Kiệt sức vì Covid-19, doanh nghiệp vận tải vẫn phải gánh thêm nhiều chi phí
Lê Anh, 19/5/2021 (KTSG Online) - Các doanh nghiệp ngành vận tải đường bộ đang trải qua thời kỳ khó khăn nhất khi dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát. Nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu chết lâm sàng khi xe phải nằm bãi thời gian dài, doanh thu không có, lái xe phải nghỉ việc, bán xe cũng không có người mua, nguy cơ phá sản rất lớn. Thế nhưng, các chi phí đầu vào đang bủa vây doanh nghiệp trong thời kỳ khó khăn này.Xe khách đỗ trong bến xe miền Đông, TPHCM - Ảnh: Anh Quân
Bán xe không ai muaCó lẽ chưa khi nào doanh nghiệp vận tải hành khách lại rơi vào tình trạng khó khăn như hiện nay khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Dường như sức chịu đựng của doanh nghiệp đã cạn dần, rất nhiều doanh nghiệp giờ đây cho xe nằm bãi, lái xe cũng nghỉ không lương.
Ông Phùng Quang Hưng, Giám đốc Công ty dịch vụ thương Mại Đức Huy ở Bình Dương, cho biết, hơn một năm nay lượng xe của công ty chỉ còn vài chiếc hoạt động trong tổng số 30 chiếc vì không có khách. Lái xe cũng phải nghỉ việc không lương luân phiên.
“Tình hình rất gay go, lượng khách đi lại rất ít, thu không đủ bù chi đi chứ đừng nói là bù lỗ cho những tháng dịch bệnh. Cứ đà này chúng tôi phải bán xe và nguy cơ giải thể công ty rất lớn”, ông Hưng than thở.
Về phía các hiệp hội, ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, cho biết tình thế của nhiều doanh nghiệp vận tải tại Hà Nội rất rất khó khăn khi doanh thu sụt giảm do dịch Covid-19, một số doanh nghiệp bán xe để trả nợ ngân hàng nhưng với tình hình người dân hạn chế đi lại, có bán cũng không ai mua.
Số liệu thống kê từ Hiệp hội Vận tải ô tô các tỉnh thành phố cho thấy, hiện hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vận tải ô tô và bến xe đều gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Đối với vận tải hành khách giảm khoảng 30-40%; vận tải hàng hóa giảm khoảng 20-30%.
Kinh doanh bết bát, chi phí đầu vào bủa vây doanh nghiệp
Dù doanh thu bị sụt giảm nghiêm trọng nhưng doanh nghiệp vẫn phải gánh nhiều chi phí đầu vào như chi phí chống dịch; chi phí lắp camera giám sát; chi phí đổi biển số sang màu vàng; chi phí BOT tăng; phí hạ tầng cảng biển (thu tại TPHCM từ 1-7-2021)…
Trong số các chi phí này thì chi phí lắp camera trên xe khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu nhất vì chi phí lắp đặt khá cao, nếu không lắp thì từ 1-7 sẽ bị phạt 5-6 triệu đồng (cá nhân) và phạt từ 10-12 triệu đồng (đối với tổ chức).
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA), nhẩm tính chi phí lắp đặt camera khoảng 10 triệu đồng/xe, doanh nghiệp có 100 xe chi phí đã lên đến cả tỉ đồng. Ngoài ra, hàng tháng doanh nghiệp phải mất từ 100.000-200.000 đồng/xe để trả phí 4G cho việc duy trì đường truyền.
Thống kê từ Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho thấy, với 200.000 xe phải lắp đặt camera trên toàn quốc thì chi phí khoảng 8.000 - 9.000 tỉ đồng là số tiền rất lớn và quá sức với doanh nghiệp trong tình hình hiện nay.
Một chi phí khác mà doanh nghiệp sắp phải đóng từ 1-7 là phí hạ tầng cảng biển được thu tại TPHCM với mức thu thấp nhất là 15.000 đồng/tấn (đối với hàng lỏng, hàng rời) và cao nhất là 4,4 triệu đồng/container đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan.
Trước tình hình kinh doanh bết bát do dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp mong muốn cơ quan nhà nước có các chính sách hỗ trợ hoặc tạm dừng thu một số khoản.
Mới đây, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khiến nghị lùi thời hạn lắp camera trên xe ô tô; còn Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) kiến lùi thời gian thu phí hạ tầng cảng biển đến ít nhất là cuối năm 2021. Tuy nhiên, các kiến nghị này không được chấp thuận hoặc chưa được xem xét.
Ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng trong bối cảnh dịch Covid-19, nhiều ngành được hỗ trợ kịp thời thì ngành vận tải hầu như chưa có một chính sách hỗ trợ riêng, trong khi lại phải chịu thêm nhiều chi phí sẽ khiến doanh nghiệp lao đao.
“Những điều kiện kinh doanh hay các loại phí có nhất thiết phải áp dụng ngay trong thời điểm này hay không, khi doanh nghiệp đang thoi thóp. Nhà nước nên chọn một thời điểm thích hợp áp dụng các chính sách để hài hoà lợi ích của người dân và doanh nghiệp vận tải”, ông Liên đề xuất.
------------
(TBKTSG) - Nhiều doanh nghiệp vận tải đường bộ tại TPHCM đang lao đao vì thiếu nguồn hàng, tình hình kinh doanh sụt giảm, trong khi đó, lại bị các loại phí bủa vây...
Hơn một tháng qua, bà Phước, Giám đốc một doanh nghiệp vận tải ở TPHCM, rao bán hơn 20 xe container nhưng chẳng có khách nào hỏi mua. Trao đổi với TBKTSG, bà nói với giọng buồn bã: “Trước đây, tôi bán một xe container giá khoảng 1 tỉ đồng, nay giảm chỉ còn 500 triệu đồng mà cũng không có người mua. Mấy chục xe đậu hoài ở bãi, tôi chịu sắp hết nổi rồi...”.
Hiện tại, đội xe của doanh nghiệp bà Phước một tháng chỉ chạy 15-20 ngày, những ngày còn lại nằm phơi mưa, phơi nắng ở bãi do không có hàng. Những ngày xe nằm bãi đồng nghĩa doanh nghiệp không có doanh thu. Trong khi đó, phí đường bộ vẫn phải đóng hàng tháng, hàng năm, rồi phí cầu đường BOT cứ ra đường là phải đóng, cộng với giá xăng dầu lên cao từ đầu năm đến nay đã khiến cho doanh nghiệp bà Phước hết sức lao đao.
Bà Phước cho biết kể từ khi siết tải trọng xe, nhiều chủ hàng đã tự sắm xe để chở hàng và không thuê xe bên ngoài nữa. Hơn nữa, trong vài năm qua, số lượng xe container chở hàng tăng nhiều khiến nguồn hàng bị chia sẻ. Rồi khi không có hàng, doanh nghiệp buộc phải cho tài xế nghỉ việc và bán xe để cắt lỗ. “Kinh doanh vận tải giờ xuống thê thảm, doanh nghiệp phải xoay xở, được đến đâu hay đến đó”, bà Phước nói.
Mà không chỉ doanh nghiệp bà Phước, nhiều doanh nghiệp vận tải ở TPHCM cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Nhận điện thoại của người viết bài này, ông Đỗ Xuân Phú, Giám đốc Công ty Vận tải Minh Liên, nói trong nỗi buồn rầu: “Tình hình giờ căng lắm, hàng hóa không có để chở, giá cước xuống thấp do cạnh tranh. Dù lỗ mà vẫn phải làm, vì không làm thì không có tiền trả nợ ngân hàng”.
Ông Phú cho biết doanh nghiệp của ông đã phải cắt giảm số lượng xe, cắt giảm nhân sự và vẫn lao đao trong
vòng xoáy các loại phí, trong đó, nặng nhất vẫn là phí bảo trì đường bộ và phí qua các trạm BOT. Ông cho biết bình thường, mỗi xe container hoạt động bình quân chỉ 9 tháng/năm, tức 275 ngày; 90 ngày còn lại, xe phải nghỉ do nhiều nguyên nhân như nghỉ lễ, Tết, thứ Bảy, Chủ nhật, nghỉ để bảo trì, bảo dưỡng hoặc đem xe “đi xét”... Nay còn thêm những ngày ngưng hoạt động do tình hình kinh doanh khó khăn. Xe không lăn bánh nhưng vẫn phải đóng phí bảo trì đường bộ. Đã vậy, khi xe hết thời hạn đăng kiểm, tạm dừng hoạt động thì khi đi đăng kiểm lại cũng bị truy thu phí bảo trì đường bộ trong thời gian xe không lăn bánh.
Hiện tại, một xe container (cả đầu kéo) phải đóng phí bảo trì đường bộ tổng cộng là 17,16 triệu đồng/năm, trong khi phần lớn doanh nghiệp vận tải có chỉ ở quy mô nhỏ và vừa, vốn lưu động không nhiều, việc đầu tư xe chủ yếu là bằng vốn vay ngân hàng. Theo ông Phú, việc đóng phí bảo trì đường bộ như trên là quá sức đối với nhiều doanh nghiệp.
Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, cũng xác nhận tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp thành viên hiệp hội về việc thiếu nguồn hàng; giá cước giảm mạnh do cạnh tranh trong khi vẫn phải “gánh” các loại phí bảo trì đường bộ, phí BOT, phí thuê bãi đậu... Các loại phí này đang là gánh nặng khiến doanh nghiệp thua lỗ, phải bán rẻ xe.
Theo tính toán của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, ngoài các loại phí cố định, giờ đây phí cầu đường BOT thậm chí còn cao hơn cả phí nhiên liệu cho quãng đường vận chuyển vì các trạm thu phí dày đặc. Ví dụ khi chở hàng từ các cảng ở quận 7, TPHCM đi Vũng Tàu, chi phí nhiên liệu cho chuyến hàng chỉ khoảng 750.000 đồng cho 60 lít dầu thì phí cầu đường cho cả lượt đi và về là 800.000 đồng. Hay quãng đường từ các cảng ở quận 7 xuống Biên Hòa - Đồng Nai, tiền phí qua các trạm BOT lên tới 560.000 đồng (cả đi và về), trong khi chi phí nhiên liệu chỉ hết 437.000 đồng cho 35 lít dầu. Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM cho rằng điều này là nghịch lý, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp.
Trước thực trạng khó khăn này, ông Phú của doanh nghiệp Minh Liên kiến nghị Nhà nước nên giảm phí bảo trì đường bộ đối với xe container, đồng thời, cho phép các xe không lăn bánh vì nhiều lý do (nghĩa là doanh nghiệp tạm thời không có nhu cầu sử dụng xe) thì không bị truy thu phí bảo trì đường bộ trong thời gian xe tạm dừng hoạt động. “Doanh nghiệp vận tải giờ đã yếu mà vẫn bắt gánh nhiều loại phí thì e rằng khó khỏe mạnh được”, ông Phú than phiền.
https://www.thesaigontimes.vn/td/316461/kiet-suc-vi-covid-19-doanh-nghiep-van-tai-van-phai-ganh-them-nhieu-chi-phi.html
https://www.thesaigontimes.vn/265247/Doanh-nghiep-van-tai-trong-vong-xoay-phi.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét