“Số tiền phán quyết một phần đó thì Chính phủ Việt Nam đã trả . Tôi xin nhấn mạnh là Chính phủ Việt Nam đã trả rồi”
Ông Bình cho biết số tiền mà toà đưa ra trong phán quyết chỉ là một phần trong số tổng số tiền thiệt hại mà ông đòi Chính phủ Việt Nam.
“Vào năm 2015, tôi có đưa vụ kiện này lên Toà án Quốc tế với số tiền đòi bồi thường là trên 1 tỷ 250 triệu đô la nhưng mà khi phán quyết thì chỉ tuyên có một phần thôi. Ngoài ra, còn một phần lớn nằm ngoài bản án đã tuyên ngày 10/4/2019”
Ông Bình giải thích thêm về phần còn lại trong tổng số 1,25 tỷ đô la mà ông đòi bồi thường:
“Là vì phần tài sản lúc đó mà chúng tôi đòi bồi thường lên đến 1 tỷ 250 triệu đô la hoặc là hơn nhưng khi phán quyết thì toà án quốc tế chỉ phán quyết một phần trong đó thôi, còn nhiều phần tôi nghĩ là sau một thời gian. Bây giờ tôi chưa được tiết lộ. Khoảng thời gian sau khi mà chúng tôi bắt đầu xúc tiến những vụ đòi bồi thường tiếp thì chúng tôi sẽ công bố.”
Đây là vụ kiện thứ hai của ông Trịnh Vĩnh Bình đối với Chính phủ Việt Nam sau vụ kiện vào năm 2003 khi ông Bình đòi phía Việt Nam đền bù trên 150 triệu đô la. Vụ kiện đầu sau đó đạt được thoả thuận ngoài toà mà theo đó phía Việt Nam sẽ trả tiền bồi thường cho ông Bình để đổi lại việc ông Bình rút đơn kiện. Tuy nhiên, ông Bình cho biết ông đã không nhận được tiền theo cam kết và Chính phủ Việt Nam cũng không thực hiện lời hứa trả lại cho ông các tài sản của ông còn lại ở Việt Nam.
Nhà triệu phú Trịnh Vĩnh Bình, người nổi tiếng ở Hà Lan vì đã bán sỉ chả giò cho các siêu thị, từng đem 3 triệu đô la Mỹ về đầu tư ở Việt Nam vào cuối năm 1987. Tuy nhiên vào năm 1998, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bắt ông với cáo buộc hối lộ và vi phạm các quy định về quản lý – bảo vệ đất đai. Ông bị giam 18 tháng 20 ngày và một năm sáu tháng quản chế. Năm 1999, ông bị tuyên án tù 11 năm và bị tịch thu toàn bộ tài sản.
Ông Bình cho biết hiện ông vẫn còn một số tài sản ở Việt Nam nhưng không nói cụ thể những tài sản đó là gì và trị giá bao nhiêu. Ông ước tính số tiền thiệt hại mà ông phải chịu do những vi phạm của Chính phủ Việt Nam tính theo thời giá hiện tại lên đến 2,5 tỷ đô la.
Ông Bình cho biết ông vẫn tiếp tục đòi Chính phủ Việt Nam trả lại cho ông những tài sản đã bị nhà nước tịch thu nhưng không có kết quả:
“Tôi có liên hệ với chính phủ Việt Nam để tiếp tục việc đòi lại tài sản. Có lần chính phủ Việt Nam có liên hệ với tôi để đặt điều kiện, nhưng sau đó lại im lìm. Tôi có nhận văn bản mới nhất là họ từ chối.”
“Phần mà họ đền bù không đủ, đền bù chỉ một phần thì tôi tiếp tục đòi vì đây là những tài sản mà tôi đã đầu tư nhiều năm ở Việt Nam.”
Khi được hỏi về khả năng ông sẽ quay lại Việt Nam đầu tư trong tương lai, ông Bình cho biết:
“Thực ra, Việt Nam ngày càng mở cửa về phương diện luật pháp. Nhưng khi có đụng chạm thì trên thực tế các cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam không thực hiện đúng như quy định của luật pháp. Đây là một vấn đề nhức nhối.”
Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Việt Nam Mai Tiến Dũng từng nói với báo chí trong nước sau khi có tin vụ kiện của ông Bình ra Toà Trọng tài Quốc tế vào năm 2017 rằng: “Quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng là tạo môi trường kinh doanh rất bình đẳng cho các doanh nghiệp nước ngoài vào trong nước. Hiện nay tòa án quốc tế đang xem xét, với việc tranh chấp, vi phạm điều luật. Như các báo đều biết, vì vấn đề bảo hộ đầu tư nên một địa phương, một cơ quan nào vi phạm hoặc không thực hiện đúng cam kết, không thực hiện đúng điều luật thì nhà đầu tư nước ngoài đều kiện Chính phủ”
Ông Bình cho biết ông vẫn không tin tưởng vào môi trường đầu tư tại Việt Nam và đây là cản trở đối với ông khi đưa ra quyết định đầu tư ở Việt Nam.
“Một khi hành lang pháp lý ở Việt Nam chưa ổn thì tôi không nghĩ và cũng không muốn trở lại đầu tư ở Việt Nam” - Ông Bình nói.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-pays-millions-dollars-to-spring-roll-king-04232021113249.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét