Thứ Năm, 17 tháng 11, 2022

Khan hiếm xăng dầu do thiếu hụt dự trữ ngoại hối?

Khan hiếm xăng dầu kéo dài bởi giá cao hay thiếu hụt dự trữ ngoại hối?
2022.11.15 
Đã hơn một tháng kể từ khi tình trạng khan hiếm xăng dầu diễn ra, ban đầu ở TPHCM, rồi đến Hà Nội, và bây giờ thêm một số tỉnh thành khác trên cả nước. Tình trạng này làm xáo trộn cuộc sống của nhiều người dân, việc sản xuất, vận chuyển đều bị ảnh hưởng. Một chuyên gia kinh tế nhận định, có thể Việt Nam đang lâm vào cảnh lượng dự trữ ngoại hối thiếu hụt, không đủ để nhập xăng về.
Một cây xăng đóng cửa hồi tháng 10/2022, Reuters

Dân khổ vì đổ xăng

Gần sáu giờ sáng, chị Phương Mai, hiện đang sinh sống tại TPHCM, phải dậy sớm để đem xe đi đổ xăng, mặc dù không có việc gì cần ra đường vào thời điểm đó.

Chị Mai kể do tình trạng khan hiếm xăng diễn ra đã gần một tháng nay trên toàn thành phố, mỗi lần đổ xăng là phải đợi dài cổ, do đó, tranh thủ trời còn sớm, mọi người chưa ra đường nhiều, chị mang xe đi đổ xăng để tránh phải chờ đợi lâu:

Bây giờ, để đỡ phải đợi lâu thì sáng sáu giờ tôi dậy đi đổ xăng, nhưng tôi cũng không phải là người duy nhất đi đổ xăng vào giờ đó. Dù không phải đợi cả tiếng đồng hồ nữa, nhưng bây giờ cũng phải đợi 15 phút cho tới nửa tiếng, mà họ không cho mình đổ nhiều đâu.”

Ông Minh Tâm, một viên chức đang sinh sống ở Hà Nội cho biết đến tối ngày 10/11, người dân vẫn xếp hàng rồng rắn tại các trạm xăng. Trong những ngày này, ông Tâm nói, mỗi lần chạy xe ra đường là vô cùng căng thẳng, lo sợ hết xăng giữa đường thì sẽ trễ việc.

Có lần, ông Tâm phải chạy lòng vòng tới cây xăng thứ ba mới đổ được xăng, nhưng cũng phải chờ mất nửa tiếng:

“Việc đổ xăng căng thẳng như thế này làm cho tôi cảm thấy rất lo lắng. Ngày hôm trước kim xăng xe của tôi chỉ còn một vạch. Tôi chạy xe trong tình trạng rất lo lắng. Cây xăng đầu tiên tôi đến thông báo hết xăng, cây xăng thứ hai thì quá đông. Tôi qua cây xăng thứ ba thì mới đổ được, nhưng cũng phải đợi khoảng 30 phút.”

Đến ngày 11/11, thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công thương phải giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ, đảm bảo minh bạch, hiệu quả.

Cũng trong chiều ngày 11/11, giá xăng bán lẻ đã được điểu chỉnh tăng lên kỳ thứ tư liên tiếp. Cụ thể, giá xăng RON92 tăng 838 đồng/lít, có giá bán lẻ là 22.711 đồng/lít; giá xăng RON95 tăng 1.111 đồng/lít, có mức giá bán mới là 23.867 đồng/lít.

Dù đã được Thủ tướng chỉ đạo và giá xăng tăng trở lại, thế nhưng, sau ngày này, nhiều tờ báo trong nước phản ánh tình trạng thiếu xăng vẫn tiếp diễn. Ông Tâm và bà Mai cập nhật với RFA rằng hiện nay, dù không phải vất vả chờ đợi quá lâu, nhưng mỗi khi đổ xăng vẫn phải xếp hàng chờ khoảng 15 đến 30 phút.

Người dân xếp hàng mua xăng. HÌnh do độc giả gửi

Do Việt Nam thiếu dự trữ ngoại hối?

Bộ Công Thương hôm 15/11 có báo cáo về tình hình xăng dầu trong nước thời gian qua. Theo bộ này, từ khi diễn ra cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine, thị trường xăng dầu thế giới có diễn biến phức tạp, nguồn cung khan hiếm, giá liên tục tăng, giảm khó lường.

Một nguyên do khác được bộ này cho rằng do những biến động bất thường của thị trường thế giới, gây khủng hoảng về nguồn cung xăng dầu trên toàn thế giới.

Tiến sỹ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, từ Na Uy, nhận định rằng nếu do khủng hoảng về nguồn cung trên toàn thế giới thì không chỉ Việt Nam, các nước khác cũng sẽ gặp tình trạng tượng tự. Tuy nhiên, ông không ghi nhận sự khan hiếm xăng dầu xảy ra ở phần đông các quốc gia Châu Á khác.

Phân tích về “khủng hoảng” thiếu xăng dầu trong thời gian qua ở Việt Nam, tiến sỹ Nguyễn Huy Vũ nói còn có một số ý kiến cho rằng nguyên nhân là chế độ chiết khấu cho những đại lý bán lẻ xăng thiếu hấp dẫn khiến cho các đại lý không bán xăng. Nếu mà chế độ chiết khấu thiếu hấp dẫn thì chính quyền quốc gia dễ dàng thay đổi chính sách một cách nhanh chóng để nới lỏng chính sách chiết khấu.

Điều đó sẽ diễn ra ngay sau khi các đại lý xăng ở Sài Gòn treo biển hết xăng chứ không đợi tình trạng này lan ra Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác:

“Theo quan điểm của tôi, câu trả lời cho tình trạng hiện nay chỉ có thể là do dự trữ ngoại hối của chính quyền đã suy kiệt và không còn đủ tiền để có thể nhập xăng dầu.

Chính vì lượng dự trữ ngoại tệ cạn kiệt, lại đang bị áp lực trả nợ các khoản vay vốn nước ngoài cho nên chính quyền không còn đủ tiền để nhập khẩu xăng dầu.”

Biểu đồ dự trữ ngoại hối Việt Nam 9 tháng đầu năm 2022. Ảnh: Wichart

Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết mức dự trữ ngoại hối thấp nhất của một quốc gia để tránh lâm vào khủng hoảng là từ ba tháng nhập khẩu.

Theo số liệu từ chuyên gia này cung cấp cho RFA thì lượng dự trữ ngoại hối của Việt Nam vào cuối tháng 9/2022 là khoảng 87 tỷ USD, hiện tại là cuối tháng 10, con số dự trữ có thể còn ít hơn.

Nhập khẩu trong 10 tháng đầu năm 2022 được ghi nhận là 303 tỷ USD, tương đương với ba tháng nhập khẩu là khoảng 90 tỷ USD.

So với lượng dự trữ ngoại hối của Việt Nam cuối tháng 9 chỉ có 87 tỷ USD, theo đánh giá của tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, thì dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện nay là mỏng.

Tuy nhiên, tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu lại cho rằng vẫn chưa đủ cơ sở thể hiện Việt Nam không đủ ngoại tệ để nhập xăng dầu. Chênh lệch giữa nhập khẩu và xuất khẩu trong chín tháng đầu năm thì Việt Nam vẫn dư 1,14 tỷ USD.

Theo vị tiến sỹ này, tình trạng thiếu xăng dầu trong thời gian qua tất nhiên là có liên quan đến vấn đề giá xăng trên thế giới tăng cao nên Việt Nam sẽ phải hạn chế mua xăng dầu:

“Thành ra khi giá cả tăng lên như thế thì Việt Nam cũng phải hạn chế việc nhập khẩu các loại hàng hóa, trong đó có xăng dầu.

Với việc sức tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam rất lớn thì việc khan hiếm xăng dầu chắc chắn cũng do mình khan hiếm tiền để mình thanh toán. Thế nhưng nói rằng vì mình không đủ ngoại tệ để trả cho nhập khẩu xăng dầu thì không đúng, có thể nó chỉ là biện pháp hạn chế thì đúng.”

Cũng theo Bộ Công Thương, dự báo thời gian tới, nguồn cung xăng dầu sẽ còn tiếp tục khó khăn. Do đó, bộ này chưa trả lời được câu hỏi khi nào thì Việt Nam mới hết khát xăng.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/shortage-of-gasoline-due-to-high-prices-or-shortage-of-foreign-reserves-11152022132641.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét