Thứ Hai, 28 tháng 11, 2022

Vì sao các cụ dạy: "Ngồi ghế không rung chân" ?

Vì sao các cụ dạy: "Ngồi ghế không rung chân" ?
Trong cuộc sống hàng ngày, chắc hẳn mọi người đã được nghe ông bà, cha mẹ hay ai đó nhắc nhở trong bữa ăn chúng ta không được cắm đũa, khi ngồi ghế thì không được rung chân, đi đứng phải nhẹ nhàng, khoan thai… Thực tế thế hệ chúng tôi thường làm theo chỉ bảo của các 
bậc tiền bối một cách vô thức nhưng không phải ai cũng hiểu được tường tận nguyên nhân đằng sau những lời khuyên này.

Thật ra những điều các bậc tiền bối dạy dỗ, nhắc nhở chúng ta đều có nguyên nhân cả. Những lời khuyên này không chỉ thuộc về văn hóa, lịch sự, thể hiện sự giáo dưỡng tốt của một người mà còn mang yếu tố tâm linh, giúp chúng ta tránh những điều xấu và nhận được những điều tốt lành và may mắn.

Độ này thỉnh thoảng tôi vô tình nhìn thấy một số người có thói quen ngồi rung chân, cả trẻ lẫn trung niên, cả nam lẫn nữ, không chỉ người trong họ hàng, trong cơ quan mà cả các cháu sinh viên ở trường tôi, thậm chí cả nhân viên phục vụ trên xe buýt cũng ngồi rung chân khi xe đang lưu thông với nhiều khách trong xe. 

Tôi không có thói quen này vì nó không mang lại hiệu quả gì với cơ thể. Ngược lại, tôi cho rằng những người thường có những cử chỉ, hành động vô thưởng vô phạt không mục đích, nhất là những người đi lại hay vô tình đụng chạm với đồ vật hoặc người khác, là những người có vấn đề về thần kinh, tức là năng lực điều khiển chính bản thân mình rất kém.

Sáng và trưa hôm nay ngồi ăn uống trong vườn sau cantine của trường, tôi lại chứng kiến cảnh mấy cháu sinh viên vừa cà phê thuốc lá, vừa cười nói rung đùi nhả khói rất thỏa mãn. Tối về tra mạng thì thấy hóa ra lời khuyên “Ngồi ghế không rung chân” mang nội hàm sâu sắc hơn tôi tưởng.

Người xưa đã có câu: “Cây rung lá rụng, người rung phúc bạc”. Nhìn tướng mạo, hành vi và tâm tính của một người chúng ta có thể đoán biết được tương lai của người đó. Tôi không tin tử vi, nhưng tôi tin thuật xem tướng người.

Người thích rung chân, theo y khoa là người mang một loại bệnh cần phải điều trị. Ngoài khả năng bị bệnh thì người hay rung chân, rung đùi lại thể hiện một đặc điểm quan trọng khác liên quan đến vận mệnh.

Nếu ví con người như một cái cây, thì cái cây thường xuyên bị rung lắc sẽ không vững chắc và không phát triển. Đó là vì khi bị rung lắc thường xuyên, rễ cây sẽ không thể bám sâu được vào trong lòng đất, do đó ảnh hưởng xấu đến việc sinh trưởng. Người rung chân không khác gì cây bị rung lắc, tức là theo quan niệm dân gian thì càng rung nhiều sẽ càng “rụng” và "mất" dần phúc khí.

Theo Nho giáo, hành vi này liên quan tới Lễ. Người thích rung chân thể hiện sự hèn kém, ít được giáo dục chỉ bảo, xuề xòa không biết lễ độ hay không có thái độ tôn trọng người khác. Nếu theo tâm lý học, thì người hay rung chân thể hiện tính khí không ổn định và sống tuỳ tiện. Cho nên câu nói “cây rung lá rụng, người rung phúc bạc” có mối liên hệ khá chặt chẽ tới vấn đề giáo dục, tính cách và cách hành xử của cá nhân con người, từ đó có ảnh hưởng mạnh tới thành công của con người đó trong cuộc sống.

Người xưa còn có câu: “Đàn ông rung đùi thì nghèo, đàn bà rung đùi thì hèn”. Cho đến nay, gần như chưa có nghiên cứu chính thống nào chứng minh việc rung chân làm “rụng” phúc khí, và đàn ông thì nghèo còn đàn bà thì hèn. Tuy nhiên, các bạn có thể tự kiểm nghiệm điều đó bằng cách quan sát cuộc đời của những người quanh mình có thói quen rung chân.

Trong thực tế cuộc sống, có thể mắt chúng ta nhìn không thấy được phúc khí của người rung chân bị “rụng”, nhưng có thể quan sát thấy những người hay rung chân, hoặc rung chân tuỳ tiện vô tình theo thói quen thường 
sống khá tùy tiện và không gây được thiện cảm của người khác; do đó ít được trọng dụng và không thành công trong sự nghiệp và cuộc sống.

Cuối cùng, cũng nên nhớ rằng suy cho cùng, dù là thói quen hay sở thích thì việc rung chân rung đùi không mang lại bất kỳ lợi ích gì cho con người. Vậy nên nếu như ai đó có thói quen rung đùi thì tốt hơn hết là nên nghe lời khuyên của các bậc tiền bối mà bỏ nó đi.
----------------

Ảnh chụp hồi gia đình mình đi nghỉ ở núi Praz de Lys cách thành phố Geneva khoảng 70 km năm 2014. Cảnh thiên nhiên ở đây đẹp mê hồn. Núi nằm trong mây, mây ấp núi và cả hai đều nằm ngay trước mắt du khách. Mây luôn thay đổi nên phong cảnh trước mặt liên tục thay đổi từng phút. Sáng nào mình cũng leo lên các đỉnh của dãy núi này. Ngoài nhiều đường đi bộ, còn có nhiều tuyến cáp treo đưa khách lên.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét