Nhớ cụ Việt Phương
Fb nhà báo Đức Hoàng
“Ta nhất quyết đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy SĩHình như đấy là niềm tin, ý chí và tự hào
Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mĩ
Sự thơ ngây đẹp tuyệt vời và ngờ nghệch làm sao” - thơ Việt Phương.
Những người yêu thơ thì không nói làm gì, nhưng cả những người không yêu thơ, có lẽ cũng không lạ lẫm với “trăng Trung Quốc” và “đồng hồ Liên Xô”, hai khái niệm thường trực trên nhiều câu chuyện về thời “Cửa mở”.
Việt Phương là người làm cách mạng từ trẻ nhưng chưa bao giờ thuộc tầng lớp lãnh đạo cách mạng. Cụ không tự coi mình là một tín đồ Phật giáo, nhưng tư tưởng lại đượm tính Phật. Cụ bảo, đời cụ đã gặp nhiều người Phật, nhất là ở những người nghèo.
Trong khoảng 2013, 2014, cứ đôi tháng tôi lại qua gặp cụ một lần để trò chuyện. Cứ mỗi lần cụ mở cửa, tôi cất tiếng “Cháu chào ông ạ”, thì cụ lại đùa “Không, cháu này chào ông mới phải chứ”. Thế rồi, những câu chuyện vu vơ, không có tuổi tác, không có thế hệ, không có quá khứ, và cũng chẳng màng tới tương lai cứ thế mà gặm nhấm hết cả 3 tiếng buổi sáng. Đôi lúc, cụ bà lại ngó sang mắng cụ ông quên uống thuốc, là già rồi, nói lẩm cẩm.
Có những lần cụ hỏi về những việc tôi đang làm, rồi bảo tôi gặp người này người kia. Sau mấy bận, tôi và một cậu bạn cũng đã đến gặp một vị nhiều học hàm, chức tước, là Phó Chủ tịch, Tổng thư ký một Hội rất lớn. Câu đầu tiên mà vị kia hỏi là “thế các cậu có bao nhiêu tiền?”. Chúng tôi lặng người, không nói năng gì nữa và tự nhủ đó là lần cuối đến toà nhà đó, gặp những con người đó. Về sau biết chuyện, cụ buồn lắm, rồi nhất quyết gửi gắm tôi cho người này người nọ. Tôi gạt đi không chịu, cụ cũng nhất định phải lấy điện thoại ra gọi cho bằng được. Cuối cùng, tôi nói với người bên kia rằng “Vâng, cháu sẽ tới gặp chú”, rồi chưa bao giờ tôi tới cả. Không phải là tôi chủ đích nói dối để cho xong chuyện, mà tôi tin, thực tin ở câu thơ của cụ: “Đi cho cuối đất cùng trời/ Đến nơi người thật là người với nhau”.
Có một lần tôi đi công tác và đem về tặng cụ một chiếc chiêng nhỏ. Thế là trong đôi mắt của ông cụ ngoài tám mươi ấy lại rực lên những khí thế của tuổi đôi mươi, của những năm tháng giữa Tây Nguyên đại ngàn. Sau một hồi hàn huyên, tôi hỏi cụ, rằng cụ có nhớ Tây Nguyên không, có tiếc điều gì ở Tây Nguyên không?
Cụ trầm ngâm một hồi rồi bảo “Người con gái của núi rừng, họ thắm nồng lắm, thật thà lắm… hồi còn trẻ là mình có một mối tình với một cô nàng Tây Nguyên, chưa là gì với nhau cả nhưng khi tập kết ra Bắc, cô ấy đưa cho hai chiếc vòng tay bằng đồng để làm tín vật”. Chẳng chờ tôi tò mò hỏi thêm, cụ đã nói luôn “Nhưng mà hành quân thế nào ra tới nơi thì bị lạc mất rồi… Có mất đi thì mình mới biết trân trọng, và nhất là biết trân trọng hiện tại”. Nói đoạn, tay cụ chỉ sang bức ảnh của cụ bà hồi trẻ, rồi lại chỉ vào trong bếp, nơi cụ bà đang rán đậu.
Cụ ăn chay từ nhỏ, ăn chay một cách tự nhiên, không theo một tôn giáo, tín ngưỡng nào cả. Đơn thuần, đó chỉ là thói quen. Một chập cụ nằm điều trị trong viện Hữu nghị, tôi có ghe qua, đúng lúc chuyển cụ sang một toà nhà khác. Sau khi xong xuôi, cụ ghé tai tôi và chỉ vào cặp lồng cơm bảo “Đức ăn đùi gà đi, ngon lắm đấy”. Tôi hỏi lại: “Nhưng ông đã ăn bao giờ đâu mà ông biết ngon ạ?”. Thế là, cụ lại đọc thơ mình “Không có gì làm thành tất cả/ Tất cả đầy những không có gì”. Sợ cụ đang mệt mà lại tâm tư nhiều, tôi đành xin phép rời đi, không kịp ăn cái đùi gà….
Khi tôi tỏ ý sẽ rời Việt Nam một thời gian, cụ có gửi mấy chữ như trong hình, và dặn thêm: “Ông Sáu Dân (Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) từng nói rằng có 5 nhóm người cần phải quan tâm, Đức xem xem mình ở nhóm nào, mình giúp được nhóm nào nhé.”
Tôi về tìm kiếm thêm, thì ra được năm nhóm người mà Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói tới, đó là:
- Những người nghèo khổ, thiệt thòi, đau thương nhất.
- Những người đứng đầu sóng, ngọn gió, trong chiến tranh là người lính và người chỉ huy ngoài mặt trận, trong hoà bình là người lao động và doanh nhân ở những trọng điểm.
- Những người giàu sáng kiến và thành tựu, làm giàu, làm mạnh, làm đẹp cho đất nước.
- Những người trí thức giàu tâm huyết và tài năng, truyền bá kiến thức, kỹ năng và làm ra kiến thức, kỹ năng.
- Những người tưởng chừng khó đi cùng dân tộc, nhưng thực tế lại rất gắn bó, trung thành và hết lòng dâng hiến.
Đến giờ, tôi cũng chẳng biết mình thuộc nhóm nào trong năm nhóm kể trên, và cũng chẳng biết mình có giúp được nhóm nào trong năm nhóm đó hay không. Thế nhưng, có một điều mà tôi thực tin “Bàn tay nắm lấy bàn tay/ Nâng niu cuộc sống mỗi ngày người ơi”.
Mấy dòng hoài niệm, nhân 4 năm cụ đã “Đến nơi người thật là người với nhau”.
Xin cảm ơn cụ vì mọi điều.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét