Thứ Tư, 23 tháng 11, 2022

Bắt ị nhưng cấm đái ?

Đọc bài này thấy hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp quá gay go. Trong 2 năm COVID, NHNN đã ban hành 3 thông tư về tái cơ cấu, giãn hoãn nợ cho doanh nghiệp giúp ngân hàng thương mại có thể tiếp tục cho vay và doanh nghiệp có vốn cho sản xuất kinh doanh, tức là nền kinh tế liên tục hoạt động trong tình trạng thiếu tiền và phải liên tiếp giãn và hoãn nợ. Tính chung cả ngành ngân hàng, dư nợ cho vay và tổng huy động gần như tương đương nhau, nghĩa là có bao nhiêu vốn huy động được ngân hàng đều đã cho vay gần hết; quá nguy hiểm. Tỷ lệ cho vay/huy động trong kinh tế thị trường bị kiểm soát bởi các tiêu chuẩn an toàn quốc tế Basel II, III ở mức 80% - 85%. Với mức cho vay lên tới 100% vốn huy động hiện nay thì rõ ràng cả hệ thống NHTM đã và đang vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn an toàn hệ thống, hoàn toàn có nguy cơ sụp đổ cả hệ thống ngân hàng nếu nền kinh tế nước ta vận hành theo đúng cơ chế thị trường. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp không thể duy trì hoạt động, không thể trả lại nợ cho ngân hàng, và thậm chí phải lấy cả nguồn tiền sản xuất kinh doanh và cả vốn vay ngân hàng để trả nợ trái phiếu. Hậu quả là cả doanh nghiệp và ngân hàng đều đang mất cân đối nghiêm trọng. Thực trạng bi đát như thế mà các nhà lãnh đạo vẫn liên tục tự hào "Chúng ta đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ đề ra", "tình hình KT-XH trong 9 tháng phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra"... Hoan hô ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đã thẳng thắn phát biểu ngay tại Diễn đàn Kinh tế 2023: "điều doanh nghiệp cần nhất thời điểm hiện tại chính là chính sách, cơ chế của nhà nước; một chính sách nhất quán không giật cục, siết chặt, không phải chính sách hôm nay đúng, mai sai, rồi ngày kia lại đúng". Tôi không hiểu cơ sở nào mà NHNN lại gửi công văn tới từng tổ chức tín dụng yêu cầu các tổ chức còn dư địa tín dụng phải tăng cường cho vay doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Thế có còn là cơ chế kinh tế thị trường không ? Các ngân hàng thương mại đang điêu đứng, sống dở chết dở, vốn huy động đã cho vay hết sạch, trong khi nợ xấu cao ngất ngưởng thì lấy tiền đâu ra cho vay ? Bây giờ lại bị NHNN buộc phải cho vay nhiều hơn nữa. Đã thế NHNN còn yêu cầu các ngân hàng thương mại cho vay "phải đảm bảo thanh khoản ổn định, an toàn hoạt động, kiểm soát chặt chẽ tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro". Điều này không khác gì bắt ị nhưng cấm đái thì làm sao các ngân hàng thương mại thực hiện được ?
NHNN yêu cầu các nhà băng tích cực cho vay sản xuất kinh doanh
'Ngân hàng Nhà nước nới trần tín dụng cũng không còn vốn để cho vay'
23-11-2022 - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các tổ chức tín dụng còn hạn mức cân đối nguồn vốn, tích cực giải ngân tín dụng vào sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Đây là yêu cầu của NHNN tại công văn gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc tăng trưởng tín dụng năm 2022.

Theo đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng còn hạn mức tăng trưởng tín dụng chủ động cân đối điều hòa nguồn vốn, tỷ lệ đảm bảo an toàn, tích cực giải ngân tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các lĩnh vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng phải đảm bảo thanh khoản ổn định, an toàn hoạt động ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Thời gian tới, NHNN sẽ căn cứ vào diễn biến tình hình của hệ thống và các tổ chức tín dụng để có giải pháp điều hành phù hợp theo đúng chủ trương của Chính phủ.

Năm 2022, NHNN đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%. Đến cuối tháng 8/2022, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt gần 10%. Trước việc nhiều ngân hàng thương mại cạn room (hạn mức tín dụng), đầu tháng 9/2022 NHNN đã tăng hạn mức tín dụng cho 15 ngân hàng thương mại với mức tăng 1-4%.

Việc điều chỉnh room tín dụng của ngân hàng dựa trên đơn đề nghị của các ngân hàng thương mại và căn cứ điểm xếp hạng của NHNN.

Việc thông báo và điều chỉnh tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động của các tổ chức này, đảm bảo góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ đồng thời khuyến khích các tổ chức tín dụng nâng cao khả năng quản trị kinh doanh, an toàn hoạt động, góp phần lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng.

NHNN cũng khẳng định, thời gian tới sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.

'Ngân hàng Nhà nước nới trần tín dụng cũng không còn vốn để cho vay'

Theo Việt Linh, Tiền phong
https://cafef.vn/yeu-cau-cac-nha-bang-tich-cuc-cho-vay-san-xuat-kinh-doanh-2022112313490424.chn


'Ngân hàng Nhà nước nới trần tín dụng cũng không còn vốn để cho vay'

17-11-2022 - 
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, hiện dư nợ tín dụng gần tương đương với tổng huy động, trong khi tăng trưởng huy động chưa bằng một nửa tăng trưởng tín dụng nên dù Ngân hàng Nhà nước có nới trần tín dụng thì các NHTM cũng không đủ vốn để cho vay ra.



Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế 2023 với chủ đề doanh nghiệp "vượt sóng", do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức chiều 17/11, ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết, trong hai năm vừa qua, Việt Nam đã chống chọi rất tốt với COVID-19, các doanh nghiệp tồn tại, củng cố và phát triển trong khi rất nhiều nền kinh tế lớn mạnh trên thế giới gặp khó khăn.

Tuy nhiên, ông Long nhấn mạnh, có thể bắt đầu từ quý IV/2022 và năm 2023, nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn thách thức hơn khi thị trường bất động sản, chứng khoản trong nước sụt giảm; đối mặt với suy thoái kinh tế thế giới và cuộc chiến tranh Nga - Ukraine.

Theo các chuyên gia, không chỉ các doanh nghiệp gặp khó khăn mà các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng đang và sẽ rất khó khăn để cấp vốn cho nền kinh tế.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, theo thông lệ ngân hàng chỉ là nơi cung cấp vốn lưu động, chủ yếu là vốn ngắn hạn cho nền kinh tế, doanh nghiệp muốn huy động vốn trung, dài hạn thì phải ra thị trường vốn. Nhưng hiện nay ngân hàng phải gánh cả vai của thị trường vốn, hậu quả là cả doanh nghiệp và ngân hàng đều đang mất cân đối nghiêm trọng khi xảy ra tình trạng trái phiếu chưa đến hạn đã phải trả trước hạn.

"Việc phải trả cả trái phiếu chưa đến hạn, buộc doanh nghiệp phải lấy cả nguồn tiền sản xuất kinh doanh, thậm chí cả vốn vay ngân hàng để trả nợ. Điều này cũng khiến doanh nghiệp nảy ra đề xuất ngân hàng tăng room để bổ sung vốn cho doanh nghiệp", ông Hùng nói.

Phân tích khó khăn mà các ngân hàng đang đối mặt, Tổng thư ký VNBA cho biết, trong 2 năm COVID, NHNN đã ban hành 3 thông tư về tái cơ cấu, giãn hoãn nợ cho doanh nghiệp giúp ngân hàng có thể tiếp tục cho vay và doanh nghiệp có vốn cho sản xuất kinh doanh. Nhưng NHNN không thể kéo dài mãi hoạt động giãn, hoãn nợ (Thông tư 14 kết thúc vào ngày 30/6/2022) vì ngân hàng cũng không thể có vốn nếu không thu hồi được nợ.

Thông điệp của NHNN rất rõ ràng, kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm 2022, có sự linh hoạt với diễn biến vĩ mô. Tuy nhiên, theo ông Hùng, đến nay dư nợ tín dụng là 11,8 triệu tỷ đồng, tăng hơn 11% so với đầu năm, trong khi tăng trưởng nguồn vốn chỉ 4,8% - như vậy NHNN có nới thêm room tín dụng thì ngân hàng thương mại cũng không có vốn để cho vay tiếp thêm.

Ngoài ra, ông Hùng cho biết hiện nay các ngân hàng đang rất khó khăn trong hệ số an toàn vốn, tính chung cả ngành, dư nợ cho vay và tổng huy động gần như tương đương nhau, nghĩa là có bao nhiêu vốn ngân hàng đã cho vay gần hết nên buộc phải ngân hàng phải tăng mạnh lãi suất để tăng huy động.

"Ngành ngân hàng đang cùng lúc phải đảm trách nhiệm vụ đảm bảo vốn cho nền kinh tế nhưng phải vừa cân đối các chỉ số vĩ mô là lạm phát và tỷ giá. Mặt bằng lãi suất huy động tăng cao đang kéo theo cho vay cao. Bản thân các tổ chức tín dụng dù đã tiết giảm chi phí hoạt động để lãi suất cho vay tăng chậm hơn lãi suất huy động nhưng NHTM cũng là doanh nghiệp nên không thể hy sinh mãi được", ông Hùng nói.

Cùng lúc, các ngân hàng đang phải đối mặt với nguy cơ nợ xấu tăng cao do một số doanh nghiệp không thể duy trì hoạt động, không thể trả lại nợ cho ngân hàng; trong số đó còn có những doanh nghiệp dùng tiền vay ngân hàng trả nợ trái phiếu trước hạn. "Nợ xấu thời gian tới có thể rất căng thẳng. Cùng với đó, hết 2023 Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu sẽ hết hiệu lực", ông Hùng nêu.

Đề xuất giải pháp, Tổng thư ký VNBA nhấn mạnh vai trò của đầu tư công. "Cần quyết liệt trong giải ngân đầu tư công. Hiện có gần 1 triệu tỷ đồng (tương đương với tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay) đang gửi tại ngân hàng mà không tiêu được. Để vậy có thể coi là lãng phí không trong khi các ngân hàng huy động vốn lãi suất cao? Ai chịu trách nhiệm? Làm sao khơi thông nguồn vốn này? phải quyết liệt, phải quy trách nhiệm", ông Hùng đặt vấn đề

Ngoài ra, hiện nay cả trung ương và địa phương đều có quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV với hơn 20 quỹ bảo lãnh tại các tỉnh, thành phố nhưng lại không hoạt động được. Theo đó, ông Hùng cho rằng, cần phải xem xét và khởi động lại hoạt động của các quỹ bảo lãnh, có bảo lãnh, các ngân hàng mói dám cho DNNVV vay.

Cuối cùng, Tổng thư ký VNBA cho rằng, điều doanh nghiệp cần nhất thời điểm hiện tại chính là chính sách, cơ chế của nhà nước; một chính sách nhất quán không giật cục, siết chặt, không phải chính sách hôm nay đúng, mai sai, rồi ngày kia lại đúng.

Ngân hàng đua nhau trưng biển lãi suất cao, mức quanh 9% đang dần trở thành "bình thường mới"

Theo N.THOAN, Nhà Đầu Tư
https://cafef.vn/ngan-hang-nha-nuoc-noi-tran-tin-dung-cung-khong-con-von-de-cho-vay-20221117212458009.chn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét