên ổn dài lâu. Trách mẹ thì cũng không được, vì sẽ làm mẹ buồn, gia đình vẫn chưa an. Nếu người chồng bỏ qua tất cả, mặc kệ mẹ và vợ mâu thuẫn thì sẽ không còn là gia đình đúng nghĩa.
Ngoài sự hiểu biết, khéo léo trong đối nhân xử thế của người vợ, thì người chồng giữ vai trò rất quan trọng trong gia đình, là trụ cột trong gia đình đứng ra dàn xếp, hóa giải mâu thuẫn để gia đình được yên vui.
Người chồng cũng cần thông hiểu đạo lý, biết đối nhân xử thế để vừa dạy được vợ mà không làm mẹ buồn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét