Thứ Tư, 30 tháng 11, 2022

Bổ sung đối tượng cảnh vệ là Chánh án tối cao, Đại tướng?

Đọc bài này mới biết các bác lãnh đạo được bảo vệ chặt chẽ thật. Chắc người như thế nào mới được bảo vệ nghiêm ngặt như thế chứ. Kể cũng vui vì đọc bài này làm tôi nhớ tới bác Nguyễn Văn Trân, sếp của tôi thời tôi mới ra trường và bắt đầu đi làm. Hồi đó thỉnh thoảng tôi có viết bài cho bác và được bác khen, nên bác Chánh văn phòng Lê Hoàng đã đề nghị tôi làm thư ký cho bác Trân nhưng tôi từ chối. Bác Trân nguyên là Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư trung ương Đảng (1961-1976), Bí thư thành ủy Hà Nội (1968-1974), Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và nhiều chức Bộ trưởng hoặc tương đương. Bác Trân cũng là Trưởng ban Cải tạo Công thương nghiệp Trung ương đầu tiên, trực tiếp lãnh đạo Cải tạo Công thương nghiệp Miền Nam sau 30/4/1975; sau khi bác Trân thôi thì mới đến lượt bác Đỗ Mười làm Trưởng ban và đã làm cho tầng lớp giầu có trong Nam khiếp sợ. Có lần nghe mọi người nói chuyện bác Trân đi đâu cũng có bảo vệ, lớp trẻ bọn tôi bảo nhau bác Trân oách thật. Nghe mọi người khen thế, con rể bác bảo: "Bảo vệ gì ông ấy, chúng nó canh gác, giám sát ông ấy đấy". Lần khác, thấy bác Trân có nhiều huân chương (sau này bác còn được tặng Huân chương Sao Vàng và Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng...), anh em lại khen bác đeo lên áo thì rất oách. Anh con rể lại bảo: "Đeo làm gì cho rách áo". Quả thật bác Trân sống rất khiêm tốn, giản dị, không bao giờ thấy bác đeo huân chương.
Vì sao cần bổ sung đối tượng cảnh vệ là Chánh án tòa tối cao, Đại tướng?
Thế Kha 29/11/2022 - (Dân trí) - Bộ Công an cho rằng cần thiết bổ sung đối tượng cảnh vệ là Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao và sĩ quan Công an nhân dân, sĩ quan Quân đội nhân dân có cấp hàm Đại tướng. Bộ Tư pháp đang chuẩn bị tổ chức thẩm định dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ năm 2017.

Đoàn mô tô hộ tống đón khách quốc tế tại sân bay Nội Bài. (Ảnh tư liệu: Bộ Tư lệnh Cảnh vệ).

"Cần phải áp dụng chế độ bảo vệ đặc biệt"

Trong hồ sơ thẩm định, Bộ Công an (cơ quan chủ trì xây dựng) đánh giá, Luật Cảnh vệ năm 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018 đã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; bảo đảm xây dựng lực lượng cảnh vệ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại, phù hợp với luật pháp quốc tế liên quan đến công tác cảnh vệ.

Pháp luật hiện hành quy định 3 nhóm đối tượng cảnh vệ: Nhóm đối tượng cảnh vệ là con người, khu vực trọng yếu và các sự kiện đặc biệt quan trọng.

Cụ thể, đối tượng cảnh vệ là con người bao gồm: Cán bộ lãnh đạo chủ chốt, cấp cao của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; khách quốc tế có tiêu chuẩn tương đương.

Tuy nhiên, qua tổng kết 5 năm thực hiện Luật Cảnh vệ và tình hình thực tiễn hiện nay, Bộ Công an cho rằng cần thiết bổ sung đối tượng cảnh vệ là Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao và sĩ quan Công an nhân dân, sĩ quan Quân đội nhân dân có cấp hàm Đại tướng.

"Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao là những người đứng đầu các cơ quan xét xử và kiểm sát hoạt động tố tụng với đặc thù công việc luôn tiềm ẩn nguy hiểm và rủi ro cao. Trong xu hướng đẩy mạnh cải cách tư pháp và tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm thì tính chất công việc của họ ngày càng phức tạp, nảy sinh nhiều tình huống bất trắc, khó lường đe dọa tính mạng, sức khỏe của những người này", Bộ Công an phân tích.

Trong khi đó, lực lượng vũ trang là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và các quyền lợi quốc gia, dân tộc.

"Sĩ quan Công an nhân dân, sĩ quan Quân đội nhân dân có cấp hàm Đại tướng là những người giữ vai trò rất quan trọng, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nguy hiểm; đặc biệt hiện nay tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến đổi sâu sắc, một số vấn đề nằm ngoài dự báo", tờ trình của Bộ Công an nêu rõ.

Tình hình xung đột vũ trang, sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp biên giới, chủ quyền biển đảo, khuynh hướng ly khai, biểu tình, bạo loạn xảy ra ở nhiều khu vực. Các yếu tố đe dọa an ninh phi truyền thống như nguồn nước, lương thực, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiên tai, dịch bệnh... tác động trực tiếp, mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống xã hội..

"Vì vậy, cần phải áp dụng chế độ bảo vệ đặc biệt nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn cho họ", Bộ Công an khẳng định.

Chế độ và biện pháp cảnh vệ đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Theo Bộ Công an, Điều 11 và Điều 12 Luật Cảnh vệ không tách biệt giữa biện pháp cảnh vệ và chế độ cảnh vệ dẫn đến không xác định được đâu là chế độ mà đối tượng cảnh vệ được hưởng, đâu là biện pháp cảnh vệ mà lực lượng cảnh vệ phải thực hiện.

Một số biện pháp, chế độ hiện nay lực lượng cảnh vệ đang triển khai thực hiện nhưng nội dung của các biện pháp chưa quy định cụ thể trong luật, như: Biện pháp bảo vệ tiếp cận; vũ trang tuần tra canh gác; kiểm tra an ninh, an toàn; kiểm nghiệm thức ăn, nước uống kiểm tra an ninh, kiểm soát người, đồ vật, phương tiện ra, vào khu vực, địa điểm tổ chức các sự kiện đặc biệt quan trọng kiểm tra an ninh, an toàn thường xuyên tại khu vực trọng yếu, địa điểm hoạt động của các lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước.

Trong khi đó nội dung các biện pháp trên tác động đến quyền con người, quyền công dân và theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013 phải do luật định. Do vậy, Bộ Công an cho rằng nội dung này cần thiết được đưa vào Luật Cảnh vệ, tạo hành lang pháp lý để triển khai hiệu quả công tác cảnh vệ.

Dự thảo đề xuất quy định, chế độ cảnh vệ đối với Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ gồm: Bảo vệ an toàn về người; bảo vệ nơi ở; bảo vệ nơi làm việc; bảo vệ an toàn việc đi lại và địa điểm hoạt động; bảo vệ an toàn về giao thông.

Chế độ cảnh vệ đối với nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ gồm: Bảo vệ an toàn về người và bảo vệ nơi ở.

Chế độ cảnh vệ đối với Ủy viên Bộ Chính trị gồm: Bảo vệ an toàn về người; bảo vệ nơi ở; bảo vệ an toàn về giao thông.

Chế độ cảnh vệ đối với Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, sĩ quan Công an nhân dân, sĩ quan Quân đội nhân dân có cấp hàm Đại tướng gồm: Bảo vệ an toàn về người và bảo vệ an toàn về giao thông.

Ngoài ra, dự thảo luật đề xuất bổ sung quy định, biện pháp cảnh vệ đối với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ gồm: Bảo vệ tiếp cận; vũ trang, tuần tra, canh gác; kiểm tra an ninh, an toàn đồ dùng, vật phẩm, phương tiện đi lại để phát hiện vũ khí, vật liệu nổ, chất độc sinh học, chất độc hóa học, chất phóng xạ và các vật nguy hiểm khác; kiểm nghiệm thức ăn, nước uống trước khi sử dụng; bố trí lực lượng đi trước nắm tình hình để triển khai kế hoạch, phương án bảo vệ; sử dụng khoa học và công nghệ, phương tiện trang thiết bị kỹ thuật hiện đại; thẻ, phù hiệu (công cụ để nhận biết và làm căn cứ để giải quyết cho người, phương tiện ra, vào khu vực bảo vệ); biện pháp khác theo quy định của Luật An ninh quốc gia và Luật Công an nhân dân…

"Bố trí sĩ quan bảo vệ tiếp cận tăng cường đối với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ khi di chuyển và tham gia các hoạt động bên ngoài trụ sở cơ quan và nơi ở", dự thảo luật nêu.

Biện pháp cảnh vệ đối với Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, sĩ quan Công an nhân dân, sĩ quan Quân đội nhân dân có cấp hàm Đại tướng gồm: Bảo vệ tiếp cận; sử dụng khoa học và công nghệ, phương tiện trang thiết bị kỹ thuật hiện đại; thẻ, phù hiệu; biện pháp khác theo quy định của Luật An ninh quốc gia và Luật Công an nhân dân.

https://dantri.com.vn/xa-hoi/vi-sao-can-bo-sung-doi-tuong-canh-ve-la-chanh-an-toa-toi-cao-dai-tuong-20221129114946752.htm?fbclid=IwAR0DUV6FQvdEBbdalz6szErFJLtWXtxqX4TOX-zxNCX3HkuIzt664a-BiJ8


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét