Thứ Năm, 24 tháng 11, 2022

Người 'Đánh thức tiềm lực' mà nay tiềm lực vẫn 'ngủ'

Ca ngợi ông Võ Văn Kiệt là đúng, vì trong tất cả các nhà lãnh đạo VN cấp Bộ chính trị từ trước đến nay của VN, theo đánh giá của tôi, chỉ có ông Kiệt và 2-3 người khác dám đề xuất đổi mới mạnh mẽ và thực chất. Ông Kiệt hơn người khác ở chỗ dám phá rào để thành phố HCM làm nhiều việc nhà nước chưa cho phép trong những năm đầu thập kỷ 1980, dám có những phát biểu công khai về hòa giải dân tộc, dám sử dụng trí thức miền Nam trước 1975..., dám có những kiến nghị về phá bỏ Hội trường Ba Đình lịch sử, về sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội... trong những năm cuối đời, làm nhiều nhà lãnh đạo không hài lòng với ông; thậm chí người dân còn nghi ngờ và phát sinh nhiều dư luận về nguyên nhân cái chết đột ngột của ông. Rõ ràng ông là một trường hợp hiếm có. Tuy nhiên, việc nhà nước tổ chức chiến dịch kỷ niệm ồ ạt, rầm rộ khắp nơi với đủ các loại sách, báo, hội thảo, triển lãm, dâng hương... ca tụng ông trong mấy tuần qua, thì có vẻ như hơi quá đáng. Có lẽ vì lãnh đạo thời nay chẳng mấy ai có uy tín với dân nên lãnh đạo Nhà nước đành lôi ông ra trưng bày để hy vọng lấy lại lòng tin của dân vào Đảng, vào chế độ XHCN này chăng, dù trong bụng chưa chắc họ đã thực tâm yêu quý ông. Kiểu ăn mày dĩ vãng này đã được thực hiện quá nhiều lần rồi. Theo tôi, ông Kiệt dù có những công lao nhất định, nhưng bản chất ông cũng là một trong những nhà cộng sản chóp bu của chế độ nên ông cũng phải có trách nhiệm về thực trạng hiện nay của đất nước. Mặt khác, ông cũng là một con người nên không phải tất cả những việc ông làm đều đúng. Có khá nhiều điều bản thân tôi cũng không đánh giá tốt về ông. Trong bài này có nhắc tới một loạt công trình dự án trọng điểm của đất nước mang đậm "dấu ấn Võ Văn Kiệt" như: đường dây tải điện 500 KV Bắc - Nam; đường Hồ Chí Minh; đường Bắc Thăng Long - Nội Bài; công trình thủy điện Trị An; chương trình khai phá Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên; Nhà máy lọc dầu Dung Quất; xây dựng khu công nghệ cao Hòa Lạc. Nhiều công trình trong số này có những vấn đề bất cập, vì ông chỉ quan tâm tới triển khai thật nhanh cho được việc, cho có thành tích và đáp ứng nhu cầu cấp bách của dân, của đất nước, mà ít quan tâm tới quản lý kinh tế, kỹ thuật và tài chính. Tham nhũng bắt đầu bùng nổ chính từ thời ông làm Thủ tướng và đến thời Ba Dũng (người được ông Kiệt quyết liệt ủng hộ làm Thủ tướng) thì gần như Nhà nước mất kiểm soát tham nhũng. Cho nên nếu có đề cao một con người thì cũng nên vừa phải thôi, đừng thần tượng người đó quá.
Nhắc lại Võ Văn Kiệt - người 'Đánh thức tiềm lực' mà nay tiềm lực vẫn 'ngủ'
Bùi Thư, BBC News Tiếng Việt, 23 tháng 11 2022 - 
Nhà thơ Nguyễn Duy chia sẻ với BBC rằng, khi gặp cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông nhận ra đây chính là người "đánh thức tiềm lực" và vì thế, nhà thơ viết nhan đề cho bài thơ của mình: "Tiễn đưa anh Sáu Dân đi làm kinh tế."
Ảnh đám tang của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào ngày 14 tháng 6 năm 2008

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông Võ Văn Kiệt, báo chí Việt Nam đưa tin rầm rộ với những lời ca ngợi ông Kiệt là "nhân cách lớn" khi làm thủ tướng thời kỳ đất nước rơi vào tình trạng lạm phát gần 70%. Di sản về cải cách nền kinh tế Việt Nam của ông Kiệt được nhắc lại nhiều trên truyền thông.

1) Con người "đánh thức tiềm lực"

Chia sẻ với BBC News Tiếng Việt qua điện thoại hôm 23/11, nhà thơ Nguyễn Duy thừa nhận khi gặp Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông đã thấy vị lãnh đạo này là con người "đánh thức tiềm lực" - đúng với nhan đề bài thơ mà ông viết vào năm 1980 và công bố vào năm 1982.

"Bài thơ 'Đánh thức tiềm lực' ra đời vì sau hậu chiến, không khí nặng nề lắm, người Việt Nam đưa nhau vào một thời kỳ ngạt thở mới. Bài thơ này lúc đầu là viết chung, không có tặng ai đâu. Và khi tiếp xúc với ông Võ Văn Kiệt rồi, tôi thấy ông ấy chính là người 'đánh thức tiềm lực' - chính là ông này. Tôi xin khẳng định lại, tôi cũng không phải viết tặng ông ấy.

"Nhưng khi ông ấy thôi giữ chức Bí thư Thành ủy TP HCM để ra Hà Nội làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước, nhà văn Nguyễn Quang Sáng nảy sáng kiến họp mặt vài anh em lại, tổ chức một bữa tiệc nho nhỏ để tiễn ông Kiệt," nhà thơ Nguyễn Duy nhớ lại.

Theo chia sẻ của nhà thơ, nhà văn Nguyễn Quang Sáng nói với ông về "mục đích và ý nghĩa" của cuộc gặp là nói thẳng, nói thật với ông Kiệt chút ít tâm sự của nghệ sĩ về tình hình thế sự. Và chính nhà thơ Nguyễn Duy cũng không ngờ, lần đầu ra mắt và đọc bài thơ "Đánh thức tiềm lực" lại cho một người thuộc lớp người "đáng sợ" nhất lúc bấy giờ: ông Võ Văn Kiệt, tức ông Sáu Dân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

"Bài thơ được khởi thảo từ năm 1980, tới năm 1982 mới xong và lần đầu tiên công bố là chính tôi đọc cho ông Võ Văn Kiệt nghe trực tiếp trong bữa tiệc đó. Sau cuộc đọc thơ đó, tôi mới viết cái đề tựa: Tiễn anh Sáu Dân đi làm kinh tế. Đây không phải bài thơ tặng, mà là bài thơ tiễn. Tiễn ông ấy đi khỏi Sài Gòn," nhà thơ Nguyễn Duy nói với BBC News Tiếng Việt.

Ông Duy từng viết trên báo Tuổi Trẻ số Tết Bính Tuất 2006, gọi buổi gặp gỡ hôm đó là cuộc "chơi" thật thoải mái và vui vẻ.

"Phe văn nghệ" có nhà văn Nguyễn Quang Sáng, các nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Trần Long Ẩn, nhà thơ Nguyễn Bá (từ Cần Thơ lên) và nhà thơ Nguyễn Duy. "Phe chính trị" có mỗi ông Sáu.

"Ít lâu sau, tại cuộc gặp gỡ nhân dịp Đại hội thành lập các Hội nghệ thuật chuyên ngành của thành phố, với tư cách Bí thư Thành ủy, ông Sáu nói chuyện với đông đảo văn nghệ sĩ. Trong bài nói không dài đó của ông Sáu Dân có một đoạn tôi không bao giờ quên: 'Vừa qua, tôi đã nghe và đã đọc bài thơ 'Bán vàng' của nhà thơ Nguyễn Duy. Theo tôi, đó là một bản án nhân tình đối với chế độ của chúng ta. Đau, nhưng là sự thật. Chúng ta cần chân thành nhìn nhận sự thật, để cùng nhau vươn lên, vượt qua giai đoạn khó khăn. Muốn vượt lên thì phải có niềm tin. Mà cốt lõi của niềm tin là tin ở con người…'.

"Lần đầu tiên tôi trực tiếp nghe một bài huấn thị chính trị như thế, trực tiếp thấy một nhà lãnh đạo chính trị ứng xử như thế. Đó là khoảng giữa năm 1981. Quả là bất ngờ. Tự nhiên tôi xúc động, vì một cái gì đó mà tôi chưa biết gọi nó là cái gì, hình như nó chỉ là cái lẽ nhân tình bình thường mà sao ta ít thấy ở những vị quan lớn. Và, tự nhiên tôi cảm thấy tin ông…," nhà thơ Nguyễn Duy viết trên báo Tuổi Trẻ năm 2006.

BBC xin được trích dẫn một đoạn trong bài thơ "Đánh thức tiềm lực":

"Xưa mẹ ru ta ngủ yên lành
để khôn lớn ta hát bài đánh thức
có lẽ nào người lớn cứ ru nhau
ru tiềm lực ngủ vùi trong thớ thịt.

Tiềm lực còn ngủ yên
trong quả tim mắc bệnh đập cầm chừng
Tiềm lực còn ngủ yên
trong bộ óc mang khối u tự mãn..."

Đã hơn 40 năm trôi qua kể từ khi Nguyễn Duy đặt bút khởi thảo bài thơ, nhưng theo lời ông, bài thơ bây giờ vẫn còn nguyên giá trị hiện thực của nó:

"Hồi đó tiềm lực còn ngủ yên, bây giờ tiềm lực còn 'ngái ngủ'," ông nói với BBC News Tiếng Việt.

2) Báo chí rầm rộ tưởng niệm

Tại Vĩnh Long, lễ kỷ niệm ngày sinh của vị cố thủ tướng cũng được tổ chức trang trọng với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; bà Phan Lương Cầm, phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt;...

Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt "là hiện thân tiêu biểu của người chiến sĩ cách mạng kiên trung, nhà lãnh đạo xuất sắc, trọn đời vì nước, vì dân".

Trang VnExpress dẫn lời ông Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (một thành viên của Tổ Tư vấn kinh tế), cho rằng tinh thần và thái độ của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất thẳng thắn, thân tình, luôn lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, người dân.

Trang Thanh Niên mở riêng chuyên mục E-magazine với chuỗi chuyên đề về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với những bài nổi bật như "Nhân cách lớn", "Một nhà lãnh đạo tài năng", "Suốt đời vì dân vì nước".

"Với 86 tuổi đời, 69 năm tuổi Đảng, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có những cống hiến to lớn, quan trọng cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Với tầm tư duy chiến lược, quyết tâm đổi mới, tác phong sâu sát, quyết đoán, luôn tìm tòi và trăn trở, qua nhiều trọng trách gánh vác, ông đã đóng góp xứng đáng vào quá trình hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối Đổi mới do Đảng ta lãnh đạo và khởi xướng."

Nhà báo Trương Huy San viết trên Facebook cá nhân: "Ông Võ Văn Kiệt trở thành ủy viên chính thức Bộ chính trị năm 1982 và được đưa ra Hà Nội làm Phó Chủ tịch HĐBT vì những dấu ấn mà ông tạo được ở Sài Gòn nhờ 'dám nghĩ, dám làm', dám 'xé rào', phá bỏ cơ chế quan liêu, bao cấp. Ông từng nói với bà Ba Thi, người được ông giao 'đi buôn', kiếm gạo cho người dân Thành phố: 'Đừng tham ô thôi, nếu làm thế này mà phải đi tù thì tôi đưa cơm'."

Điều này cho thấy, đến nay, sau khi ông Võ Văn Kiệt qua đời 14 năm, nhận định mang tính chủ đạo của Đảng và truyền thông trong nước về ông vẫn là một nhân vật lịch sử lớn, một nhà lãnh đạo tầm cỡ với nhiều công trạng. Đây cũng là điều thường thấy khi báo chí Việt Nam đánh giá về di sản của các lãnh đạo quá cố.

3) Thành tựu của ông Sáu Dân

Khi là thủ tướng, ông Võ Văn Kiệt cùng với Bộ Chính trị, Ban Chấp hành T.Ư đã chỉ đạo chính phủ thực hiện đường lối Đổi mới được đánh giá là hiệu quả. Dưới sự lãnh đạo được cho là "kiên quyết, táo bạo, trên tinh thần đổi mới toàn diện của chính phủ", Việt Nam đã có bước phát triển to lớn về kinh tế, xã hội có thể kể đến như việc bỏ dần kế hoạch hóa tập trung từ khi ông Kiệt ra làm phó thủ tướng. Ông Kiệt cũng là người mở ra một thời kỳ dân chủ hóa trong Đảng.

Ông Võ Văn Kiệt từng nói với BBC trong cuộc phỏng vấn năm 2007 rằng, dân chủ tại Việt Nam đã có những bước phát triển tốt, nếu tính tình hình đổi mới từ đầu vì người dân phê phán mạnh hơn các sai trái của các người cầm quyền.

Luật sư Trần Quốc Thuận trước đây từng chia sẻ với BBC rằng vào thời kỳ cả nước sôi sục đi bầu cử, hồ hởi đón làn gió Đổi mới cũng là lúc Quốc hội đã xảy ra sự kiện "vô tiền khoáng hậu".

Đó là cuộc cạnh tranh vào chiếc ghế Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tức Thủ tướng) hồi khóa 8.

"Lúc đầu thì chưa sôi nổi lắm, cuối cùng đoàn TP HCM tranh luận quyết liệt, vì nhân dân miền Nam rất quý trọng ông Võ Văn Kiệt. Rồi các ĐBQH khác cũng hưởng ứng. Cuối cùng là bỏ phiếu bình bầu. Dĩ nhiên ông Đỗ Mười thắng. Nhưng đó cũng là dấu hiệu tích cực - đúng thật là thời kỳ Đổi mới, không khí bùng lên," ông Trần Quốc Thuận nói với BBC News Tiếng Việt.

Báo Thanh Niên ghi lại những công trình trọng điểm của đất nước mang đậm "dấu ấn Võ Văn Kiệt" như: đường dây tải điện 500 KV Bắc - Nam; đường Hồ Chí Minh; đường Bắc Thăng Long - Nội Bài; công trình thủy điện Trị An; chương trình khai phá Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên; Nhà máy lọc dầu Dung Quất; xây dựng khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Trên lĩnh vực đối ngoại, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trực tiếp tham gia thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (1991); với Hoa Kỳ (1995); gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN (1995).

Ông Kiệt cũng là người có nhiều đóng góp thực sự cho hòa giải dân tộc. Ông nói với BBC năm 2007 rằng chính phủ không nên áp dụng "biện pháp hành chính đi đầu" với họ, trừ phi là " con người hoặc sự việc đó có nguy hại đối với đất nước, nhưng không được quy chụp người ta".

Theo lời một nhà báo giấu tên từ Sài Gòn nói với BBC, với sự cố vấn của ông Vũ Quốc Tuấn, ông Kiệt là người tiên phong trong việc sử dụng trí thức miền Nam trước 1975 như Nguyễn Xuân Oánh, Nguyễn Xuân Nghĩa, Lâm Võ Hoàng.

"Ông Võ Văn Kiệt được đánh giá là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn, có nhiều suy nghĩ và hành động đột phá. Ông là lãnh đạo cấp cao nhất Việt Nam từng phát biểu công khai về hòa giải, trong đó thừa nhận nỗi đau của những người ở bên thua cuộc. Việc ông sử dụng các trí thức miền Nam trước 1975, tận dụng tri thức và kinh nghiệm của họ, cho công cuộc xây dựng kinh tế thời hậu chiến cũng là một bước đi được đánh giá là táo bạo, xét trong bối cảnh lúc bấy giờ. Tuy nhiên, với những hạn chế của hệ thống, của tầm nhìn thời đại, ông Kiệt cũng đã không biến được những quyết định mang tính đột phá ấy thành một nền tảng vững chắc cho cải cách, cho những thay đổi dài lâu," người này nhận định.

Và có lẽ đúng như lời nhà thơ Nguyễn Duy nhìn nhận trong cuộc trao đổi với BBC News Tiếng Việt, những tiềm lực mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã cố công đánh thức đến nay vẫn còn "ngái ngủ".

https://www.bbc.com/vietnamese/world-63672642

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét