Thứ Sáu, 21 tháng 5, 2021

Bầu cử VN: Bỏ phiếu là quyền hay nghĩa vụ của cử tri ?

Đọc bài này để hiểu thêm về pháp luật chứ tôi không khuyên mọi người không đi bầu Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp ngày chủ nhật tới. Một số đoạn trong bài này hay. Quyền là thứ mà một người có thể sử dụng hoặc không; còn nghĩa vụ là điều mà công dân phải thực hiện, không thực hiện là vi phạm pháp luật. Chẳng hạn, Hiến pháp 2013 quy định công dân có quyền biểu tình, có quyền lập hội, thì nghĩa là anh muốn thì có thể đi biểu tình, muốn thì có thể lập hội. Trong khi cũng theo hiến pháp, nộp thuế là nghĩa vụ, mà đã là nghĩa vụ thì bắt buộc phải thực hiện, trốn thuế thì đi tù... Về logic, nếu đi bầu cử là quyền thì nó không thể là nghĩa vụ hay trách nhiệm của công dân. Ngược lại nếu nó là nghĩa vụ, trách nhiệm thì không thể nào còn là quyền nữa. Hiến pháp quy định bầu cử là quyền của công dân. Nguyên tắc của bầu cử là tự nguyện, trực tiếp, không bị ép buộc, bỏ phiếu kín. Và luật cũng không có bất kỳ chế tài nào đối với người dân nếu người dân không đi bầu cử. Một khi bầu cử là quyền thì người dân có quyền sử dụng hoặc không sử dụng, tức là có quyền đi hoặc không đi bầu cử. Bản chất của bầu cử là thể hiện sự tín nhiệm của cử tri ra bên ngoài bằng phiếu bầu. Nếu cử tri tín nhiệm và mong muốn ai trúng cử thì tự khắc cử tri sẽ đi bầu. Việc cử tri không đi bầu cũng là một hình thức thể hiện sự không tín nhiệm của cử tri đối với các ứng viên trong danh sách bầu cử. Chính quyền và nhân dân phải tôn trọng quyết định này của cử tri...
Bầu cử VN: Thực chất bỏ phiếu là quyền hay nghĩa vụ?
Bùi Thư 20 tháng 5 2021 - 
Cử tri Việt Nam luôn được tuyên truyền rằng bầu cử là nghĩa vụ của công dân. Hiến pháp 2013 nêu rõ bầu cử là quyền của công dân, nhưng chính quyền Việt Nam trong những ngày này đang ráo riết tuyên truyền rằng bầu cử là quyền và nghĩa vụ công dân.

"Bầu cử là quyền và nghĩa vụ của công dân."
"Bầu cử là quyền và nghĩa vụ của cử tri."
"Bầu cử vừa là quyền, vừa là trách nhiệm của cử tri."
Những khẩu hiệu trên đang được lặp lại với tần suất ngày một dồn dập trên truyền thông Việt Nam, trong bối cảnh ngày bầu cử 23/5 đang đến gần. Có thể thấy, các khẩu hiệu trên đều nhấn mạnh hai yếu tố "quyền" và "nghĩa vụ" song hành.
Vậy thực ra bầu cử là quyền hay nghĩa vụ? Thông điệp của chính quyền Việt Nam có thể đứng vững trước các quy định của chính Việt Nam hay không?

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc Công ty luật Thế Giới Luật Pháp tại TP HCM cho rằng, trên thực tế thì người dân Việt Nam đang được tuyên truyền bầu cử là quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của người dân. Và không ít các trường hợp người dân bị "vận động" đi bầu:

"Tổ trưởng tổ dân phố, cảnh sát khu vực gọi điện, đến gõ cửa từng nhà để thúc giục cử tri đi bầu nếu không đi thì sẽ bị liệt vào "danh sách đen" của địa phương, sau này khi cần xác nhận giấy tờ gì sẽ bị làm khó.

"Nguyên nhân của hiện tượng này, theo tôi, là xuất phát từ bệnh thành tích của các tổ bầu cử, đơn vị bầu cử. Và nhìn ở một góc độ nào đó, có thể nói là 'ép' người dân thực hiện quyền của mình," ông Sơn nói.

Chính quyền VN tuyên truyền gì?

Điều 27 Hiến pháp 2013 nêu rõ: "Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định."

Điều 2 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015 quy định: "Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của Luật này."

Tuy nhiên, cách dẫn giải của chính quyền rằng đi bỏ phiếu vừa là "quyền" vừa là "nghĩa vụ" dường như vượt ra khỏi khuôn khổ các câu chữ trong luật. Điều này được thể hiện bằng hàng loạt bài báo, khẩu hiệu, văn bản của chính quyền.


Tài liệu tuyên truyền bầu cử nhấn mạnh "trách nhiệm công dân" trên trang Cờ đỏ TP HCM, website được cho là của lực lượng dư luận viên

Báo Quân đội Nhân dân ngày 14/4 viết: "Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của cử tri."

Tờ này trích dẫn Điều 15 Hiến pháp 2013 với nội dung "Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân" để củng cố lập luận "bầu cử là nghĩa vụ của cử tri".

Đây cũng chính là lập luận chủ chốt mà chính quyền Việt Nam đưa ra trong những ngày qua, từ những tờ báo lớn tới các cổng thông tin điện tử cấp phường, xã, huyện, tỉnh và các bộ, ngành, rồi cả các trang của đội ngũ dư luận viên nữa.

Báo Tuyên Quang ngày 30/3 viết: "Quyền bầu cử là quyền chính trị cơ bản của công dân được Hiến pháp và pháp luật quy định nhằm bảo đảm cho mọi công dân có đủ điều kiện thực hiện việc lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực nhà nước. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân."


Tài liệu tuyên truyền bầu cử trên cổng thông tin điện tử huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình

Báo Vietnamplus diễn giải thêm một ý nữa: "Nói bầu cử là nghĩa vụ bởi nếu công dân (cử tri) không đi bầu cử thì không thể thành lập các cơ quan lập pháp, hành pháp như luật định. Đó là: nếu không bầu cử thì không có đại biểu Quốc hội và từ đó không thể thực hiện việc bầu các chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ,..."

"Điều này cũng có nghĩa rằng công dân không thực hiện nghĩa vụ bầu cử thì đã xâm phạm đến quyền ứng cử của công dân khác bởi các ứng cử viên đó không có ai bầu thì không thể trở thành các đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp," tờ này kết luận.

Truyền thông nhà nước cũng mạnh mẽ tố cáo "các thế lực thù địch đã xuyên tạc" rằng bầu cử chỉ là quyền, không phải nghĩa vụ, nên công dân Việt Nam có thể đi bầu hoặc không đi bầu.

Theo luật thì sao?

Các quy định thành văn - từ văn bản cao nhất là hiến pháp tới các luật và quy định dưới luật - đều minh định bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử là quyền, không phải là nghĩa vụ. Thực tiễn cũng cho thấy chưa ai bị xử lý theo các căn cứ pháp luật đối với hành vi không thực hiện quyền bầu cử.

"Về logic, nếu đi bầu cử là quyền thì nó không thể là nghĩa vụ hay trách nhiệm của công dân. Ngược lại nếu nó là nghĩa vụ, trách nhiệm thì không thể nào còn là quyền nữa. Nên không thể căn cứ vào Điều 15 của Hiến pháp, rằng 'quyền không tách rời nghĩa vụ của công dân', để cho rằng đi bầu cử vừa là quyền vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm của người dân được," luật sư Phùng Thanh Sơn diễn giải.

Theo luật sư Sơn, "với Điều 15 của Hiến pháp, phải hiểu rằng công dân không thể chỉ biết sử dụng quyền của mình không thôi mà còn phải thực hiện các nghĩa vụ khác nữa, như đóng thuế, bảo vệ môi trường, tuân thủ quy định pháp luật."

"Về mặt pháp luật thực định cũng vậy, Hiến pháp quy định bầu cử là quyền của công dân, như Điều 27 nêu. Và luật cũng không có bất kỳ chế tài nào đối với người dân nếu người dân không đi bầu cử," luật sư phân tích.

"Một khi nó là quyền thì người dân có quyền sử dụng hoặc không sử dụng, tức là có quyền đi hoặc không đi bầu cử," ông nói.


Hình ảnh cổ động bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân khóa 15 trên đường phố Hà Nội

Ở đây, có thể thấy chính quyền có hai lập luận: Thứ nhất, một công dân có quyền bầu cử thì đồng thời cũng phải có nghĩa vụ bầu cử, vì theo họ, quyền không tách rời nghĩa vụ như Điều 15 Hiến pháp nêu. Thứ hai, hành vi không đi bầu của người này sẽ xâm phạm tới quyền ứng cử của người khác, vì người này không bầu thì người kia ứng cử cho ai, không bầu thì làm sao thành lập được các cơ quan nhà nước.

"Hai lập luận này rất buồn cười và không đứng vững," một nhà báo giấu tên phụ trách mảng nội chính ở TP HCM chia sẻ với BBC News Tiếng Việt.

"Ta lấy chính Hiến pháp 2013 ra để xem xét. Hiến pháp có quy định rất rõ về quyền và nghĩa vụ. Ví dụ Điều 36 nêu 'Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn', nghĩa là nam và nữ đến tuổi theo luật định thì có thể thực hiện quyền kết hôn, ly hôn đúng pháp luật. Nếu nói rằng anh có quyền kết hôn thì đồng thời anh có nghĩa vụ kết hôn, tức là bắt buộc anh phải kết hôn thì rất phi lý.

"Thêm nữa, nếu nói rằng việc anh không chịu kết hôn là xâm phạm quyền kết hôn của người khác, tức khiến người khác không biết kết hôn với ai, thì lại thêm một điều phi lý nữa. Như vậy, chỉ cần xét riêng câu chữ của Hiến pháp 2013 là đã thấy lập luận của nhà nước phi logic rồi."

"Quyền là thứ mà một người có thể sử dụng hoặc không; còn nghĩa vụ là điều mà công dân phải thực hiện, không thực hiện là vi phạm pháp luật. Chẳng hạn, Hiến pháp 2013 quy định công dân có quyền biểu tình, nghĩa là anh muốn thì có thể đi biểu tình. Trong khi cũng theo hiến pháp, nộp thuế là nghĩa vụ, mà đã là nghĩa vụ thì bắt buộc phải thực hiện," nhà báo này phân tích.


Trang School of Activism (một sáng kiến phi lợi nhuận về xã hội) minh họa chuyện của Tí (một công dân đủ tuổi đi bầu) để chia sẻ thông điệp bầu cử là quyền chứ không phải nghĩa vụ

Phân tích sâu hơn, luật sư Phùng Thanh Sơn cho rằng các nhà lập pháp không thể quy định bầu cử là nghĩa vụ của công dân và chế tài khi công dân vi phạm nghĩa vụ đó. Bởi lẽ, nguyên tắc của bầu cử là tự nguyện, trực tiếp, không bị ép buộc, bỏ phiếu kín. Bản chất của bầu cử là thể hiện sự tín nhiệm của cử tri ra bên ngoài bằng phiếu bầu. Nếu cử tri tín nhiệm và mong muốn ai trúng cử thì tự khắc cử tri sẽ đi bầu.

"Việc cử tri không đi bầu cũng là một hình thức thể hiện sự không tín nhiệm của cử tri đối với các ứng viên trong danh sách bầu cử. Chúng ta cần phải tôn trọng quyết định này của cử tri," luật sư Phùng Thanh Sơn phân tích.

Còn nhà báo nói trên cho rằng: "Dù lập luận rất cưỡng ép và ngô nghê, nhưng với bộ máy tuyên truyền khổng lồ, chính quyền chắc chắn sẽ đạt được mục đích, đó là gieo vào đầu người dân ý niệm rằng họ phải đi bầu."

Những điều bị cho là 'bất cập' khác

Một số quy định khác về bầu cử cũng được các nhà phân tích đánh giá là chưa hợp lý. Chẳng hạn, theo Thông tư số 01/2021/TT-BNV của Bộ Nội vụ ngày 11/01/2021 hướng dẫn nghiệp vụ công tác bầu cử, việc phiếu bầu mà gạch hết tên của tất cả ứng cử viên là không hợp lệ.

"Theo tôi, quy định như vậy là không hợp lý, bởi suy cho cùng việc gạch tên tất cả các ứng viên cũng là thể hiện đúng ý chí của cử tri là không tín nhiệm đối với tất cả các ứng viên đó," luật sư Sơn nhấn mạnh.

Ông bổ sung: "Chúng ta không thể ép buộc cử tri phải tín nhiệm và bầu cho ít nhất một ứng viên trong danh sách bầu cử. Phiếu bầu mà gạch tên tất cả các ứng viên thì vẫn phải xem là phiếu hợp lệ. Có như vậy mới có thể đo lường chính xác tỷ lệ tín nhiệm của cử tri đối với các ứng viên."


Trang School of Activism gửi gắm thông điệp bầu cử là tự nguyện và nên đi bầu khi các ứng cử viên chất lượng, thuyết phục

Thông tư 01/2021/TT-BNV cũng không quy định dùng loại bút gì để gạch tên các ứng viên không tín nhiệm. Trên thực tế, cử tri có thể dùng bút chì, bút sáp để gạch và điều này đã xảy ra tại không ít điểm bầu cử trước đây, dấy lên nghi ngờ rằng các lá phiếu sau đó sẽ được tẩy xóa, chỉnh sửa.

"Theo tôi, để tránh ai đó có thể thay đổi nội dung phiếu bầu, luật cũng nên quy định rõ không được phép dùng bút chì hoặc loại bút bi vốn có thể dễ tẩy xóa để gạch tên ứng viên," luật sư Phùng Thanh Sơn nói.

Về lâu dài, theo ông Sơn, để người dân có thể giám sát trực tiếp việc bầu cử, có thể thấy sự thay đổi tỷ lệ tín nhiệm của cử tri đối với ứng viên ngay tức thì, nên ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bầu cử.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-57155070

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét