Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2022

“Chúng tôi bất lực lắm” - tâm sự đau đớn của một bác sĩ

Đọc bài này thấy đất nước mình, nhất là ngành y tế, buồn quá. Ngành giáo dục của tôi cũng khổ và bất lực, nhưng cũng không khổ và bất lực bằng ngành y tế. Khổ vì thu nhập thấp, nhưng chưa đau đớn bằng bác sĩ bất lực vì không có phương tiện cứu bệnh nhân. Khổ vì thu nhập thấp, nhưng chưa đau đớn bằng thầy giáo bất lực nhìn học sinh không có tiền đi học và nhìn những học sinh có tiền đi học thì nhất định không chịu học. Có lẽ ở nước mình, chỉ có lãnh đạo đảng và nhà nước là lúc nào cũng thấy vui vẻ và hạnh phúc; nhìn họ đi lại hiên ngang hàng ngày trên tivi, đọc các báo cáo họ viết, nghe họ hùng hồn diễn thuyết là thấy rõ. Bệnh viện thiếu đủ thứ, nhưng tổng chi phí cho dịch vụ y tế của người dân không hề nhỏ. Theo số liệu do Ngân hàng Thế giới công bố, đầu tư cho y tế của Việt Nam chiếm 5,25% GDP năm 2019. Con số này cao hơn nhiều so với các nước Đông Nam Á, ví dụ Thái Lan 3,79%, Philippines 4,08%, Malaysia 3,86%, Indonesia 2,90%, Singapore 4,08%. Ngay cả Trung Quốc, đầu tư cho y tế cũng chỉ 5,35% GDP. Vậy số tiền dân chi trả đó chạy đi đâu ? Nhà nước tham lam làm nhiều đường, làm sân bay và rất nhiều dự án lớn... và thêm phát triển các doanh nghiệp nhà nước chuyên làm ăn thua lỗ nữa làm gì. Thiếu chúng dân đã chết đâu, nhưng thiếu máy xạ trị thì dân chết. Từ giữa những năm 1980, tôi hết sức phản đối nhà nước đầu tư quá nhiều cho cơ sở hạ tầng và quá ít cho con người, nhất là cho y tế và giáo dục. Các Mác viết cấu tạo hữu cơ C/V của tư bản cực kỳ quan trọng, tức là tỷ lệ đầu tư và trả công cho người lao động và cho vốn phải cân đối. Tư bản họ trả lương người lao động rất cao, còn cho vốn rất ít; tiền lương 1 tháng của họ có thể mua được 2-10 cái máy tính xách tay. Như thế mới tạo động lực cho người lao động sử dụng vốn (máy tính) một cách hiệu quả nhất. Còn chính sách của ta là trả tiền lương cho dân sống thoi thóp, trong khi có bao nhiêu tiền nhà nước dành hết cho đầu tư. Sống thoi thóp thì sử dụng vốn (máy tính) để làm gì ? Tại sao người ta thích đầu tư ? Vì tham nhũng từ tiền đầu tư là vô cùng dễ.
“Chúng tôi bất lực lắm” - lời tâm sự đau đớn của một bác sĩ
ĐÀO TUẤN - 24/11/2022 - Rất nhiều bệnh nhân ung thư đang chết nhanh hơn, chết sớm hơn... vì bệnh viện thiếu máy xạ trị. Còn máy xạ trị thì hoặc chạy hết công suất - đến mức như phá, hoặc đắp chiếu chờ... cơ chế.
Bệnh nhân K chỉ mong Nhà nước sớm đầu tư máy móc xạ trị, quan tâm tới sự sống của bệnh nhân ung thư. Ảnh: Thuỳ Linh

Viện K lúc 0h. Không khí như trực chiến. Đèn sáng như ban ngày. Các bác sĩ thay nhau trực 7/7, không có ngày nghỉ. Các kỹ thuật viên thậm chí không có cả giờ nghỉ khi máy móc đang phải chạy hết công suất 24/24h.

Khoảng 2.300 bệnh nhân ung thư ở Viện K cần phải xạ trị mỗi ngày, nhưng máy móc chạy hết tốc lực, hết công suất cũng chỉ điều trị được 1.000 ca/ngày

Vậy hơn 1.000 bệnh nhân nữa thì sao?

Họ phải chờ! Với những cơn đau đớn. Và tuyệt vọng. Bệnh nào cũng cần phải điều trị sớm, nhất là ung thư, việc sớm/muộn có thể gây ra những hậu quả cực kỳ nặng nề. Bởi phải chờ xạ trị đến 1 tháng, bệnh ung thư có thể nhảy từ giai đoạn 1 lên giai đoạn 2, giai đoạn 3 lên giai đoạn 4.

Và có lẽ, cả… sau giai đoạn 4 nữa.

Trong một bài viết trên Báo Lao Động, bác sĩ Võ Văn Xuân, Trưởng Khoa Xạ trị 5 bày tỏ cái cảm giác “như một sự tra tấn tinh thần” khi không cứu được bệnh nhân.

Và ông nói: Chúng tôi bất lực lắm!

Bất lực vì không cứu được bệnh nhân, chỉ vì thiếu vài cái máy.

Ở Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, có 7 máy xạ trị thì hỏng 3. Những chiếc lành lặn đang chạy tối đa công suất với 240-250 bệnh nhân/24h.

Thiếu máy móc, vật tư, thiết bị đang là một bệnh trọng trong cơn khủng hoảng của ngành y tế. Nhưng để thiếu cả máy móc xạ trị bệnh ung thư - một thứ được ví như “nguồn sống” của bệnh nhân - thì không thể chấp nhận được.

Giáo sư Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K nói cần 10 chiếc máy xạ trị nữa mới đủ để cứu sống bệnh nhân.

Mỗi chiếc như thế giá khoảng 130 tỉ đồng. 10 máy 1.300 tỉ. Bệnh viện K đang đứng trước nan đề: Nếu bỏ hết vốn liếng thì cũng chưa đủ mua 1 cái. Ngay cả khi mỗi năm mua được 1 cái, thì cái trước đã hỏng.

Giáo sư Quảng nói Viện K đang “cố”. Nhưng “không biết cố đến bao giờ” vì “chạy 24/24 thì không máy móc nào chịu nổi”

Viện K cũng đang có một máy xạ trị “đắp chiếu” mà không thể sửa chữa. Bởi theo quy định, cần phải có 3 báo giá. Nhưng chiếc máy “độc nhất” này thì chỉ có duy nhất 1 báo giá được hãng ủy quyền với giá tăng 20% so với năm trước. Bệnh viện không thể tự quyết được, phải xin ý kiến Bộ Y tế. Và giờ thì đang chờ câu trả lời.

Bệnh nhân tuyệt vọng chờ được cứu, bác sĩ thì bất lực vì thiếu máy, vì chờ máy, bệnh viện cũng khắc khoải chờ cơ chế. Chờ ai? Chờ đến bao giờ? Không ai trả lời cho họ cả.

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/chung-toi-bat-luc-lam-loi-tam-su-dau-don-cua-mot-bac-si-1120111.ldo

Hàng nghìn bệnh nhân ung thư bị ảnh hưởng sức khoẻ nghiêm trọng vì bệnh viện thiếu thiết bị

THÙY LINH- MINH HÀ - 22/11/2022 Hàng nghìn bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện K Trung ương đang phải chịu những ảnh hưởng về sức khỏe và tinh thần vì thiếu máy móc, thiết bị y tế. Tình cảnh này đã khiến các bác sĩ cũng phải bất lực.

Bác sĩ cao cấp Võ Văn Xuân động viên các bệnh nhân ung thư đang điều trị tại Khoa Xạ 5. Ảnh: Thùy Linh

Chúng tôi cảm thấy... bất lực

Trong những ngày qua, phóng viên Báo Lao Động đã liên tục ghi nhận được những khó khăn, vất vả của các bệnh nhân ung thư, hình ảnh những bệnh nhân đợi cả đêm chờ xạ trị khiến cho không ít bạn đọc đồng cảm, thương xót.

Trao đổi với chúng tôi, TS. Bác sĩ cao cấp Võ Văn Xuân - Trưởng khoa Xạ trị 5 - Bệnh viện K cơ sở Tân Triều - cho biết, đó là thực tế đã và đang diễn ra hàng ngày tại Bệnh viện K.

"Bệnh viện về đêm vẫn sáng đèn như ban ngày, các phòng máy làm việc hết công suất, có máy chạy 24/24 giờ, không nghỉ. Các y bác sĩ cũng thay nhau trực, không có ngày nghỉ, các kỹ thuật viên thậm chí còn không có giờ nghỉ. Thế nhưng, mọi nỗ lực của chúng tôi cũng không thể xuể nếu không sớm có máy móc" - bác sĩ Võ Văn Xuân nói.

Bác sĩ khám cho một bệnh nhân ung thư. Ảnh: Thùy Linh

Bản thân bác sĩ Xuân và các đồng nghiệp cũng đã nhiều lần cảm thấy bất lực trước tình trạng thiếu máy móc, không có trang thiết bị, phương tiện để điều trị cho bệnh nhân. Cảm giác không cứu được bệnh nhân, như là một sự tra tấn tinh thần đối với các thầy thuốc.

"Chúng tôi thấy bất lực lắm" - ông thốt lên.

"Không được điều trị kịp thời, trước hết là bệnh nhân sẽ rất đau đớn. Việc điều trị kéo dài thời gian chắc chắn cũng ảnh hưởng đến quá trình tiến triển của bệnh, phải chờ xạ trị đến 1 tháng, bệnh ung thư có thể nhảy từ giai đoạn 1 lên giai đoạn 2, giai đoạn 3 lên giai đoạn 4.

Đó là chuyện đương nhiên, không thể khác được. Vì vậy, vấn đề điều trị cho bệnh nhân ung thư, phải giải quyết càng sớm càng tốt" - bác sĩ Xuân cho hay.

Theo chuyên gia này, việc thiếu máy móc khiến các bệnh nhân ung thư bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề, luôn đặt câu hỏi liệu mình có được điều trị sớm hay không.

"Bệnh nhân có điều kiện, có thể điều trị bằng máy xạ trị liên doanh, giá dịch vụ cao hơn; dù là kỹ thuật điều trị, máy móc như nhau, nhưng các bệnh nhân nghèo thì lấy đâu ra tiền để được điều trị bằng máy đó, họ có được điều trị bằng máy do Nhà nước đầu tư để giảm chi phí hay không" - bác sĩ Xuân phân tích.

"Chúng tôi cần thêm 10 cái máy xạ trị mới đủ"

Xạ trị là một trong ba phương pháp điều trị ung thư chủ yếu hiện nay, gồm phẫu thuật, điều trị nội khoa (gồm hóa trị, điều trị thuốc đích, miễn dịch) và xạ trị.

Xạ trị là phương pháp kết hợp chặt chẽ với các phương pháp còn lại, gồm có hóa trị triệt căn, hóa xạ đồng thời tiền phẫu, hóa xạ đồng thời triệt căn, hoặc xạ trị điều trị triệu chứng. Để đáp ứng được các vấn đề điều trị như vậy thì cần phải có đủ máy móc - những loại máy móc rất đắt tiền.

"Với 5 khoa xạ trị, khoảng 2200- 2300 bệnh nhân ung thư cần phải điều trị hàng ngày, nếu 7 chiếc máy xạ trị này hoạt động tốt thì vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu điều trị. Vì vậy, bệnh viện đang cần rất nhiều máy xạ trị.

Các máy xạ trị do Nhà nước đầu tư đã 5-7 năm, sắp hết niên hạn và sắp không thể sử dụng nữa. Chúng tôi cần ít nhất 10 cái máy xạ trị mới đủ để điều trị cho bệnh nhân. Và nguồn vốn, chỉ có thể do Nhà nước đầu tư. Nếu Nhà nước không đầu tư thì thực sự không thể đáp ứng được điều trị" - bác sĩ Xuân nói.

TS. Bác sĩ cao cấp Võ Văn Xuân - Trưởng khoa Xạ trị 5 - Bệnh viện K. Ảnh: Thùy Linh

Hơn nữa, theo bác sĩ Võ Văn Xuân, vấn đề điều trị ung thư là một vấn đề xã hội. Bệnh đã nặng, hiểm nghèo, bệnh nhân cần phải chi tiêu ít tiền nhất, để làm sao họ trở về với cuộc sống tạm thời khống chế bệnh tật, ổn định sau điều trị.

Cứu bệnh nhân ung thư, là vấn đề cần được Nhà nước và cả xã hội quan tâm, chung tay, giúp đỡ.

Khoảng 2.300 bệnh nhân cần xạ trị mỗi ngày, nhưng thực tế máy móc chạy hết tốc lực cũng chỉ có thể điều trị gần 1.000 ca/ngày.

"Hơn 1.000 bệnh nhân nữa thì biết đi đâu? Họ phải chờ. Một số bệnh nhân thì đang lập kế hoạch điều trị, một số bệnh nhân chờ đánh giá lại nhưng hầu hết các bệnh nhân cần phải được điều trị ngay. Bệnh nhân nào cũng cần phải được điều trị sớm, vì họ là bệnh nhân ung thư" - bác sĩ Xuân nhấn mạnh.

Bệnh nhân ung thư chờ xạ trị tại Bệnh viện K. Ảnh: Minh Hà

Bệnh nhân nghèo là những đối tượng khổ nhất. Kinh tế đã khó khăn, lại phải điều trị dài ngày, phải thuê trọ trong những căn nhà trọ gần bệnh viện, chầu chực để đến ngày, đến giờ được xạ trị.

"Tất cả mọi khó khăn cứ bủa vây lấy chúng tôi mà chưa thấy chút ánh sáng nào. Đã nghèo khổ, nay còn khổ hơn" - bệnh nhân Phạm Thị C (ở Hải Dương) đã nói với phóng viên trong lúc ngồi chờ xạ trị ở hành lang bệnh viện.

https://laodong.vn/y-te/hang-nghin-benh-nhan-ung-thu-bi-anh-huong-suc-khoe-nghiem-trong-vi-benh-vien-thieu-thiet-bi-1119152.ldo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét