Về thị trường giáo dục
FB Thái Hạo - Có bạn thắc mắc là tại sao lương giáo viên thấp thế mà "con em dân mình vẫn bỏ ra vài trăm triệu để xin đi dạy". Gần như chỉ là một cuộc chuẩn bị, chuẩn bị cho cái chết. Nhiều, rất nhiều người chưa từng SỐNG một ngày trên cõi đời này. Chúng ta thử lý giải xem. Trước hết cần đính chính một chút, là "mua", không phải "xin", vì xin thì không thể mất tiền được, chỉ mất lời nói thôi.Còn tại sao họ lại sẵn sàng mua với giá đắt đỏ như vậy thì chúng ta phải nhìn vào thị trường. Giá trị của một món hàng hóa (ở đây là công việc) tùy thuộc một phần vào độ khan hiếm của nó. Càng hiếm thì càng quý, càng quý thì càng đắt. Riêng ở khía cạnh này thì chúng ta thấy nền kinh tế của VN đã đạt chuẩn kinh tế thị trường rồi, vận động khách quan theo đúng luật cung - cầu.
Tuy nhiên, mặt hàng này lại bị phân phối độc quyền, không có cạnh tranh trong kinh doanh, kiểu "không mua thì biến, thắc mắc thì lên sao hỏa mà mua". Khi đã độc quyền thì cũng giống như điện, xăng vậy thôi, tự định giá, tự lên sàn và ngồi thu tiền. Riêng chỗ này thì lại chưa đạt chuẩn kinh tế thị trường, đó là chỗ cần tiếp tục hoàn thiện. Đó là chưa kể nạn đầu cơ, nhà phân phối ém hàng lại, rồi đưa ra nhỏ giọt để gây sốt và tăng giá.
Học sư phạm ra trường mà không đi dạy thì đi...đâu! Nên dù đắt cũng phải mua, đâm lao thì phải theo lao, chẳng lẽ vô xí nghiệp giày da hay về lội ruộng chăn vịt. Đã ráng được tới đây thì ráng nốt, "không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời, rồi biết đâu con cháu chúng mày về sau..." (lời bà cụ tứ trong Vợ nhặt của Kim Lân).
Lý do quan trọng nữa là, người Việt vốn mê danh. Mấy cái từ như "Người nhà nước", "giáo viên", "thầy, cô" nó kích thích lắm. Truyền thống học làm quan không những đã kéo dài cả gần ngàn năm mà còn gần như là truyền thống duy nhất của việc học. Nó tai hại chỗ đó. Sướng khổ gì cũng cam nhưng đừng cho thiên hạ cười, sống cho người khác xem, có gì thì đóng cửa bảo nhau... Một lối tư duy thảm hại, hủ hóa từ bên trong, nô lệ từ cốt tủy. Mà một khi đã bỏ ra cả một gia tài để mua món hàng quý thì ai mà dám lơ là, im lặng là vàng, nói ra nhỡ lại tai bay vạ gió, của nả đi tong. Thế là cái đội ngũ giáo viên ấy không ai bảo ai, cứ im như thóc mà sống thôi, ai chết mặc ai, sai quấy không bận đến tâm thanh tỉnh, như như bất động. Thế là, các "nhà phân phối" lại càng có được một cái chợ lý tưởng, chặt chém, hăm dọa, trù dập, sa thải như chốn không người...
"Ổn định" là 2 chữ thuộc "thần chú" của người Việt. Chúng ta không phải là một dân tộc dám phiêu lưu. Ngàn năm không ra khỏi làng thì máu phiêu lưu ở đâu mà có được! Cuộc sống của người Việt phải gọi đúng tên là "cuộc chuẩn bị sống". Học phổ thông để chuẩn bị cho đại học, học đại học để chuẩn bị cho "xin việc", xin việc để chuẩn bị cho kết hôn, kết hôn để chuẩn bị cho "yên bề gia thất...". Ăn không dám ăn, mặc không dám mặc, dành tiền để chữa bệnh và "dưỡng già". Người Việt mua hòm (quan tài) từ khi còn khỏe mạnh, chưa dùng tới thì đựng lúa đựng khoai, cũng đâu có phí đi đâu mà sợ.
Cuộc sống, nếu nhìn sâu thì gần như chỉ là một cuộc chuẩn bị, chuẩn bị cho cái chết. Nhiều, rất nhiều người chưa từng SỐNG một ngày trên cõi đời này.
Còn nữa, mà lap hỏng, gõ bằng điện thoại thấy mỏi quá...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét