Thứ Ba, 22 tháng 11, 2022

Trung Quốc giải cứu BĐS bằng giải pháp chưa từng có

Trung Quốc giải cứu BĐS bằng giải pháp chưa từng có
Chính sách mới của 
Trung Quốc được xem là sự hỗ trợ mạnh mẽ chưa từng có đối với lĩnh vực BĐS đang gặp khó khăn của nước này. Tuy nhiên, giới quan sát tỏ ý nghi ngờ về tác dụng thực sự của các biện pháp giải cứu thị trường của chính phủ Trung Quốc.

1) Kế hoạch 16 điểm

Các nhà quản lý tài chính của Trung Quốc đã ban hành một kế hoạch 16 điểm chưa từng có để giải cứu thị trường bất động sản đang gặp khó khăn của đất nước.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Ủy ban Quản lý Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc đã cùng đưa ra kế hoạch vào tuần trước trong một lưu ý gửi các tổ chức tài chính nhằm hỗ trợ các công ty bất động sản.

Chính sách mới đang được xem là sự hỗ trợ mạnh mẽ nhất từ trước tới này cho lĩnh vực đang gặp khó khăn này, trong đó phải kể đến việc mở rộng các kênh tài chính cho doanh nghiệp bất động sản.

Các biện pháp nêu rõ rằng các quỹ dành cho “nhà ở được bảo đảm” phải đến từ các ngân hàng chính sách [bao gồm 3 ngân hàng: Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc và Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Trung Quốc], và các khoản gia hạn cho vay khác nhau đã được ban hành.

Kể từ hôm 11/11, các khoản vay phát triển và khoản vay ủy thác đáo hạn trong vòng sáu tháng tới được phép gia hạn thêm một năm, chính sách mới nêu rõ.

Chính sách mới cũng cung cấp hướng dẫn về tài trợ trái phiếu. Để mua lại trái phiếu, các công ty bất động sản có thể thương lượng với các trái chủ để tiến hành gia hạn một cách hợp lý, thay thế hay thực hiện các thỏa thuận khác nhằm chủ động giải quyết rủi ro.

2) ‘3 lằn ranh đỏ’

Do chính sách “Ba lằn ranh đỏ” của nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình trong những năm gần đây, thị trường bất động sản của Trung Quốc gần như đã sụp đổ.

Ông Tập đã đặt ra các hướng dẫn quy định vào tháng 08/2020 để hạn chế tỷ lệ nợ trên tiền mặt, trên vốn chủ sở hữu và tài sản nhằm tìm cách kiểm soát lĩnh vực phát triển bất động sản vốn đang mắc nợ cao.

Các công ty bất động sản như Evergrande tiếp tục gặp khủng hoảng thanh khoản, thứ đã lan sang các lĩnh vực khác.

Ngoài một số lượng lớn các tòa nhà chưa hoàn thành (được gọi là tòa nhà “đuôi thối”) và nguồn cung thế chấp bị cắt giảm, cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản ảnh hưởng trực tiếp đến tài chính của chính phủ địa phương vốn dựa vào việc bán đất làm nguồn thu nhập chính.

Do bất động sản chiếm hơn 25% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc nên khi lĩnh vực này gặp khủng hoảng, hệ thống ngân hàng cũng phải chịu áp lực. Các biện pháp “zero-COVID” của chính phủ cũng càng khiến nền kinh tế Trung Quốc phải gánh chịu áp lực to lớn.

Các biện pháp 16 điểm hiện cũng đã nới lỏng hai trong số ba “lằn ranh đỏ” của ông Tập đối với các ngân hàng.

Một “điều khoản miễn trừ” hiếm hoi cũng đã được đưa ra, trong đó nêu rõ, “Nếu khoản tài trợ đối ứng mới ban hành không được thiết kế tốt, và các tổ chức và cá nhân có liên quan đã thực hiện thẩm định, thì họ có thể được miễn trừ”.

3) Nhạt nhòa so với những khoản nợ khổng lồ

Tuy nhiên, theo dữ liệu công khai, ít nhất 292 tỷ USD các khoản vay trong nước và nước ngoài trong ngành bất động sản của Trung Quốc sẽ đến hạn tính tới thời điểm cuối năm 2023, bao gồm 53,7 tỷ USD trong năm nay và 72,3 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm sau. Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng chính sách giải cứu mới được đưa ra có thể không thể xoa dịu được cuộc khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc.

Theo dữ liệu chính thức mới nhất, vào tháng 9, giá nhà giảm mạnh nhất trong vòng 8 năm.

Citigroup ước tính rằng tỷ lệ nợ xấu có liên quan đến bất động sản của các ngân hàng đã tăng lên 30%. Để tránh gây ra khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản, các cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc đã đưa ra thông báo nhằm ủng hộ “sự phát triển ổn định và lành mạnh của thị trường bất động sản”. Một số nhà phân tích coi đây là dấu hiệu cho thấy ĐCSTQ đang cố gắng cứu vãn nền kinh tế sau khi kinh tế Trung Quốc bị vùi dập nặng nề bởi chính sách “zero-COVID” của chính phủ.

Bất chấp các biện pháp giải cứu sâu rộng, thị trường nhà ở mới trị giá 2,4 nghìn tỷ USD của Trung Quốc vẫn rất mong manh và các vụ vỡ nợ bất động sản đang tăng lên, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông.

4) Cuộc giải cứu kinh điển nhưng vô ích

Ông Qin Pen, nhà bình luận các vấn đề thời sự sống tại Mỹ, cho biết trong một bài viết hôm 15/11 rằng chính sách sâu rộng này là một cuộc giải cứu bất động sản “kinh điển”.

Ông nói rằng chính phủ Trung Quốc chỉ có thể cứu nền kinh tế Trung Quốc bằng cách cứu lĩnh vực bất động sản vì các ngành liên quan đến bất động sản chiếm hơn 25% GDP của Trung Quốc; và khi lĩnh vực này không hoạt động tốt, thuế bất động sản không thể thay thế thuế trực tiếp cho ngành và doanh thu bán đất của chính phủ.

“Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến tình trạng tiến thoái lưỡng nan về 'chính sách'", ông Qin nói. "Nếu các nỗ lực giải cứu quá mạnh mẽ, nó [kinh tế Trung Quốc] sẽ quay trở lại mô hình kinh tế bất động sản và nợ cao trước đây, điều này sẽ làm tăng rủi ro kinh tế. Nếu nỗ lực là quá ít, nó sẽ không thể thay đổi được tình trạng các chủ đầu tư BĐS tiếp tục ngừng hoạt động, ngành BĐS thiếu sức sống".

“Cá nhân tôi nghi ngờ về tác dụng của hoạt động giải cứu thị trường của chính phủ Trung Quốc. Đối với những người sở hữu nhiều bất động sản ở Trung Quốc, bây giờ là cơ hội tốt để bán chúng".

Về triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc, ông Qin nói sau đại hội đảng của ĐCSTQ, do Thủ tướng sắp mãn nhiệm Lý Khắc Cường đang lãnh đạo một “nội các tạm thời”, tất cả những gì ông ấy có thể làm là ổn định tình hình chung và tránh những vấn đề lớn trong nền kinh tế.

Do đó, từ nay đến các cuộc họp cấp cao nhất của ĐCSTQ vào tháng 3 năm sau, nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ không chứng kiến sự cải thiện đáng kể, ông nói.

nguồn: TRên mạng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét