Thứ Bảy, 17 tháng 4, 2021

Tiếng trống chùa xứ quê xưa

TS Trần Hữu Hiệp (tác giả bài viết dưới đây) là bạn FB và Blog của tôi từ nhiều năm dù tôi chưa bao giờ gặp anh ngoài đời. Tôi quen TS Hiệp trên mạng đã gần chục năm, khi TS còn là Vụ trưởng vụ kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (tình cờ thật, đã có thời tôi là Phó vụ trưởng phụ trách Tây Nam Bộ của Vụ Tổng hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Tôi khâm phục TS Hiệp vì những bài viết rất hay của anh về nhiều lĩnh vực, nhất là về kinh tế, văn hóa, xã hội và du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều cuốn sách của anh rất bổ ích và lý thú với cách hành văn rất khoa học và chuẩn xác nhưng cũng rất nên thơ, như "Phát triển kinh tế vùng ĐBSCL – Thực trạng và giải pháp", NXB CTQG, 2012; "Chuyện đồng bằng", NXB Lao Động, 2012; "Suy ngẫm từ đất phù sa", NXB Thông Tấn, 2013; "Tái cơ cấu nông nghiệp – Góc nhìn từ vựa lúa quốc gia", NXB. Thông Tấn, 2014; "Liên kết “4 nhà” – Giải pháp cơ bản góp phần xây dựng nông thôn mới ở đồng bằng sông Cửu Long", NXB. Văn hóa – Thông tin, năm 2011; "Khoa học – Công nghệ trong phát triển nông nghiệp bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long", NXB. Chính trị Quốc gia – Sự thật, năm 2013; "Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long – Những vấn đề lý luận và thực tiễn", NXB ĐH QG TP HCN, năm 2014; "Giải pháp khai thác tiềm năng kinh tế – xã hội các tỉnh đồng bằng song Cửu Long theo hướng bền vững, NXB ĐH Cần Thơ, năm 2013". TS Hiệp sinh ra và lớn lên tại huyện Thới Lai, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ. Dưới đây là một bài viết ngắn của TS về quê hương mình. Chỉ bằng vài trăm chữ về "tiếng trống chùa xứ quê xưa", nhưng TS đã cho mở ra chúng ta thấy toàn cảnh một vùng quê miền Tây sông nước bình dị và hạnh phúc trong mỗi "Chiều về bồng bềnh trên dòng sông Ô Môn quê tôi...", cho thấy vùng quê đó đã và đang tiếp tục đổi thay, phát triển hàng ngày như thế nào, nhưng dù vật đổi sao dời thế nào thì cái âm thanh nhà quê từ mái chùa xưa vẫn nằm trong trái tim, trí óc mỗi người dân trong suốt cuộc đời. Cá nhân tôi rất mê cảnh làng quê nông thôn; đi bất cứ nước nào trên thế giới tôi cũng đều dành thời gian đi bộ lang thang ở một số làng quê để ngắm phong cảnh và hít thở không khí trong lành. Tiếc rằng nông thôn vây quanh Hà Nội đã trở nên bán đô thị, và tệ hơn, đã bị ô nhiễm trầm trọng bởi các làng nghề, nên mỗi lần muốn hưởng cảnh làng quê xưa, tôi đều phải đi xa hơn, lên tận Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu hay Cao Bằng, Hà Giang. Tôi mong ước sẽ sớm có dịp được trở lại thăm và lang thang đâu đó trong vùng miềnTây Nam Bộ xinh đẹp và dịu dàng của TS Hiệp. Tôi đã xa nó gần 20 năm rồi. Nhớ lắm.
Tiếng trống chùa xứ quê xưa
Trần Hữu Hiệp - 11/10/2014 "Chiều về bồng bềnh trên dòng sông Ô Môn quê tôi...". Nhạc sĩ Triều Dâng đã giới thiệu về nơi tôi sinh ra, lớn lên và đi học cả quãng đời niên thiếu. Một xứ quê miền Tây thời chiến tranh, trải qua những khó khăn, thiếu thốn thời bao cấp. Nơi đó, ba má, anh chị em tôi - những người dân quê vẫn sống cuộc đời bình dị...
Có thể là hình ảnh về 1 người và áo khoác ngoài
Xóm tôi nằm ở ngã ba sông. Bên này sông là 2 cái nhà thờ Công giáo và đạo Tin Lành. Bên kia sông là ngôi chùa Khmer, còn cạnh nhà tôi là một ngôi chùa Phật. Nghe ông tôi kể, ngôi chùa cổ này đã có từ thời cố tôi còn nhỏ. Nhiều thiết chế tôn giáo quần cư trong một xóm nhỏ, kể cũng lạ. Có lẽ người dân xứ tôi từ xưa đã mở lòng tiếp nhận đủ thứ đạo, miễn là cái đạo đó khuyên con người làm điều tốt, việc thiện.

Âm thanh quen thuộc đi vào ký ức tuổi thơ tôi là tiếng trống chùa tùng tùng vang lên điểm lúc sang canh giữa đêm khuya, thỉnh thoảng hòa với tiếng chuông nhà thờ ngân nga. Thời trước, dân xứ tôi không nhà nào có cái đồng hồ xem giờ. Tiếng trống chùa chính là đồng hồ báo thức của cả xóm để thức dậy nấu cơm khuya đi ruộng. Bọn trẻ chúng tôi, thì lấy đó làm giờ báo thức để dậy học bài. Má tôi bảo, học trò phải dậy sớm học bài khi bụng còn đói, học như ăn cơm, nuốt chữ mới mau thuộc, nhớ dai.

Kinh nghiệm học bài của người không biết chữ như má tôi vậy mà hiệu nghiệm. Anh em tôi ai cũng học giỏi. Tiếc vì nhà nghèo, đông anh em mà các chị tôi đều phải bỏ học nửa chừng để các em trai được học hành đàng hoàng, ra trường huyện, lên trường tỉnh, rồi đi Sài Gòn, để sau này có những năm tháng du học xứ người. Song, tôi vẫn không quên những buổi học bài sớm nhờ tiếng trống chùa điểm canh khuya.

Đường về quê tôi giờ đã khác xưa. Xóm nghèo nay là xã nông thôn mới. Mái chùa cổ kính và cái nhà thờ ngày trước, nay được nhiều phật tử và họ đạo trùng tu khang trang hơn nhiều. Ngã ba sông xưa giờ vẫn con nước lớn, ròng mỗi bữa. Nhưng trẻ con ngày nay, thì nhiều đứa có máy di động đời mới, có định giờ nhắc lịch hẹn, chẳng còn đứa nào phải nhờ tiếng trống chùa điểm canh, nên chắc cũng không còn trẻ con dậy sớm học bài. Ông từ giữ chùa, đánh trống làm công quả ngày xưa cũng đã mất, không biết giờ còn ai đánh trống điểm canh như trước hay không?

Dù vật đổi sao dời, nhưng cái âm thanh nhà quê từ mái chùa xưa vẫn theo tôi suốt quãng đường dài.

https://danviet.vn/tieng-trong-chua-xu-que-xua-7777490485.htm?fbclid=IwAR14VCCv2aRitKMfW6NpbK1q8GzphNkUpV-m0P4A9_X7rhYTCDOr_4PqjNY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét